ĐÀO TẠO CÁC LINH MỤC: MỘT SỰ KẾT HỢP GIỮA SỨC MẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phạm Văn Trọng
Từ: catholicmedia.org (11.5.2021)
WHĐ (19.5.2021) – Vatican News tiếp tục quan tâm đến lịch sử, các mục tiêu và “ngân sách sứ vụ” của các Thánh bộ Tòa thánh đang hỗ trợ Đức Giáo hoàng trong sứ vụ mục tử của ngài. Sau đây là cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, được thực hiện bởi Alessandro De Carolis từ Vatican.
Chủng viện là một “nơi rèn luyện” không chỉ đào tạo về trí thức, mà đặc biệt về con tim của những người được mời gọi trở nên mục tử cho các linh hồn; một con tim đã nuôi dưỡng tất cả các thớ thịt của con người để họ là người trước khi là Kitô hữu. Với thẩm quyền đối với tiến trình đào tạo linh mục, Bộ Giáo sĩ lưu tâm đặc biệt đến các lãnh vực hoạt động vốn chứa đựng và chi phối tất cả các khía cạnh đời sống nơi một thừa tác viên của Thiên Chúa trong các khía cạnh khác nhau. “Ngân sách sứ vụ” hàng năm của nó là khoảng 2 triệu Euro (tính đến năm 2021). Đức Hồng y Beniamino Stella, Tổng Trưởng Thánh Bộ, giải thích công việc của các cộng tác viên của ngài theo con đường mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra, đó là con đường mà Giáo Hội được phục vụ và được sinh động nhờ một khối óc và sự cống hiến làm cho hình ảnh Người Samaritanô nhân hậu hiện diện khắp nơi trên thế giới.
Vatican News: Lá Thư được viết vào ngày 04 tháng 08 năm 2019 nhân kỷ niệm 160 năm ngày mất của Cha Sở họ Ars đã trình bày một “tổng quan” nhỏ về mặt thiêng liêng và mục vụ từ huấn quyền của Đức Giáo hoàng Phanxicô liên quan đến chức linh mục. Đâu là “chân dung” (identikit) của linh mục mà có thể rút ra từ nó?
Đức Hồng y Beniamino Stella: Đức Giáo hoàng Phanxicô rất luôn lưu tâm đến các linh mục và sứ vụ của họ. Trên thực tế, ngài đã nói về điều này trong nhiều dịp khác nhau và ngài đã làm nổi bật lên một số khía cạnh của đời sống linh mục. Lá Thư kỷ niệm 160 năm ngày mất của Thánh Gioan Marie Vianney là một món quà đặc biệt của Đức Giáo hoàng, ngài nói với các linh mục chủ yếu từ kinh nghiệm sống của họ. Đọc bản văn của Đức Giáo hoàng, có vẻ như ngài “đang nhìn” “các anh em linh mục” của mình, những người không “gây ồn ào”, đã từ bỏ mọi sự để hiến thân phục vụ các cộng đoàn. Họ làm việc “nơi các chiến hào”, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhất. Họ “vác lấy gánh nặng mỗi ngày” trong “nỗ lực chăm sóc và đồng hành với dân Chúa”.
Vì thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra một chân dung “hiện sinh” của linh mục. Thực ra, ngài không nói về kiểu linh mục lý tưởng vốn không tồn tại. Thay vào đó, ngài đề cập đến vô số các linh mục, “thường không phô trương và quan tâm giá trị bản thân”, đã hiến mình “phục vụ Thiên Chúa và dân của họ” nhằm loan báo Tin Mừng, cử hành các Bí tích và làm chứng tá tình thương. Họ viết lên “những trang đẹp nhất của cuộc đời linh mục”. Bất chấp tội lỗi của họ và ngay cả những tội ác của một vài giáo sĩ mà Đức Giáo hoàng vốn không bao giờ im lặng, ngài vẫn cho thấy rằng có “vô số linh mục trung thành và quảng đại… biến cuộc sống của họ thành một công việc của lòng thương xót.”
Đức Giáo hoàng nói rằng, sau món quà sự sống, lòng thương xót rõ ràng là một “phẩm chất tuyệt hảo” khác của linh mục, giúp họ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành. Nó chính là một tâm tính đáng vui mừng kín múc sức mạnh của nó từ cầu nguyện và các bí tích; nó định hình nhờ sự hiệp thông qua việc họ chia sẻ với Giám mục cũng như các linh mục anh em của họ; đồng thời, nó trở nên cụ thể hóa qua sự nhiệt thành đối với những vùng truyền giáo, nhờ sự kiên trì và “chịu đựng”, ở nơi đó nó trở nên gần gũi và thân thiết đối với ” những anh chị em đau khổ của chúng ta”.
Nhà nguyện của Bộ Giáo sĩ
Đức Giáo hoàng nói đến “tinh thần linh mục” như là một đặc tính bổ sung, vốn được Ratio coi là một phần cần thiết cho sự trưởng thành con người, mà các ứng viên chức thánh cần phải có. Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng thừa tác vụ linh mục không miễn trừ họ “khỏi đau khổ, thương tích và thậm chí hiểu lầm”, chúng là những phương thế để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô khi chúng được các linh mục đón nhận và thấm nhập vào hành trình đức tin và cầu nguyện của mình. Đức Giáo hoàng gọi nguội lạnh (acedia) là “nỗi phiền muộn ngọt ngào”. Tránh những nguội lạnh bằng cách ở lại “trước mặt Chúa”, Đấng chữa lành con tim tổn thương và tẩy rửa đôi chân vấy bẩn “thế trần” của họ.
Cuối cùng, chân dung được nói đến trong Lá Thư rõ ràng mô tả (không trích dẫn) kinh nghiệm về sự thánh thiện của Cha Sở họ Ars như là “hai mối liên kết then chốt” của căn tính linh mục: mối liên kết cá nhân mật thiết và sâu xa với Chúa Giêsu, và mối liên kết với dân Chúa. Cuối cùng, noi gương Mẹ Thiên Chúa, thái độ mà Đức Giáo hoàng đề nghị, là thái độ ngợi khen. Tóm kết những nét đặc điểm của đời sống linh mục được trình bày trong bức thư, chúng ta có thể nói rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô yêu cầu các linh mục ngày nay phải là linh mục của lời kinh Magnificat.
Vatican News: Đối với Đức Giáo hoàng, “việc đổi mới đức tin và tương lai của các ơn gọi chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có các linh mục được đào tạo tốt”. Như vậy, việc tập trung vào mảng mục vụ ơn gọi và thường huấn linh mục của Thánh Bộ ra sao?
Đức Hồng y Stella: Bộ Giáo sĩ đã dành thời gian và sức lực cho việc xuất bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis mới, được xuất bản vào ngày 8 tháng 12 năm 2016. Như thế, vào cuối năm 2021, Ratio mới đã áp dụng được 5 năm. Chính “hồng ân của ơn gọi linh mục được Thiên Chúa đặt để nơi tâm hồn của một số người, đã buộc Giáo hội phải đề xuất cho họ một hành trình đào tạo nghiêm túc”. Gặp gỡ Thánh bộ nhân dịp Hội nghị Khoáng đại năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã định nghĩa đào tạo là “gìn giữ và nuôi dưỡng các ơn gọi để chúng có thể sinh hoa trái. Họ là những ‘viên kim cương thô’ sẵn sàng để được đánh bóng cẩn thận với sự tôn trọng lương tâm của các ứng viên và với lòng kiên nhẫn, nhờ đó họ có thể tỏa sáng giữa dân Chúa ”. Trong tư tưởng của Ratio, chỉ có duy nhất một sự đào tạo linh mục. Nó bắt đầu trong Chủng viện (đào tạo khởi đầu) và tiếp tục trong suốt cuộc đời của linh mục (thường huấn/ đào tạo liên tục).
Đức Hồng y Beniamino Stella chỉ về bức ảnh cũ được chụp khi các chủng sinh chơi bóng đá
Do đó, Thánh Bộ đồng hành với các Hội đồng Giám mục, và đôi khi cả các giáo phận riêng lẻ, trong việc thúc đẩy đào tạo khởi đầu và liên tục của hàng giáo sĩ. Một dịp tốt để đối thoại về vấn đề này với các Giám mục từ các quốc gia khác nhau trên thế giới diễn ra trong các cuộc viếng thăm ad limina định kỳ. Ngoài việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Thánh bộ, đó là thời điểm dành phần lớn cho vấn đề các chủng viện và tiến trình đào tạo liên tục của hàng giáo sĩ. Thánh bộ khuyến khích các dự án đào tạo phải thực hiện và Thánh bộ đồng hành với các dự án đã được khởi động, qua việc đưa ra hướng dẫn về cả phương pháp và nội dung.
Cuối cùng, Thánh bộ chú ý đặc biệt đến ơn gọi linh mục, khuyến khích việc thiết lập và thúc đẩy các Trung tâm chuyên biệt trong các giáo phận riêng lẻ, hoặc ở cấp khu vực hoặc quốc gia, cũng như các sáng kiến cầu nguyện và sau hết, hỗ trợ các Giám mục là những người đầu tiên có trách nhiệm về các ơn gọi cho chức linh mục. Trên thực tế, một niềm tin cần được chia sẻ đó là sự hiện diện của các linh mục – đã được đào tạo nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ, theo bốn chiều kích quen thuộc được trình bày ở Pastores dabo vobis – trong các cộng đoàn đã góp phần đáng kể trong việc khơi dậy một bầu khí thiêng liêng thích hợp cho sự triển nở các ơn gọi mới.
Vatican News: Đâu là cách thức tổ chức các hoạt động của Thánh bộ và đâu là chi phí hành chính kèm theo nó nhằm giúp ngài đạt được các mục tiêu của “sứ vụ” đã được ủy thác cho ngài?
Đức Hồng y Stella: Giống như thuật ngữ “Thánh bộ (congregation)” gợi ý, Bộ (dicastery) bao gồm nhiều người cộng tác với cơ quan giáo sĩ. Một số Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục được mời gọi tham gia vào nó với tư cách là các Thành viên. Họ được chỉ định bởi Đức Giáo hoàng, vừa từ trong Giáo triều Rôma vừa từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nên đảm bảo một tinh thần quốc tế. Vị Hồng y Tổng trưởng đảm nhận Thánh bộ, được hỗ trợ bởi hai Thư ký Tổng Giám mục (một người có nhiệm vụ về các Chủng viện) và bởi một Thư ký dưới quyền. Trong Bộ, có 27 linh mục và 4 giáo dân làm việc. Ngoài ra, khi cần thiết, một số Nhà tư vấn (các nhà thần học, các nhà giáo luật, các nhà tâm lý học, các nhà luật học), cả giáo sĩ và giáo dân, cộng tác với Bộ.
Hoạt động của Bộ Giáo sĩ được chia thành bốn Văn phòng. Văn phòng Giáo sĩ, ngoài công việc “rèn luyện” vô số và các trường hợp hỗ trợ các Giáo hội địa phương, văn phòng này còn xem xét các khiếu nại và đáp ứng các yêu cầu đến từ các Giám mục và giáo sĩ. Một lãnh vực quan trọng là “Kháng nghị Giáo phẩm” – chẳng hạn, chống lại sự đàn áp một giáo xứ – đây là một thành ngữ về quyền tự do của các tín hữu trong việc “đối thoại” với những người lãnh đạo của họ khi họ cảm thấy gánh nặng do một quyết định và không thể đi tới một giải pháp hòa bình sau những nỗ lực đã thực hiện. Nhờ “Năng quyền đặc biệt” được trao cho Bộ, Thánh bộ có thể huyền chức các linh mục và phó tế vì những lý do rất nghiêm trọng do tình trạng giáo sĩ. Do công việc và kinh nghiệm của Văn phòng Giáo sĩ, Huấn thị gần đây Sự hoán cải mục vụ của cộng đoàn giáo xứ trong việc phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội đã được công bố (ngày 20 tháng 7 năm 2020).
Phòng họp và hội nghị của Bộ Giáo sĩ
Văn phòng Chủng viện liên quan tới các ơn gọi và hỗ trợ các Giám mục giáo phận và Hội đồng Giám mục trong lãnh vực đào tạo linh mục, vừa khởi đầu vừa liên tục, đặc biệt là trong các Chủng viện. Văn phòng thúc đẩy sự nhận thức và áp dụng Ratio và đồng hành với các giám mục địa phương trong việc soạn thảo Ratio Nationalis của riêng họ, sau đó phải được Bộ Giáo sĩ phê chuẩn. Các trường Cao đẳng và các Ký túc xá Linh mục ở Roma cũng thuộc thẩm quyền của nó. Văn phòng Hành chính, xét rằng quyền sở hữu tất cả các tài sản của giáo hội là “thuộc Thẩm quyền Tối cao của Đức Giáo hoàng La Mã” trong mọi trường hợp, Thánh bộ là một trong những công cụ mà Đức Giáo hoàng sử dụng để giám sát việc quản lý đúng đắn tài sản của Giáo hội. Thánh bộ cũng được phép cấp Giấy phép hiệu lực cần thiết trong một số trường hợp khi tài sản bị chuyển đi. Văn phòng Tháo Chuẩn liên quan đến những giáo sĩ đã từ bỏ việc thực hành tác vụ và muốn được hòa giải với Thiên Chúa, với cộng đoàn giáo hội và thậm chí với “câu chuyện” cá nhân của họ. Việc ban cấp phép – dành riêng cho Đức Giáo hoàng – không phải là một quyền, nhưng là một ân sủng, được ban cho từng trường hợp, như một dấu hiệu của lòng thương xót, khi tình trạng từ bỏ thừa tác vụ và đánh mất căn tính do giáo sĩ dường như đã trở nên không thể thay đổi.
Liên quan đến chi phí hành chính, chúng bao gồm tiền lương của nhân viên và chi phí hoạt động, và được trang trải nhờ thu nhập có được từ các Hoạt động Nội bộ (chẳng hạn việc cấp các Phúc Nghị liên quan đến việc quản lý các tài sản của giáo hội, các Phúc Nghị cho các tháo chuẩn khỏi những nghĩa vụ linh mục hay phó tế và các Phúc Nghị cho các đơn thỉnh cầu về những Năng quyền Đặc biệt). Cuối cùng, các Khóa Đào tạo do Bộ tổ chức được tài trợ một phần nhờ sự đóng góp tượng trưng từ các tham dự viên, và phần còn lại được tài trợ nhờ lòng hảo tâm của các thực thể khác, bao gồm phần lớn từ Quỹ Giáo hoàng “Aid to the Church in Need”( Trợ giúp cho Giáo hội đang cần).
Vatican News: Vấn đề độc thân linh mục thường xuyên trở thành trọng tâm của các cuộc bàn thảo trong Giáo hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô thường đề cập giá trị của nó như một “món quà” và – có quan điểm gần với quan điểm của Thánh Phaolô VI – luôn ngăn chặn một sự sửa đổi về kỷ luật Giáo hội hiện hành. Bằng cách nào Thánh bộ quảng bá Huấn quyền của Đức Giáo hoàng và cổ võ một sự suy tư giữa các linh mục về giá trị và sự lựa chọn độc thân?
Đức Hồng y Stella: Chủ đề về đời sống độc thân của linh mục thường xuyên nhận được sự chú ý vì quả thực nó là “dấu chỉ của sự nghịch lý” đối với tâm lý thế gian. Nó có chung điểm giống với một cuộc hôn nhân là phải chung thủy, không thể phân ly và mở ra với cuộc sống. Thêm vào đó, hành động bất nhất, và đôi khi có cả tội ác của một số linh mục, có thể khiến chúng ta nghĩ rằng vấn đề nằm chính xác ở chỗ các linh mục sống độc thân. Tuy nhiên, các Giáo hoàng của thế kỷ trước, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, đã lặp đi lại lại điều đó và đã đưa ra động cơ thúc đẩy, đó là, giá trị của đời sống độc thân hệ tại ở việc dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, vì thế, giúp cho con người được tự do để thực thi sứ vụ.
Bộ Giáo sĩ góp phần tái khẳng định giá trị này, trên hết là, thông qua một quá trình nghiên cứu không ngừng, như chúng tôi đã lưu ý: các chuyên gia – nhà thần học, nhà giáo luật, nhà tâm lý học, nhà đào tạo – cống hiến một sự khảo sát liên tục về vấn đề này, với sự đóng góp của các Thành viên và Nhà tư vấn, để sự lựa chọn độc thân có thể được hiểu không chỉ về sự đúng đắn mà còn về sự phù hợp của nó. Thành quả của quá trình này được trình bày trong các Khóa học do Bộ tổ chức và được chia sẻ với các Hội đồng Giám mục, với các Nhà đào tạo Chủng viện và Đại học. Một khía cạnh nền tảng đó là về việc đào tạo đời sống độc thân linh mục. Thực tế, điều này không thể giới hạn trong giai đoạn đào tạo Chủng viện (đào tạo ban đầu), nhưng phải tiếp tục trong suốt cuộc đời của linh mục (thường huấn/ đào tạo liên tục), để các linh mục có thể nhìn nhận và liên tục đổi mới ý thức của họ về việc “bắt rễ trong Chúa Kitô là Phu Quân, và hoàn toàn tận hiến cho sự phục vụ Dân Thiên Chúa ”, được hiểu chính xác là“ sự độc thân như một món quà đặc biệt của Thiên Chúa ”, theo chỉ dẫn của Ratio, số 110.
Tuy nhiên, chúng ta không nói về việc tuân theo một kỷ luật hoàn toàn bên ngoài, mà là việc nắm bắt và luôn luôn đồng hóa theo một cách thức mới mẻ mà Thánh Gioan Phaolô II đã khuyến khích trong Pastores dabo vobis, số 29 về “động lực thần học của luật độc thân nơi Giáo hội”. Điều này liên quan đến tính sống động của của một mầu nhiệm, có thể nói rằng, có lẽ “không phải ai cũng có thể chấp nhận lời này” (x. Mt 19, 11-12). Nhưng vì lý do này, nó đòi buộc sự trưởng thành sâu xa về nhân bản và tâm linh, chính do điều này mà Thánh bộ dấn thân trong việc thúc đẩy thông qua các nguồn đào tạo và hỗ trợ khác nhau cho các Giáo hội địa phương. Có một hình ảnh đẹp mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã sử dụng trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Querida Amazonia, ở số 101: “Chúa Giêsu Kitô xuất hiện như là Phu Quân của cộng đoàn cử hành Bí tích Thánh Thể qua hình ảnh một người nam chủ tọa cộng đoàn như một dấu chỉ của linh mục duy nhất”. Đây là lý do tại sao linh mục độc thân không chỉ đại diện, mà còn sống. Có thể nói rằng anh ấy là đại diện sống động cho “cuộc đối thoại giữa Phu Quân và tân nương của mình” này.
Sách bài đọc trong nhà nguyện của Thánh Bộ Giáo Sĩ
Vatican News: Chủ đề về việc lạm dụng trẻ vị thành niên của một số linh mục vẫn là một vết thương hở trong lòng Giáo hội. Đâu là đóng góp cụ thể mà Bộ của ngài có thể giúp cho việc ngăn ngừa và nhổ tận gốc hiện tượng đau đớn này?
Đức Hồng y Stella: Việc ngăn chặn tội ác này của các giáo sĩ phải bắt nguồn từ một sự đào tạo linh mục xứng đáng. Cần phải xác định rằng việc đào tạo không có chỉ là quá trình truyền tải đơn giản các khái niệm, theo kiểu thông tin hay cập nhật thông tin, mà đúng hơn – cả trong Chủng viện và sau khi chịu chức – theo kiểu một sự đào tạo toàn diện nhắm đến mọi khía cạnh của con người, bao gồm các chiều kích nhân bản về tình cảm, tính dục và ước muốn. Đầu tiên người chủng sinh, sau đó là linh mục, được kêu gọi để trưởng thành một cách hài hòa như một người được trang bị sự cân bằng tâm lý, trưởng thành tình cảm và khả năng đi vào các mối tương quan.
Bộ Giáo sĩ đề xuất loại hình đào tạo nhân cách này trong các Chủng viện và trong các khóa thường huấn cho các Giáo sĩ. Trên thực tế, Ratio đòi hỏi “sự lưu tâm lớn nhất” trong lãnh vực này qua việc khai trừ khỏi chức thánh những người “đã dính líu bất cứ cách nào với bất kỳ tội phạm hoặc hành vi có vấn đề nào trong lãnh vực này”, và cung cấp “các bài học, hội thảo hoặc khóa học cụ thể về bảo vệ trẻ vị thành niên ” “trong các chương trình đào tạo ban đầu và thường huấn”, bao gồm cả “các lãnh vực đối phó với nguy cơ bị bóc lột và bạo hành, chẳng hạn như buôn bán trẻ vị thành niên” hoặc “lao động trẻ em” (Ratio, 202). Về khía cạnh này, hình ảnh của linh mục được Ratio được đề xuất là hình ảnh của một người Cha và một vị Mục tử chăm sóc các tín hữu, một người bảo vệ những người nghèo nhất và yếu đuối nhất.
Vatican News: Năm 2013, thẩm quyền về các Chủng viện được giao cho Thánh bộ. Bằng những cách nào và nhờ những cấu trúc nào Bộ có thể thực hiện nhiệm vụ này?
Đức Hồng y Stella: Với tự sắc Ministrorum Institutio (Việc Đào Tạo Thừa Tác Viên) vào ngày 16 tháng 1 năm 2013, Đức Bênêđíctô XVI mong muốn rằng Bộ Giáo sĩ đảm nhận mọi thứ liên quan đến việc đào tạo, đời sống và sứ vụ của các linh mục và phó tế, với quan điểm nó một thể thống nhất. Trên thực tế, kể từ năm 1992, Tông huấn Pastores dabo vobis đã giúp vượt qua khái niệm đào tạo hầu như chỉ được hiểu dưới góc độ tri thức, hướng đến việc vượt qua các kỳ thi và đạt được bằng cấp. Thay cho việc này, tài liệu đã giới thiệu điểm mới mẻ hệ tại ở việc trình bày sự đào tạo toàn diện như là mục tiêu chính, bao gồm một cách hài hòa trong bốn chiều kích: tri thức, thiêng liêng, mục vụ và nhân bản. Tiếp đến, một sự đào tạo cụ thể và liên tục được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên ở trong Chủng viện là sự đào tạo ban đầu, sau đó tiếp tục đào tạo liên tục (thường huấn) ở giai đoạn thứ hai trong suốt cuộc đời của linh mục.
Ứng dụng của Thánh Bộ Giáo Sĩ – “Clerus App”
Theo quan điểm này, việc chuyển giao thẩm quyền đã xảy ra vào năm 2013, và sau đó được tiếp nối vào năm 2016 với Ratio mới. Do đó, bốn Văn phòng của Thánh bộ, vốn khác nhau do phạm vi hoạt động, đã cùng làm việc với nhau thay mặt Bộ. Đặc biệt, những thắc mắc xuất phát từ đời sống cụ thể của các linh mục góp phần vào việc chuẩn bị các chương trình đào tạo đáp ứng trực tiếp với thực tế của họ và những kinh nghiệm mà họ phải đối mặt ngày nay. Nói một cách thực tế, Bộ đồng hành với các Hội đồng Giám mục trong việc hình thành Ratio Nationalis (Chỉ dẫn quốc gia) của riêng họ, nghĩa là, những chỉ dẫn riêng của họ về việc đào tạo linh mục, dựa trên những chỉ dẫn của Giáo hội Hoàn vũ trong Ratio Fundamentalis, phản ánh một cách đầy đủ hơn lịch sử, văn hóa và những thách thức của mỗi quốc gia. Ngoài ra, Thánh bộ giám sát việc thành lập, hủy bỏ và hợp nhất các Chủng viện liên giáo phận cũng như việc phê chuẩn các quy chế của họ và việc bổ nhiệm các giám đốc do Giám mục địa phương đề xuất.
Một lãnh vực có tầm quan trọng đặc biệt theo nghĩa này đó là các cuộc viếng thăm mục vụ thông thường tới các Chủng viện, cần thiết để duy trì sự đối thoại và trao đổi liên tục giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội Hoàn vũ. Để đảm bảo tinh thần này, Văn phòng Chủng viện thúc đẩy đối thoại thông qua các Ủy ban Giám mục thích hợp, cũng như với các Hiệp hội Quốc gia của các Chủng viện. Cùng với sự liên hệ chặt chẽ với các Giáo hội địa phương này, Bộ thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo dành cho các nhà đào tạo Chủng viện, nói chung về trình độ ngôn ngữ, Khóa học về Quy chế Hành chính Giáo luật dành cho các linh mục đang học tập tại Rôma, những người được kêu gọi làm việc trong lãnh vực Giáo luật tại các giáo phận bản xứ của họ, cũng như Khóa học về Thực hành Đào tạo cho những người sẽ tận tâm với hoạt động giáo dục, đặc biệt là trong các Chủng viện. Ý tưởng then chốt là “ấp ủ” và tạo ra các Chủng viện nhằm chuẩn bị cho các linh mục noi gương Thánh tâm Chúa Kitô, phù hợp với nhu cầu của thế giới đương đại.
Tấm bảng bằng đá cẩm thạch ở lối vào Thánh Bộ Giáo Sĩ
Vatican News: Các phó tế vĩnh viễn cũng là một mảng mà Thánh Bộ đảm nhận. Đâu là thực tế của sứ vụ này trong Hội Thánh ngày nay? Làm thế nào để vai trò đặc thù của họ được công nhận để tránh nguy cơ họ bị lơ lửng ở đâu đó giữa linh mục và giáo dân?
Đức Hồng y Stella: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công khai tuyên bố: “Chúng ta phải cẩn thận không xem các phó tế như là nửa linh mục nửa giáo dân ”. Và ngài xác định các đặc điểm chính của họ: họ là “những người lo liệu về sự phục vụ trong Giáo hội”. Đối với những người được gọi là phó tế chuyển tiếp, việc phong chức phó tế là một bước tiến tới chức tư tế thừa tác, họ mang lấy suốt đời dáng dấp của Chúa Kitô là Tôi tớ, cũng như noi gương Chúa Giêsu trong đời sống độc thân. Tiếp đến, Công đồng Vatican II, nối gót Truyền thống của Giáo hội, đã khôi phục khả năng có thể có phó tế vĩnh viễn, tức là, những người đàn ông, thậm chí có thể đã kết hôn, được thụ phong không phải hướng đến chức linh mục, nhưng dành riêng cho việc phục vụ trong Giáo hội. Trên thực tế, họ thi hành sứ vụ của mình trong các buổi cử hành phụng vụ và giảng dạy, trong các công việc bác ái, thông qua việc chăm sóc người nghèo và cộng tác cách hữu hiệu trong việc quản lý tài sản của Giáo hội.
Khi giới thiệu một viễn tượng sứ vụ của Giáo hội, và trong sự trung thành với giáo huấn công đồng của các Đức Giáo Hoàng, Huấn thị gần đây về việc canh tân cộng đoàn giáo xứ (số 79-82) đã nêu bật vai trò của các phó tế vĩnh viễn như là một sứ vụ tiên tri. Ngoài ra, sự phục vụ của họ phải vượt ra ngoài ranh giới của cộng đồng giáo hội. Trên thực tế, họ được gửi đến “các vùng ngoại vi” và được ủy thác một đặc sủng truyền giáo, đặc biệt cho việc “loan báo khởi đầu” về Tin Mừng ở những vùng biên giới và trong phạm vi cuộc sống thường ngày của con người. Điều này đúng với các phó tế vĩnh viễn, những người thực hiện công việc phục vụ trong bệnh viện, trong nhà tù, trong việc tiếp đón di dân, trong lãnh vực giáo dục và trong các trung tâm do các tổ chức từ thiện của Giáo hội điều hành. Ngày nay, nhân danh toàn thể Giáo hội, họ tiếp tục sứ vụ của Người Samaritanô nhân hậu.
Đức Hồng y Beniamino Stella đứng bên cửa sổ nhìn ra quảng trường thánh Phêrô
Để sống ơn gọi đặc biệt này, cần phải có một sự đào tạo nhất định không chỉ bao gồm chiều kích tri thức, mà còn bao gồm sự trưởng thành về nhân bản và thiêng liêng theo quan điểm của việc loan báo Tin mừng. Do đó, Bộ đồng hành với các Hội đồng Giám mục trong việc công bố Ratio đào tạo các phó tế vĩnh viễn nhằm đánh thức tiềm năng đầy đủ phù hợp với ơn gọi của họ. Thêm vào đó, Thánh bộ đang trao đổi với các giám mục địa phương để chức phó tế vĩnh viễn được mở ra trên khắp thế giới vì một số Giáo hội địa phương vẫn chưa khôi phục lại. Trên thực tế, trách nhiệm của các Hội đồng Giám mục là phải xem xét để thúc đẩy chức phó tế vĩnh viễn tại các quốc gia của họ.
Hơn nữa, một khía cạnh đặc thù của chức phó tế vĩnh viễn được cấu thành do sự việc là cả những người đàn ông đã kết hôn cũng có thể được nhận vào chức vụ này. Sự việc này phân biệt rõ ràng họ với các linh mục luôn sống độc thân trong Giáo hội Latinh. Ngoài ra, các phó tế vĩnh viễn có gia đình và thực thi chức vụ là những chứng nhân đặc sủng về lời mời gọi nên thánh phổ quát trong cuộc sống đời thường. Cũng có những phó tế vĩnh viễn độc thân, dù số lượng ít, nhưng họ làm chứng cho giá trị khiết tịnh đối với Nước Trời. Họ đảm nhận sự đòi buộc độc thân vào thời điểm thụ phong để tận hiến chính mình cách tự do lớn lao hơn cho những đòi hỏi từ sứ vụ của họ.
Bằng tất cả nỗ lực phong phú và thích hợp, Bộ Giáo sĩ sẽ tận lực cho việc thúc đẩy chức phó tế vĩnh viễn: những người này thực ra không phải là “một nửa linh mục đeo dây stole “. Họ là những Kitô hữu, trong sự hiệp thông với các Giám mục và hàng giáo sĩ trong giáo phận, cam kết tỏ lộ khuôn mặt của Chúa Kitô, Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống Ngài. Chính khi là một phó tế vĩnh viễn, sự phục vụ của họ được thúc đẩy bởi tình huynh đệ, Thánh Phanxicô Assisi để lại một mẫu gương và dạy chúng ta đến gần những người khác coi họ “tất cả là huynh đệ” (Fratelli tutti).
Nguồn:W.HĐGMVN
HL.MĐ