Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (12,38-44)
38 Hôm ấy, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích chỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. 41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.
SUY NIỆM
Người xưa có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Quả thật, trước khi cho đi ta phải nghĩ đến “của cho” và “cách cho”. “Của cho” xét cho cùng không quan trọng bằng “cách cho”. Cho thế nào để nói lên tấm lòng chân thành của mình và nhất là làm cho người nhận cảm thấy vui lòng. Đặc biệt đối với Chúa, tấm lòng chân thành dâng hiến luôn được Chúa coi trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”.
Cho đi là quý nhưng không phải cho suông mà cho với cả tấm lòng. Một cuộc đời biết cho đi là một cuộc đời hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào mức độ và cách thức chúng ta trao ban cho tha nhân những gì mình có. Sống vì và sống cho người khác là cách làm tăng trưởng nhân cách và phẩm giá của mỗi người. Cho đi là cả một nghệ thuật mà chúng ta cần phải trau dồi cho bản thân mỗi ngày. Thế nhưng, cho đi cái gì và cho như thế nào lại là một vấn đề. Học biết cho đi đã khó, nhưng học biết cách thức cho đi lại càng khó khăn gấp bội.
Tin mừng theo thánh Marcô thuật lại cho chúng ta câu chuyện diễn ra trong đền thờ Giêrusalem – nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Có nhiều người giàu bỏ bao nhiêu đồng tiền, họ cho đi những điều dư thừa; trong khi bà góa, kín đáo và khiêm tốn, do sự nghèo khó cùng cực của bà, lẽ ra bà có thể chỉ cúng một đồng cho đền thờ và một đồng kia giữ lại cho mình. Nhưng bà không muốn kiểu sống nửa vời, nghĩa là dâng cho Thiên Chúa nửa chừng; nhưng bà dâng tất cả. Vì thế, Chúa Giêsu nói, bà đã cho nhiều hơn tất cả những người khác. Trong sự nghèo khó của mình, bà hiểu rằng, có Chúa là có tất cả; bà cảm thấy được Chúa hoàn toàn yêu thương, và đáp lại bà yêu Chúa trọn vẹn. Gương của bà già ấy mới đẹp làm sao!
Kinh nghiệm cho thấy, có những khi chúng ta cho đi, nhưng người khác lại không đón nhận, hoặc có lúc người ta đón nhận nhưng chỉ đón lấy trong sự ép buộc chứ không mấy vui vẻ. Thành thực mà nói, nhiều khi ta trao tặng mà người kia không đón nhận, có lẽ không phải vì món quà không có giá trị, nhưng vì cách thức chúng ta cho đi có vấn đề. Chúng ta hãy cho đi bằng tất cả tấm lòng và hãy học cách cho đi như chính Đức Giêsu đã cho đi.
Nhìn lại trong dòng lịch sử, không có ai có cách cho đi đẹp bằng Đức Giêsu. Người đã cho đi tất cả kể cả mạng sống của mình chỉ vì yêu thương nhân loại. Sự trao hiến của Người là một sự cho đi đến tận cùng, một sự cho đi không tính toán. Người không những cho đi chính mình mà còn dạy cho nhân loại chúng ta biết nghệ thuật của sự cho đi. Có thể nói, cả cuộc đời Đức Giêsu là một lời giáo huấn liên tục về sự cho đi và cách thức cho đi.
Như thế, kim chỉ nam của sự cho đi chính là sự chân thành phát xuất từ một con tim biết cảm thông và yêu thương. Một khi chúng ta biết cho đi bằng cả tấm lòng thì chắc chắn món quà của chúng ta sẽ được người khác đón nhận với tất cả lòng biết ơn và lòng cảm mến. Nghệ thuật cho đi là bài học chúng ta cần trau dồi mỗi ngày, hầu có thể hoàn thiện bản thân và đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết hiểu rõ giá trị của sự cho đi với tấm lòng quảng đại theo gương Chúa, biết quảng đại đối với Chúa và mọi người để được hưởng tấm lòng quảng đại của Chúa dành cho chúng con. Amen.
Nguồn: Giáo phận Phú Cường