ĐHY Parolin: ‘Praedicate evangelium’ thực hiện mục tiêu chính của triều đại ĐTC Phanxicô

2022.05.17 Cardinale Parolin alla Pontificia Università Lateranense

2022.05.17 Cardinale Parolin alla Pontificia Università Lateranense

ĐHY Parolin: ‘Praedicate evangelium’ thực hiện mục tiêu chính của triều đại ĐTC Phanxicô

Roma. Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, Pietro Parolin nói tông hiến “Praedicate evangelium” đại diện cho việc thực hiện một trong những mục tiêu chính của triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là cải cách Giáo triều Rôma.

Văn Cương SJ – Vatican News

“Những thay đổi về cấu trúc, những điều mới được quyết định bởi bối cảnh hiện tại, những quy trình đã được tiến hành trong nhiều năm và cuối cùng đã hoàn thành”, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói về Tông hiến cải tổ Giáo triều Rôma – Praedicate evangelium – được công bố vào ngày 19 tháng 3 và sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 6 tới đây. Với Tông hiến này, Đức Hồng Y Parolin nói, “một trong những mục tiêu chính mà triều đại ĐTC Phanxicô đã đặt ra ngay từ đầu và đã được thực hiện”.

Ngày nghiên cứu

Đức Hồng Y đã khai mạc Ngày Nghiên cứu mang tên “Praedicate Evangelium: Cấu trúc, nội dung và điều mới lạ”, được tổ chức bởi Viện Utriusque Iuris thuộc Đại học Giáo hoàng Laterano. Đây là sự kiện lớn đầu tiên kể từ khi công bố Tông hiến. Chương trình ‘Ngày nghiên cứu’ là thời điểm quan trọng của cuộc thảo luận cấp cao để hiểu bộ khung và tiêu chí của văn kiện mà Đức Thánh Cha Phanxicô công bố nhằm cải tổ Giáo triều trong triều đại Giáo hoàng của ngài.

Ngoài Đức Hồng Y Parolin, các diễn giả khác bao gồm Đức Hồng Y Marcello Semeraro, thư ký của Hội Đồng Hồng Y trong nhiều năm; Cha Juan Antonio Guerrero Alves, Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và ông Alessandro Cassinis Righini, Tổng Kiểm toán.

Điểm lại quá trình

Tại buổi khai mạc, trước sự hiện diện ​​của các giảng viên và sinh viên của trường đại học Giáo hoàng, ĐHY Parolin nhớ lại các giai đoạn trong chín năm qua, từ đó dẫn đến việc soạn thảo Tông hiến cải tổ Giáo triều, vốn được xem là “một công cụ trong tay Giáo hoàng” vì lợi ích của Giáo hội và sự phục vụ từ các Giám mục.

ĐHY nói, Praedicate evangelium là một đáp ứng đối với “các yêu cầu lặp đi lặp lại của các Hồng y trong những lần nhóm họp trước Mật nghị Hồng y năm 2013”. Một trong số các hành động đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của mình, ĐTC đã thành lập Hội đồng Hồng y với nhiệm vụ “nghiên cứu một dự án nhằm cải tổ Giáo triều.”

Đức Hồng Y Parolin giải thích, “Cuộc cải cách vốn được hình dung đã được thực hiện liên tục trong vài năm, với việc thiết lập các cơ quan mới và với những điều chỉnh không thể tránh khỏi trong các thể chế ‘đang vận hành’ và được kêu gọi cùng nhau hợp tác.”

ĐHY cho biết, “Praedicate evangelium ra đời từ những đúc kết kinh nghiệm và điều chỉnh trong những năm qua, thực hiện những bước đi mới,” để “hoàn thiện bức tranh tổng thể,” theo ba tiêu chí: “sự hiệp thông của các thể chế Giáo hội, sự hợp tác trong các tương quan giữa các văn phòng, và việc điều chỉnh thái độ của mỗi cá nhân.”

Những thay đổi liên quan đến vấn đề tài chính

Cha Antonio Guerrero, SJ., minh họa những thay đổi đã diễn ra trong những năm qua về các vấn đề kinh tế và tài chính. Cha mô tả đây là một “con đường quanh co” chứng kiến ​​sự thành lập, giải thể, hợp nhất hoặc chuyển giao thẩm quyền của các cơ quan kinh tế khác nhau hiện đã được hợp nhất thành Hội đồng Kinh tế, Ban Thư ký Kinh tế, Văn phòng Kiểm toán.

Các cơ quan này hiện “đang phục vụ cho sứ mạng”; thật vậy, chúng không phải là “nhiệm vụ cốt lõi” của Giáo triều Rôma, nhưng “nhằm giúp đỡ để phục vụ sứ mạng vốn đã được thực hiện bởi nhiều bộ và ban”, trong đó “điểm tham chiếu không thay đổi” chính là dựa vào Học thuyết Xã hội của Giáo Hội và “bổn phận rao giảng Tin Mừng.”

Ngoài ra, các giáo sư về Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Laterano, Emile Kouveglio và Patrick Valdrini, phát biểu về chủ đề “quyền tối thượng và quyền giám mục” trong Praedicate evangelium, bắt đầu từ “việc phân quyền lành mạnh” thường được ĐTC viện dẫn; sau đó về cách Tông hiến điều chỉnh khi đưa ra “khái niệm về một Giáo triều với đặc tính của một diakonia (việc phục vụ)”. Hay đúng hơn là một “công cụ”, như thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã mô tả, và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thêm vào, “trong tay của Đức Giáo Hoàng”.