Câu chuyện văn hóa: Nỗi buồn cuối đời

Câu chuyện văn hóa:

NỖI BUỒN CUỐI ĐỜI

Dạo này ông Tư không mấy khỏe. Căn bệnh tuổi già bào mòn sức khỏe của ông một cách nhanh chóng. Quy luật của đời người trải qua theo tuần tự “Sinh, lão, bệnh, tử” nên ông biết cuộc đời của ông ở vào giai đoạn cuối. Tuổi già có những phiền muộn vô cớ rất lạ. Nghĩ đến bao việc, có đêm ông trằn trọc không ngủ được. Y học thường cảnh báo, người già ăn ngủ kém có hại cho sức khỏe!

Ảnh minh họa

Lúc sinh thời, ông nổi tiếng là người rất khó tính. Không những khó với vợ con mà cả với người ngoài. Ông ít giao du với ai, bạn bè gọi là thân xem lại hình như không có ai. Người quen với ông chỉ là sơ giao, vì công việc nào đó, hết việc thì thôi. Ông biết mình trước đây là người sống ích kỷ, không mở lòng với bạn bè nên không có ai gọi là tri kỷ để tâm sự trong lúc vui buồn.

Đời ông có nhiều sai lầm lớn. Có đêm ông suy nghĩ lại những việc làm không tốt đã gây ra hậu quả xấu cho người khác. Nhưng bây giờ những con người ngày trước ông ghét bỏ nay không còn sống nữa, lỗi lầm này làm sao ông chuộc lại được?

  • Năm đó, người em vợ làm ăn thất bại thường đến nhà nhờ cậy vợ chồng ông đủ điều. Với bản tính ích kỷ, ông khó chịu ra mặt. Điều ông bực tức nhất, ngày nào đứa em cũng đến nhà chực chờ ăn cơm mà không tiếp giúp gia đình chuyện gì cả. Ông biết vợ ông lén lút giúp đỡ em mình nhưng ông không biết chính xác từng sự việc. Thỉnh thoảng trong nhà mất trộm một số đồ đạc, ông nghĩ rằng đứa em vợ đó lấy chẳng ai vô đây? Vốn bực tức sẵn, hôm cúng giỗ cha vợ, người em vợ đến nhà còn kèm thêm một người bạn đi theo. Ông chẳng hỏi han tiếng nào, giỗ cha mà lần nào cũng đến tay không chẳng biết mua chút gì để cúng kiếng cha lấy thảo. Khi đang ăn cơm, đứa em vợ chê đồ ăn nấu hơi mặn ăn không ngon, ông nổi cơn tam bành chửi rủa đồ ăn chực mà còn bày đặt khen chê kèm theo những lời khác cay độc rất khó nghe. Lúc đầu đứa em nhịn nhục, song ông cứ la lối, “tức nước vỡ bờ”, em vợ và anh rể đấu khẩu kịch liệt suýt nữa đánh nhau. Xong trận đó, đứa em vợ không đến nhà nữa. Chẳng bao lâu anh ta mất vì căn bệnh hiểm nghèo!
  • Người thứ hai là rể của ông cũng tan nát vợ chồng vì tính khí ông quá khắt khe, ông cho rằng gia đình chàng rể quá nghèo không xứng đáng làm sui gia với ông. Lương công nhân của chàng rể ba cọc ba đồng làm sao đủ sống còn nuôi thêm vợ con. Khi họ đã có một đứa con, ông không cho con gái ông sinh thêm đứa nào nữa vì cho rằng tương lai quá mù mịt, nếu con ông khôn ngoan thà ở vậy còn hơn lấy một người chống quá nghèo. Con người ông ăn nói quá hồ đồ, nhiều lần xúc phạm danh dự của chàng rể lẫn gia đình anh ta.

Cuối cùng vợ chồng tan rã. Ông cứ ngỡ con gái ông đẹp, sẽ có người khác đến cưới nhưng không ngờ đâu ai thực tâm nghĩ đến chuyện đó với một người đàn bà đã có chồng con! Con mất cha, vợ mất chồng, con không dám oán cha ruột nhưng tình nghĩa lợt lạt hẳn đi. Có lúc, vợ ông liên lạc chàng rể trở lại chung sống nhưng nay hắn đã lên Bình Dương làm công nhân, nghe đâu đã có vợ khác rồi! Chẳng bao lâu ông nghe người ta thuật lại chàng rể cũ của ông đã mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Ông luôn sống trong mặc cảm vì nghĩ rằng mình đã gây ra nhiều tội lỗi quá lớn cho người khác. Càng lớn tuổi, ông bình tâm suy xét những sự việc đã xảy ra, khi hiểu ra thì đã quá muộn màng!

Ảnh minh họa

Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, ông biết rằng ngày ra đi của mình không còn bao lâu nữa. Những tội lỗi ông đã gây ra cho người khác, lương tâm ông luôn là nỗi đau xót. Khi những con người từng bị ông chì chiết xúc phạm danh dự không còn nữa, làm sao để ông nói một lời xin lỗi cho lòng ông được thanh thản đây!

 

Cảm nghiệm riêng của người sưu tầm

Bài viết của TUẤN BA
M. Savio sưu tầm