Thánh Gia, gương mẫu tuyệt vời

THÁNH GIA, GƯƠNG MẪU TUYỆT VỜI

 

“Mỗi đứa con đều quí giá.
Mỗi đứa con đều là thụ tạo của Thiên Chúa.” (Mẹ Têrêsa)

Sự kết hợp của tình yêu gia đình là con cái vì chính con cái là hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho đôi bạn. Tất cả những đứa con mà Chúa ban cho ta đều là một ân huệ, một chúc phúc lớn lao. Chính vì thế, cha mẹ phải yêu thương và giáo dục chúng theo thánh ý Thiên Chúa.

Gia đình không chỉ là nơi sinh ra, nhưng còn là nơi tiếp đón sự sống mới như một quà tặng của Thiên Chúa gửi đến. Mỗi sự sống mới “cho phép chúng ta khám phá chiều kích vô vị lợi nhất của tình yêu, một tình yêu khiến chúng ta không bao giờ hết thán phục. Trước hết, đó chính là vẻ đẹp được yêu mến: con cái được yêu thương trước khi được sinh ra”[1]

  1. Hoa quả của Tình Yêu

Trong kế hoạch tổng thể Thiên Chúa là Tình yêu, Ngài đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài để họ yêu mến và đáp trả tình Chúa yêu thương; tình yêu ấy cũng sáng tạo, vì từ hôn nhân sẽ phát sinh những người con mới. Người nam và nữ lìa bỏ cha mẹ đến với nhau trong hôn nhân làm thành một gia đình; chính trong gia đình, trước hết, là nơi đảm bảo cho sự tiếp diễn của xã hội. Thứ hai, gia đình thực hiện nhiệm vụ cụ thể là giáo dục con cái và giúp chúng hội nhập xã hội. Gia đình truyền lại cho con cái các nhân đức, các phẩm chất, tôn giáo và các giá trị đạo đức, tri thức và xã hội, truyền thông văn hóa, đây là những giá trị cần thiết để chúng lớn lên thành một người tự do và có trách nhiệm[2]. Vậy trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái như thế nào để chúng trở nên những con người hữu ích cho Giáo hội – Xã hội.

  1. Gia đình là trường học đầu tiên

Gia đình là trường học đầu tiên dạy các giá trị nhân bản, nơi đây người ta học biết  sử dụng tự do một cách tốt đẹp.[3] Tình yêu thương của cha mẹ vừa là nguồn mạch, vừa là nguyên lý sống động truyền cảm hứng và cũng là chuẩn mực soi sáng và hướng dẫn tất cả các hoạt động giáo dục cụ thể, làm việc giáo dục trở nên phong phú với những giá trị của lòng tốt, lòng chung thủy, sự phục vụ, tính vô vị lợi, và đức hy sinh. Đây là hoa quả quý giá nhất của tình yêu.[4]

Nền tảng của mọi phương pháp giáo dục là tình yêu thương bởi vì tình yêu là sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay. Hơn nữa, thánh Augustinô đã từng dạy rằng: “Cứ yêu rồi làm điều mình muốn”. Bởi vậy, cho dù có dùng phương pháp giáo dục nào đi chăng nữa mà không xuất phát từ tình yêu thì sẽ không gặt hái được thành công.

Trên nền tảng tình yêu thương, để giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo có một vài phương pháp sau:

  • Trao đổi, tâm sựvới con cái. Từ những trao đổi tâm sự chân tình giữa cha mẹ và con cái sẽ làm cho con cái an tâm, tin cậy vào cha mẹ. Nhờ có sự tin cậy như vậy, chúng sẽ dễ dàng nói lên những mong muốn, tâm tư của mình và từ đó các bậc cha mẹ sẽ hiểu con cái mình hơn, kịp thời can thiệp khi chúng có những hành vi không đúng mực.
  • Sửa phạt : Thánh Phao-lô nói về bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái như sau: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”. Điều thiết yếu cần giúp chúng nhận ra rằng mọi hành động xấu đều có hậu quả của nó. Cần khơi dậy nơi chúng khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hối hận vì đã gây ra sự dữ làm cho người ta đau khổ. Điều quan trọng là kiên quyết dạy cho chúng biết xin lỗi và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho người khác.[5]
  • Kỷ luật: Cho dù yêu thương con cái đến mấy cũng không được quá dễ dãi với chúng. Cần phải có kỷ luật, khuôn phép. Tuy nhiên, kỷ luật cần phải linh động, phù hợp vì luật tạo ra là vì con người chứ không phải con người làm ra là vì luật. Nếu kỷ luật dễ dàng quá sẽ làm cho con trẻ coi thường khuôn phép, ngược lại sẽ gây nên tình trạng khô cứng, áp đặt.
  • Gương sáng: “Đời sống của cha mẹ là quyển sách con cái đọc.” (Thánh Augustinô). Cha mẹ chính là mẫu gương sống động mà con cái bắt chước. Chúng sẽ để ý mọi hành động và phản ứng của chúng ta. Do đó cha mẹ là người trực tiếp gieo vào tâm hồn con cái những hạt giống yêu thương, trung thực, tốt bụng….hay giả dối, gây hấn, bạo lực….
  1. Truyền thông đức tin

Giáo dục con cái phải đi qua một hành trình thông truyền đức tin, một việc trở nên khó khăn do lối sống hiện tại, giờ giấc làm việc, tính phức tạp của thế giới ngày nay, trong đó nhiều người, để tồn tại, phải chịu một nhịp độ điên cuồng[6].

Thực hành việc thông truyền đức tin cho con cái, theo nghĩa tạo thuận lợi cho việc biểu lộ và phát triển đức tin, cho phép gia đình trở thành nhà rao giảng Tin mừng, và một cách tự nhiên gia đình bắt đầu thông truyền đức tin cho mọi người xung quanh, ngay cả những người bên ngoài phạm vi gia đình. Những đứa con lớn lên trong các gia đình truyền giáo thường trở thành những nhà truyền giáo, nếu như cha mẹ biết cách sống sứ vụ này, bằng cách đó người khác cảm thấy họ gần gũi và thân thiện, và như thế con cái lớn lên theo cách tương quan này với thế giới mà không từ bỏ đức tin và những xác tín của mình.[7] Thật vậy, giáo dục đức tin cho con cái rất cần thiết và đây còn là cách ươm trồng những ơn gọi tu trì phát xuất từ những gia đình đạo đức, đời sống đức tin vững mạnh. Gia đình là nơi đầu tiên phát triển con người, chính vì thế trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ được đặt lên hàng đầu không ai có thể thay thế được và chính họ phải ý thức điều đó.

Ngày nay, nhiều cha mẹ đánh mất giá trị cao quý ấy vì nhiều lý do khác nhau, họ không xem con cái là quà tặng của Thiên Chúa nên dẫn tình trạng nạo phá thai thường xuyên xảy ra. Họ đã đánh mất chính Tình yêu của Thiên Chúa, “sức mạnh của gia đình “nằm chủ yếu ở khả năng yêu thương và dạy biết yêu thương. Dẫu có bị tổn thương thế nào thì gia đình vẫn luôn có thể lớn lên khởi đi từ tình yêu”[8]. Trong công tác mục vụ chúng ta là những ngôn sứ Tình yêu Thiên Chúa, chúng ta đem tình yêu của Ngài đến với những gia đình nguội lạnh, bất hòa, chia rẽ để họ nhận lại được tình yêu thuở ban đầu mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong ngày lãnh bí tích hôn phối.

Giáo dục con cái trong gia đình là một trong hai trục chính của bí tích Hôn nhân Công giáo. Nếu như truyền sinh có vai trò duy trì nòi giống và đảm bảo sự tồn tại của xã hội thì giáo dục giúp con người thực sự là người hơn trong xã hội mình đang sống. Chính vì vậy giáo dục con cái trong gia đình Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, giúp con người trưởng thành hơn trong việc kính Chúa và yêu người. Cha mẹ giáo dục không đúng cách khi quá nuông chiều con hay quá nghiêm khắc đều để lại những chấn thương trong nhân cách của chúng. Bởi thế, chúng ta cần quan tâm thúc đẩy và xây dựng một nền giáo dục gia đình xứng đáng với tầm quan trọng vốn có của nó; làm hình thành nên một xã hội công bình – bác ái, một Giáo hội hiệp nhất – yêu thương.

  1. Thánh Gia, gương mẫu tuyệt vời

“Nazarét dạy ta ý nghĩa của đời sống gia đình, về sự hòa hợp trong tình yêu thương, tính đơn sơ và vẻ đẹp chân phương, đặc tính thiêng liêng và bất khả xâm phạm của gia đình. Nazarét dạy ta giáo huấn nhận ra được từ gia đình và không thể thay thế ra sao, vai trò của gia đình không thể sánh được và quan trọng thế nào trên bình diện xã hội”[9].

Khi chúng ta giáo dục con cái bằng lý trí và tình cảm con người thì sẽ không hoàn hảo nếu chúng ta dạy dỗ con cái theo gương mẫu của gia đình Nazaret. Vì chính nơi gia đình Nazaret có Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, các ngài đã sống yêu thương – lắng nghe nhau, đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và luôn kiếm tìm Thánh Ý Chúa. Một gia đình trải qua nhiều biến cố sóng gió, nhưng lại rất hạnh phúc. Sở dĩ có được điều như vậy, đó là mỗi thành viên trong Gia đình Thánh đều biết lắng nghe. Mỗi người chúng ta cũng học đòi bắt chước Gia đình Thánh, để mỗi người chu toàn nhiệm vụ xây dựng gia đình bình an hạnh phúc.

Hôm nay, cũng là ngày Bổn mạng của các Cộng đoàn Thánh Gia – Long Phú, Bêtania – Lộ 19, Bêlem – Tham Tướng, Nazaret – Rau Râm; xin cho mỗi Chị Em trong cộng đoàn học nơi Gia đình Thánh biết lắng nghe, chia sẻ, quan tâm và thành thật yêu nhau để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương.

 

Kỉ niệm ngày Bổn mạng cộng đoàn Thánh Gia – Long Phú

M. Quỳnh Ngọc

 

[1] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 166

[2] ĐGH Phanxicô, Docat, chương 1

[3] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 274

[4] Thánh GH Phaolô II, Familiaris Consortio số 36

[5] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 268

[6] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 287

[7] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 289

[8] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, số 53

[9] ĐGH Phaolô VI, bài giảng tại Nazaret, 1964