Chăm sóc trẻ sơ sinh
Hoạt động dấn thân chăm sóc giảm nhẹ cho trẻ sơ sinh của bác sĩ Elvira Parravicini
Ngọc Yến – Vatican News
Ý tưởng tạo ra một nơi dành riêng chăm sóc các em vừa chào đời thực tế đã có từ năm 1997, do bốn bác sĩ phụ khoa đảm trách. Tuy nhiên hoạt động chủ yếu lúc đó là chăm sóc thai kỳ cho các bà mẹ và việc sinh con của họ. Hoạt động chăm sóc cho các em bị bệnh và được chẩn đoán là không sống lâu dường như không có. Bà Parravicini nói: “Những em bé khi được sinh ra không có thận hoặc không có não, có thể sống được vài tiếng đồng hồ, nhưng có những trường hợp các em có thể sống được mười mấy ngày, một tháng hoặc vài năm; thường cuộc sống của các em rất ngắn, nhưng người ta không thể biết nó kéo dài bao lâu”.
Từ trực giác này, Chương trình chăm sóc Giảm nhẹ Trẻ sơ sinh ra đời. Bác sĩ nói tiếp: “Tôi tự hỏi: làm thế nào có thể điều trị y tế cho một em bé có thể sống một vài phút, vài ngày và nhiều nhất là vài tháng”. Trước đây, thường các em không được chăm sóc, thậm chí không được cho ăn, để chết càng sớm càng tốt. Bác sĩ đã làm thay đổi thói quen này của ngành y. Theo bà, chăm sóc các em bé này có nghĩa là ôm các em vào lòng, cho ăn và âu yếm các em, cho các em thuốc để các em không bị đau đớn. Phải tôn trọng sự sống của các em cho dù ngắn ngủi.
Thực tế, mọi sự phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với một người phụ nữ. Bà kể: “Một ngày kia, tại một cuộc họp thường niên của bệnh viện, mọi người nói đến một phụ nữ được chẩn đoán đứa con trong bụng của bà mắc bệnh rất nặng. Tuy nhiên người phụ nữ này vẫn tiếp tục muốn mang thai. Các đồng nghiệp của tôi cảm thấy lúng túng về trường hợp này. Tôi không có kiến thức nền tảng cho việc chăm sóc giảm nhẹ, tôi là một bác sĩ nhi. Nhưng tôi cảm thấy lo lắng và tôi muốn gặp người phụ nữ này. Người mẹ đã đi đến cuối thai kỳ. Tôi nói với bà là tôi sẽ theo dõi và chăm sóc cả hai mẹ con”.
Sau đó, bác sĩ bắt đầu giải quyết vấn đề, vạch ra một loạt các hướng dẫn để giúp các em và cha mẹ của các em trong những trường hợp tương tự. Theo bác sĩ, nếu em bé khỏe thì bố mẹ cũng ổn. Và ngược lại. Do đó, Chương trình Chăm sóc Giảm nhẹ Trẻ sơ sinh ra đời, một tập hợp các phương pháp điều trị, thuốc men, mà còn cả những cái ôm, âu yếm, liệu pháp tâm lý.
Khi được hỏi hoạt động cụ thể của bà là gì khi làm trợ giúp các em bé sơ sinh bị bệnh. Bà Elvira Parravicini trả lời: Tôi làm việc như một bác sĩ nhi. Nhiệm vụ trước tiên là cứu các em bé. Tôi không bao giờ nản lòng. Chúng ta không phải là người quyết định cho chính chúng ta và người khác đến thế giới. Tôi không có quyền quyết định và các em cũng không có quyền này. Quyết định khi nào sự sống bắt đầu và khi nào kết thúc không thuộc về chúng ta. Tất nhiên, đó là một trải nghiệm đau đớn. Đặc biệt đối với cha mẹ, và cả tôi cũng cảm thấy như vậy. Đó là một trải nghiệm đau đớn, nhưng trong sự nhìn nhận mầu nhiệm của sự sống. Điều này tạo ra sự bình an bất ngờ.
Khi một người lớn qua đời, người này nhận thức được những gì sẽ để lại. Nhưng các em bé, các em không biết gì. Vì vậy tôi luôn nói với cha mẹ của các em: Các bạn đau khổ, nhưng các em bé này hạnh phúc vì được bồng ẵm trong vòng tay, được âu yếm, không phải đau khổ, không biết điều gì sẽ xảy ra cho mình. Cuộc sống của các em rất ngắn ngủi, nhưng rất đẹp. Tuy nhiên, nỗi đau, sự nổi loạn lại ở nơi người lớn. Ở phụ nữ, họ thể hiện điều này bằng cách khóc, còn người nam thì muốn hành động. Người mẹ thì muốn ôm con vào lòng, người cha thì yêu cầu làm điều gì đó.
Một điểm đặc biệt khác của chương tình do bà Parravicini thực hiện có tính liên ngành, gồm các chuyên gia khác nhau: bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nhân viên xã hội. Chương trình trợ giúp bắt đầu từ khi người mẹ mang thai cho đến khi sinh con và tiếp tục sau khi em bé qua đời, và hỗ trợ cha mẹ trong nhiều năm sau đó. Nhóm của bác sĩ gồm các phụ nữ. Về điều này bác sĩ Parravicini nói: “Tôi không cố tình làm điều đó, nhưng tôi phải nói rằng tôi vui vì chúng tôi đều là phụ nữ. Tôi không biết tại sao, nhưng phụ nữ có một cái nhìn đặc biệt trước nỗi đau và cái chết”.
Chương trình Chăm sóc Giảm nhẹ cho trẻ sơ sinh được khai sinh từ năm 2008. Kể từ đó, chương trình được lớn mạnh và lan rộng khắp nơi trên thế giới
Nguồn: W.Vatican News