THẬP GIÁ GẮN LIỀN VỚI TÌNH YÊU
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (27.06.2023) – Trong luật hình sự, có lẽ hình phạt thập giá là phát minh nổi tiếng nhất từ cổ chí kim. Ai cũng nghe biết đến thập giá. Số là thập giá đã gắn liền đến thân phận một con người, một Thiên Chúa. Nhờ thập giá mà con người hy vọng được cứu độ. Thập giá khi này trở nên thánh giá, làm nên ý nghĩa của cuộc đời này.
Thú vị là trong Kinh thánh Cựu ước không có từ thập giá (Latinh: cross, crux ordinaria). Đơn giản là trong văn hoá Kinh thánh thời đó, khái niệm thập giá chưa có. Duy chỉ một lần chúng ta thấy Thiên Chúa lệnh cho Môsê treo con rắn bằng đồng lên trên một cây sào hoặc cây cột (Ds 21,4-9). Tuyệt nhiên, đó không phải là cây thập giá sau này, nhưng đó chỉ là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu[1]. Vậy thập giá xuất hiện từ khi nào trong Kinh thánh Tân ước?
Nếu mở cuốn Tin mừng đầu tiên, Mátthêu đề cập đến danh từ thập giá ở mãi chương thứ 10: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). Trong bối cảnh Tin mừng ngày hôm đó (Mt 10,37-42), Chúa Giêsu đòi hỏi những ai theo Ngài phải biết từ bỏ mọi sự, thậm chí cả mạng sống. Hình ảnh rõ nét nhất cho đòi hỏi này, đó là cây thập giá. Đây là hình phạt nặng nề không xuất phát từ văn hóa Do Thái giáo hay Kinh thánh. Lật lại những trang sử dân Do Thái, từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Alexandros Đại đế đã chinh chiến khắp vùng Châu Âu và chinh phục cả vùng Trung Đông. Thời đó, đế quốc Rôma xưng hùng gần như khắp mặt địa cầu (theo cái nhìn địa lý ngày ấy). Đi đến đâu, họ thiết lập hệ thống chính trị và pháp luật của đế quốc. Một trong những luật hình sự nổi tiếng nhất đó là thập giá. Những tử tù phải vác thập giá đến chỗ hành quyết. Án tử này vừa khiến tội nhân chết trong xấu hổ, vừa khiến người đời thấy thế mà tránh xa.
Chắc chắn, Chúa Giêsu nhiều lần chứng kiến các tử tù chết trên thập giá. Nếu ai xem phim Đức Maria, người làng Nadarét[2], đạo diễn cũng quay vài cảnh cậu bé Giêsu thấy người ta chết tất tưởi trên thập giá. Hình ảnh đó đã ăn sâu vào tâm trí của Chúa Giêsu. Chúng ta ngạc nhiên khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh này trong lời mời gọi mọi người đi theo Ngài. Thánh Mátthêu cũng không ngần ngại ghi lại nguyên văn của điều kiện đi theo Chúa Giêsu. Nếu có mặt ngày hôm đó, chúng ta cũng khó lòng chấp nhận điều kiện nghiệt ngã này. Nút thắt thập giá chỉ được mở ra khi Chúa Giêsu đích thân vác thập giá lên đồi Canvê. Ngài đã chịu chết như một tử tội, dù Ngài vô tội. Sau cùng, Chúa Giêsu đã sống lại và mở ra một bức tranh hoàn toàn mới cho cây thập giá.
Khi nói đến Thiên Chúa Ngôi Hai, chúng ta phải nói đến thập giá. Nhân loại sẽ không bao giờ hiểu được tại sao Thiên Chúa lại chọn thập giá để cứu độ con người. Một sự kiện mà ai cũng biết: Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh trên thập giá; và sau đó Ngài đã chiến thắng tử thần. Từ đây, thập giá của Chúa Giêsu được chúng ta tôn thờ. Hoặc nói đúng hơn, khi yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta cũng yêu mến và muốn đi theo con đường Thầy mình đã đi qua. Cần lặp lại ở đây, cả thánh Mátthêu và thánh sử khác đều nhìn nhận thập giá không hẳn gắn liền với mức án hình sự đương thời. Đây chỉ là hình ảnh nói lên những thách đố khi bước theo Chúa Giêsu. Khó khăn lớn nhất có khi phải đối diện đó là cái chết! Theo đó, đường thập giá được hiểu theo nhiều góc cạnh khác nhau mà chúng ta thử liệt kê ở đây:
– Theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu dùng từ thập giá trong bối cảnh Ngài mời gọi những ai muốn theo mình cần có tinh thần vững mạnh. Vì tình yêu, họ dám từ bỏ những thứ vốn thân thiết như là cha mẹ, anh chị em. Chúa muốn người môn đệ yêu mến Chúa hơn yêu người thân thuộc. Thực ra, nếu ai đủ can đảm yêu mến Thiên Chúa thật nhiều, họ cũng có khả năng yêu mến cha mẹ họ càng nồng nàn hơn. Điều răn thứ Tư, thảo Kính cha mẹ, Chúa Giêsu vẫn không quên. Ở đây Chúa mong muốn các môn đệ dành toàn tâm toàn ý cho sứ mạng Nước trời vốn lớn lao hơn so với việc chăm chú vào tình yêu gia đình.
– Chúa Giêsu mời chúng ta dám đương đầu với những khó khăn của chính mình. Không ai có thể vác thập giá thay cho mình được. Nhất là khi đi theo Chúa, có những thách đố buộc người môn đệ phải vượt qua. Với tình yêu đủ lớn, chúng ta sẽ hạnh phúc chấp nhận vác thập giá như là niềm vinh dự, vì nên giống Chúa Giêsu.
– Kitô hữu không được tìm đau khổ, càng không được tìm đến cái chết. Nhưng khi phải đối diện với đau khổ mà không tránh được, họ nên vui lòng kết hợp đau khổ của họ với đau khổ của Chúa Giêsu. Điều này không dễ. Chỉ những ai dám chấp nhận, vì tình yêu, họ mới đủ sức vác thập giá như “Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì ta và để nêu gương cho ta bước theo Người.”
– Sau cùng, với một nghịch lý của cuộc đời: Càng giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng liều mất mạng sống vì Chúa Giêsu thì lại tìm thấy được. Chúng ta chỉ hiểu được nghịch lý này trong ánh sáng của Chúa phục sinh. Chúa Giêsu hứa cho những ai dám bước đi trong đau khổ với Ngài, dám vác thập giá và cùng chết với Ngài, chính Thiên Chúa sẽ cho người ấy phục sinh. Sự sống đời sau như là bảo chứng để chúng ta đánh đổi mọi thứ, thậm chí là cả tính mạnh. Thực ra, đau khổ luôn gắn liền với thân phận làm người. “Nếu bạn vác thập giá mình cách vui vẻ, thập giá sẽ vác bạn.” (Thomas a Kempis). Nếu hiểu loại suy thân phận chúng ta như là thập giá, thì môn đệ Chúa cần đón nhận phận mình như là món quà để bước theo Chúa Giêsu. Vả lại người thành công, mạnh mẽ không thể đầu hàng nghịch cảnh, huống hồ là những ai muốn theo Chúa để làm chứng cho giá trị Tin mừng. “Ta phải vác thập giá chứ không kéo lê, và phải đón nhận thập giá như kho tàng chứ không phải như một gánh nặng. Chỉ nhờ thập giá mà ta có thể nên giống như Chúa Kitô” Francis Fénelon (1651–1715, giám mục Pháp).
Hẳn nhiên nội hàm thập giá trên đây đều được thể hiện nơi Chúa Giêsu. Cả cuộc đời làm chứng cho Tin mừng, Chúa Giêsu cũng phải vác biết bao gièm pha, chống đối và thậm chí là Ngài đã phải chết trên thập giá theo đúng nghĩa đen. Thánh Cyrille ở Giêrusalem đã ví von hành động này như sau: “Thiên Chúa đã giang tay trên thập giá để ôm lấy hết giới hạn của thế giới”. Nhưng có lẽ thập giá là bằng chứng xác thực nhất, hùng hồn nhất về tình yêu mà Chúa Giêsu luôn nói đến: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã thánh hóa khúc gỗ thập tự này thành biểu tượng của tình yêu, của hy sinh và hiến thân vì Thiên Chúa và tha nhân. Từ đó, “đau khổ loài người được hội nhập vào tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô và nhờ đó trở nên thành phần hấp dẫn của sức mạnh thần linh lôi kéo thế giới tới hạnh phúc” (Youcat 102).
Mỗi người đều có thập giá rất riêng của mình. Thay vì kéo lê nó, chúng ta xin với Thiên Chúa cho mình đủ sức để vác nó với niềm vui. Nếu càng trốn chạy đau khổ, có khi chúng ta càng bế tắc. Thay vào đó, như lời Chúa Giêsu mời gọi, chúng ta dám vác thập giá của chính mình để đi theo Chúa. Vác một mình sẽ mệt mỏi vô cùng; nhưng đi cùng với Chúa Giêsu, thập giá sẽ nhẹ nhàng hơn và sẽ là cơ hội để nên thánh giá, với nhiều tình yêu. Viết tới đây, tôi nhớ đến chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các bạn trẻ:
“Các con đã hỏi làm thế nào để khuyến khích người trẻ không sợ ôm lấy thập giá. Ôm lấy: đó là một động từ đẹp. Ôm giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi. Khi chúng ta được ôm, thì chúng ta sẽ lấy lại niềm tin vào chính mình và vào cuộc sống. Vì vậy, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu ôm chúng ta. Bởi vì khi chúng ta ôm Chúa Giêsu, là chúng ta ôm niềm hy vọng. Chúng ta không thể tự mình ôm lấy thập giá; đau khổ không cứu được ai. Chính tình yêu biến đổi nỗi đau. Vì vậy, chúng ta hãy luôn luôn ôm lấy thập giá cùng với Chúa Giêsu và đừng bao giờ ôm thập giá một mình! Khi chúng ta ôm lấy Chúa Giêsu, niềm vui sẽ được tái sinh. Và niềm vui của Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm thấy sự bình an, ngay cả giữa nỗi buồn. Các bạn trẻ thân mến, trên mọi thứ, cha muốn các con có được niềm vui này. Cha muốn các con mang nó đến cho bạn bè của các con. Không phải là các bài giảng, nhưng là niềm vui. Hãy mang niềm vui. Không phải lời nói, nhưng là những nụ cười và sự gần gũi huynh đệ.”[3]
Lạy linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con.
Lạy xác thánh Chúa Kitô, xin cứu độ con.
Lạy Máu Thánh Chúa Kitô, xin làm cho con say mến.
Lạy nước bởi nương long Chúa Kitô, xin tẩy rửa con.
Lạy sự thương khó Chúa Kitô, xin thêm sức cho con.
Lạy Chúa Giêsu nhân ái, xin nhận lời con.
Xin giấu ẩn con trong các vết thương Chúa.
Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa.
Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù tinh quái.
Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi con, và cho con đến cùng Chúa,
để con được cùng các thánh ca tụng Chúa muôn đời. Amen.
Nguồn: W.HĐGMVN
[1] https://sjjs.edu.vn/con-ran-dong-hinh-anh-tuong-trung-ve-chua-gie-su-tren-thap-gia-ds-214b-9/
[2] https://www.youtube.com/watch?v=k32D3EUilow
[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-van-cua-dtc-trong-buoi-gap-go-gioi-tre-tai-san-van-dong-lokomotiva-o-kosice-42709