Thấm nhuần và sống Lòng Chúa Thương Xót

THƯ MỤC VỤ
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Thấm nhuần và sống Lòng Chúa Thương Xót

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Theo giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, “người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là nhân chứng”[1]. Thực vậy, người thời đại không chỉ muốn nghe nói về Tin Mừng mà còn muốn được nhìn thấy Tin Mừng, tức là những điều được loan báo, đang trở thành sự thật trong cuộc đời của người loan báo. Do đó, người tông đồ không những phải loan báo Tin Mừng mà còn phải sống và trở thành hiện thân của Tin Mừng.

Cũng vậy, để Dân Chúa hiểu và sống theo lòng Chúa thương xót, các Linh mục và Tu sĩ nếu chỉ giảng giải về lòng thương xót thôi chưa đủ, mà còn phải trở thành hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện tới tột đỉnh trong Đức Kitô, mục tử nhân lành. Theo tinh thần đó, thay vì trình bày giáo huấn về lòng thương xót, tôi xin chia sẻ một số hành động và thái độ xót thương của Chúa Kitô để chúng ta chiêm ngắm và cầu nguyện, sao cho tinh thần lòng thương xót của Chúa thấm nhuần vào tâm trí và thể hiện nơi cuộc đời mỗi người. Đề tài của những điều chia sẻ là “Thấm nhuần và sống lòng Chúa thương xót”.

1. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương” (Mt 9,36)

Tin Mừng Thánh Matthêu, trong phần “Rao giảng Nước Trời” (Mt 8,1 – 9,38), tường thuật những việc Chúa Giêsu đã làm, những điều Ngài đã giảng dạy và kết thúc với một đoạn ngắn gọn diễn tả tấm lòng thương xót của Ngài có sức thúc đẩy chúng ta: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thươngvì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,35-36).

Có nhiều người sống giữa đám đông nhưng chẳng nhìn thấy ai, người khác thì thấy đám đông chỉ là đám đông, còn Chúa Kitô thì nhìn thấy và hiểu thấu từng người, không những nỗi vất vả bên ngoài mà còn thấu cảm cả gánh nặng tâm hồn của họ. Câu văn của Tin Mừng theo Thánh Matthêu có thể hiểu hai cách: vì đoàn dân lầm than vất vưởng nên Chúa chạnh lòng thương, nhưng cũng có thể hiểu vì Chúa có lòng xót thương nên Ngài mới nhận ra và cảm được nỗi lầm than vất vưởng của đoàn dân. Dụ ngôn “Người samaritanô nhân hậu” kể về một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết giữa đường. Tình cờ, một thầy tư tế đi trên con đường ấy, thấy người bị thương, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, thấy người bị nạn, cũng tránh qua một bên mà đi. Người thứ ba là người xứ Samaria, tới ngang chỗ đó, thấy người bị nạn, ông chạnh lòng thương, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy, băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (x. Lc 10,29-35).

Theo dụ ngôn, cả ba người cùng đi qua đoạn đường và cùng thấy kẻ bị nạn, nhưng hai người đầu thấy mà như không thấy, không nhận ra nỗi đau đớn của người bị nạn. Chỉ có người samari nhận ra được nỗi thống khổ của nạn nhân, vì ông có tấm lòng thương xót, ông biết “chạnh lòng thương”. Những hành động tiếp theo đó là kết quả của sự chuyển động của con tim biết chạnh lòng thương, tức là cảm được cái khổ của người khác và thấy cái khổ đó như thể của chính mình, hay của những người ruột thịt với mình.

Trong thế giới ngày nay có nhiều loại đau khổ: đau khổ thể xác, chẳng hạn những người đau ốm tật nguyền; đau khổ tinh thần, chẳng hạn những người đứng trước những vấn đề bế tắc, không lối thoát, những người cô đơn không nơi nương tựa; đau khổ thiêng liêng, chẳng hạn những người yếu đuối quằn quại dưới sức nặng của đam mê, của các thú vui và dục vọng. Tất cả họ là đám đông lầm than vất vưởng mà Chúa xót thương, nhưng họ sẽ chỉ là đám đông vô danh, nếu môn đệ Chúa không có trái tim biết xót thương. Trong cuộc đời, có nhiều hoàn cảnh và vấn đề không có giải pháp thỏa đáng, nhưng điều quan trọng là Dân Chúa phải nhận ra được là các mục tử cảm thông vấn đề và tìm hết cách để trợ giúp, cho dù không tìm ra cho họ được một giải pháp thích hợp. Thật an ủi khi một người đang gặp gian nan hay bế tắc mà tìm được một mục tử có đôi tai biết lắng nghe và con tim biết thổn thức, biết “chạnh lòng thương” và ghé vai cùng vác gánh nặng với mình!

2. Kiên nhẫn chịu đựng các môn đệ

Tin Mừng Thánh Marcô kể: “Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ‘Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?’ Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã tranh cãi xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: ‘Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.’ ” (Mc 9,33-37). Thái độ của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng nói trên giúp chúng ta hiểu hơn tâm tình xót thương của Chúa.

Điều đáng lưu ý là câu chuyện xảy ra trong hành trình Chúa tiến lên Giêrusalem để bước vào cuộc tử nạn và câu chuyện này được thuật lại sau đoạn Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài: “Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: ‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.’ ” (Mc 9,30-32).

Dù đã theo Chúa gần ba năm, được nghe chính Chúa giảng dạy, được nhìn tận mắt các việc Chúa làm và chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa thực hiện, vậy mà các môn đệ vẫn không hiểu tâm tư của Chúa, vẫn suy nghĩ theo não trạng thế gian. Trong khi Chúa lo âu nhìn về cuộc khổ nạn đang chờ đợi Ngài, các môn đệ lại bận tâm cạnh tranh chức quyền. Thái độ ghen tị tranh giành này tỏ lộ rõ hơn khi hai anh em ông Giacôbê và Gioan xin Chúa cho một người được ngồi bên hữu, một người bên tả khi Chúa vào vinh quang của Ngài thì các môn đệ khác tức giận với hai ông (x. Mc 10,35-41). Thấy thế, Chúa gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,42-45).

Mặc dù thấy các môn đệ ngu muội và chậm hiểu, không đồng cảm với mình mà còn suy nghĩ ngược lại những gì mình đã nhiều lần dạy dỗ, Chúa vẫn kiên nhẫn chịu đựng và hiền dịu cắt nghĩa để giúp các ông thay đổi cách suy nghĩ và hành động theo tinh thần của Chúa. Đây là hình thức cư xử của lòng Chúa xót thương đối với những người chậm hiểu, giới hạn và tham vọng. Hình thức cư xử này của lòng thương xót hết sức thiết thực với hoàn cảnh mục vụ tại các giáo xứ. Có những điều đã được nói nhiều lần và nhắc đi, nhắc lại, nhưng vẫn có những người không làm theo; xem ra họ bướng bỉnh, cố chấp hay chống đối nên cũng dễ gây ra khó chịu và bực bội cho chúng ta. Để học được cách cư xử xót thương của Chúa Giêsu, một đàng cần dùng ý chí để kiềm chế cảm xúc tiêu cực, đàng khác cần tập được cách suy đoán tích cực về những lý do nơi thái độ và hành động của tha nhân. Dù cũng có những người cố tình coi thường hay chống đối, nhưng nhiều người không cố chấp, không chống đối; đa số chỉ vì bị thói quen, dục vọng chi phối hay vì còn lạ lẫm hoặc vì một khó khăn chủ quan nào đó làm họ không nhận ra hoặc không đủ khả năng thực hiện. Nếu chúng ta tập được cách nhìn tích cực về động lực hành động của tha nhân, thì thái độ của họ ít làm cho ta bị tổn thương hay khó chịu và chúng ta sẽ dễ thể hiện được tình cảm và thái độ xót thương của Chúa. Trong mọi trường hợp, lý do căn bản thúc đẩy chúng ta thực hiện lòng thương xót của Chúa là sứ mệnh cứu độ và sứ mệnh tìm chiên lạc (x. Lc 15,4-7). Nếu chúng ta được thôi thúc bởi ước muốn cứu rỗi các linh hồn, chúng ta sẽ dễ dàng từ bỏ ý riêng, hủy mình ra không để làm tỏa sáng lòng thương xót của Chúa.

3. Tâm tình vài thái độ của Chúa Giêsu trước việc Giuđa bội phản

Tâm tình thứ ba diễn tả lòng thương xót của Chúa Giêsu là cung cách của Ngài trước sự bội phản của môn đệ Giuđa. Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại điều đó như sau: “Đang bữa ăn, Người nói: ‘Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.’ Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: ‘Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?’ Người đáp: ‘Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!’ Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: ‘Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?’ Người trả lời: ‘Chính anh nói đó!’” (Mt 26,20-25; x. Ga 13,21-30; Mc 14,17-21).

Cung cách của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh này thật lạ lùng. Chúa biết rõ ai trong các môn đệ là người toan tính phản bội Ngài và sự phản bội ấy sẽ dẫn Ngài đến nỗi thống khổ cùng cực, kết thúc với cái chết hãi hùng trên thập giá, thế mà Ngài chỉ nói xa, nói gần, trực tiếp hay gián tiếp, mặc dù Ngài có đủ lý lẽ để “vạch trần” mưu mô xấu xa của người môn đệ và có đủ quyền uy để trừng phạt người môn đệ này để thoát khỏi những khổ đau đang chờ đợi Ngài.

Cung cách tuyệt vời của Chúa phát xuất từ lòng thương xót, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, chỉ tìm cách để cứu rỗi, cho dù có phải trả một giá rất đắt là chính mạng sống của mình. Ngài nhẹ nhàng nhắc nhở để thức tỉnh lương tâm của đương sự và chờ đợi một sự cải hóa. Lòng thương xót của Chúa đã được loan báo trong sách ngôn sứ Edêkien như sau: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23).

Lòng thương xót ở đây hàm chứa sự chấp nhận chịu thiệt thòi, đau khổ và sự tha thứ, mong cải hóa được dù chỉ một người tội lỗi. Có những con người mang trong mình con tim chai đá vì những vết thương sâu thẳm trong ký ức hoặc vì bị thống trị bởi sức mạnh của tự ái, kiêu căng, thú vui, dục vọng, v.v. Với những người này, chỉ có tình yêu được tôi luyện trong lò đau khổ mới mong đụng chạm tới được.

4. Giá trị của đau khổ trong sứ mệnh của lòng thương xót

Suốt cuộc thương khó mà Chúa Giêsu trải qua, có lẽ thời gian đứng trước các thượng tế và Thượng Hội Đồng là lúc nhục nhã nhất. Tin Mừng Thánh Marcô thuật lại như sau: “Toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra… Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người… Nhưng chứng của họ không ăn khớp với nhau. Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giêsu: ‘Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?’ Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: ‘Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.’ Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: ‘Chúng ta cần gì nhân chứng nữa?… Tất cả đều kết án Người đáng chết. Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: ‘Hãy nói tiên tri đi!’ Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi.” (Mc 14,55-65).

Cung cách ứng xử của Chúa Giêsu thật lạ lùng: bị cáo gian, bị sỉ nhục, bị khạc nhổ vào mặt, bị tát, bị vả mặt túi bụi mà Chúa vẫn đứng yên, không tự biện, không ta thán, không chửi bới, không phản ứng… Giữ thinh lặng như thế, nhất là khi biết mình hoàn toàn có lý và nắm trong tay tất cả uy quyền, là gì nếu không phải là một tâm hồn đã đạt tới tột đỉnh của sự tự chủ, của lòng nhân ái và thương xót. Đó là sức mạnh của tình yêu thần linh của Đấng Cứu Thế: tình yêu tự hiến, chấp nhận chịu đau khổ để đền tội thay cho nhân loại, để chữa lành những vết thương đang hằn lên trong ký ức của những cá nhân và tập thể.

Khi nói đến sứ mệnh tông đồ, người ta thường chỉ nghĩ đến việc cậy trông vào Chúa và tìm nguồn an ủi nơi Ngài, hay cao hơn thì nghĩ đến việc phục vụ hết mình, đến các dự án mục vụ, đến những công tác phải làm và các sinh hoạt phải tổ chức, nhưng ít ai nghĩ đến giá trị của đau khổ trong cuộc đời và trong sứ mệnh. Để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã giảng dạy, làm phép lạ, chữa lành các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo. Tất cả những điều đó cần thiết và tốt lành, nhưng không đủ. Cuối cùng, Chúa Giêsu còn phải chấp nhận cuộc thương khó, kết thúc với cái chết đớn đau và nhục nhã trên thập giá; nhờ đó, lòng thương xót của Chúa mới đánh động được những con tim chai đá, chữa lành các vết thương đang hằn sâu trong lòng của các cá nhân hay tập thể mà quy tụ tất cả thành cộng đoàn. Điều này đã được ngôn sứ Isaia báo trước: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật… Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành… Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” (Is 53,3-7).

Có lẽ chỉ số ít trong các linh mục và tu sĩ ngày nay phải trải qua những khổ cực, cay đắng và đau đớn hãi hùng, nhưng đa phần đã từng nếm trải những hiểu lầm oan uổng, những trái ý, hoặc không được tôn trọng trong trách nhiệm và địa vị của mình… Nếu biết đón nhận những hoàn cảnh đó với tâm hồn an bình và bao dung, người tông đồ sẽ thánh hóa các đau khổ và làm hiện lên rõ nét hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vì xót thương nhân loại tội lỗi, đã cam chịu những đau khổ và nhục nhã trong tuần thương khó và trên thập giá. Điều này chỉ có thể trở thành sự thật khi người tông đồ sống hiệp thông mật thiết với Đức Kitô và đạt tới sự “dửng dưng thánh”, tức là lòng thanh thoát khỏi tất cả những gì không phải là Chúa Giêsu, tuy vẫn trân trọng chúng. Đây chính là tâm tình Thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).

Cùng với quyết tâm luyện tập, chúng ta cầu xin Đức Mẹ và Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo phận giúp chúng ta kiên trì suy gẫm, cầu nguyện và luyện tập “bao dung như Chúa bao dung” và “thương xót như Chúa thương xót” để trở thành hiện thân của lòng Chúa thương xót.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1]. ĐGH Phaolô VI, tông huấn “Rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay, số 41; x. ĐGH Gioan Phaolô II, thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế”, số 42.

Nguồn: giaophanxuanloc.net