Lễ Tro (26.02.2020): Hãy để cho mình được hòa giải

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ Tro (26.02.2020)
HÃY ĐỂ MÌNH ĐƯỢC HÒA GIẢI

Chiều thứ Tư lễ tro 26/02/2020, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh Lễ khai mạc Mùa Chay thánh, với nghi thức xức tro tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma. Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hãy để cho mình được hòa giải, sống như những người con được Thiên Chúa yêu thương. Trong bài giảng Thánh lễ, khởi đi từ câu Kinh thánh “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19) Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta bắt đầu Mùa Chay bằng việc xức tro: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19). Việc xức tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đến từ bụi đất và sẽ trở về bụi đất. Đứng trước vũ trụ bao la chúng ta chỉ là những hạt bụi bé nhỏ; nhưng là những hạt bụi được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu thương tập hợp những hạt bụi đó trong lòng bàn tay Ngài và thổi hơi sự sống vào đó (St 2, 7). Như thế, chúng ta là hạt bụi cao quý, được dành riêng để sống muôn đời. Chúng ta là bụi đất trong đó Thiên Chúa chứa đựng giấc mơ của Ngài. Chúng ta là niềm hy vọng, kho báu và vinh quang của Thiên Chúa.

Do đó, tro là một lời nhắc nhở về hướng tồn tại của chúng ta: một hướng đi từ cát bụi đến sự sống. Chúng ta là cát bụi, đất sét, nhưng nếu chúng ta để cho bàn tay của Thiên Chúa uốn nắn mình, chúng ta sẽ trở thành một điều kỳ diệu. Tuy nhiên, rất thường xuyên, đặc biệt là vào những lúc khó khăn và cô đơn, chúng ta chỉ thấy tính chất bụi đất của mình! Nhưng Chúa khích lệ chúng ta: Trong mắt Chúa, sự nhỏ bé của chúng ta có giá trị vô cùng. Vậy chúng ta hãy can đảm: chúng ta sinh ra để được yêu thương; chúng ta được sinh ra để làm con Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ghi nhớ điều đó khi bắt đầu Mùa Chay này. Vì Mùa Chay không phải là thời gian dành cho những bài thuyết giáo, mà là thời gian để nhận ra rằng thân phận tro bụi hèn mọn của chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Đây là thời gian ân sủng, thời gian để cho Thiên Chúa nhìn chúng ta với tình yêu và nhờ đó chúng ta thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được đưa vào thế giới này để đi từ bụi tro đến sự sống. Vì vậy, chúng ta đừng biến những hy vọng và ước mơ của Chúa dành cho chúng ta thành tro bụi. Chúng ta đừng cam chịu. Anh chị em có thể hỏi: “Làm sao tôi có thể tin tưởng được? Thế giới đang trở nên tồi tệ, nỗi sợ hãi đang lan tràn, có rất nhiều sự ác và xã hội đang tha hóa, xã hội ngày càng có ít Kitô hữu hơn…” Nhưng anh chị em không tin rằng Thiên Chúa có thể biến bụi đất của chúng ta thành vinh quang sao?

Tro mà chúng ta nhận được trên trán sẽ ảnh hưởng đến những suy nghĩ trong tâm trí của chúng ta. Tro nhắc nhở chúng ta rằng: Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta không thể dành cả cuộc đời để chạy theo tro bụi. Từ đó, một câu hỏi có thể đi vào tâm hồn chúng ta: “Tôi đang sống để làm gì?” Nếu chỉ để cho những thực tại phù du của thế giới này, thì tôi sẽ trở lại với bụi tro, tôi sẽ từ chối những gì Chúa đã làm trong cuộc đời tôi. Nếu tôi sống chỉ để kiếm tiền, để có thời gian vui vẻ, để đạt được một chút uy tín hay một sự thăng tiến trong công việc của tôi, thì tôi đang sống cho tro bụi. Nếu tôi không hài lòng với cuộc sống bởi vì tôi nghĩ rằng tôi không nhận được đủ sự tôn trọng hoặc không nhận được những gì tôi nghĩ là xứng đáng, thì tôi cũng chỉ đang nhìn chằm chằm vào tro bụi.

Đó không phải là lý do vì sao chúng ta được đưa vào thế giới này. Chúng ta đáng giá hơn rất nhiều. Chúng ta sống để có nhiều điều vĩ đại hơn thế, vì chúng ta được sinh ra để biến giấc mơ của Chúa thành hiện thực và để yêu thương. Tro được rắc trên đầu chúng ta là để ngọn lửa yêu thương được thắp lên trong tim chúng ta. Chúng ta là công dân của thiên đàng, và tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và cho người lân cận là hộ chiếu của chúng ta lên thiên đàng. Của cải trần gian của chúng ta sẽ tỏ ra vô dụng, là bụi bay tung tóe, nhưng tình yêu thương mà chúng ta chia sẻ – trong gia đình, nơi làm việc, trong Giáo Hội và trên thế giới – sẽ cứu chúng ta, vì tình yêu đó sẽ tồn tại mãi mãi.

Tro mà chúng ta nhận được cũng nhắc nhở chúng ta về một chiều hướng thứ hai và ngược lại: từ sự sống trở thành tro bụi. Xung quanh chúng ta, chúng ta thấy bụi của sự chết. Những mạng sống biến thành tro bụi. Đổ nát, hủy diệt, chiến tranh. Cuộc sống của những người vô tội không được chào đón, cuộc sống của những người nghèo bị loại trừ, cuộc sống của những người già bị bỏ rơi. Chúng ta tiếp tục hủy diệt chính mình, để trở về tro bụi. Và có bao nhiêu bụi trong mối tương quan của chúng ta! Hãy nhìn vào nhà cửa và gia đình của chúng ta: những cuộc cãi vã của chúng ta, việc chúng ta không có khả năng giải quyết xung đột, không sẵn lòng xin lỗi, tha thứ, không sẵn lòng bắt đầu lại, đồng thời khăng khăng nắm giữ quyền tự do và tư lợi của chính mình! Tất cả đám bụi này bôi nhọ tình yêu của chúng ta và làm hoen ố cuộc sống của chúng ta. Ngay cả trong Giáo hội, ngôi nhà của Thiên Chúa, chúng ta cũng đã để cho quá nhiều bụi bám vào, bụi của thế gian.

Chúng ta hãy nhìn vào bên trong, nhìn vào trái tim mình: biết bao lần chúng ta dập tắt ngọn lửa của Thiên Chúa bằng tro giả hình! Giả hình là sự ô uế mà Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay mà chúng ta cần phải loại bỏ. Thật vậy, Chúa bảo chúng ta không chỉ thực hiện các việc bác ái, cầu nguyện và ăn chay, mà còn phải làm những việc này một cách không giả tạo, lừa dối và giả hình (x. Mt 6:2.5.16). Tuy nhiên, biết bao lần chúng ta làm những việc chỉ để được công nhận, để được đẹp, để thỏa mãn cái tôi của mình! Biết bao lần chúng ta xưng mình là kitô hữu, nhưng trong lòng lại sẵn sàng chiều theo những đam mê tội lỗi của chúng ta! Biết bao lần chúng ta rao giảng một đằng và thực hành một nẻo! Đã bao nhiêu lần chúng ta làm cho mình có vẻ tốt đẹp bên ngoài trong khi nuôi dưỡng mối hận thù bên trong! Trái tim ta có bao nhiêu sự dối trá… Tất cả chỉ là tro bụi bôi nhọ, là tro tàn dập tắt ngọn lửa tình yêu.

Chúng ta cần phải làm sạch bụi lắng đọng trong tâm hồn. Nhưng làm thế nào? Lời kêu gọi chân thành của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai giúp chúng ta: “Hãy để cho mình được làm hòa với Thiên Chúa”. Thánh Phaolô không yêu cầu, nhưng nài xin: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy để cho mình được làm hoà với Thiên Chúa” (2Cr 5, 20). Thánh nhân không nói: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa!”. Nhưng trái lại, Ngài sử dụng câu nói ở thể thụ động: hãy để cho mình được làm hòa. Bởi vì sự thánh thiện không phải là phần việc của chúng ta, đó là ân sủng! Bởi vì chính chúng ta, chúng ta không thể loại bỏ bụi làm bẩn tâm hồn chúng ta. Bởi vì chỉ có Chúa Giêsu, người biết và yêu thương tâm hồn chúng ta, mới có thể chữa lành nó. Mùa chay là thời gian chữa lành.

Vậy thì chúng ta phải làm gì? Trong cuộc hành trình hướng đến Lễ Phục Sinh, chúng ta có thể thực hiện hai cuộc vượt qua: thứ nhất, từ bụi tro đến sự sống, từ nhân tính mong manh của chúng ta đến nhân tính của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta. Chúng ta có thể dừng lại chiêm niệm trước Chúa chịu đóng đinh và lặp lại: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu con, xin biến đổi con… Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu con, xin biến đổi con…” Và một khi chúng ta đã nhận được tình yêu của Người, một khi chúng ta đã khóc khi nghĩ về tình yêu đó, thì chúng ta có thể thực hiện bước thứ hai, bằng cách quyết tâm không bao giờ rời khỏi sự sống mà trở lại với tro bụi. Chúng ta có thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa trong bí tích Sám Hối, bởi vì ở đó ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa đốt cháy tro tàn tội lỗi của chúng ta. Cái ôm của Chúa Cha khi chúng ta xưng tội sẽ đổi mới chúng ta từ bên trong và thanh tẩy tâm hồn chúng ta. Xin cho chúng ta được hòa giải, để sống như những người con yêu dấu, như những tội nhân được tha thứ và chữa lành, như những lữ khách có Chúa ở bên.

Chúng ta hãy cho phép mình được yêu thương, để chúng ta có thể đáp lại tình yêu thương. Chúng ta hãy cho phép mình đứng lên và tiến về Phục Sinh. Sau đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi khám phá ra cách Chúa nâng chúng ta lên từ bụi tro.

Văn Việt
Chuyển ngữ từ: vatican.va (26.02.2020)

WHĐ (21.02.2023)