“Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha.” (Lc 23, 46)
Câu nói cuối cùng trước khi gục đầu trao Thần Khí đã hoàn tất sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu qua chặng Đường Thương Khó. Con đường từ Nhà Tiệc Ly tới đỉnh đồi Canvê không còn đơn thuần là một con đường địa lý nữa vì từng bước chân mang lấy Thập Giá trên vai, Đức Giêsu đã thánh hóa và làm cho nó trở thành biểu tượng của một con đường thiêng liêng dẫn đến sự sống vĩnh cửu.
Khởi đi từ nhà Tiệc Ly, thầy trò ngậm ngùi chia biệt. Chúa quỳ gối rửa chân cho các môn đệ, gửi trao các ông một bài học không lời về sự khiêm hạ phục vụ cùng với Lệnh Truyền Yêu Thương. Với miếng bánh sẻ chia ân tình, Chúa đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể làm dấu chứng cho tình yêu và sự trao ban đến cùng. Rồi Chúa bước vào Vườn Dầu tăm tối, đang lúc các môn đệ tâm giao mê mệt ngủ say, Người lo âu, hãi hùng vì sắp phải đối diện với cuộc chiến đấu khắc nghiệt phía trước. Và cuối cùng, giờ của Chúa cũng đã đến, người ta tới trói giải Người đi như một tên trộm cướp. Các phiên tòa của sự dữ bắt đầu được mở ra. Sau khi bị hành hạ đến sức cùng lực kiệt, Chúa nhận lấy bản án cuối cùng được viết bằng chính sự hận thù và lòng kiêu ngạo của con người: “Đóng Đinh nó vào Thập Giá!”. Thật trớ trêu cho một tình yêu tự hiến!
Với bản án nghiệt ngã ấy, Chúa Giêsu đã phải trải qua những điều khủng khiếp nhất. Khuôn mặt mỹ miều, Người đưa cho quân vô đạo phỉ nhổ, đôi mắt uy nghi điều khiển muôn loài, Người để họ lấy khăn bịt lại làm trò hề. Đầu của Người, thần thánh run sợ, nay bị mão gai cắm sâu vào óc. Người chịu bao sỉ nhục, khinh khi, mắng nhiếc, và thách thức. Người đưa lưng chịu đòn, xác thể bầm dập, máu tuôn trào vì các vết thương. Ở độ tuổi 33 sức dài vai rộng, Chúa Giêsu có thể vác thập giá lên đồi Canvê dễ dàng. Tuy vậy, suốt đêm trường với biết bao roi đòn và khổ hình man rợ, Người đã kiệt sức. Cây thập giá nặng trĩu tội lỗi nhân loại nay chất lên vai, Chúa bước đi chao đảo, trái tim buốt nhói, xót xa. Rồi Chúa gục ngã xuống đất nhiều lần, Thập Giá lại đè nặng khiến thân xác Chúa như dập nát. Giữa cảnh hỗn loạn của đám đông, giữa tiếng la ó man rợ, Chúa đã bắt gặp ánh mắt của Đức Mẹ. Trong thời khắc của tình mẫu tử, Chúa Giêsu đã cảm nghiệm thế nào là cảnh chia lìa, xa cách, và nhất là sự bất lực trước nỗi đau của Mẹ. Còn Mẹ Maria…Mẹ hiểu thế nào là nỗi đau của một lưỡi gươm đang đâm thâu tâm hồn mình. Mẹ âm thầm ôm tất cả vào lòng. Chính cách mà Mẹ đón nhận đau khổ đã đỡ nâng và tiếp sức cho Chúa Giêsu trên hành trình Thập Giá. Dù hơi thở đã thoi thóp, Chúa vẫn gượng dậy đứng lên.
Trước sự thúc ép dồn dập của lính tráng và trong tâm thế sợ hãi, Si-mon Ky-rê-nê, một người gốc dân ngoại, đã miễn cưỡng chấp nhận vác đỡ thập giá cho Chúa. Thế nhưng, thật kỳ diệu thay, khi một nửa sức nặng của thập giá được chia sớt qua bờ vai, thì con tim ông hoàn toàn được biến đổi, thập giá được vác nhẹ nhàng mà lòng ông không một chút khó chịu, không một lời trách móc. Chính ông đã mang đến cho Chúa Giêsu một cảm giác ấm áp lan tỏa khắp tâm can, bù lại những giây phút đắng cay phũ phàng vì bị phản bội, bị lên án.
Ánh mặt trời gay gắt phủ xuống con đường ghồ ghề đầy bụi cát, mồ hôi hòa lẫn với những vệt máu khô chảy dầm dề cả khuôn mặt Chúa Giêsu. Tóc người bết lại, mắt Chúa cuồng thâm mờ hẳn, khó trông thấy lối đi. Giữa lúc đó, một người phụ nữ đã không cầm nổi nước mắt dám lách ra từ giữa đám đông cuồng loạn và bọn lính tàn bạo. Bà tiến lại gần, tay nhẹ nhàng nâng tấm khăn lau mặt cho Chúa và Người đã để khuôn mặt của mình in lên như “chụp lại nguyên vẹn” trên tấm khăn ấy. Chẳng ai cho biết tên của bà, nhưng vì tấm khăn kia mà người đời sau gọi tên bà là Vêrônica, nghĩa là “chân dung đích thực phản ảnh gương mặt Thầy Giêsu.”
Đường đi lên càng dốc, đất đá lởm chởm, bước đi không thôi đã khó, mà bọn lính còn không ngớt lời chửi rủa, thúc giục, đánh đập vì chúng chỉ muốn sớm kết thúc cuộc hành trình. Tất cả đã làm cho Chúa kiệt sức, đôi chân Ngài không đi được nữa, Ngài đã ngã quỵ xuống đất lần thứ hai. Tay ghì thập giá, tay chống lên đất, Đức Giêsu gượng dậy để đi tiếp. Ngài không bỏ cuộc, không thoái lui giữa đường. Ngược lại, niềm hy vọng Ngài đang gắng sức đem cho cả loài người nơi đỉnh đồi Canvê, cho Ngài sức mạnh để đương đầu với thực tại đắng lòng.
Cuối cùng cũng đã đến đỉnh đồi Canvê. Chúa Giêsu đã sức cùng lực kiệt. Quân lính lôi Người đặt lên cây giá gỗ hình chữ thập mà chính Người đã vác trên vai. Chúng bắt đầu đóng đinh Người vào thập giá. Tiếng búa chát chúa vang lên giữa đất trời. Những cây đinh lớn lọt giữa các khe xương, xé nát từng thớ thịt, xuyên qua tay chân và găm chặt thân xác Chúa vào trụ gỗ. Đồi cao hắt hiu bóng chiều, Con Thiên Chúa giờ đây bị treo trần trụi trên cây Thập Giá. Qua bấy nhiêu khổ nhục, thế mà Chúa vẫn một mực nhân từ, tha thứ, bình thản, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca sẵn sàng đón lấy đinh nhọn, mũi đòng, giấm chua, mật đắng trong sự thinh lặng đến se dạ thắt lòng của Chúa Cha (Is 53,7). Đồi Canvê giờ đây bị vây bọc bởi sự tranh chấp quyết liệt giữa thiện và ác, giữa bóng tối của thần dữ và ánh sáng cứu độ của Chúa Giêsu, giữa vực thẳm khủng khiếp của hận thù nơi con người và độ cao vời vợi của tình yêu Thiên Chúa.
Và…Chúa Giêsu đã chết trong biển cả mênh mông giá lạnh của đớn đau và những sự xúc phạm, để đền trả tội lỗi nhân loại! Trời đất cảm thương, đã sập bóng tối xuống giữa trưa, như muốn che thân thể Người đang trần truồng trên thập giá. Thế nhưng, bóng tối lại như càng dày đặc thêm trong tâm hồn của loài người vong ân. Bóng tối đã thắng thế trong tiết chiều hoang lạnh!
Lúc này thực sự là cảnh tang tóc thê lương. Hai môn đệ xót xa gỡ từng mũi đinh xé nát thân xác Chúa và trao vào tay Mẹ Maria. Nhớ lại năm xưa, Chúa Giêsu được hạ sinh ấm áp trong vòng tay Mẹ. Thế mà giờ đây, Mẹ phải nghẹn đắng tiếp nhận thân xác Con đã bất động và lạnh ngắt. Mọi sự đã hoàn tất, Đấng Thánh Chí Ái của Thiên Chúa giờ đây đã đi vào lòng đất. Một tảng đá vô định khổng lồ che lấp cửa mồ, nơi đang chôn vùi thân xác bầm dập của Đấng Toàn Năng. Thiên nhiên thinh lặng, loài người thinh lặng và dường như Thiên Chúa cũng thinh lặng. Nhưng giữa cái thinh lặng đến se dạ thắt lòng đó, Thiên Chúa đã chiếu dọi một ánh sáng phục sinh huy hoàng. Từ trong lòng đất u tối, tình yêu và sự trao hiến đang bừng nóng lên nơi Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Người hóa nên như “hạt lúa mì mục nát” mà Thiên Chúa đã vùi vào lòng người, để nảy lên mầm sống mới bất tử. Và cuộc tranh đấu đã đến hồi kết, ánh sáng cứu độ đã thắng bóng tối tội lỗi vì tình yêu mạnh hơn sự chết! Chúa Giêsu đã một lần đi con đường Thương Khó để mãi mãi chiếu giãi ánh sáng Phục Sinh cho nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Cây Bút Chì – MTG Vinh