THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM C
TIN MỪNG: Mt 8, 5-11
Khi Đức Giê-su vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm”. Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời.”
SUY NIỆM 1:
Tin Mừng hôm nay thuật lại một câu chuyện rất khó hiểu. Một người quyền quý và giàu có như ông đại đội trưởng Rôma lại xấp mặt quỳ gối trước một người Do Thái bình thường như Chúa Giêsu, chỉ để xin Ngài cứu chữa cho người đầy tớ, một nô lệ của ông.
Vào thời Chúa Giêsu, chế độ nô lệ vẫn còn khá phổ biến. Người nô lệ bị buôn bán, trao đổi như những món hàng, thậm chí là những món hàng rẻ tiền. Họ không có bất kỳ quyền hạn nào, kể cả quyền sống. Ông chủ có thể giết hay bán họ tùy ý.
Với địa vị và tài sản như của ông đại đội trưởng, ông ta có thể mua rất nhiều nô lệ, thậm chí không cần màng đến ai trong số họ sống chết như thế nào. Vậy mà, câu chuyện chúng ta vừa nghe kể lại rằng, chính ông đại đội trưởng đã quỳ xuống trước Chúa Giêsu để cầu xin sự sống cho một người nô lệ của mình.
Chúng ta thấy ngạc nhiên không? Thật ra, đây là một câu chuyện có thật và không hề ngạc nhiên chút nào nếu chúng ta nhận ra điều này: ông đại đội trưởng này chính là Chúa Giêsu, và người nô lệ chính là con người tội lỗi của chúng ta.
Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là loài thụ tạo, chẳng khác gì một người nô lệ đáng chết vì tội lỗi của mình. Nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu, vị Đại Đội Trưởng quyền uy và vinh quang, không chỉ một lần mà đến ba lần quỳ xuống trên đường Calvê để cầu xin tha thứ tội lỗi cho chúng ta.
Chính lòng thương xót của Thiên Chúa là khởi đầu của chương trình sáng tạo và cứu chuộc con người. Ngoài tình yêu và lòng thương xót, chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã xuống thế làm người để cứu chuộc loài người.
Lạy Chúa, chúng con là những người tội lỗi, đang hấp hối vì tội lỗi của mình. Nhưng nhờ Vị Đại Đội Trưởng đã giáng sinh và chịu chết cho tội lỗi của chúng con, chúng con đã được cứu thoát và được sống. Vì vậy, trong mùa vọng thánh thiêng này, xin Ngài mở lòng chúng con để mỗi ngày, qua thánh lễ, học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện …, chúng con có thể khám phá tình yêu và lòng thương xót bao la của Ngài dành cho chúng con, được tỏ hiện trong Hài Nhi bé nhỏ.
LM. PHAOLÔ
SUY NIỆM 2:
Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện về viên đại đội trưởng ngoại giáo, một con người đã thể hiện lòng tin mạnh mẽ và khiêm nhường sâu sắc. Qua đó, chúng ta học được cách sống đức tin trong sự phó thác và tín nhiệm vào Chúa.
Trong đoạn Tin Mừng, viên đại đội trưởng là một người ngoại giáo, không thuộc dân Israel. Tuy nhiên, ông đã đến xin Đức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của mình. Điều này cho thấy ông có một lòng tin đặc biệt: Đức tin lớn lao: tin rằng Đức Giêsu có quyền năng, ông chỉ xin Chúa phán một lời, vì ông tin rằng chỉ cần Lời của Chúa cũng đủ để chữa lành. Dù ông không phải là người Do Thái. Sự khiêm nhường: Viên đại đội trưởng không dám mời Chúa vào nhà mình, vì ông nhận ra sự thánh thiện của Chúa và sự bất xứng của bản thân: Thưa Ngài, tôi không đáng Ngài vào nhà tôi.
Chúng ta được mời gọi nhìn lại thái độ của mình trước Chúa. Đôi khi chúng ta tự mãn hoặc ỷ lại vào những việc làm của mình mà quên mất rằng mọi sự đều là ân sủng của Chúa. Viên đại đội trưởng dạy chúng ta rằng đức tin thật phải đi đôi với lòng khiêm nhường. Lời Chúa không chỉ là âm thanh mà là hành động, là sức mạnh biến đổi và chữa lành mọi đau khổ trong cuộc sống. Đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe và đặt niềm tin vào Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Hãy siêng năng đọc, lắng nghe và sống Lời Chúa mỗi ngày, đặc biệt trong Mùa Vọng này.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta để đón Chúa đến chúng ta cần sống đức tin như ông: khiêm nhường, phó thác, và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa. Lạy Chúa, xin giúp chúng con có được đức tin khiêm nhường và mạnh mẽ như viên đại đội trưởng. Để chúng con luôn sống đức tin trong sự phó thác và tín nhiệm vào Chúa, luôn sẵn sàng đón nhận Chúa trong mọi hoàn cảnh.
THẦY PHÓ TẾ MARTINÔ
THỨ 3 SAU CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG (LỄ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ)
TIN MỪNG: Mc 16, 15 – 20
Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
SUY NIỆM:
Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, một chứng nhân can đảm và vĩ đại trong lịch sử Giáo hội. Sinh ra tại Navarre, Tây Ban Nha vào ngày 7 tháng 4 năm 1506, Thánh Phanxicô Xaviê đã cống hiến cả cuộc đời mình để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc ở châu Á, đặc biệt là tại Ấn Độ, Nhật Bản, và các đảo vùng Đông Nam Á. Ngài đã giúp cho nhiều người hoán cải và đón nhận đức tin. Vì vậy, hôm nay là ngày đặc biệt để chúng ta suy niệm về cuộc đời và sứ mạng truyền giáo của ngài.
Ngày nay, “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt,” vì vậy việc truyền giáo vẫn là một đòi hỏi cấp bách trong Giáo hội. Tuy nhiên, việc truyền giáo gặp rất nhiều khó khăn, không phải vì những đòi hỏi của công việc này quá khắt khe hay có quá nhiều trở ngại từ bên ngoài, mà là vì “thiếu thợ gặt.”
Nhìn lại hành trình truyền giáo của Thánh Phan-xi-cô, chúng ta thấy rằng những khó khăn mà ngài gặp phải khi đi loan báo Tin Mừng, ngày nay đã trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn, việc học ngôn ngữ của nơi mình đến và hiểu biết về văn hóa, tập tục đã trở nên thuận lợi hơn. Các linh mục, tu sĩ đông hơn. Các cơ sở vật chất như nhà thờ, nhà xứ cũng được quyên góp ủng hộ nhiều hơn để phục vụ cho việc truyền giáo. Như vậy, có nhiều thuận lợi cho việc truyền giáo, nhưng chúng ta lại thiếu đi cái quan trọng nhất của việc truyền giáo nơi Thánh Phanxicô.
Thánh nhân đã không màng đến lợi ích cá nhân. Ngài là một người trí thức, xuất thân từ một gia đình có điều kiện để có một tương lai và một cuộc sống sung túc về mọi mặt. Tuy nhiên, Thánh Phanxicô lại không quan tâm đến lợi ích của chính mình, mà quan tâm đến lợi ích của Chúa Kitô, của Giáo hội và của các linh hồn. Vì vậy, ngài đã không ngại từ bỏ tất cả những cơ hội thành công đó để biến chúng thành cơ hội làm giàu cho Chúa Kitô và Giáo hội.
Thánh nhân không màng đến lợi danh. Ngài có đủ điều kiện để có thể trở nên rạng danh trong xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, ngài không màng đến lợi danh của bản thân, mà chỉ mong sao cho danh của Chúa được mọi người biết đến để họ được cứu độ.
Lạy Chúa, tinh thần hy sinh và quảng đại của Thánh nhân là “vũ khí” chính yếu tuyệt vời cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chính nhờ điều đó mà nhiều người đã được đón nhận Tin Mừng và ơn cứu độ. Lạy Chúa, lợi ích cá nhân và nhu cầu hưởng thụ là những điều đã lấy đi sứ mạng truyền giáo của rất nhiều môn đệ Chúa Kitô và làm cho nhiều nhà truyền giáo trở nên lạc bước trong sứ mạng của mình. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết noi gương tinh thần sống Phúc Âm của Thánh Phan-xi-cô, mà biết hiến dâng mình phục vụ Chúa và anh chị em.
LM. PHAOLÔ
THỨ 4 SAU CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 15, 29 – 37
Khi ấy, Đức Giêsu đến ven Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Dân chúng lũ lượt kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.
Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy cái bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy cái bánh và một ít cá nhỏ.” Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy cái bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.
SUY NIỆM 1:
Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu là một xã hội đang gặp nhiều khủng hoảng, một xã hội bị phân mảnh. vì thế trong nước Do Thái bị phân rẽ nhiều thành phần, nhiều giai cấp đối nghịch nhau trong cách sống và cách mong đợi đấng Messia. Có thể nói mọi thành phần và mọi tầng lớp trong nước Do Thái lúc đó đều trông đợi đáng Messia nhưng mỗi một thành phần lại có quan niệm về con người Messia khác nhau:
Đối với những người làm chính chị thì họ mong Messia đến với quyền lực quân đội để khôi phục vương quốc Israen.
Đối với người biệt phái họ mong chúa đến để kiện toàn lề luật của họ.
Đối với nhóm của Gioan tẩy giả thì họ quan niệm một đấng Messia công bình, một quan tòa đến xét xử những kể sống bất công.
Đối với những người nghèo thì họ mong đợi đấng Messia như một mục tử có thể chăm sóc họ, nuôi dưỡng họ và chăn dắt hướng dẫn đời sống họ.
Đối với người bệnh tật, đui mù câm điếc thì họ mong đợi một đấng Messia đến để chữa lành họ.
Tin mừng Mát thêu là tin mừng được viết đặc biệt cho người Do thái vì thế trong toàn bộ tin mừng này ông chỉ cho thấy Chúa Giêsu chính là Đấng họ đang trông đợi, người Do thái đã sống Mùa vọng suốt một ngàn năm để chờ Chúa đến và mỗi người họ đều mang trong mình một nỗi lòng nào đó. Hôm nay Giáo hội lại lập lại Mùa vọng để mời gọi mỗi người chúng ta sống lại cái tâm tình, giây phút chờ đợi đó.
Vì thế để sống sốt sắng mùa vọng này, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn vào trong tâm hồn mình để thấy được đâu là những cơn đói khát của lòng mình, đâu là những con bệnh đui mù, què quặt… đang ngày đêm sâu xé, cắn rứt tâm hồn mình, để rồi mỗi người chúng ta biết ăn năm xám hối, biết dục lòng quyết tâm dọn đường cho Chúa đến. Nếu chúng ta không thấy được những điều đó thì mình sẽ chẳng khát mong gì thì mình cũng chẳng chờ đợi Chúa đến làm chi.
Lạy Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng con nhìn thấy được cơn đói khát của lòng mình, nhìn thấy những căn bệnh tâm hồn để chúng con được sốt sắng dọn lòng đón Chúa đến trong đời mỗi người chúng con.
LM. PHAOLÔ
SUY NIỆM 2:
Tin Mừng hôm nay, chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, thể hiện một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và yêu thương. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta sống lòng thương xót và dấn thân phục vụ anh chị em mình.
Khi đám đông ở với Ngài ba ngày, Chúa Giêsu cảm thấy họ đói và nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ đã ở luôn với Thầy ba ngày mà không có gì ăn.” Đây là một biểu hiện cụ thể của lòng thương xót: Ngài không chỉ dạy dỗ dân chúng mà còn quan tâm đến cái đói, sự mệt mỏi của họ. Mỗi người đến với Ngài đều được Ngài nhìn đến bằng ánh mắt yêu thương, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp hay tôn giáo.
Chúng ta hãy nhìn lại cuộc đời mình: biết bao lần Chúa đã thương xót, chăm sóc và ban phát cho chúng ta những ơn lành thiêng liêng và vật chất. Mùa Vọng là dịp để chúng ta biết ơn và tin tưởng hơn vào lòng thương xót của Chúa, đặc biệt trong những lúc khó khăn, đói khát hay khổ đau.
Các môn đệ đã dâng những gì ít ỏi họ có – bảy chiếc bánh và vài con cá nhỏ. Chúa cần sự đóng góp, dù nhỏ bé, từ mỗi người chúng ta. Ngài không làm phép lạ từ hư không, nhưng từ những gì chúng ta sẵn sàng chia sẻ.
Thế giới ngày nay vẫn còn biết bao người đói khát – không chỉ đói cơm bánh, mà còn đói tình thương, đói sự an ủi. Hãy noi gương Chúa Giêsu, biết chạnh lòng thương trước những nỗi đau khổ của anh chị em mình. Dù đóng góp của chúng ta nhỏ bé, Chúa vẫn có thể làm nên những điều kỳ diệu nếu chúng ta biết trao ban cách chân thành.
Qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy lòng thương xót và quyền năng vô biên của Ngài, đồng thời mời gọi chúng ta sống tinh thần chia sẻ. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết biết chạnh lòng thương trước những nhu cầu của người khác và sẵn sàng sẻ chia những gì mình có, để chúng con góp phần xây dựng một thế giới tràn đầy tình yêu và sự sống.
THẦY PHÓ TẾ MARTINÔ
THỨ 5 SAU CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 7, 21.24-27
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
SUY NIỆM 1:
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn cuộc đời mình được bình an và người thân của mình luôn được mạnh khỏe, êm ấm. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như mong đợi. Chúng ta không thể tránh khỏi những cơn bão bất ngờ ập đến, có thể là những khó khăn về kinh tế, sức khỏe, mối quan hệ, tình nghĩa gia đình, anh em hay thậm chí là đức tin. Mỗi cơn bão đều mang đến sự xáo trộn, bất an và đôi khi khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức, tuyệt vọng và mất niềm tin vào cuộc sống.
Lời Chúa hôm nay ví cuộc đời chúng ta như những căn nhà dễ bị bão tố phá hủy. Nhưng nếu chúng ta xây dựng căn nhà cuộc đời của mình trên nền tảng “thực thi ý Chúa,” căn nhà đó sẽ đứng vững trước mọi cơn dông bão. Điều này có nghĩa là, tin vào Thiên Chúa và thực hiện ý Ngài sẽ giúp chúng ta có được sức mạnh để đối mặt và vượt qua những thử thách của cuộc đời.
Khi chúng ta sống theo lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ đặt nền móng đức tin cho cuộc đời mình mà còn tạo dựng được một cuộc sống có giá trị và ý nghĩa. Thực thi ý Chúa có thể bao gồm việc yêu thương người khác, giúp đỡ người gặp khó khăn, sống công bằng và trung thực. Những việc làm này không chỉ mang lại lợi ích cho người khác mà còn giúp chúng ta cảm thấy bình an và mãn nguyện.
Hãy nhớ rằng, tin vào Thiên Chúa không giúp chúng ta tránh được những cơn dông bão của cuộc đời, nhưng Chúa Giêsu đảm bảo rằng, việc thực thi thánh ý Chúa sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh để vượt qua mọi thử thách. Sự kiên trì và lòng tin vào Chúa sẽ giúp chúng ta đứng vững trước mọi khó khăn, như căn nhà được xây trên nền đá, không bị sập trước gió bão.
Lạy Chúa, xin Ngài giúp chúng con luôn trung thành xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng vững chắc của đức tin và thực thi ý Chúa. Xin cho chúng con siêng năng, kiên trì lắng nghe Lời Chúa, tham gia thánh lễ, cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh, để chúng con tìm thấy sức mạnh và bình an từ Ngài. Nhờ đó, chúng con có thể vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, và cuộc đời chúng con sẽ trở nên vững chắc và đầy ý nghĩa, giống như căn nhà được xây trên đá.
LM. PHAOLÔ
SUY NIỆM 2:
Con được học đại học chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp. Các công trình dân dụng như nhà ở, khách sạn, nhà thờ… các công trình công nghiệp như nhà xưởng, nhà tiền chế, thậm chí đường ô tô… chúng con đều thiết kế được. Trong các sự cố công trình như nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập, hay nhà thờ bị nứt, bị sụt lún… tất cả đều do việc thiết kế móng có vấn đề, hoặc là tính toán móng không đủ tải; hoặc là do việc khoan địa chất lấy mẫu đất có vấn đề… Đó là việc xây dựng một công trình, còn đối với công trình cuộc đời của người Kitô hữu chúng ta thì sao? Muốn công trình cuộc đời Kitô hữu được chắc chắn, thì chúng ta phải xây dựng trên nền đá vững chắc là lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Thứ nhất, chúng ta phải xây dựng cuộc đời trên nền đá vững chắc là lắng nghe Lời Chúa. Sau Thánh lễ sáng nay, ra về – chúng ta bước vào ngày mới với bao bận rộn lo loan, với bao tất bật ồn ào của cuộc sống. Thách đố với mỗi người chúng ta, đó là lặng để nghe Chúa nói. Trường học của quý Soeurs cả ngày ồn ào, nhoi nhoi các trẻ nhỏ, rồi những tiếng phàn nàn của các phụ huynh… chưa kể những lo toan về ăn uống, về kinh phí, về an ninh… Nhưng giữa bao tiếng ồn ào, náo động đó, chỉ cần một ít phút trong ngày, quý Soeurs lặng để nghe Chúa nói, để nhận được sức mạnh từ Ngài. Cuộc sống nơi các gia đình cũng thế thôi, vội vã bươn chải kiếm tiền, những con sóng bệnh tật vỗ mạnh vào các bậc sinh thành… làm cho chúng ta quên đi giây phút lặng để nghe Chúa nói. Bản thân con cũng vậy thôi, giữa bao chương trình chuẩn bị Giáng sinh, chúng con cũng phải lặng để nghe Chúa nói, và để nói lại Lời Chúa nói với chúng ta.
Thứ hai, chúng ta phải xây dựng cuộc đời trên nền đá vững chắc là thực hành Lời Chúa. Lặng để lắng nghe Chúa nói đã khó rồi, thực hành Lời Chúa còn khó hơn. Lời Chúa là Lời hằng sống, sống động, sắc bén tựa gươm hai lưỡi như xoáy sâu mời gọi chúng ta thực hành. Đứng trước những nỗi đau, những vết thương lòng do ai đó xúc phạm đến mình, do người mà chúng ta cho là kẻ thù gây ra, Chúa mời gọi chúng ta tha thứ cho họ, chúng ta thực hành tha thứ được không? Trong thời đại hình ảnh hôm nay, đứng trước những cám dỗ xác thịt, Chúa mời gọi chúng ta sống trong sạch trong bậc sống của mình, chúng ta thực hành được hay không? Trước lời mời gọi của Chúa: Hãy thủy chung trong đời sống vợ chồng, chúng ta thực hành được hay không? Trước lời mời gọi sống công bình, không gian dối, chúng ta sống được hay không?
Một trong bảy ơn mà chúng ta lãnh nhận khi chịu Bí tích Thêm sức, đó là ơn khôn ngoan. Xin cho chúng ta biết dùng ơn khôn ngoan này, để từng ngày biết dành cho Chúa những khoảng lặng để nghe Chúa nói, và khôn ngoan sống Lời Chúa hằng ngày. Chỉ có như thế, chúng ta mới được Chúa khen là những người khôn xây nhà trên đá.
THẦY PHÓ TẾ MARTINÔ
THỨ 6 SAU CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 9, 27-31
Khi ấy, Đức Giê-su đang trên đường đi, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
SUY NIỆM 1:
Mùa Vọng là thời gian mà Giáo Hội dành riêng cho các Kitô hữu để khơi lên lòng khao khát chờ đợi Chúa đến trong tâm hồn mỗi người, đặc biệt là những ai đang gặp những bất an trong cuộc sống.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta chứng kiến hình ảnh hai người mù với lòng khao khát mãnh liệt được Chúa Giêsu đến chữa lành. Họ đã kiên trì đi theo Chúa và không ngừng kêu lên: “Lạy Con vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi.” Chính lòng khao khát và niềm tin mạnh mẽ ấy đã dẫn đến phép lạ khi Chúa Giêsu đáp lời và chữa lành đôi mắt mù lòa của họ.
Hình ảnh hai người mù trong câu chuyện là tấm gương sáng về lòng khao khát mong chờ Chúa đến. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng nhắc nhở chúng ta về ba phương diện mà chúng ta có thể bị mù:
Mù về Thiên Chúa: Mù về Thiên Chúa có nghĩa là sự thiếu hiểu biết hoặc không nhận ra sự hiện diện và vai trò của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Mù về Thiên Chúa làm cho chúng ta mất đi phương hướng, sự bình an và niềm hy vọng trong cuộc sống.
Mù về chính mình: là khi chúng ta không nhận ra, không hiểu rõ hoặc không thừa nhận những khuyết điểm, yếu kém và sai lầm của bản thân. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống và mối quan hệ với người khác, như: dễ tự ái và tự tôn, không thể kiểm điểm được những hành vi mình đã làm, thiếu phản tỉnh và không nhận thức đúng đắn về bản thân mình.
Mù về Tha nhân: Đôi khi, chúng ta sống trong xã hội mà không nhận ra những nhu cầu, nỗi đau và những khó khăn của người xung quanh. Chúng ta thường nhìn người khác qua lăng kính chỉ trích, lên án mà thiếu đi lòng thương xót và sự cảm thông. Chính sự vô cảm này làm mù đôi mắt tâm hồn, khiến chúng ta không thể nhìn thấy hình ảnh của Chúa trong mỗi người anh em.
Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy noi gương hai người mù trong Tin Mừng, biết khao khát và mong chờ Chúa đến. Hãy cầu xin Ngài mở mắt tâm hồn, để chúng ta có thể nhận ra những điểm mù về Thiên Chúa, về tha nhân và về chính mình. Nhờ đó, chúng ta có thể sống một đời sống đức tin sáng ngời, đầy tình yêu thương và lòng thương xót.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những điểm mù trong cuộc đời mình và mở lòng để đón nhận ánh sáng của Chúa. Xin cho chúng con biết siêng năng, kiên trì lắng nghe Lời Chúa, tham gia thánh lễ, cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh. Chỉ khi đó, chúng con mới có thể tìm thấy sức mạnh và bình an từ Chúa, giúp chúng con vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
LM. PHAOLÔ
SUY NIỆM 2:
Mùa Vọng là thời gian chúng ta đợi chờ ánh sáng cứu độ của Chúa, ánh sáng xóa tan bóng tối của tội lỗi và đau khổ. Trong Tin Mừng hôm nay, câu chuyện hai người mù được chữa lành không chỉ là phép lạ về thể lý, mà còn là bài học sâu sắc về đức tin. Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta sống đức tin mạnh mẽ để đón nhận sự hiện diện và quyền năng của Ngài.
Trong Tin Mừng hai người mù đã không ngừng kêu lên: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” Dù không thấy bằng mắt, nhưng họ “thấy” bằng con mắt đức tin rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Họ gọi Ngài là “Con Vua Đavít”, một danh hiệu dành cho Đấng Cứu Thế. Họ kiên trì đi theo Chúa, vượt qua mọi khó khăn để gặp Ngài, điều đó thể hiện một niềm tin không lay chuyển. Chúa đã chữa lành họ theo mức độ đức tin của họ: “Anh em tin thế nào thì được như vậy.” Phép lạ xảy ra và họ đã được lành bệnh. Đức tin là cánh cửa mở ra cho ánh sáng của Chúa chiếu vào, đem lại sự chữa lành, bình an và hy vọng.
Giữa những bóng tối của cuộc đời – đau khổ, bệnh tật, thất vọng – chúng ta được mời gọi đặt niềm tin vào Chúa như hai người mù. Chúa luôn lắng nghe và hành động khi chúng ta thành tâm tìm đến Ngài. Như hai người mù kiên trì kêu xin, chúng ta cũng cần kiên nhẫn trong lời cầu nguyện. Dù chưa nhận được ngay điều mình xin, hãy tin rằng Chúa luôn có kế hoạch tốt nhất cho chúng ta. Đức tin không chỉ là lời nói suông mà cần được cụ thể hóa bằng sự sống động: dám phó thác, dám hành động theo sự hướng dẫn của Chúa, và dám lan tỏa tình yêu của Ngài đến những người chung quanh.
Hai người mù trong Tin Mừng hôm nay là mẫu gương cho chúng ta về đức tin: mạnh mẽ, kiên trì và phó thác. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta củng cố niềm tin, mở lòng để ánh sáng cứu độ của Chúa chiếu vào cuộc đời mình. Lạy Chúa, xin củng cố đức tin nơi chúng con, để chúng con biết tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình yêu của Ngài.
THẦY PHÓ TẾ MARTINÔ
THỨ 7 SAU CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 9, 35 – 10, 1. 4 – 6
Khi ấy, Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su sai các ông đi và chỉ thị rằng: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
SUY NIỆM 1:
Mùa Vọng là thời gian để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến, cùng với niềm mong chờ và hy vọng lớn lao. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta được chiêm ngưỡng tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu, khi Ngài đi khắp các thành thị và làng mạc, giảng dạy, rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh tật, đau yếu. qua hình ảnh này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu luôn quan tâm và yêu thương mọi người, đặc biệt là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Những hành động này không chỉ thể hiện quyền năng của Ngài mà còn là minh chứng cho tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa dành cho nhân loại. Ngài không chỉ đến để giảng dạy mà còn để chữa lành, an ủi và mang lại hy vọng cho những tâm hồn đau khổ.
Vì vậy trong tâm tình Mùa Vọng, chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu trong việc yêu thương và giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và đau khổ trong xã hội. Đồng thời mời gọi chúng ta thực hành sống lòng thương xót và chia sẻ tình yêu thương với những người xung quanh.
Chúng ta hãy dành thời gian để nhận ra những ai đang cần sự giúp đỡ, từ những người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm cho đến những người xa lạ trong cộng đồng. Chúng ta có thể làm những hành động nhỏ như an ủi, chia sẻ niềm vui, hỗ trợ vật chất hoặc đơn giản là lắng nghe và chia sẻ với họ. Những hành động này, dù nhỏ bé nhưng mang lại sự thay đổi lớn lao và thể hiện tình yêu của Chúa qua chúng ta.
LM. PHAOLÔ
SUY NIỆM 2:
Không kể các linh mục, mỗi ngày đều buộc dâng Thánh lễ, các tu sỹ nam nữ và anh chị em giáo dân cũng cần phải tham dự Thánh lễ hằng ngày, bởi vì Thánh Thể là chóp đỉnh và nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Chính vì thế, nếu là một tín hữu tốt lành, sốt sắng thì người đó sẽ rất buồn khi không thể tham dự Thánh lễ hằng ngày. Thật vậy, trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã báo trước cho chúng ta về những giá trị tiệc Thánh Thể như sau:
Thứ nhất, Chúa ban cho ngươi ăn bánh trong lúc ngặt nghèo và uống nước trong cơn khốn quẫn. Trong chúng ta, cũng có nhiều người đang vất vả lầm than, đang bệnh tật, chân đau nhức, tuổi già ập đến mà vẫn tranh thủ thời giờ để tham dự Thánh lễ.
Thứ hai, Đấng dạy dỗ ngươi không còn lánh mặt, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ. Trong Thánh lễ, chúng ta được trực tiếp nghe Lời Chúa Giêsu dạy dỗ.
Thứ ba, khi ngươi không biết quẹo phải hay trái, thì ngươi được nghe tiếng nói phía sau: ‘Đây là đường cứ đi theo đó’. Nhờ tham dự Thánh lễ, chúng ta được kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh: Ngài là đường, và là sự thật, sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha, mà qua nhờ qua Thầy Giêsu.
Thứ tư, Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống cho ngươi gieo trồng. Tham dự Thánh lễ, là chúng ta không chỉ được Chúa Giêsu ở cùng, NHƯNG Chúa ở trong chúng ta, Ngài làm cho mọi công việc trong ngày sống của chúng ta trở thành việc của Thiên Chúa, có giá trị vĩnh cửu để tôn vinh Thiên Chúa.
Thứ năm, Chúa băng bó vết thương cho dân Ngài, và chữa lành những chỗ bị bầm dập. Tham dự Thánh lễ, chúng ta được Chúa tha các tội nhẹ, được gia tăng ơn thánh hóa, vì Bí Tích Thánh Thể là trung tâm ơn tha tội, và đảm bảo cho chúng ta được sự sống đời đời.
Và sau cùng, Chúa là ánh sáng hơn mặt trời soi dẫn cho ngươi. Nhờ tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được đón nhận Lời ban sự sống, như lời Thánh vịnh gia đã thốt lên: Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.
Thánh Thể mà chút nữa đây, chúng ta sẽ rước lấy chính là Thần lương làm bừng cháy tâm hồn chúng ta, để rồi chúng ta sống bản chất của mình – Kitô hữu là truyền giáo, để chúng ta hân hoan với đôi chân bước nhanh, cùng với Chúa đến với mọi anh chị em của mình; cùng với Chúa đem bình an đến cho mọi người – Ite Missa est, Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Đó chính là bài sai mà Chúa đã sai các môn đệ khi xưa, đó cũng chính là bài sai mà Chúa dành cho mọi người chúng ta, sau khi dâng Thánh lễ hôm nay: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Thầy sai anh em ra đi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của các môn đệ truyền giáo, và là Nữ Vương Truyền Giáo, xin cầu cho chúng con!
THẦY PHÓ TẾ MARTINÔ