Phương tiện truyền thông – Thách đố trong Đời sống Thánh hiến

PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

 THÁCH ĐỐ TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

 

Sống đời thánh hiến là một cuộc lội ngược dòng bởi lối sống đi ngược lại với những xu hướng, những gì được cho là có giá trị trong xã hội hiện nay. Nếu ngoài xã hội, người ta khẳng định bản thân bằng những thứ mình có như nhà lầu, xe sang, điện thoại xịn… thì tu sĩ phải học cách từ bỏ tất cả. Nếu ngoài xã hội, người ta sống để phục vụ cho các nhu cầu của mình như giải trí, làm đẹp, sắm sửa, ăn uống… thì tu sĩ phải học sống tinh thần nghèo khó. Nếu ngoài xã hội hiện nay, tỉ lệ ly hôn, phá thai ngày càng cao nói lên đời sống ngày càng trụy lạc của họ, thì tu sĩ, lẽ tất nhiên luôn phải giữ đức khiết tịnh. Và một trong số những thách đố đang nổi lên trong những năm gần đây là việc sử dụng các phương tiện truyền thông, điển hình là việc sử dụng smartphone (điện thoại thông minh).

Smartphone là sự kết hợp tuyệt vời của máy chụp hình và máy vi tính với đủ mọi chức năng của cả hai thiết bị ấy như làm việc, học tập, lưu trữ thông tin, giải trí… và tất nhiên, như mọi chiếc điện thoại thông thường, là để liên lạc.

Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ và cạnh tranh khốc liệt của các hãng điện thoại, để sở hữu một chiếc smartphone không còn là một vấn đề quá khó. Vì thế, để phục vụ cho các nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của người dùng, hàng ngàn ứng dụng được các nhà sản xuất cung ứng cho đủ các dòng điện thoại. Qua đó, chúng ta có thể xem ngay những bộ phim mới mà không cần ra rạp, hay phải chờ đợi cả năm trời mới được xem trên các kênh truyền hình. Chúng ta không cần phải mua đĩa hay đi xem liveshow mà có thể cập nhật ngay những ca khúc mới phát hành. Chúng ta cũng có thể mua sắm ngay tại nhà qua các trang mạng hoặc các app mua sắm mà không cần phải tốn thời gian đi shopping hoặc siêu thị. Hay muốn có bạn bè, chia sẻ hình ảnh, clip thú vị… chúng ta có thể sử dụng các trang mạng xã hội. Quả thật, chỉ với một chiếc smartphone, cả thế giới nằm trong lòng bàn tay ta. Nhất là trong tình trạng dịch covid đang lan tràn, phải giãn cách xã hội như hiện nay, thì chiếc smartphone lại càng trở thành người bạn không thể thiếu đối với rất nhiều người.

Tất cả những ứng dụng thuở ban đầu được tạo ra đều vì lợi ích và nhu cầu của người dùng. Nhưng khi đến tay ta, vì không kiểm soát được bản thân và sự sa đà quá mức đã gây nên không biết bao nhiêu điều tiêu cực.

Với game, chúng ta có thể xả stress, giải tỏa căng thẳng, hay thậm chí có thể luyện tập tính kiên trì, tư duy, xây dựng chiến thuật… nhưng nhiều game thủ đã mê chơi đến quên ăn, quên ngủ, hay có những tên giết người không gớm tay cũng bởi ảnh hưởng của game.

Từ phim ảnh, ta có thể học hỏi về văn hóa các nước, các kiến thức về tâm lý, xã hội, và cả những kỹ xảo tuyệt vời của môn nghệ thuật thứ bảy này. Nhưng cũng như game, đã có không ít tệ nạn hay các vụ giết người được thực hiện gần như hoàn toàn giống một số bộ phim trinh thám.

Từ mạng xã hội, ta có thể học được biết bao điều thú vị, cập nhật liên tục những sự kiện đang nổi, cũng như chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời ta cho những người thân, bạn bè… Nhưng sống ảo đang là tình trạng gây nhức nhối cho xã hội bởi một số lượng quá lớn những người nghiện facebook.

Đối với tu sĩ, tầm ảnh hưởng từ smartphone cũng không hề nhỏ. Không ai có thể chấp nhận một tu sĩ suốt ngày ngẩn ngơ, mơ mộng vì những bộ phim ngôn tình ướt át, hay những tu sĩ với cặp mắt thâm quầng, đỏ ngàu do thiếu ngủ để cày game. Nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống nhân bản cũng như đời sống thiêng liêng có lẽ là từ các trang mạng xã hội, điển hình là facebook. Hiện nay, đa số smartphone đều sử dụng công nghệ “camera chuyên gia selfie” làm cho người ta bị ảo tưởng về bản thân vì những tấm hình “xinh lung linh” của mình. Sau đó, một vài lời khen xã giao trên mạng bắt đầu làm cho người ta mơ mộng, nhất là với tu sĩ trẻ, là những người ít tiếp xúc và va chạm với xã hội nên càng không có sức đề kháng với những lời hoa mỹ ấy.

Để “sống” được trong thế giới ảo, đôi khi người ta muốn tạo cho mình một lý lịch thật nổi bật, thật đặc biệt, thường là khác xa với bản thân. Với tu sĩ, bằng cách này họ có thể “bung xõa” những dồn nén trong đời tu. Họ có thể sử dụng ngôn từ thoải mái mà không cần phải để ý, gìn giữ hình ảnh tu sĩ. Lâu dần, cái tên nặc danh kia trở nên chính họ và làm cho họ đánh mất chính mình.

Điểm chung của việc nghiện phim, nghiện game hay nghiện facebook là rất mất thời gian. Với thời gian chặt chẽ cho mọi hoạt động của tu sĩ thì thời gian đâu để họ có thể thỏa mãn cơn nghiện? Họ chỉ có thể cắt xén trong thời gian biểu của mình mà thôi. Từ đây, biết bao hệ lụy phát sinh: thời gian sinh hoạt chung cùng cộng đoàn ít nên ngày càng xa cách với anh chị em; thường xuyên lo ra, chia trí trong thánh lễ, các giờ kinh, sách… nên ngày càng xa cách với Chúa; thời gian dành cho bạn ảo nhiều nên ngày càng ít tiếp xúc với tha nhân. Một cuộc sống như thế liệu có còn phù hợp với đời tu nữa chăng?

Cơn nghiện nào cũng khó cai. Để chiến thắng các cơn nghiện ảo mà không hề ảo kia, tu sĩ cần phải cố gắng rất nhiều. Ngoài việc tiết chế bản thân, tu sĩ phải tích cực tham gia mọi hoạt động của Hội dòng, đồng thời tạo thêm cho mình những thú vui tao nhã khác như đọc sách, chăm kiểng, may vá… và nhất là luôn đặt trọn tâm trí vào việc mình đang làm.

Công nghệ được tạo ra không chỉ để ta hưởng thụ mà còn để cuộc sống xã hội phát triển từng ngày. Tu sĩ phải kiểm soát mình thật tốt để bản thân không bị thụt lùi, cổ hủ so với xã hội mà vẫn giữ được đời sống thiêng liêng phát triển.

Đời tu sẽ đẹp biết bao nếu ta biết dung hòa mọi thứ để những thách đố không những không là “trở lực”, mà trở nên “trợ lực” giúp ta ngày càng tiến nhanh trên đường tu đức.

 

M. Phú Yên Phạm Hoàng Kim Ân

Tập sinh năm II