Điểm sách – Đời sống thánh thiện

Điểm sách – Đời sống thánh thiện

Có lẽ, cuốn sách phù hợp hơn với những ai muốn tìm câu trả lời cho một số vấn nạn đầy hóc búa mà cha Thomas Merton cố gắng trả lời bằng cái nhìn sâu sắc và đầy kinh nghiệm đời thường của mình. Có lẽ cuốn sách này thật sự cung cấp và trợ giúp tuyệt vời cho bất cứ những ai đang tìm cách đặt cuộc sống của mình vào một viễn cảnh tốt đẹp hơn, tràn đầy niềm tin yêu hơn, hay đang mong muốn tìm ra một con đường để trở nên người Kitô hữu tốt.

Văn Cương, SJ – Vatican News

Tuần này, chúng ta cùng đến với tác phẩm: Đời sống thánh thiện

Bản tiếng Anh: Life and Holiness, 1963

Tác giả: Thomas Merton

Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.

Mục lục

Chương 1: Lý tưởng Kitô giáo – Được kêu gọi ra khỏi miền u tối, Một ý tưởng bất toàn, Vị thánh khuôn đúc, Ý tưởng và thực tiễn.

Chương 2: Những đòi hỏi của lý tưởng – Đâu là thánh ý của Thiên Chúa? Tình yêu và sự vâng phục, Sự trưởng thành Kitô giáo, Chủ nghĩa hiện thực trong đời sống thiêng liêng.

Chương 3: Đức Kitô chính là con đường – Hội thánh nhằm thánh hóa các thành viên của mình, Sự thánh thiện trong Đức Kitô, Tính xác thịt và Thần Khí.

Chương 4: Đời sống đức tin – Sự hiện hữu của Thiên Chúa, Những niềm tin của con người.

Chương 5: Thăng tiến trong đức kitô – Quan điểm xã hội về Đức ái, Quan điểm xã hội về Đức ái, Sự thánh thiện và chủ nghĩa nhân văn, Những vấn đề thực tiễn.

Cha Thomas Merton đã sống một cuộc sống thế tục cho đến khi trở thành một đan sĩ dòng Xitô vào cuối những năm tuổi đôi mươi của mình, nhưng ngay cả trong đan viện, ngài vẫn tham gia vào những vấn đề thường ngày của mình cách sâu sắc. Trong cuốn sách ngắn gọn và dễ tiếp cận này, ngài đã đưa ra những suy tư đầy hấp dẫn về ý nghĩa của việc nên thánh khi phải đối diện với những lo toan của thời hiện đại.

Đời Sống Thánh Thiện là cuốn sách kinh điển của cha Thomas Merton về việc kết hợp tâm linh vào cuộc sống hàng ngày. Mỗi đề tài của cuốn sách đều ngắn gọn: thường chỉ từ 2 đến 4 trang, nội dung rất phong phú và sâu sắc.

Qua cuốn sách này, cha Thomas Merton hướng dẫn các nguyên tắc cơ bản về linh đạo dành cho các giáo dân và các vị hữu trách trong Hội thánh Công giáo. Với những ngôn từ đơn sơ giản dị cùng với các tư tưởng hết sức sâu sắc, cho thấy sự thuần khiết trong tầm nhìn của ngài, và qua đây, cha Thomas Merton đã làm nổi bật những nguyên tắc cơ bản về đời sống thiêng liêng.

Theo như Brad, một độc giả, chia sẻ rằng cuốn sách “Đời Sống Thánh Thiện” dành cho tất cả mọi người Kitô hữu và tìm câu trả lời cho những vấn đề như: Làm thế nào chúng ta có thể sống tốt đời sống Kitô hữu thực sự trong nhịp sống xô bồ và bon chen hằng ngày? Lòng tin cậy mến thực sự có ý nghĩa gì? Về ơn gọi, làm sao chúng ta có thể biết được Chúa đang muốn chúng ta làm gì? Chúng ta có khao khát nên thánh, hay chúng ta chỉ cố gắng đạt tới đức tin của mình? Kết quả của việc cố gắng vượt qua chính mình là gì?

Còn cha Henri J. M. Nouwen bình luận rằng:

“Tôi sẽ tặng cuốn sách này cho một ai đó đang thiết tha hỏi tôi rằng, họ đang mong muốn tìm ra một con đường để trở nên người Kitô hữu tốt?” thì điều đó chắc chắn chính là cuốn sách này đây. Nó không phải là một cuốn sách nghiêng về lý thuyết hay giáo điều mà là về kinh nghiệm của chính tác giả đã sống trong Đức Kitô.

Còn với chính tác giả, cha Thomas Merton đã nghĩ gì về cuốn sách này, ngài viết:

Đây được coi là một cuốn sách rất đơn sơ giản dị, chỉ đề cập sơ qua về một vài ý tưởng cơ bản trong linh đạo Kitô giáo. Do đó, ước mong rằng nó sẽ hữu ích cho bất kỳ người Kitô hữu nào, và nhất là cho bất cứ ai muốn làm quen với một số nguyên lý của đời sống nội tâm, như nó được hiểu trong Hội thánh Công giáo. Nếu đời sống Kitô giáo được ví như một cây nho, thì cuốn sách này nói nhiều tới hệ thống của rễ cây nho hơn là về những cành lá và các hoa trái của nó.

Đã khi nào bạn từng nghe rằng: Ôi trời, chuyện thánh thiện để các cha, các sơ, các thầy lo, còn giáo dân như mình thì bao điều phải lo toan, giờ đâu mà sống thánh thiện? Bạn nghĩ như thế nào về câu nói này?

Giờ đây, chúng ta cùng xem tác giả nói như thế nào về điều này hen. Cha Thomas Merton nghĩ như thế này:

Mỗi người Kitô hữu đều có trách nhiệm bởi lời hứa khi được rửa tội, đó là từ bỏ tội lỗi và tự hiến mình hoàn toàn cho Đức Kitô một cách dứt khoát, để có thể hoàn tất ơn gọi của mình, cứu rỗi linh hồn của mình, tham dự vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa, qua đó, họ có thể gặp lại chính mình một cách trọn vẹn hơn “trong ánh sáng Chúa Kitô”.

Nếu chúng ta không cố gắng vượt thắng những đam mê ích kỷ, hỗn loạn và yếu đuối tự nhiên của mình, thì những gì thuộc về Thiên Chúa trong chúng ta sẽ được rút khỏi quyền năng thánh hóa yêu thương của Người, và sẽ bị hư hỏng vì sự ích kỷ, bị mù tối vì khát vọng phi lý, trở nên chai lì bởi tính kiêu ngạo, và cuối cùng, sẽ rơi xuống vực thẳm của sự suy thoái đạo đức, còn được gọi là tội lỗi.

Và ngài cũng quan niệm rằng, “Tội không chỉ là sự từ chối ‘làm’ điều này hay điều kia theo ý Thiên Chúa muốn, hoặc quyết tâm làm những gì Người cấm. Nói một cách triệt để hơn, tội lỗi đó là sự khước từ chính con người của chúng ta,… từ chối địa vị Thiên Chúa ban cho khi tạo dựng chúng ta, được trở nên con cái Thiên Chúa, và theo hình ảnh của Thiên Chúa”.

Đối ngược với tội lỗi là lời mời gọi nên thánh từ khi chúng ta lãnh bí tích rửa tội. Tại đây, tác giả cũng khẳng định, mặc dù “các linh mục tu sĩ có bổn phận chuyên chăm để nỗ lực nên thánh. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng: chỉ có tu sĩ mới là những Kitô hữu hoàn hảo, và theo nghĩa nào đó, như thể giáo dân chỉ là những Kitô hữu kém hơn, và là những chi thể kém đầy đủ của Đức Kitô hơn các tu sĩ”. Nói cách khác, tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi và có bổn phận nên thánh như thánh Gioan Kim Khẩu từng viết: “Các mối phúc thật mà Đức Kitô công bố, chắc chắn không thể chỉ dành riêng cho các tu sĩ mà thôi, vì nếu như thế thì cả thế giới này đều sụp đổ hết”. Như thế, tác giả tái khẳng định: “Dù là giáo dân hay sống đời tận hiến, trong sự kiện cụ thể, ai yêu mến cách trọn vẹn hơn, chính là người gần Thiên Chúa hơn”.

Vậy có một công thức chung nào để nên thánh, hay chúng ta có nên bắt chước y chang cách các vị thánh để trở nên thánh thiện không nhỉ?

Bạn nghĩ sao về điều này?

Cha Thomas Merton thì nghĩ như thế này:

Không có công thức đơn giản và hiệu quả nào tồn tại ngoại trừ nơi các sách Tin Mừng, nơi đó không phải là lời của phàm nhân mà chính là lời Thiên Chúa.

Và mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện, không phải bằng cách nhận ra một tiêu chuẩn đồng nhất về sự hoàn thiện phổ quát trong đời sống của chính mình, nhưng bằng cách đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, dành cho họ trong những giới hạn và hoàn cảnh của ơn gọi đặc biệt của riêng mình. Bởi vì mỗi người trong chúng ta có một ơn gọi đặc biệt, đó là trở nên giống Đức Kitô, theo một cách, không hoàn toàn giống như bất kỳ ai khác, vì không có hai người hoàn toàn giống nhau. Trên thực tế, việc chúng ta tìm kiếm Chúa không phải là vấn đề chúng ta tìm thấy Người bằng những kỹ thuật khổ chế nhất định nào đó. Nói đúng hơn là sự tĩnh lặng và sắp xếp toàn bộ cuộc sống của chúng ta bằng cách từ bỏ bản thân, cầu nguyện và làm việc thiện, để chính Thiên Chúa, Đấng có thể tìm kiếm chúng ta nhiều hơn chúng ta tìm kiếm Người, Đấng có thể “tìm thấy chúng ta” và “chiếm hữu chúng ta.

Tiếp đó, tác giả khẳng định, cả giáo dân và các tu sĩ đều phải sống cuộc sống đạo đức Kitô giáo cách tích cực và kiến tạo. Cây chỉ sống thôi thì không đủ, nó còn phải sinh hoa trái nữa. Thánh nhân nói: “Chỉ ra khỏi Ai Cập thôi thì chưa đủ, mà người ta còn phải đi đến miền Đất Hứa nữa”… Thánh nhân nói: “Ăn chay, ngủ trên đất, ăn tro trấu và khóc lóc không ngừng cũng vô ích cho bạn, nếu bạn không làm gì ích lợi cho ai khác, tức là bạn chẳng làm được điều gì quan trọng”. “Dù là trinh nữ, nhưng nếu không làm phúc, bạn cũng sẽ bị đuổi ra khỏi tiệc cưới”. Chúng ta được coi là ánh sáng của thế gian. Chúng ta phải là ánh sáng cho chính mình và cho tha nhân.

Cuối cùng, tác giả khẳng định: nếu chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi sống thánh thiện, và nếu sự thánh thiện vượt quá sức mạnh tự nhiên của chúng ta có thể đạt được (đó là điều chắc chắn) thì dĩ nhiên, chính Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta ánh sáng, sức mạnh, và sự can đảm để hoàn thành nhiệm vụ mà Người đòi hỏi nơi chúng ta. Người chắc chắn sẽ ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần. Nếu chúng ta không trở thành một vị thánh, đó là bởi vì chúng ta không tận dụng các ân ban của Người dành cho ta.

Tác phẩm “Đời sống thánh thiện” dày 290 trang trên khổ giấy 13.5 x 20.5 cm. Đây là tác phẩm song ngữ gồm tiếng Anh và tiếng Việt. Có lẽ, cuốn sách phù hợp hơn với những ai muốn tìm câu trả lời cho một số vấn nạn đầy hóc búa mà cha Thomas Merton cố gắng trả lời bằng cái nhìn sâu sắc và đầy kinh nghiệm đời thường của mình. Có lẽ cuốn sách này thật sự cung cấp và trợ giúp tuyệt vời cho bất cứ những ai đang tìm cách đặt cuộc sống của mình vào một viễn cảnh tốt đẹp hơn, tràn đầy niềm tin yêu hơn, hay đang mong muốn tìm ra một con đường để trở nên người Kitô hữu tốt.

Kính thưa quý thính giả, không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, hay cũng không có người nào phù hợp với mọi cuốn sách.

Nếu sau khi đã nghe mục ‘điểm sách’ tuần này, và bạn phân vân không biết liệu tác phẩm “Đời sống thánh thiện” có phù hợp với mình hay không, bạn có thể tìm đọc tại các nhà sách công giáo hay tra cứu trên internet để tìm hiểu thêm về tác phẩm trước khi có quyết định cuối cùng. Hoặc có thể chờ một tác phẩm tiếp theo sẽ được giới thiệu vào tuần tới.

Nguồn: W.Vatican News