Một cử hành phụng vụ tại nhà thờ Lahore, Pakistan (AFP or licensors)
Luật báng bổ ngày càng bị lạm dụng ở Pakistan
Ngọc Yến – Vatican News
Báo cáo này đã xác nhận những gì Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACS) đã trình bày trong Báo cáo 2021 của Tổ chức.
Theo báo cáo của Trung tâm Công bằng Xã hội Pakistan, từ năm 1987 đến tháng 12/2020, có gần 2000 người đã bị buộc tội xúc phạm tiên tri Mohammed, Hồi giáo hoặc kinh Koran. Và theo quy định của bộ luật hình sự Pakistan thì người phạm tội này có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.
Chỉ riêng năm 2020 số người bị kết vào tội báng bổ là 200 người, con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi luật có hiệu lực vào năm 1986. 75% trong số này là người Hồi giáo, 20% Ahmadi, 3,5% Kitô hữu, và 1% người theo đạo Hindu.
“Các cáo buộc báng bổ được đưa ra chống lại cả người Hồi giáo và các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số, tuy nhiên khi người bị cáo buộc là một người không theo đạo Hồi, các cáo buộc thường dẫn đến các cuộc tấn công của đám đông vào toàn bộ khu dân cư và dẫn đến hành động giết người”, ông Alessandro Monteduro, Giám đốc Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ở Ý nhấn mạnh, đồng thời khẳng định phải bãi bỏ luật. Trong nhiều năm, luật này đã bị các nhóm thiểu số và nhân quyền ở Pakistan phản đối vì tính chất phân biệt đối xử và thực tế là vì những lạm dụng của nó.
Với tiêu đề “Công lý vẫn còn xa vời”, báo cáo của Trung tâm Công bằng Xã hội Pakistan xem xét các biện pháp được các cấp chính quyền Pakistan thực hiện cho đến nay, sau phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2014 về việc bảo vệ người thiểu số. Từ đó báo cáo nhấn mạnh đến sự chậm chạp của việc thi hành bản án, đặc biệt là việc chống lại hiện tượng kết hôn và cưỡng bức cải sang đạo Hồi, việc không áp dụng hệ thống hạn ngạch tiếp cận việc làm, việc thúc đẩy lòng khoan dung giữa các cộng đoàn tôn giáo và dân tộc và việc cải cách luật hôn nhân Kitô giáo vẫn được điều chỉnh bởi các quy tắc có từ thời cai trị của Anh.
Nguồn: W.Vatican News
HL.MĐ