Có lẽ đây không còn là một đề tài mới mẻ vì người Ki-tô Hữu (KTH) đã nghe quá nhiều ý tưởng này từ các Đấng bản quyền trong Giáo Hội. Cách riêng, quan điểm của tôi trong những chia sẻ này không là trình bày nghiên cứu Thần học hay luận lý Triết học, nhưng chỉ là những chia sẻ chân thành từ đáy lòng về sự đồng cảm thức, theo quan điểm và kinh nghiệm cá nhân, về Giáo Hội mà thôi. Nếu thực có điểm nào thiếu sót về đức tin, kính mong chỉ giáo và hướng dẫn thêm để bản thân người viết có thể lớn hơn trong đức tin hàng ngày.
“Giáo Hội là người Mẹ hiền.” Đây là điều mà tôi luôn khẳng định trong những buổi giáo lý dành cho các bạn trẻ sắp lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Vì kiến thức hạn hẹp, nên tôi không thể đưa ra những lý luận thuyết phục cho bằng lấy chính hình ảnh người mẹ trong chính gia đình để các bạn tự mình cảm nghiệm. Đó là cách mà cá nhân tôi chọn để hiểu và sống trong Giáo Hội.
Đương nhiên, tôi và các bạn trẻ đầu tiên đã cùng thống nhất về niềm tin của mình rằng Giáo Hội là thân thể Chúa Ki-tô và Giáo Hội có hai chiều kích: Thần linh (Vô hình) và Nhân loại (Hữu hình). Trong đó, chiều kích thần linh là đặc tính thiêng liêng và vô hình là một cộng đoàn thiêng liêng và là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô; cụ thể qua những đặc tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Còn chiều kích nhân loại là một đoàn thể hữu hình và là một tổ chức theo phẩm trật. Kiên định ban đầu rằng hai chiều kích nêu trên không giản lược vào nhau nhưng kết hợp chặt chẽ với nhau, làm thành một thực thể phức tạp mang tính nhân loại và thần linh. Qua đó, người KTH hiểu rằng Thiên Chúa muốn thông truyền chân lý và ân sủng của Ngài cho mọi người qua thực tại hữu hình ấy.
Tuy nhiên, trong tầm mức sơ khởi của đời sống trưởng thành đức tin, cụ thể là với các bạn trẻ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm sức, tôi muốn gợi lên với các bạn về Giáo Hội như hình ảnh người mẹ thực tế, dẫu rằng những so sánh này còn quá khập khiễng. Nhưng chân thành mà nói, tôi mong muốn các bạn hãy có những trực giác này, trước khi tiếp cận với lý luận cao sâu, ngay từ những ngày đầu là người KTH trưởng thành.
Quan sát thực tế, tôi và các bạn đều nhận thấy nơi người mẹ trong gia đình mỗi bạn đa phần là những người mẹ:
- Hiền từ nhưng cũng cực khó tính trong những ứng xử hàng ngày.
- Giận dữ rồi nhưng rất dễ bỏ qua, mau tha thứ.
- Luôn là người chủ động tương giao: Mẹ vẫn là người mở lời hỏi han và quan tâm cách đặc biệt, nhất là những lúc con cái gặp khó khăn và thử thách trong cuộc đời non nớt của mình.
- Thật khó hiểu vì những tính cách lộn xộn trong con người và cách hành xử của mẹ.
Nhưng khi tôi hỏi các bạn: “Nếu đánh giá cách chung, các bạn thấy mẹ hành xử như vậy là vì đâu?”
Câu đáp chung nhất và nhiều nhất là: “Vì thương con!”. Tạ ơn Chúa! Câu trả lời là ở đây! Dù người mẹ có hiền lành hay dữ dằn cách mấy, thì phần đa những người mẹ ấy vẫn thương con và làm tất cả vì con.
Câu hỏi tiếp theo tôi muốn các bạn suy nghĩ là: “Biết là thương nhưng sao phải thay đổi thái độ? Sao phải lúc giận dữ rồi hiền từ? Lúc răn đe và lúc thì khuyên lơn?”
Một vài bạn suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Dạ… Vì mẹ hung dữ… vì mẹ không hiểu tụi và… cũng vì… tụi con hư!”
Tôi chợt bắt từ ý tưởng này để nói với các bạn: “Vậy lỗi đâu phải hoàn toàn do mẹ! Mà cũng phần vì những kẻ làm con chưa sống trọn chữ hiếu phải không?
Gần như cả lớp đầu gật đầu đồng ý.
Tôi tiếp tục nói: “Hơn thế, Giáo Hội là thánh thiện hoàn toàn vì được Chúa Ki-tô thiết lập, nhưng lại ôm ấp vào lòng những đứa con chưa trọn chữ hiếu như thế!”
Các bạn cũng đồng tình với tôi về điểm này.
Mẹ là vậy! Giáo Hội trong mắt tôi còn hơn vậy! Tôi cũng muốn các bạn trẻ khi nghĩ về Giáo Hội với cái nhìn trực giác ban đầu phải mạnh mẽ như vậy! Dù mắt không nhìn thấy, nhưng lòng tôi khẳng định chắc chắn mình được thương khi được sống trong Giáo Hội. Tình thương ấy được thể hiện ngang qua những quan tâm chăm sóc cụ thể, điển hình là những chăm sóc mục vụ qua các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các hội đoàn. Tôi thấy Giáo Hội đang rất cố gắng hoàn thiện về mặt tổ chức hữu hình cụ thể qua những gì Đức Giáo Hoàng, các vị Hồng Y, các Giám Mục và các linh mục đang nỗ lực. Những nỗ lực như thay đổi những quy tắc mang tính cứng nhắc và thiếu tình người bằng những đường lối uyển chuyển mang tính hiệp hành nhiều hơn; hay như những chuyện tinh giảm bộ máy làm việc, những khiển trách nặng lời dành cho những vị làm sai, những kỷ luật khắc khe với những vị đứng ở vị trí lãnh đạo trong Giáo Hội; nhất là qua tinh thần Hiệp Hành, người giáo dân cũng có quyền trình bày và góp ý theo quan điểm của họ – là những KTH – về những đường lối tốt hơn cho Giáo Hội. Nhưng tuyệt đối, con không bao giờ rời xa mẹ mà chỉ cùng với mẹ đi trên một con đường mà thôi! Mẹ cũng cần tấm thịnh tình qua lối sống hiếu thảo và trách nhiệm của con cái. Thật khó lòng chấp nhận những đứa con quay lại chống báng hoặc làm thương tổn đến mẹ của mình.
Như thống nhất đức tin với nhau từ những bài giáo lý đầu, Giáo Hội là Thánh Thiện – Duy nhất – Công giáo – Tông truyền. Tuy nhiên, nơi cung lòng thánh thiện của Giáo Hội lại ôm ấp những đứa con đầy khiếm khuyết. Tôi cũng thấy những những thiếu sót chưa thể đền bù kịp thời và đủ mức do những đứa con ấy gây ra. Những KTH, thậm chí là các giám mục, linh mục, tu sĩ chưa có lối sống nêu gương. Có những trục trặc về cơ cấu và phải thay vị trí và nhân lực thường xuyên. Những cuộc hội họp kéo dài với những vấn đề phức tạp riêng của từng Giáo Hội địa phương khác nhau; càng phức tạp hơn khi những vấn đề ấy được bàn thảo chung ở cấp độ châu lục hay tầm mức thế giới. Tôi cũng nhìn thấy nơi Giáo Hội khi xuất hiện những điều khó hiểu qua những hành động và trạng thái, thậm chí khó lòng phân biệt rạch ròi rằng các KTH đang muốn gì? Đang làm gì? Có suy nghĩ gì? Không ít những KTH đã cảm thấy chán ngán những văn kiện, văn thư, tông huấn hay những giáo huấn của Đấng Bản quyền vì những điều ấy… mà chạy theo những hội nhóm phát sinh vốn không đặt trên nền tảng Đức Ki-tô. Giáo Hội, tự bản chất là thánh thiện, lại ôm ấp nơi lòng mình những đứa con đầy tội lỗi và khiếm khuyết. Điều cần canh tân không phải là Giáo Hội vì tự bản chất đã thánh thiện, mà chính những đứa con chưa sống tròn chữ hiếu trong cung lòng Giáo Hội mới cần được canh tân.
Ngược lại, dù tích cực hay tiêu cực ra sao, tôi vẫn biết rằng Giáo Hội thương tôi và lo lắng cho tôi. Với tinh thần chịu trách nhiệm, tôi không hoàn toàn đổ lỗi những tổ chức hay phẩm trật trong Giáo Hội, mà nơi chính bản thân tôi cũng là duyên cớ dẫn tới những sự lầm lạc. Chính vì thế, một thái độ “đồng cảm thức” với Giáo Hội là điều cần thiết biết chừng nào.
Đồng cảm thức để biết những thành viên trong phẩm trật Giáo Hội đang nỗ lực hoàn thiện và khắc phục sai lầm; đồng thời tôi cũng phải ý thức thái độ và việc làm của bản thân mình. Bởi theo ứng xử thông thường con người hay đứng lên phê bình và chê trách Giáo Hội thay vì đặt vấn đề về chính bản thân mình trong Giáo Hội. Liệu có bao giờ tôi tự hỏi: “Tôi đã sống tròn trách nhiệm của mình đối với Giáo Hội? Tôi đã nỗ lực tìm hiểu xem Giáo Hội đã và đang cho tôi những gì? Mẹ Giáo Hội chờ gì nơi tôi? Tôi có muốn hay thực sự xem Giáo Hội là người Mẹ của mình, hay chỉ muốn một mặt làm con còn mặt khác đứng bên ngoài ném đá?….”
Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế này không phải dành cho những vị học chuyên sâu về thần học hay lý luận về triết học, vì những suy tư nhỏ trên đây chỉ dừng lại ở cấp độ trực giác. Mục đích tôi muốn nhắm đến trực giác này vì các bạn trẻ sắp lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức vẫn chưa đến lúc hoặc chưa có cơ hội để nghiên cứu về luận lý triết học hay kiến thức Thần học, nhưng một chút trực giác khởi đi mong sẽ giúp ích cho các bạn trong bước đầu sống đời trưởng thành của người KTH. Để trong tương lai nếu các bạn được nghiên cứu về triết học và thần học thì các bạn vẫn không quên “mối tình đầu” trong tương quan mẫu tử với Giáo Hội.
Điều tôi mong nơi các bạn rằng: hãy là một Augustine biết hoán cải bản thân đúng lúc; hãy là một Inhaxio Loyola vẫn ở lại và ở trong để góp sức canh tân những con người lầm lạc trong Giáo Hội chứ không đứng ở ngoài ném đá hoặc làm biến chất bản chất thánh thiện của Giáo Hội; hãy là một Thomas More dám khẳng định cái gì là đúng với tinh thần Giáo Hội và thậm chí dám bỏ qua những ích lợi cá nhân nếu ích lợi ấy không đồng cảm thức với Giáo Hội; hãy là những Alsenmo, Thomas Aquinas để biết canh tân những thành viên bất hảo trong Giáo Hội bằng đức tin chân truyền chứ không là những kiểu tin lầm lạc thiếu phán đoán…
Có bao giờ bạn biết khóc thương Giáo Hội trước những chia rẽ, phân ly và bị bách hại do chính con cái Giáo Hội gây ra? Có bao giờ bạn và tôi trực giác một phần máu thịt của mình đang bị tổn thương và một trong những nhân tố tác động là chính bạn và tôi? Điều cần phải lên án không phải là Giáo Hội mà là chính con người với những quan điểm cấp tiến sai lạc trong Giáo Hội ấy.
Chỉ khi yêu Giáo Hội tận tâm hồn mình trong tương quan người con đối với mẹ, thì KTH sẽ biết phải làm gì cho Giáo Hội.
Little Stream