Để có được hạnh phúc (Lm Dom Nhựt Thiện)

ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC

Quý Ông Bà Anh Chị Em thân mến!

Mỗi một ngày mới, Đức Kitô đều mạc khải cho chúng ta biết thánh ý của Thiên Chúa ngang qua Lời của Ngài. Ước mong mỗi người chúng ta biết mở lòng, biết đón nhận, biết gẫm suy và biết đem Lời ấy ra thực hành. Hầu nhờ đó, cuộc đời của chúng ta sẽ ngày càng trở nên hạnh phúc hơn.

Giờ đây, mời gọi mỗi người chúng ta hãy đụng chạm, hãy cảm nhận và hãy nắm lấy hạnh phúc của ngày hôm nay ngang qua đoạn Tin Mừng được công bố dưới đây.

Tin Mừng: Lc 11, 27-28

Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa.

ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là mục đích của đời sống con người. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh, mỗi người sẽ có những cách thức để đạt được hạnh phúc rất khác nhau. Trong bài suy gẫm hôm nay, chúng ta hãy nhìn về hai cách thức mà con người thường làm để tìm kiếm hạnh phúc. Để rồi từ đó, chúng ta tự đưa ra cho mình một sự lựa chọn.

1. Cách thứ nhất: bám víu vào những điều chóng qua

Một số người thường đi tìm hạnh phúc bằng lối sống ảo. Họ làm những clip giật gân rồi tung lên mạng để câu like. Càng có nhiều like, thì họ càng cảm thấy hạnh phúc. Một số người khác thì chạy tìm hạnh phúc bằng cách tích lũy thật nhiều tiền bạc, nhiều tài khoản ở trong ngân hàng, nhiều biệt thự, nhiều xe hơi… Hoặc có người thì đi tìm hạnh phúc bằng cách cố gắng kiếm cho bằng được một danh vọng, một chỗ đứng ở trong xã hội… Người khác nữa thì đi tìm những khoái lạc, và họ cho rằng: khi được hưởng thụ khoái lạc, thì bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho chúng ta thấy: với những thứ vừa kể trên, nếu có, thì chúng cũng chỉ mang đến cho con người những cảm giác hạnh phúc nhất thời. Bởi lẽ, Sách Giảng Viên có nói: tất cả chỉ là phù vân. Vì là phù vân, nên chúng đến rồi sẽ đi, hợp rồi sẽ tan. Chưa kể, khi con người lìa bỏ cõi đời này, thì những thứ tạm bợ ấy cũng không thể giúp con người có được hạnh phúc ở đời sau.

Hiểu được điều này, mời gọi mỗi người chúng ta: đừng mải mê đi tìm, đừng mải mê bám víu vào những điều chóng qua ấy; nhưng ngược lại, hãy biết đi tìm và bám víu vào một điều gì khác vĩnh cửu hơn. Điều vĩnh cửu đó là gì? Câu trả lời nằm ở cách thức thứ hai.

2. Cách thức thứ hai: bám víu vào Chúa

Với đức tin, chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu. Vì là Đấng vĩnh cửu, nên chỉ có Ngài mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ mai một. Chính vì thế, người Kitô hữu chúng ta, nếu muốn có được hạnh phúc lâu bền, thì lẽ đương nhiên là chúng ta phải bám chặt vào Chúa.

Tới đây, có một vấn đề được đặt ra: đâu là cách thức để giúp chúng ta bám vào Chúa? Bài Tin Mừng hôm nay đã gợi lên một phương thế, đó là hãy biết lắng nghe Lời Chúa và thi hành thánh ý của Ngài.

Là Kitô hữu, chúng ta đã nghe Lời Chúa rất nhiều. Thế nhưng, tại sao chúng ta vẫn chưa có được hạnh phúc như lòng mình mong muốn? Nguyên nhân là bởi chúng ta đã nghe nhưng không chịu hành động, đã học nhưng không chịu thực hành. Mọi thứ nơi chúng ta lúc nào cũng lấp lửng và thiếu hụt. Chính sự lấp lửng và thiếu hụt đó đã khiến cho chúng ta chưa thể đạt được hạnh phúc thật sự. Như vậy, để tránh tình trạng trên, đòi buộc mỗi người chúng ta hãy tích cực đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống thực tế của mình.

Lời Chúa muốn chúng ta làm gì? Nhiều lắm! Tuy nhiên, nếu phải tóm tắt ngắn gọn, thì chúng ta chỉ cần ghi nhớ và thi hành một chữ duy nhất, đó chính là chữ “yêu”: yêu Chúa và yêu đời ngang qua việc biết yêu tha nhân. Hễ ai lắng nghe và sống triệt để chữ “yêu” ấy, thì người đó sẽ luôn gắn bó với Chúa. Và nhờ thế, họ tìm được hạnh phúc thật sự của mình. Câu chuyện sau đây là một minh chứng.

3. Ông Francis và người cùi (sưu tầm)

Ông Francis là một người thuộc dòng dõi quý tộc. Ông có đầy đủ mọi thứ mà một người bình thường nằm mơ cũng chưa thấy được: sự tôn trọng, địa vị, quyền lực và tiền bạc. Thế nhưng, ông thú nhận rằng: ông chưa bao giờ thật sự cảm thấy hạnh phúc. Lý do? Dường như nơi cuộc đời của ông vẫn còn thiếu một điều gì đó không rõ ràng. Ông không biết điều còn thiếu ấy là gì, nhưng chỉ biết chắc là ông vẫn còn đang thiếu.

Một ngày nọ, ông nằm mơ thấy mình đi ra phố và gặp được một người cùi với gương mặt lở loét ghê tởm. Người cùi ấy đang giơ tay cầu xin sự giúp đỡ. Thông thường, khi gặp tình cảnh này, Francis cũng chạnh lòng thương. Tuy nhiên, vì sợ dơ, sợ bẩn, nên Francis chỉ dừng lại để bố thí cho người đau khổ vài đồng tiền vàng, rồi quay mặt bỏ đi. Thế nhưng hôm nay, khi thấy người cùi này, trong lòng Francis bỗng nhiên có một cảm giác rất lạ. Cảm giác này chẳng những khiến ông không còn sợ dơ, sợ bẩn như trước nữa; nhưng ngược lại, nó còn thôi thúc ông tiến đến và đụng chạm đến gương mặt đang dần bị ăn mòn của người cùi.

Lạ lùng thay! Trong đôi bàn tay của Francis, gương mặt của người cùi bỗng chốc biến thành gương mặt của Đấng Cứu Thế.

Giấc mơ ấy đã làm thay đổi cuộc đời Francis. Ông đã tìm thấy được hạnh phúc thật trong tình yêu và sự chia sẻ với những người cùng khổ xung quanh ông. Điều mà ông cảm thấy thiếu trước đây, bây giờ ông đã có.

Câu chuyện trên muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì? Hạnh phúc thật không đến từ những thứ tạm bợ, chóng qua; nhưng nó đến từ việc con người biết lắng nghe và thi hành giới răn yêu thương của Chúa. Hiểu được điều này, mời gọi mỗi người chúng ta: hãy bước tới để đụng chạm, hãy bước tới để có thể quan tâm và chia sẻ với những người xung quanh nhiều hơn; hãy biết sống tình yêu bằng cách sẵn sàng trao ban những gì mình có cho người khác. Làm được như thế, tự nhiên hạnh phúc thật sẽ lùa vào tâm hồn chúng ta.

Tóm lại, để có được hạnh phúc thật, người Kitô hữu chúng ta cần phải bám chặt vào Chúa bằng cách: biết lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành. Nghe điều gì? Thực hành điều gì? Hãy lắng nghe tiếng vọng của tình yêu và thực hành những gì tình yêu đòi hỏi.

Hãy nhớ: hạnh phúc thật luôn nằm sau những nghĩa cử yêu thương mà chúng ta trao ban cho nhân loại. Amen.

Suy gẫm:

Nếu còn 50 năm, 30 năm hay 10 năm để sống, chưa chắc tôi sẽ đi tìm và bám Chúa. Bởi lẽ, mỗi ngày trong đời tôi có quá nhiều lựa chọn hấp dẫn khác, có quá nhiều thứ mà tôi phải đi tìm, có quá nhiều thứ mà tôi muốn níu giữ….

Tuy nhiên, nếu chỉ còn một ngày để sống, thì thử hỏi: đâu là chiếc phao cứu sinh cần thiết nhất cho tôi lúc này? Tôi có còn muốn đi tìm điều gì khác ngoài Chúa nữa không? Tôi sẽ bám vào đâu khi ngày mai tôi sẽ chết? Hãy quyết định và chọn lựa.

Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện