Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống: Không thể có một “quyền” tước đi sự sống con người
Vatican News
Dự luật đưa quyền tự do phá thai của phụ nữ vào hiến pháp đã được Hạ viện và Thượng viện Pháp lần lượt thông qua, và cuối cùng đã được Quốc hội lưỡng viện bỏ phiếu thông qua vào chiều ngày 4/3/2024.
Phá thai là tấn công sự sống
Trong tuyên bố, trước hết Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống ủng hộ lập trường của các Giám mục Pháp rằng “việc phá thai, vốn vẫn là một cuộc tấn công vào sự sống ngay từ đầu, không thể chỉ được nhìn nhận từ góc độ quyền của phụ nữ”, và cũng lấy làm tiếc là “cuộc tranh luận được đưa ra đã không đề cập đến các biện pháp hỗ trợ cho những người muốn giữ lại đứa trẻ”.
Không thể có “quyền” tước đoạt sự sống con người
Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống nhấn mạnh rằng trong thời đại nhân quyền phổ quát, không thể có “quyền” tước đoạt sự sống con người. Do đó, cơ quan của Tòa Thánh “kêu gọi tất cả các chính phủ và mọi truyền thống tôn giáo hãy cố gắng hết sức để trong giai đoạn lịch sử này, việc bảo vệ sự sống trở thành ưu tiên tuyệt đối, với các bước cụ thể ủng hộ hòa bình và công bằng xã hội, cùng các biện pháp hiệu quả để tiếp cận phổ cập đến các nguồn tài nguyên, giáo dục và y tế”.
Bảo vệ sự sống con người là mục tiêu đầu tiên của nhân loại
Tuyên bố nói tiếp: “Những tình huống cuộc sống cụ thể cũng như những bối cảnh khó khăn và bi thảm của thời đại chúng ta phải được giải quyết bằng những công cụ của một nền văn minh pháp lý, trước hết hướng đến việc bảo vệ những người yếu thế nhất và dễ bị tổn thương nhất”.
“Việc bảo vệ sự sống con người là mục tiêu đầu tiên của nhân loại và chỉ có thể phát triển trong một thế giới không có xung đột và rạn nứt, với một nền khoa học, công nghệ, một ngành công nghiệp phục vụ con người và tình huynh đệ”.
Bảo vệ sự sống con người là một thực tại nhân bản
Cuối cùng, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng đối với Giáo hội Công giáo, “việc bảo vệ sự sống không phải là một ý thức hệ, nó là một thực tại, một thực tại nhân bản liên quan đến tất cả các Kitô hữu, chính vì họ là Kitô hữu và vì họ là con người”. (…) “Đó là hoạt động trên bình diện văn hóa và giáo dục để truyền lại cho các thế hệ tương lai thái độ liên đới, quan tâm, hiếu khách, biết rõ rằng văn hóa sự sống không phải là di sản độc quyền của các Kitô hữu, nhưng thuộc về tất cả mọi người, những người đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ huynh đệ, nhận ra giá trị của mỗi người, ngay cả của người yếu đuối mong manh và đau khổ”. (CSR_973_2024)
Nguồn:W.Vatican News