Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Sáng (2): Vui như ngày cưới

2. Đức Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana

Tin Mừng theo Thánh Gioan

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu.  Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Ðức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Ðức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông.  Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.  Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày. (Ga 2,1-12)

 Suy niệm:

 Kể từ khi có sự xuất hiện của Đức Giêsu tại sông Giordan, Gioan Tẩy Giả biết rằng sứ mạng dọn đường của ông đã gần đi đến hồi kết. Ông phải nhỏ lại để Giêsu được lớn lên. Thế rồi, ông giới thiệu hai đồ đệ của mình cho Đức Giêsu. Hai đồ đệ này đã đi theo Đức Giêsu và được Đức Giêsu mời đến chỗ người ở. Không biết có chuyện gì xảy ra ngày hôm ấy, nhưng xem chừng các môn đệ này đã rất thích thú. Họ về nhà và chia sẻ điều mình đã tận mắt chứng kiến cho bạn bè và người thân. Những người được họ giới thiệu cũng lấy làm tò mò và muốn tiếp cận Giêsu để biết thực hư câu chuyện về con người có vẻ rất lạ kỳ này. Trong tâm thức của các ông, hẳn là Đức Giêsu phải có điều gì đó đặc biệt lắm, đến độ cả bậc thầy vĩ đại là Gioan Baotixita cũng phải nể phục bội phần. Từ những cuộc gặp gỡ và trò chuyện này, Đức Giêsu đã thu nhận một vài môn đệ, cùng sống với Ngài, cùng song hành với Ngài trên hành trình truyền giáo.

Không lâu sau đó, Ngài cùng Thân Mẫu và các môn đệ này đến Cana, miền Galile để dự một tiệc cưới. Nhắc đến tiệc cưới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một niềm vui. Trong tiệc cưới có người ta cười, người ta hát, người ta nhảy múa. Họ hòa quyện với nhau, và chia sẻ niềm hạnh phúc cùng cô dâu chú rể. Để cho niềm vui được trọn vẹn, người ta cùng nhau ăn tiệc và thưởng thức rượu ngon. Men rượu giúp xua tan đi tất cả khác biệt và khoảng cách, làm cho tình người thêm ấm và bầu khí thêm rộn rã hân hoan. Nhưng có một chuyện không may xảy đến khi bữa tiệc đang đến cao trào thì rượu không còn nữa. Gia chủ bàng hoàng lo lắng vì không biết phải làm sao. Không có rượu, mọi niềm vui sẽ tan biến. Mọi người bị cụt hứng và chẳng còn nối kết với nhau. Một tiệc cưới mà không có rượu cũng giống như cuộc sống mất hết đi nét thi vị mặn nồng. Đó đích thực là một thảm họa.

Nhạy cảm trước nỗi lo của chủ nhà và tin tưởng vào khả năng phi thường của con trai đang hiện diện tại bữa tiệc, Maria đã tinh ý mách nhỏ với Giêsu về nỗi khó khăn của gia chủ, rồi sau đó dặn do các đầy tớ hãy nghe theo những gì Giêsu truyền bảo. Nước được đổ đầy vào chum theo ý của Giêsu và ngay sau đó đã hóa thành rượu ngon lúc nào chẳng biết. Rượu mới này ngon đến độ người quản tiệc, dù đã thấm men bởi biết bao ly rượu uống trước đó, vẫn có thể nhận ra và trách chú rể vì sao đã giấu nó đến tận giờ này. Nguồn gốc về những chum rượu ngon này có lẽ chỉ có một vài người biết đến, nhưng nó đã làm cho bữa tiệc tiếp tục diễn ra trong bầu khí vui tươi, và thậm chí là vui tươi hơn trước nữa. Mang niềm vui đến cho người khác, đó chính là một trong những đặc nét trong sứ mạng của Đức Giêsu.

Người tu sĩ khởi đầu đời tu của mình bằng niềm vui vì được Chúa yêu thương mời gọi. Niềm vui ấy thấm đượm chan hòa trong con tim. Và rồi, hành trình đời tu của họ chính là làm lan tỏa niềm vui ấy đến cho người khác. Họ hy sinh gì, họ chịu thiệt thòi gì, đó là chuyện riêng giữa họ với Chúa. Còn với người khác, họ phải làm mọi việc trong hết khả năng của mình để cho người khác được vui. Một người tu sĩ không vui, không biết cách vui, và không có niềm vui để chia sẻ cho người khác là một tu sĩ héo úa và đã đi sai đường. Người môn đệ của Chúa phải là người mang trong mình sự lạc quan và thanh thoát tuyệt vời, để từ đó, họ thổi vào dòng đời niềm tin, niềm hy vọng cho những ai họ gặp gỡ. Người môn đệ của Chúa tuyện nhiên không phải là người suốt ngày than phiền, phàn nàn, càm ràm, kể lể và cảm thấy sao mình chịu quá nhiều bất công trong khi người khác lại luôn hưởng sung sướng. Một thái độ như thế chẳng thể mang niềm vui đến cho ai, nhưng chỉ có thể làm người ta thêm mệt mỏi và chán chường. Và đây không phải là chân dung mà Đức Giêsu phác họa về các đồ đệ của mình.

Người tu sĩ cũng phải là người có một sự tinh tế như Mẹ. Họ không bàng quan hay thờ ơ trước những nỗi lòng của người ta. Họ nhạy cảm nhận ra sự thiếu thốn và cần thiết của người khác trước cả khi người ta tin tưởng và thổ lộ với họ. Rồi khi đã nhận ra rồi và thấy mình bất lực chẳng thể làm được điều chi, họ tìm đến với Chúa để chuyển cầu cho những con người tội nghiệp ấy. Người tu sĩ có một lợi thế là họ có nhiều điều kiện thuận lợi để gặp gỡ, chuyện trò và thân thưa với Chúa. Bởi thế nên người ta thường nhờ các tu sĩ cầu nguyện cho mình. Người ta tin rằng lời cầu nguyện của các tu sĩ sẽ có thế giá hơn và nhanh chóng được nhận lời hơn. Người tu sĩ cũng từ đó mà nghiễm nhiên trở thành trung gian giữa con người với Thiên Chúa, để thay mặt dân, dùng hiến tế đời mình mà dâng lên trời cao những ước nguyện chân thành và đơn sơ, những lời cầu cứu của nhân loại. Hệt như Mẹ Maria, người tu sĩ cầu nguyện cho người khác vì tình yêu thương, vì không thể kìm nổi lòng mình trước nỗi đau của họ. Và họ làm điều đó như một bổn phận của mình, hòa theo sự thúc đẩy của con tim, chứ không phải để kiếm chác, thu tiền và cung cấp một dịch vụ. Có thể nói, cầu nguyện cho thế nhân bằng chính lời kinh và cuộc sống của mình là một nhiệm vụ mà người tu sĩ nhận lãnh từ Thiên Chúa.

Hình ảnh các đầy tớ trong bữa tiệc cũng nhắc nhớ về hình ảnh người tu sĩ. Đó là người nghe theo lời căn dặn của Mẹ, âm thầm đứng đó và quan sát Đức Giêsu để khi Người bảo làm gì thì nhanh chóng và mau mắn làm theo. Hẳn là sẽ chẳng có phép lạ nước hóa rượu và niềm vui của bữa tiệc cũng sẽ không được trọn vẹn nếu không có lời cầu cứu của Mẹ và sự vâng phục ứng trực của những người đầy tớ. Người tu sĩ không tự mình làm gì, nếu họ không được Chúa chỉ bảo cho biết. Mà quả thực, nếu không được Chúa soi sáng, người tu sĩ cũng chẳng biết là bây giờ mình cần phải làm cái gì đây để phục vụ người ta. Làm theo lời dạy bảo của Thầy, người tu sĩ sẽ an tâm hơn và không sợ đi lạc hướng. Tuân theo những gì Thầy dạy chính là cộng tác với Thầy mang niềm vui đến cho người khác, dù có khi ta chẳng hiểu tại sao Thầy lại muốn mình làm như thế, cũng giống như các đầy tớ chắc là chẳng hiểu tại sao Đức Giêsu lại muốn mình đổ nước vào chum. Việc của Chúa làm, có mấy khi ta hiểu nổi. Nhưng điều quan trọng không phải là hiểu mà là vâng lời.

Tôi có là một con người luôn nhìn về Chúa để chờ sứ mạng không? Tôi có là một tu sĩ nhạy cảm trước mọi nỗi vui buồn của nhân tình thế thái và năng chuyển cầu cùng Chúa cho người thế cách vô vị lợi không? Tôi có là một con người đầy ắp niềm vui và cố gắng làm lan tỏa niềm vui đời tôi cho mọi con người tôi gặp gỡ không?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ