Tông huấn Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế – Redemptoris Custos  

19/03/2021

Tông huấn Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế – Redemptoris Custos  

Tông huấn
Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế
Redemptoris Custos
của Đức thánh cha Gioan Phaolô II
về Dung mạo và Sứ mạng của Thánh Giuse
trong Đời sống của Đức Kitô và của Giáo hội

***

Kính gửi : các Giám mục, các Linh mục và Phó tế, các Tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu giáo dân

NHẬP ĐỀ

1. Được kêu gọi GÌN GIỮ CHÚA CỨU THẾ, “Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (x. Mt 1,24).

Ngay từ những thế kỷ đầu, do cảm hứng từ Tin Mừng, các Giáo phụ đã chứng tỏ rằng, Thánh Giuse, như đã thương yêu chăm sóc Mẹ Maria và vui vẻ tận tuỵ nuôi dưỡng Đức Giêsu Kitô thế nào,[1] thì Người cũng gìn giữ và bảo vệ Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Giáo hội, mà Mẹ Maria là hình bóng và là khuôn mẫu như vậy.

Nhân dịp kỷ niệm bách chu niên công bố Thông điệp Quamquam Pluries[2] của Đức thánh cha Lêô XIII, và trong đường hướng tôn kính Thánh Giuse đã có từ nhiều thế kỷ, tôi muốn gợi lên cho anh chị em vài suy tư về Đấng mà “Thiên Chúa đã trao phó cho việc gìn giữ những kho tàng quý giá nhất của Ngài”[3]. Tôi vui mừng chu toàn bổn phận mục tử này để làm tăng triển lòng sùng kính của mọi người đối với Đấng Bảo trợ Giáo hội hoàn vũ và thêm lòng yêu mến Đấng Cứu Thế mà Ngài đã tận tuỵ phục vụ cách gương mẫu.

Như thế, không những toàn thể dân Kitô giáo sẽ sốt sắng chạy đến với Thánh Giuse và tin tưởng cầu khẩn Ngài bảo trợ, mà còn luôn thấy được cung cách mà Ngài đã khiêm nhường và khôn ngoan phục vụ và “tham dự” vào nhiệm cục cứu độ.[4]

Thật vậy, tôi tin tưởng rằng, nhờ có được một suy tư mới mẻ về cách thức vị Phu quân của Mẹ Maria tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa, mà Giáo hội, đang khi cùng toàn thể nhân loại lữ hành về tương lai, sẽ không ngừng tìm lại được căn tính của mình trong kế hoạch cứu độ, vốn đặt nền tảng trên mầu nhiệm Nhập Thể.

Ngoài Đức Maria, Thân mẫu của Ngôi Lời Nhập Thể, rõ ràng Thánh Giuse người Nadarét đã “tham dự” vào mầu nhiệm Nhập thể nhiều hơn ai hết. Cùng với Mẹ, Thánh Giuse đã tham dự vào mầu nhiệm đó, đã dấn thân vào trong thực tại của cùng một biến cố cứu độ; và là người được ký thác chính tình yêu mà Chúa Cha hằng hữu, nhờ sức mạnh của tình yêu ấy, đã “tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giêsu Kitô” (Ep 1,5).

I

BỐI CẢNH CỦA TIN MỪNG

Hôn nhân với Đức Maria

2. “Này ông Giuse, con của Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).

Qua những lời này chúng ta thấy được điều cốt lõi của chân lý thánh kinh về Thánh Giuse; chúng nói về thời gian trong cuộc đời của Ngài mà các Giáo phụ vẫn nhắc đến cách đặc biệt.

Thánh sử Mátthêu giải thích ý nghĩa của thời gian ấy bằng việc xác định Thánh Giuse đã sống thời gian ấy như thế nào. Tuy nhiên để hiểu được trọn vẹn cả nội dung và văn mạch đó, cần phải nhớ đến những đoạn song song trong Tin mừng Luca. Thật vậy, khi đối chiếu câu này trong Mátthêu: “Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18), chúng ta thấy thiên chức làm mẹ “do Thánh Thần” của Mẹ Maria được mô tả chi tiết và rõ ràng hơn trong phần Luca kể lại cho chúng ta việc báo tin Chúa Giêsu sinh ra: “Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27). Lời chào của thiên sứ: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28) đã làm Mẹ Maria bối rối trong lòng khiến Mẹ phải suy nghĩ. Rồi sứ thần trấn an Đức Trinh nữ đồng thời bày tỏ cho Mẹ ý định đặc biệt của Thiên Chúa: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người” (Lc 1,30-32).

Trước đó một chút, thánh sử đã xác định rằng vào lúc truyền tin, Mẹ Maria “đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Ðavít.” Bản chất cuộc “hôn nhân” này được gián tiếp giải thích sau khi Mẹ Maria nghe sứ thần nói về việc sinh hạ một con trai, Mẹ Maria đã hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34), Khi đó, sứ thần trả lời: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Đức Maria dù đã đính hôn với Giuse, vẫn là trinh nữ, vì người con được Mẹ cưu mang lúc Truyền tin là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

Về điểm này, bản văn Luca trùng hợp với Mátthêu 1,18 và dùng để giải thích những gì chúng ta đọc thấy ở đó. Sau đám cưới với Giuse, Mẹ Maria thấy mình có thai “do Chúa Thánh Thần”, thì “sự việc này hoàn toàn tương hợp với điều biến cố Truyền tin nói đến, nhất là với những lời cuối cùng Mẹ Maria đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Khi Maria đáp lại ý định rõ ràng của Thiên Chúa, ngày tháng qua đi, mọi người và Giuse đều thấy Maria “mang thai”, như một phụ nữ sẽ sinh con và mang nơi mình mầu nhiệm của thiên chức làm mẹ.

3. Trong hoàn cảnh như vậy, “ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt1,19). Thánh Giuse không biết phải ứng xử thế nào trước sự kiện làm mẹ “đáng ngạc nhiên của Maria.” Chắc chắn Giuse đã tìm một câu trả lời cho vấn nạn đáng quan ngại này, nhưng trước hết là tìm cách thoát khỏi tình cảnh khó xử đối với Ngài. ”Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con của Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).

Hai bản văn “Truyền tin” của Mátthêu và Luca có rất nhiều nét giống nhau. Sứ thần Thiên Chúa đưa Giuse vào trong mầu nhiệm của thiên chức làm mẹ của Maria. Cô thiếu nữ, theo pháp luật là “vợ” của Giuse, vẫn hoàn toàn đồng trinh, đã trở thành mẹ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Và khi người Con trong cung lòng Mẹ Maria chào đời, Ngài phải mang tên Giêsu. Đây là cái tên quen thuộc của người Do Thái, và đôi khi họ cũng đặt tên ấy cho các con của họ. Tuy nhiên, ở đây, chính người Con này, – theo lời Thiên Chúa hứa,- sẽ thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của tên gọi Giêsu – Yehosua’ – nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ.”

Sứ thần ngỏ lời với Giuse như là “người chồng của Maria”, là người vào đúng thời điểm, phải đặt tên Giêsu cho Con Trẻ sinh ra do Trinh nữ làng Nadarét đã đính hôn với ông. Vậy khi ngỏ lời với Giuse, sứ thần đã tin cẩn trao phó cho Giuse những bổn phận của một người cha trần thế đối với Người Con của Đức Maria. “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (x. Mt 1,24). Giuse đã đón nhận Maria với trọn vẹn mầu nhiệm làm mẹ của Mẹ. Ngài đón Mẹ cùng với người Con đã đến trong trần gian bởi quyền năng Chúa Thánh Thần: Như thế, giống như Mẹ Maria, Giuse đã tỏ ra sẵn sàng tuân theo ý muốn của Thiên Chúa qua lời sứ thần truyền.

II

NGƯỜI ĐƯỢC KÝ THÁC MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

4. Ít lâu sau ngày Truyền tin, khi Mẹ Maria đến nhà ông Dacaria để thăm người bà con là Êlisabét, vừa khi Mẹ cất tiếng chào, Mẹ đã nghe bà Êlisabét khi ấy “được đầy tràn Chúa Thánh Thần” đáp lời (Lc1,41). Sau lời chào gợi lại điều sứ thần đã nói lúc truyền tin, bà Êlisabét còn nói“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Những lời này đã là tư tưởng chỉ đạo cho thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Thế). Trong Thông điệp này, tôi đã nhắm đào sâu giáo huấn của Công đồng Vaticanô II. Công đồng đã nêu rõ rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành giữ sự hiệp nhất với Con Mình cho đến bên thập giá”[5], “đi trước”[6] mọi kẻ tin theo Đức Kitô.

Thế mà, vào lúc khởi đầu cuộc lữ hành này, đức tin của Mẹ Maria lại gặp đức tin của Thánh Giuse. Nếu bà Êlisabét nói về Mẹ Đấng Cứu Thế: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin”, thì theo một nghĩa nào đó, sự chúc phúc này cũng có thể được áp dụng cho Giuse, vì Ngài đã tích cực đáp lời Thiên Chúa khi lời này được truyền đạt cho Ngài vào giây phút quyết định. Mặc dù đúng thật là Giuse đã không đáp lại lời “truyền tin” của sứ thần cùng một cách như Mẹ Maria, nhưng Ngài đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” Điều Ngài đã làm là một “sự vâng phục trong đức tin” rõ rệt nhất (x. Rm 1,5; 16,26; 2 Cr 10,5-6).

Chúng ta có thể nói rằng điều Thánh Giuse làm đã liên kết Ngài một cách đặc biệt với đức tin của Mẹ Maria. Ngài đã tin nhận như là chân lý đến từ Thiên Chúa chính điều mà Mẹ Maria đã đón nhận vào lúc truyền tin. Công đồng nói rằng: “Vâng phục trong đức tin là phải đáp lại Thiên Chúa khi Người mạc khải chính mình. Nhờ sự vâng phục ấy, con người tự do tận hiến cho Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn trí khôn và ý chí cho Thiên Chúa, Đấng mạc khải, và “sẵn lòng tin nhận điều Thiên Chúa mạc khải cho mình”[7]. Lời này nói lên chính yếu tính của đức tin, hoàn toàn có thể áp dụng cho Giuse, người làng Nadarét.

5. Vì thế Ngài trở thành người được ký thác cách riêng mầu nhiệm “đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa” (Ep3,9), giống như Mẹ Maria, vào giây phút quyết định mà thánh Phaolô gọi là: “khi thời gian tới hồi viên mãn”, lúc “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ… để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Công đồng nói: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1,9) Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, qua Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa” (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4)”[8].

Cùng với Mẹ Maria, Giuse là người đầu tiên được ký thác mầu nhiệm này của Thiên Chúa. Đồng thời và cùng với Mẹ Maria và trong tương quan với Mẹ Maria, Thánh Giuse tham dự vào giai đoạn cao điểm của mạc khải, tức là việc Thiên Chúa tỏ mình ra trong Đức Kitô, và Thánh Giuse đã tham dự ngay từ đầu. Khi đọc lại bản văn của hai thánh sử Mátthêu và Luca, người ta cũng có thể nói rằng Thánh Giuse là người đầu tiên tham dự vào đức tin của Mẹ Thiên Chúa, và như thế, Thánh Giuse nâng đỡ niềm tin của hiền thê mình vào lời truyền tin của Thiên Chúa. Ngài cũng là người đầu tiên được Thiên Chúa đặt trên đường “lữ hành đức tin” của Mẹ Maria, – đoạn đường Mẹ Maria đi trước cách tuyệt hảo, – đặc biệt vào lúc ở Núi Sọ và lúc Hiện Xuống.[9]

6. Con đường lữ hành đức tin của Thánh Giuse kết thúc trước, nghĩa là trước khi Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá trên đồi Gôngôtha, và trước thời điểm Đức Kitô trở về cùng Cha, khi Mẹ hiện diện ở lầu Tiệc Ly vào lễ Ngũ Tuần, ngày mà Giáo hội tỏ mình ra cho thế giới, sau khi được sinh ra trong quyền năng của Thánh Thần Chân lý. Tuy nhiên, con đường đức tin của Thánh Giuse cũng theo một hướng đó, hoàn toàn được quy định do cùng một mầu nhiệm mà Giuse cùng với Mẹ Maria là người được ký thác đầu tiên. Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu chuộc, tạo thành một duy nhất tính hữu cơ và bất khả phân ly, nơi đó “chương trình mạc khải được thực hiện qua các biến cố và lời nói liên kết mật thiết với nhau”[10]. Chính vì duy nhất tính này mà Đức Gioan XXIII, người rất sùng kính Thánh Giuse, đã quyết định thêm tên của Thánh Giuse vào Lễ Quy Rôma của Thánh lễ, để muôn đời tưởng nhớ ơn Cứu độ, bên cạnh tên của Mẹ Maria, trước tên các Thánh Tông đồ, các thánh Giáo hoàng và các thánh Tử đạo.[11]

Việc phục vụ của người Cha

7. Như có thể thấy từ các bản văn Tin Mừng, cuộc hôn nhân của Thánh Giuse với Mẹ Maria là nền tảng pháp lý cho vai trò làm cha của Thánh Giuse. Chính để bảo đảm một sự hiện diện phụ tử bên cạnh Đức Giêsu mà Thiên Chúa chọn Thánh Giuse làm chồng của Mẹ Maria. Như thế, vai trò làm cha của Thánh Giuse – mối tương quan này đưa Thánh Giuse đến thật gần với Đức Kitô, là cùng đích của mọi tuyển chọn và mọi ơn tiền định (x.Rm 8,28-29) – được thực hiện qua cuộc hôn nhân với Mẹ Maria, nghĩa là qua đời sống gia đình.

Trong khi quả quyết rõ ràng rằng Đức Giêsu được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và Đức Maria vẫn trọn vẹn đồng trinh trong hôn nhân (x. Mt 1,18-25; Lc 1,26-38), các thánh sử vẫn gọi Giuse là chồng của Maria, và Maria là vợ của Giuse (x. Mt 1,16,18-20,24; Lc 1,27; 2,5).

Đối với Giáo hội cũng thế, nếu cần phải tuyên bố Đức Giêsu được cưu mang trong sự đồng trinh, thì một điều khác cũng không kém quan trọng là Giáo hội phải bênh vực hôn nhân của Mẹ Maria với Thánh Giuse, vì theo pháp lý, vai trò làm cha của Thánh Giuse tuỳ thuộc vào hôn nhân đó. Vì thế người ta mới hiểu tại sao gia phả Đức Giêsu lại được liệt kê theo gia phả của Thánh Giuse. Thánh Augustinô hỏi: “Tại sao gia phả lại không được kể theo Thánh Giuse chứ? Giuse không phải là chồng của Mẹ Maria sao? […] Kinh Thánh xác quyết, qua uy quyền của sứ thần, rằng Giuse là chồng của Maria. Sứ thần nói: ‘Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Giuse được lệnh phải đặt tên cho con trẻ, dù không phải là con do mình sinh ra. Sứ thần nói: ‘Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu’. Kinh Thánh nhìn nhận Đức Giêsu không sinh ra từ dòng giống của Giuse, vì khi thắc mắc về nguồn gốc bào thai trong lòng Mẹ Maria, Giuse được cho biết đó là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, Giuse không bị tước mất quyền làm cha vào lúc Ngài được bảo phải đặt tên cho con trẻ. Cuối cùng, chính Đức Trinh Nữ Maria, dù ý thức rằng mình không thụ thai Đức Kitô qua việc vợ chồng với Giuse, vẫn gọi Giuse là cha của Đức Kitô.”[12]

Người Con của Maria cũng là người Con của Giuse vì mối liên kết hôn nhân đã nối kết hai người: “Nhờ hôn nhân trung tín của họ, cả hai xứng đáng được gọi là cha mẹ của Đức Kitô. Không chỉ mẹ Người, nhưng cả cha Người, cũng là cha là mẹ cùng một cách thức như nhau, vì Giuse là chồng của Maria theo tinh thần, chứ không theo thể xác.”[13] Trong cuộc hôn nhân này, không thiếu điều kiện cần thiết nào: “Nơi cha mẹ của Đức Kitô mọi điều tốt đẹp của hôn nhân đều được thực hiện: con cái nối dòng, sự chung thuỷ, sự bền vững: sinh con chính là Chúa Giêsu; trung tín, vì không có ngoại tình; bí tích, vì không có ly dị.”[14]

Khi phân tích bản chất cuộc hôn nhân này, cả thánh Augustinô lẫn thánh Tôma đều luôn cho rằng bản chất của nó là do sự “hiệp nhất bất khả phân ly của hai tâm hồn”, trong sự “hiệp nhất của hai trái tim”, trong sự “đồng thuận.”[15] Tất cả những yếu tố này được thể hiện cách mẫu mực trong cuộc hôn nhân này. Vào cao điểm của lịch sử Cứu độ, khi Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Ngài cho nhân loại qua quà tặng là Ngôi Lời, thì Mẹ Maria và Thánh Giuse qua chính việc nhận lãnh và biểu lộ tình yêu hôn nhân của mình, đã thực hiện với trọn vẹn “tự do” sự trao hiến mình cho nhau.[16] “Trong công cuộc vĩ đại đổi mới mọi sự trong Đức Kitô, thì hôn nhân cũng được thanh luyện và canh tân, trở thành một thực tại mới, một bí tích của Tân ước. Và ở đây, vào lúc khởi đầu của Tân ước, cũng giống như lúc khởi đầu của Cựu ước, đã có một cặp vợ chồng. Nhưng trong khi đôi bạn Ađam và Evà là nguồn gieo vãi sự dữ lan tràn trên trần gian, thì đôi bạn Giuse và Maria lại là cao điểm, từ đó sự thánh thiện lan toả khắp trái đất. Đấng Cứu Thế đã bắt đầu công trình cứu độ, nhờ sự liên kết trinh khiết và thánh thiện này, trong đó thể hiện được tất cả ý muốn quyền năng của Người, nhằm thanh luyện và thánh hoá gia đình, là cung thánh của tình yêu và cái nôi của sự sống.”[17]

Có biết bao bài học được rút ra cho đời sống gia đình ngày nay! Bởi vì, “phân tích cho cùng thì bản chất và các bổn phận của gia đình phải được xác định bằng tình yêu”, và vì “gia đình lãnh nhận sứ mạng gìn giữ, biểu lộ và thông truyền tình yêu, phản ánh sống động và là một tham dự thực sự vào tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại và tình yêu Đức Kitô dành cho Giáo hội, Hiền thê Người.”[18] Chính nơi Thánh gia, “Giáo hội thu nhỏ”[19] tuyệt vời này mà mọi gia đình Kitô hữu phải tìm thấy phản ánh của mình. Quả thật, nơi đây, “do ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã sống ẩn dật qua nhiều năm dài. Vì thế, Thánh gia chính là mô hình và gương mẫu cho mọi gia đình Kitô hữu.”[20]

8. Thánh Giuse đã được Thiên Chúa gọi để phục vụ con người và sứ vụ Chúa Giêsu trực tiếp quaviệc thi hành chức vụ làm cha. Chính qua cách này mà Thánh Giuse “cộng tác vào mầu nhiệm Cứu chuộc cao cả khi thời gian viên mãn” và Ngài đích thực là “thừa tác viên của ơn cứu chuộc.”[21] Chức vụ làm cha của Ngài được biểu hiện cụ thể “qua việc Ngài phải biến đời mình thành phục vụ, thành hy lễ cho mầu nhiệm Nhập Thể và cho sứ mạng cứu độ gắn liền với cuộc đời Ngài; qua việc Ngài phải dùng quyền uy hợp pháp của Ngài trên Gia đình thánh, để biến chính Ngài, biến cuộc đời và công việc Ngài thành một quà tặng trọn vẹn; qua việc Ngài phải chuyển ơn gọi thuần nhân loại để yêu thương gia đình thành một hiến tế siêu nhiên chính bản thân mình, chính con tim và mọi khả năng thành tình yêu nhằm phục vụ Đấng Thiên Sai đã sinh ra dưới mái nhà mình.”[22]

Phụng vụ nhắc lại rằng “Thánh Giuse đã được tín thác trao phó việc gìn giữ các mầu nhiệm cứu độ vào lúc bình minh của thời đại mới”[23] và xác quyết rằng “Ngài là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà Thiên Chúa đã trao phó Thánh gia để Ngài chăm nom như người cha lo cho người Con duy nhất của mình.”[24]

Đức Lêô XIII nhấn mạnh đến bản chất cao siêu của sứ mạng này: “Ngài trổi vượt giữa mọi người nhờ phẩm cách uy nghiêm, vì do ý muốn của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã là người gìn giữ Con Thiên Chúa, và nhân loại nhìn nhận Ngài là cha của Con Ngài. Từ đó, Ngôi Lời Thiên Chúa khiêm tốn tùng phục Thánh Giuse, vâng lời và làm mọi bổn phận mà mọi người con phải có đối với cha mẹ mình.”[25]

Không thể hiểu được rằng một trọng trách như thế lại không có những phẩm cách cần thiết tương xứng để chu toàn cách thích đáng, nên chúng ta phải nhìn nhận rằng Thánh Giuse, “nhờ hồng ân đặc biệt từ trời”, đã dành cho Chúa Giêsu “trọn tình yêu tự nhiên, mọi chăm nom âu yếm mà một trái tim người cha có thể có được.”[26]

Đồng thời với quyền uy của một người cha đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa còn ban cho Thánh Giuse một tình yêu tương xứng, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15)

Các sách Tin Mừng mô tả rõ ràng trách nhiệm làm cha của Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu. Thật vậy, ơn cứu độ, nhờ nhân tính của Chúa Giêsu, được thực hiện bằng những hành động làm nên đời sống gia đình hằng ngày, tương ứng với việc “tự hạ” vốn gắn liền với nhiệm cục Nhập Thể. Các thánh sử cẩn thận cho thấy không có gì trong cuộc đời Đức Giêsu là ngẫu nhiên, nhưng mọi việc đều xảy ra theo đúng chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Công thức thường được lặp lại: “Điều này xảy ra, để hoàn tất…” liên quan đến một sự kiện đặc biệt trong Cựu ước, dùng để nhấn mạnh đến tính duy nhất và liên tục của chương trình được hoàn thành nơi Đức Kitô.

Qua biến cố Nhập thể, các “lời hứa” và “hình ảnh” trong Cựu ước trở thành “thực tại”: các nơi chốn, nhân vật, biến cố và nghi thức hòa lẫn với nhau theo đúng mệnh lệnh chính xác của Thiên Chúa được các sứ thần thông truyền và được các thụ tạo là những người đặc biệt nhạy cảm với tiếng nói của Thiên Chúa đón nhận. Mẹ Maria là nữ tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa, được chuẩn bị từ muôn thuở để đảm trách chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa; còn Thánh Giuse là một người được Thiên Chúa chọn để thành “người sắp xếp cho việc Chúa sinh ra”,[27] người có trách nhiệm trông nom việc Con Thiên Chúa đến trần gian, theo đúng những điều Thiên Chúa an bài và luật lệ nhân loại. Tất cả đời sống được gọi là “riêng tư” hay “ẩn dật“ của Chúa Giêsu đều được trao phó cho Thánh Giuse giữ gìn.

Cuộc kiểm tra dân số

9. Khi trở về Bêlem để được kiểm tra dân số theo lệnh của chính quyền hợp pháp, Thánh Giuse đã chu toàn một nhiệm vụ quan trọng và đầy ý nghĩa đối với Hài nhi Giêsu, đó là chính thức ghi vào sổ bộ tên “Giêsu, con của Ông Giuse làng Nadarét” (x.Ga 1,45) với chính quyền dân sự của đế quốc. Việc ghi danh này chứng minh rõ ràng rằng Đức Giêsu thuộc loài người như một người nam trong nam giới, một công dân của thế giới này, chịu sự chi phối của lề luật và các định chế dân sự, nhưng cũng là “Đấng cứu độ thế giới.” Ôrigênê đã diễn giải rất đúng ý nghĩa thần học bao hàm trong sự kiện lịch sử này, không phải là một sự kiện bên lề: “Tôi sẽ làm gì với câu chuyện này, câu chuyện kể về cuộc kiểm tra dân số đầu tiên của toàn thế giới vào thời Xêdarê Augustô, đồng thời về cuộc hành trình của “Giuse cùng Maria, người đã đính hôn với mình, đang mang thai”, bước đi giữa lòng nhân loại để cùng ghi tên vào sổ bộ, kể về việc Đức Giêsu sinh ra nơi trần gian trước khi cuộc kiểm tra nhân khẩu kết thúc? Với những ai biết quan sát kỹ lưỡng, họ sẽ thấy những biến cố này là dấu hiệu của một mầu nhiệm: Đức Kitô cũng phải chịu cuộc kiểm tra dân số trong lần kiểm tra của toàn thế giới, bởi vì Người muốn được ghi tên cùng với mọi người để thánh hóa mọi người. Người muốn có tên trong danh sách cùng với toàn thể thế giới, để cho thế giới được sống hiệp thông với Người. Sau cuộc kiểm tra này, Người muốn kiểm tra tất cả mọi người cùng với mình trong “sách hằng sống”, và với những ai đã tin nơi Người, Người muốn “ghi tên họ trên trời” chung với các thánh của “Đấng đáng được mọi vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời, Amen.”[28]

Giáng sinh tại Bêlem

10. Là người được ký thác mầu nhiệm “được giấu kín từ muôn đời trong Thiên Chúa,” và bắt đầu tỏ lộ trước mắt Ngài “vào lúc thời gian viên mãn,” cùng với Đức Maria, Thánh Giuse là chứng nhân đặc biệt trong đêm Bêlem, việc Con Thiên Chúa đến trong trần gian. Thánh Luca diễn tả: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc2,6-7).

Giuse đã là chứng nhân tận mắt của cuộc hạ sinh này, xảy ra trong những hoàn cảnh nghèo khó của loài người, đó là một lời tiên báo về việc “huỷ mình ra không” (x. Pl 2,5-8) mà Đức Kitô tự nguyện chấp nhận để tha thứ tội lỗi. Đồng thời Giuse cũng là chứng nhân việc các mục đồng đến nơi Chúa Giêsu hạ sinh để thờ lạy sau khi các thiên thần báo cho họ tin mừng lớn lao và diễm phúc đó (x. Lc 2,15-16). Sau đó, Giuse còn là “chứng nhân việc các đạo sĩ từ Phương Đông đến kính bái Hài nhi” (x. Mt 2,11).

Cắt bì

11. Việc cắt bì cho người con trai là nghĩa vụ tôn giáo đầu tiên của người cha, và với nghi thức này (x.Lc 2,21) Thánh Giuse đã sử dụng quyền hạn và bổn phận của mình đối với Đức Giêsu. Theo nguyên tắc, tất cả những nghi lễ Cựu ước đều là hình bóng của thực tại (x. Dt 9,9t; 10,1) được dùng để giải thích tại sao Đức Giêsu phải chấp nhận những nghi lễ ấy. Cùng với mọi nghi lễ khác, việc cắt bì cũng “được hoàn thành” nơi Đức Giêsu. Giao ước của Thiên Chúa với Abraham, mà nghi thức cắt bì là dấu chỉ (x. St 17,13) đạt được đầy đủ hiệu quả và được thi hành trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Đấng là lời đáp “có” cho mọi lời hứa xưa (x. 2 Cr 1,20).

Đặt Tên

12. Vào lúc cắt bì, Thánh Giuse đặt tên cho Con trẻ là “Giêsu.” Đây chính là cái tên duy nhất mang lại ơn cứu độ (x.Cv 4,12). Ý nghĩa của tên này đã được mạc khải cho Giuse vào lúc truyền tin: “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (x. Mt 1,21). Khi đặt tên cho Con, Giuse chứng tỏ quyền làm cha hợp pháp của Ngài đối với Đức Giêsu, và khi gọi tên ấy, Ngài tuyên bố sứ mạng cứu độ của Hài nhi.

Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ

13. Nghi thức này, theo thánh Luca kể lại (2,22tt), bao gồm việc chuộc lại người con đầu lòng, và soi sáng ý nghĩa cho giai đoạn tương lai của Đức Giêsu khi ở lại trong Đền thờ lúc lên mười hai tuổi.

Việc chuộc lại người con đầu lòng là một nghĩa vụ nữa của người cha, mà Giuse đã lo chu toàn. Con đầu lòng tượng trưng cho dân của Giao ước vốn được chuộc khỏi ách nô lệ để thuộc về Thiên Chúa. Cũng vậy, chính Đức Giêsu là “giá chuộc” đích thực (x. 1 Cr 6,20; 7,23; 1 Pr 1,19) chẳng những đã chu toàn một nghi thức của Cựu ước, nhưng đồng thời vượt trên chính nghi thức ấy, bởi vì không phải Người được cứu chuộc mà chính Người là Đấng Cứu Chuộc.

Thánh sử ghi lại rằng “Cha mẹ Người ngạc nhiên vì những lời ông Simêon nói về Hài nhi” (Lc 2,33), đặc biệt vì những điều Simêon nói lên trong bài ca chúc tụng Thiên Chúa, trong đó, ông giới thiệu Đức Giêsu là: “ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, và là vinh quang của Israel Dân Ngài”, và xa hơn một chút, là “dấu hiệu cho người đời chống báng” (x. Lc 2,30-34).

Trốn sang Ai Cập

14. Sau biến cố dâng Đức Giêsu vào Đền thờ, thánh sử Luca ghi nhận: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. Còn Hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc2,39-40).

Nhưng theo bản văn của Mátthêu, còn một biến cố rất quan trọng đã xảy ra trước khi họ trở về Galilê, biến cố trong đó Thiên Chúa quan phòng lại nhờ đến Giuse: “Khi các đạo sĩ đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài nhi đấy! ” (Mt 2,13) Khi các đạo sĩ từ phương Đông đến, Vua Hêrôđê biết được việc hạ sinh của “Đức Vua dân Do Thái” (Mt 2,22). Và khi các đạo sĩ đi rồi, ông “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2,16). Khi giết hết các hài nhi như thế, ông mong giết được Hài nhi “Vua dân Do Thái” mới sinh, mà ông đã nghe nói khi các nhà đạo sĩ đến thăm viếng ở triều đình. Vậy, sau khi được báo mộng, Giuse “đang đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: ‘Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập’” (Mt 2,14-15; x. Hs 11,1).

Như thế lộ trình của Chúa Giêsu từ Bêlem về Nadarét phải qua ngả Ai Cập. Cũng như Israel đã theo lộ trình xuất hành “từ thân phận nô lệ” để bắt đầu Giao ước cũ, thì Giuse, người được ký thác và cộng tác vào mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, dù trong lưu đày, cũng đã chăm sóc Đấng thực hiện Giao ước mới.

Chúa Giêsu trong Đền thờ

15. Từ lúc Truyền tin, Thánh Giuse và Mẹ Maria, theo một nghĩa nào đó, đã ở trung tâm của mầu nhiệm được giấu kín từ muôn đời trong Thiên Chúa, và đã mặc lấy xác phàm: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14). Người ở giữa loài người, và nơi Người hiện diện là Thánh gia Nadarét, một trong nhiều gia đình sinh sống tại thành phố nhỏ miền Galilê, một trong nhiều gia đình của đất Israel. Ở đó, Đức Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Các Thánh sử chỉ tóm lược trong vài dòng thời gian dài “sống ẩn dật.” Trong khoảng thời gian này, Đức Giêsu tự chuẩn bị cho sứ mạng Thiên sai của mình.

Chỉ có một tình tiết trong “thời ẩn dật” này được Tin mừng Luca ghi lại: Lễ Vượt qua tại Giêrusalem khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi. Cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, Đức Giêsu tham dự cuộc lễ như một thiếu niên trong đoàn hành hương. Và rồi, “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết” (Lc 2,43). Sau một ngày đàng, hai ông bà mới nhận thấy lạc mất con và bắt đầu tìm kiếm “giữa đám bà con và người quen thuộc.” “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 2,47). Mẹ Maria hỏi: “Con ơi, sao con lại làm như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48) Đức Giêsu trả lời một câu mà “ông bà không hiểu lời Người nói.” Người đã nói: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? ” (Lc 2,49-50)

Thánh Giuse, mà Mẹ Maria vừa gọi là “cha con” cũng nghe câu trả lời này. Thực vậy, mọi người đều nói và nghĩ: “Chúa Giêsu là con của Giuse” theo như người ta nghĩ (Lc 3,23). Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Đền thờ ít nhiều đã làm sống lại trong tâm trí người “cha nuôi” câu nói mà Ngài đã nghe vào một đêm nọ, trước đó mười hai năm: “Giuse… đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” Từ đó, Giuse biết mình là người được ký thác mầu nhiệm của Thiên Chúa, và hôm nay, khi lên mười hai tuổi, cậu Giêsu nhắc lại rõ ràng mầu nhiệm đó: ”Con có bổn phận ở nhà của Cha con.”

Đức Giêsu sinh sống và được dưỡng dục tại Nadarét

16. Đức Giêsu lớn lên “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc2,52), được diễn ra trong khung cảnh Thánh gia, dưới sự chăm sóc của Thánh Giuse, người có trách nhiệm cao trọng “dưỡng dục”, nghĩa là lo cơm ăn áo mặc, và dạy Người về Lề Luật và một nghề nghiệp, theo bổn phận của một người cha.

Trong hiến tế Thánh Thể, Giáo hội kính nhớ Mẹ Maria trọn đời đồng trinh và Thánh Giuse[29] vì “Ngài đã nuôi dưỡng Đấng mà người tín hữu phải nhận lấy mà ăn như bánh trường sinh”[30].

Về phần mình, Đức Giêsu “hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51), kính cẩn đền đáp những chăm sóc của “cha mẹ Người.” Nhờ thế, Người muốn thánh hoá những bổn phận của đời sống gia đình và lao động mà Người thi hành bên cạnh Thánh Giuse.

III

NGƯỜI CÔNG CHÍNH – VỊ PHU QUÂN

17. Trong suốt cuộc sống, một cuộc lữ hành đức tin, Thánh Giuse cũng như Mẹ Maria, luôn trung thành đến cùng với tiếng gọi của Thiên Chúa. Trong khi cuộc đời Mẹ Maria là sự thể hiện tột cùng lời xin vâng đầu tiên được thốt lên lúc Truyền tin, còn Thánh Giuse như chúng ta đã nói, Ngài chẳng nói gì khi được “truyền tin”: mà chỉ “làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt1,24). Và “việc làm” đầu tiên này khai mào cho “lộ trình của Giuse.” Các sách Tin Mừng không ghi lại bất cứ lời nói nào của Thánh Giuse trong suốt hành trình này. Nhưng sự im lặng của Thánh Giuse có tầm mức đặc biệt: vì nhờ sự im lặng này chúng ta có thể hiểu được đầy đủ sự thật hàm chứa trong nhận định của Tin Mừng về Thánh Giuse: là “một người công chính” (Mt 1,19).

Cần phải hiểu rõ sự thật này, vì sự thật này chứa đựng một trong những chứng từ quan trọng nhất liên quan đến thân thế và ơn gọi của Ngài. Qua nhiều thế hệ, Giáo hội đã đọc những chứng từ này ngày càng chăm chú hơn với mức hiểu biết sâu xa hơn, dường như Giáo hội rút ra từ kho tàng của dung mạo đặc biệt này “cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52)

18. Trước hết, người “công chính” làng Nadarét có các tính chất rõ nét của một người chồng. Luca nói về Mẹ Maria như là “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse” (Lc1,27). Thậm chí trước khi “mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa” (Ep 3,9) bắt đầu được thành toàn, các sách Tin Mừng trình bày trước mắt chúng ta hình ảnh người chồng và người vợ. Theo phong tục Do Thái, hôn nhân chia thành hai giai đoạn: trước hết, người ta lập hôn thú theo pháp luật (hôn nhân thực sự) và sau đó một thời gian, người chồng mới đưa vợ về nhà mình. Do đó, trước khi chung sống với Mẹ Maria, Thánh Giuse đã là “chồng” của Mẹ Maria rồi. Tuy nhiên, Mẹ Maria vẫn giữ trong lòng ước muốn tận hiến cho Thiên Chúa. Người ta có thể thắc mắc làm sao ước muốn này của Mẹ Maria lại có thể tương thích với việc “hôn nhân” được. Câu trả lời chỉ có thể đến từ các biến cố cứu độ đã xảy ra do hành động đặc biệt của chính Thiên Chúa. Từ lúc Truyền tin, Mẹ Maria biết rằng Mẹ phải thể hiện mong ước sống khiết tịnh để tận hiến hoàn toàn và trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa bằng cách trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Trở thành người mẹ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần là một hình thức được Mẹ chấp nhận qua việc tự hiến, một hình thức được Thiên Chúa mong đợi nơi Trinh Nữ Maria, người đã “đính hôn” với Giuse. Mẹ Maria đã nói lên lời xin vâng. Sự kiện Mẹ Maria “đính hôn” với Giuse là một phần trong chính chương trình của Thiên Chúa. Điều này được hai Thánh sử Luca và nhất là Mátthêu nêu rõ. Những lời Thiên Chúa nói với Thánh Giuse rất có ý nghĩa: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Những lời này giải thích mầu nhiệm về người vợ của Giuse: Trong chức làm mẹ, Mẹ Maria là một trinh nữ. Nơi Mẹ,“Con của Đấng Tối Cao” mặc lấy xác phàm và trở thành “Con của loài người.”

Khi ngỏ lời với Thánh Giuse qua lời của sứ thần, Thiên Chúa nói với Ngài như nói với người chồng của Trinh nữ làng Nadarét. Điều xảy ra nơi Mẹ bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần cũng xác nhận một cách đặc biệt mối liên kết hôn nhân đã có giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria. Sứ thần của Thiên Chúa đã nói rõ ràng với Thánh Giuse: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về.” Như thế, điều đã xảy ra trước đây, là cuộc hôn nhân giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria, là do thánh ý Thiên Chúa và vì vậy phải được duy trì. Trong thiên chức Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria phải tiếp tục sống như “một trinh nữ đã đính hôn với một người nam” (x. Lc 1,27).

19. Trong những lời “truyền tin” vào ban đêm, Thánh Giuse không chỉ được nghe sự thật Thiên Chúa cho biết về ơn gọi khôn tả của vợ mình, mà còn được nghe lại một lần nữa sự thật về ơn gọi của chính mình. Trong tinh thần truyền thống cao quý nhất của Dân được tuyển chọn, con người “công chính” này đã yêu thương trinh nữ làng Nadarét và gắn bó với nàng bằng tình yêu của người chồng, một lần nữa, lại được Thiên Chúa kêu gọi để yêu thương như vậy.

“Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ” về nhà mình (Mt 1,24); vì người Con trong lòng Mẹ Maria là “bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.” Từ những kiểu nói như thế, chúng ta lại không thể kết luận rằng, nơi Thánh Giuse, tình yêu của một người nam, cũng được Chúa Thánh Thần đổi mới hay sao? Chúng ta lại chẳng nghĩ rằng tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ xuống trái tim con người qua Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5) đã tác động vào mọi tình yêu nhân loại một cách hoàn hảo nhất hay sao? Tình yêu Thiên Chúa – theo một cách thế hoàn toàn độc đáo – cũng tác động vào tình yêu giữa chồng và vợ, làm sâu sắc thêm nơi tình yêu đó những gì là giá trị và tươi đẹp của con người, những gì chứng tỏ một tự hiến tuyệt đối, một giao ước liên vị, và một hiệp thông đích thực theo gương mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

“Giuse… đón vợ về nhà; nhưng ông không ăn ở với bà, cho tới khi bà sinh một con trai” (Mt 1,24-25). Những lời này nói đến một nét thân mật khác trong hôn nhân. Sự mật thiết tinh thần sâu xa phát sinh từ hợp nhất hôn nhân và sự tiếp xúc liên vị giữa nam và nữ có nguồn gốc tối hậu trong Thánh Thần, Đấng ban sự Sống (x. Ga 6,63). Khi tuân lời Thánh Thần, Thánh Giuse gặp được nơi Thánh Thần cội nguồn tình yêu, tình yêu của một người chồng, và tình yêu này lớn lao hơn điều “người công chính” ấy đã từng mong đợi theo giới hạn con tim nhân loại của mình.

20. Trong Phụng vụ, Mẹ Maria được mừng kính như là người đã “kết hiệp với Giuse, người công chính, bằng mối dây liên kết hôn nhân và tình yêu tinh tuyền.”[31]Ở đây thực sự có hai loại tình yêu, cả hai đều biểu thị mầu nhiệm Giáo hội – trinh nữ và hiền thê, tượng trưng qua hôn nhân của Mẹ Maria và Thánh Giuse. “Sự trinh khiết và độc thân vì Nước Trời không làm giảm bớt chút nào phẩm giá của hôn nhân, ngược lại, chúng giả thiết phải có phẩm giá ấy và củng cố nó. Hôn nhân và trinh khiết là hai cách diễn tả và sống mầu nhiệm duy nhất của Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người.”[32] Giao ước ấy là sự hiệp thông tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người.

Qua sự tự hiến hoàn toàn, Thánh Giuse biểu lộ tình yêu quảng đại Ngài dành cho Mẹ Thiên Chúa, và tặng cho bà “món quà tự hiến” của một người chồng. Mặc dù Giuse đã quyết định rút lui để không cản trở kế hoạch Thiên Chúa đang diễn ra nơi Mẹ Maria, nhưng theo mệnh lệnh rõ ràng của sứ thần, Ngài đón Mẹ Maria về nhà mình, trong khi vẫn tôn trọng việc Mẹ chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.

Đàng khác, do kết hôn với Mẹ Maria mà Thánh Giuse nhận được phẩm giá duy nhất và các quyền của mình đối với Đức Giêsu. “Chắc chắn phẩm giá của Mẹ Thiên Chúa cao quý đến độ không gì có thể trổi vượt hơn. Nhưng vì Thánh Giuse hợp nhất với Mẹ Maria bằng mối dây hôn nhân, nên không chút nghi ngờ rằng ngoài Thánh Giuse, chẳng có ai khác tiến gần đến mức phẩm giá cao quý ấy, mà nhờ đó Mẹ Thiên Chúa trổi vượt trên mọi thụ tạo. Vì hôn nhân là sự hiệp thông và tình bạn cao cả nhất, do chính bản chất đã bao hàm việc chia sẻ những điều thiện hảo, nên Thiên Chúa, khi ban tặng Thánh Giuse cho trinh nữ Maria, thì không chỉ như một người bạn đời, một chứng nhân cho sự trinh khiết hay người bảo vệ thanh danh của Mẹ, mà còn để Thánh Giuse có thể – nhờ giao ước hôn nhân – được chia sẻ sự vĩ đại trổi vượt của Mẹ nữa.”[33]

21. Mối dây đức ái đó đã làm nên nếp sống của Thánh gia, trước tiên nơi cảnh nghèo khó của Bêlem, rồi trong cuộc lưu lạc sang Ai Cập, và sau cùng trong đời sống tại Nadarét. Giáo hội tôn kính Gia đình thánh này một cách sâu xa, và đặt làm gương mẫu cho mọi gia đình. Gia đình Nadarét vừa hội nhập trực tiếp vào mầu nhiệm Nhập thể vừa làm nên một mầu nhiệm đặc biệt của riêng mình. Đồng thời, trong mầu nhiệm này – cũng như trong mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta thấy có tình phụ tử đích thực: gia đình của Con Thiên Chúa mang hình thức nhân loại, một gia đình trần thế thực sự, lại được hình thành bởi mầu nhiệm thánh. Trong gia đình này, Thánh Giuse là người cha: tư cách làm cha của Ngài không do việc sinh con; cũng chẳng phải làm cha “bề ngoài” hoặc chỉ “thay thế” mà thôi, nhưng có đầy đủ tính cách đích thực của quyền làm cha theo khía cạnh nhân loại và của vai trò làm cha trong gia đình. Ở đây ta nhận thấy một hệ quả của mầu nhiệm ngôi hiệp: nhân tính được hiệp nhất với Ngôi vị Thiên Chúa của Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô. Và cùng với nhân tính ấy, tất cả những gì thuộc về con người, đặc biệt là gia đình, như là khung cảnh đầu tiên của con người nơi trần thế này, cũng được “tiếp nhận” vào trong Đức Kitô. Trong bối cảnh đó, cả quyền làm cha theo khía cạnh con người của Thánh Giuse cũng được “tiếp nhận” trong mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô. Trên cơ sở nguyên tắc này, những lời Mẹ Maria nói với con trẻ Giêsu trong Đền thờ mang một ý nghĩa sâu xa: “Cha con và mẹ… đi tìm con.” Đây không phải là câu nói chiếu lệ: Những lời của Mẹ Đức Giêsu bày tỏ đầy đủ thực tại của việc Nhập thể hiện diện trong mầu nhiệm Gia đình Nadarét. Ngay từ đầu, khi “vâng phục trong đức tin”, Thánh Giuse đã chấp nhận vai trò làm cha trần thế của Đức Giêsu. Và vì thế nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng ban chính mình Ngài cho con người qua đức tin, chắc chắn Thánh Giuse ngày càng khám phá trọn vẹn hơn món quà khôn tả là vai trò làm cha của mình.

IV

LAO ĐỘNG, MỘT CÁCH DIỄN TẢ TÌNH YÊU

22. Lao động là một trong những biểu hiện thường nhật của tình yêu trong cuộc sống Gia đình Nadarét. Bản văn Tin Mừng nói rõ loại công việc mà Thánh Giuse làm để nuôi sống gia đình mình: nghề thợ mộc. Từ đơn giản này tóm gọn toàn bộ cuộc sống của Thánh Giuse. Đối với Đức Giêsu, đây là những năm ẩn dật, những năm mà Tin Mừng nói đến sau câu chuyện xảy ra trong Đền thờ: “Và Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc2,51). Sự “phục tùng” hoặc vâng lời của Đức Giêsu trong nhà Nadarét cần được hiểu như là một sự chia sẻ trong lao động với Giuse. Trong khi học việc với người được coi là cha mình, Đức Giêsu được gọi là “con của ông thợ mộc.” Nếu Gia đình Nadarét là tấm gương và là mẫu mực cho các gia đình khác trong việc cứu độ và nên thánh, thì lao động của Đức Giêsu bên cạnh ông thợ mộc Giuse cũng tương tự như thế. Trong thời đại chúng ta, ngoài các ý nghĩa khác, Giáo hội nhấn mạnh đến giá trị lao động bằng cách quy định phụng vụ kính Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng Năm. Lao động của con người, nhất là lao động tay chân, được đặc biệt nhấn mạnh trong Tin Mừng. Cùng với nhân tính của Con Thiên Chúa, lao động cũng được đưa vào trong mầu nhiệm Nhập thể, và cũng được cứu chuộc theo cách đặc biệt. Tại xưởng mộc nơi Ngài miệt mài làm việc với Đức Giêsu, Thánh Giuse đưa lao động con người đến gần mầu nhiệm Cứu chuộc hơn.

23. Trong thời gian Chúa Giêsu lớn lên “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa”, có một đức tính rất quan trọng: lương tâm nghề nghiệp, vì “lao động là điều thiện hảo nơi con người”, nó “biến đổi thiên nhiên” và biến con người “theo một nghĩa nào đó, thành người hơn.”[34]Tầm quan trọng của lao động trong đời sống con người đòi hỏi chúng ta phải thấu triệt và tiếp thu các yếu tố của nó để “giúp mọi người đến gần hơn với Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá và là Đấng Cứu chuộc, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người và thế giới, và để đào sâu hơn tình bạn với Đức Kitô trong cuộc sống của họ, qua việc tham dự bằng đức tin sống động vào ba sứ vụ của Người là: Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả.”[35]

24. Cuối cùng là việc thánh hoá cuộc sống hằng ngày, một sự thánh hoá mà mỗi người phải đạt được tuỳ theo bậc sống của mình, theo một mẫu gương mà ai cũng có thể bắt chước: “Thánh Giuse là gương mẫu của những người khiêm hạ mà Kitô giáo có thể dẫn đưa tới những vận mệnh cao cả; Ngài là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính của Đức Kitô, không cần phải làm những “việc vĩ đại”: chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức thực sự và chân chính.”[36]

V

TÍNH ƯU VIỆT CỦA ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

25. Bầu khí thinh lặng bao quanh những gì liên quan đến khuôn mặt Thánh Giuse cũng lan tỏa đến công việc của người thợ mộc trong mái nhà Nadarét. Tuy nhiên, chính sự thinh lặng ấy bộc lộ cách đặc biệt chân dung nội tâm của Ngài. Các sách Tin Mừng chỉ đề cập đến những việc Giuse “làm”, nhưng cho phép chúng ta khám phá trong những ”hoạt động” của Ngài, luôn thấm nhuần sự thinh lặng, một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Thánh Giuse vẫn tiếp xúc hằng ngày với mầu nhiệm “bị che giấu từ bao đời,” và đang “cư ngụ” dưới mái nhà của Ngài. Điều này giải thích, chẳng hạn, tại sao thánh nữ Têrêsa Giêsu, nhà cải tổ lớn của các Nữ tu dòng chiêm niệm Cát Minh, lại đã trở nên người cổ võ việc sùng kính Thánh Giuse trong Kitô giáo Tây phương.

26. Trong suốt cuộc đời, Thánh Giuse đã thể hiện một sự hiến dâng tuyệt đối cuộc sống để đáp ứng những đòi hỏi của Đấng Thiên sai đến trong nhà mình, điều này chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đời sống nội tâm sâu xa của Ngài mà thôi. Chính từ cuộc sống nội tâm này mà “những mệnh lệnh và an ủi rất đặc biệt mang đến cho Ngài lý luận và sức mạnh mà chỉ những tâm hồn đơn sơ và trong sáng mới có và giúp Ngài có sức đưa ra những quyết định quan trọng, như quyết định ngay lập tức đặt tự do của mình trước sự an bài của Thiên Chúa, cũng như trao phó vào tay Thiên Chúa an bài ơn gọi nhân bản chính đáng, hạnh phúc hôn nhân của mình, để chấp nhận các điều kiện, trách nhiệm và gánh nặng của một gia đình, và từ khước tình yêu đôi lứa tự nhiên vốn là nền tảng nuôi dưỡng gia đình, để chọn một tình yêu trinh khiết không thể sánh ví.[37]

Thái độ phục tùng Thiên Chúa như thế là ý muốn mau mắn tận hiến tất cả để phục vụ Thiên Chúa, không gì khác hơn là thể hiện lòng nhiệt thành làm nên một trong những cách diễn tả của nhân đức thờ phượng.[38]

27. Đời sống hiệp thông giữa Thánh Giuse và Đức Giêsu còn giúp chúng ta nhìn ngắm mầu nhiệm Nhập thể chính xác dưới khía cạnh nhân tính của Đức Kitô, là phương tiện hữu hiệu thiên tính Người dùng để thánh hoá con người: “Nhờ thiên tính, các hành động nhân loại của Đức Kitô có sức cứu độ chúng ta, phát sinh ơn sủng cho chúng ta, hoặc do công phúc hoặc do hiệu năng.”[39]Trong các hành động này, các tác giả Tin Mừng nêu bật những gì liên quan tới Mầu nhiệm Vượt qua, nhưng cũng không quên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp xúc thể lý với Chúa Giêsu để được chữa lành (ví dụ x.Lc 1,41), và ảnh hưởng Chúa Giêsu tác động trên Gioan Tẩy giả khi cả hai người còn trong lòng mẹ (x. Lc 1,41-44). Như chúng ta đã thấy, khi làm chứng cho Đức Kitô, các tông đồ đã không bỏ qua câu chuyện Đức Giêsu giáng sinh, việc cắt bì, dâng vào Đền thờ, trốn sang Ai Cập và cuộc sống ẩn dật ở Nadarét. Các ngài nhìn nhận “mầu nhiệm” của ơn sủng hiện diện trong từng “hành động” cứu độ này, vì chúng đều chia sẻ cùng một nguồn tình yêu: thiên tính của Đức Kitô. Nếu qua nhân tính của Đức Kitô, tình yêu này rực sáng trên mọi người, những người được thừa hưởng đầu tiên chắc chắn là những người mà thánh ý Chúa đã muốn liên kết mật thiết nhất với chính tình yêu này: Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu, và Thánh Giuse, người được xem là cha của Người.[40] Làm sao tình yêu “phụ tử” của Thánh Giuse lại không ảnh hưởng đến tình yêu “con thảo” của Đức Giêsu, và ngược lại, làm sao tình yêu “con thảo” của Đức Giêsu lại không ảnh hưởng đến tình yêu “phụ tử” của Thánh Giuse được? để từ đó có thể thấu hiểu được chiều sâu của mối tương quan hết sức đặc biệt ấy? Những tâm hồn nhạy cảm nhất đối với tác động tình yêu Thiên Chúa sẽ thực sự tìm thấy nơi Thánh Giuse một mẫu gương sáng chói của đời sống nội tâm.

Hơn nữa, sự giằng co rõ ràng giữa đời hoạt động và đời chiêm niệm đã được dung hoà một cách lý tưởng nơi Thánh Giuse, như chỉ có thể xảy ra nơi những người có đức ái hoàn hảo mà thôi. Theo sự phân biệt nổi tiếng của thánh Augustinô giữa lòng yêu mến chân lý (caritas veritatis) và những đòi hỏi của tình yêu (necessitas caritatis),[41] chúng ta có thể nói rằng Thánh Giuse đã cảm nghiệm được lòng yêu mến chân lý, nghĩa là tình yêu tinh tuyền chiêm ngắm Chân lý thần linh chiếu toả từ nhân tính của Đức Kitô và cũng cảm nghiệm được những đòi hỏi của tình yêu, nghĩa là tình yêu tinh tuyền phục vụ, cần thiết cho ơn gọi bảo vệ và phát triển chính nhân tính Đức Giêsu, vốn gắn kết chặt chẽ với thần tính của Người.

VI

ĐẤNG BẢO TRỢ HỘI THÁNH NGÀY NAY

28. Trong những thời kỳ khó khăn của lịch sử Giáo hội, Đức thánh cha Piô IX, vì muốn đặt Giáo hội dưới sự bảo trợ đặc biệt của thánh tổ phụ Giuse, nên đã công bố Ngài là “Đấng Bảo trợ của Giáo hội Công giáo”[42]. Đức Piô IX biết rằng quyết định của mình không phải là không hợp thời, bởi vì, do phẩm giá cao vời Thiên Chúa đã ban cho người tôi tớ tín trung nhất là Thánh Giuse, “Giáo hội, – chỉ sau hiền thê của Ngài là Đức Trinh nữ – luôn trọng kính, ca tụng, cách riêng, chạy đến với Ngài trong những lúc gian nan[43].

Lý do nào dẫn tới sự tín nhiệm lớn lao ấy? Đức Lêô XIII đã đã kể ra những lý do như sau: “Những lý lẽ và những nguyên do đặc biệt đã nhìn nhận Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội và khiến cho Giáo hội hy vọng rất nhiều vào sự che chở và bảo hộ của Ngài là: Thánh Giuse là phu quân của Đức Maria và là cha nuôi của Đức Giêsu. […]. Xưa kia, Thánh Giuse đã là người gìn giữ, quản lý, người bảo vệ hợp pháp và tự nhiên ngôi nhà của Thiên Chúa mà thánh nhân là người đứng đầu […]. Do đó, như xưa kia, Thánh Giuse đã lo liệu tất cả những nhu cầu của gia đình Nadarét và che chở gia đình đó một cách thánh thiện, thì ngày nay, thật là hợp lý và chính đáng, từ trời cao Ngài cũng che chở và bảo vệ Giáo hội Đức Kitô như vậy”[44].

29. Giáo hội cần phải luôn kêu cầu Thánh Giuse bảo trợ, không chỉ để bảo vệ chống lại mọi nguy hiểm không ngừng nảy sinh, mà nhất là còn để nâng đỡ Giáo hội trong những nỗ lực khó khăn nhằm rao giảng Tin Mừng cho thế giới và tái truyền giáo tại các nước và các quốc gia – như tôi đã viết trong Tông huấnChristifideles Laici (Kitô hữu giáo dân) – nơi mà “trước đây tôn giáo và sức sống Kitô giáo hết sức phong phú”… nhưng ngày nay đang gặp thử thách nặng nề.”[45] Để đem lời rao giảng đầu tiên về Đức Kitô, hoặc để giới thiệu lại Đức Kitô cho những nơi đã đánh mất hay bỏ quên Tin Mừng, Giáo hội cần đến “quyền năng đặc biệt từ trời cao ban xuống” (cf. Lc 24,49; Cv 1,8): đó chắc chắn là ân huệ của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng cần đến lời chuyển cầu và gương mẫu của các Thánh.

30. Ngoài sự bảo trợ hữu hiệu của Thánh Giuse, Giáo hội còn tin tưởng vào gương mẫu cao quý của Ngài, một mẫu gương không chỉ dành cho một bậc sống cá nhân nào mà còn được nêu lên làm gương mẫu cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu noi theo, dù ai ở hoàn cảnh nào hay giữ chức vụ nào. Như Công đồng Vaticanô II đã đề cập đến trong Hiến chế về Mạc Khải, thái độ căn bản của toàn thể Giáo hội phải là thái độ “cung kính lắng nghe lời Chúa”,[46]nghĩa là tuyệt đối sẵn sàng trung tín phục vụ ý muốn cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô. Ngay lúc khởi đầu của công trình cứu độ nhân loại, chúng ta gặp được – sau Đức Maria – mẫu gương vâng lời thể hiện rõ ràng nơi Thánh Giuse, Đấng nổi bật về lòng trung thành thi hành các mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Đức thánh cha Phaolô VI đã mời gọi chúng ta khẩn cầu sự bảo trợ của Thánh Giuse “như Giáo hội thường làm trong thời gian gần đây, trước hết cho chính Giáo hội, cho việc suy tư thần học tự phát về mối liên kết giữa hành động của Thiên Chúa và hành động của con người trong nhiệm cục lớn lao của ơn Cứu độ, trong nhiệm cục ấy, hành động thứ nhất, – hành động của Thiên Chúa – đã hoàn toàn tự đầy đủ, trong khi hành động thứ hai – hành động của con người – tuy vẫn bất lực (x. Ga 15,5), nhưng không bao giờ được miễn chước khỏi một sự cộng tác khiêm tốn, nhưng vẫn cần thiết và cao cả. Ngoài ra, Giáo hội cũng khẩn cầu Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ, vì Giáo hội đang khao khát sâu xa muốn làm cho cuộc sống trần thế của mình được sinh động với các nhân đức đích thực của Tin Mừng như thấy rạng ngời nơi Thánh Giuse.”[47]

31. Giáo hội biến những nhu cầu này thành kinh nguyện. Khi nhắc lại rằng, ở bình minh của thời đại mới, Thiên Chúa đã trao phó cho Thánh Giuse việc gìn giữ các mầu nhiệm cứu độ, Giáo hội cũng xin Ngài ban cho Giáo hội được trung thành cộng tác vào công trình cứu độ, yêu mến công việc đó bằng một trái tim không chia sẻ, theo gương Thánh Giuse, Đấng đã tự hiến trọn vẹn để phục vụ Ngôi Lời Nhập Thể, Giáo hội xin Ngài cho chúng ta được sống trong sự công chính và thánh thiện, được gương mẫu và lời cầu bầu của Ngài nâng đỡ[48].

Cách nay một trăm năm, Đức thánh cha Lêô XIII đã khuyến khích thế giới Công giáo hãy cầu nguyện để được Thánh Giuse là Bổn mạng của toàn thể Giáo hội bảo trợ. Thông điệp Quamquam Pluries đã nại tới “tình yêu phụ tử của Thánh Giuse dành cho Hài nhi Giêsu”, nại tới “Đấng Bảo trợ rất khôn ngoan của gia đình Thiên Chúa”, để trao phó di sản mà Chúa Giêsu đã mua chuộc bằng chính máu mình.” Kể từ đó – như tôi đã nhắc lại ở đầu Thông điệp này – Giáo hội đã cầu xin sự che chở của Thánh Giuse nhờ “tình thương đã hiệp nhất Ngài với Trinh Nữ Vô Nhiễm Mẹ Thiên Chúa”, và Giáo hội đã phó thác cho Thánh Giuse tất cả mọi lo âu, nhất là vì những đe doạ đang đè nặng trên gia đình nhân loại.

Ngày nay nữa, chúng ta có nhiều lý do để cầu nguyện như vậy: “Lạy Cha rất thương yêu! Chúng con xin Người cất mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi…; Lạy Đấng rất mạnh đang ở trên trời hay gìn giữ chúng con, xin Người dủ lòng thương mà che chở chúng con đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm… Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thế nào, thì rầy chúng con cũng xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh, cho khỏi các mưu kế giặc thù, và các sự gian nan khốn khó như vậy”[49]. Ngày nay chúng ta vẫn có những lý do để phó thác mỗi người cho Thánh Giuse.

32. Tôi hết lòng mong ước rằng, việc gợi lại dung mạo của Thánh Giuse lúc này cũng sẽ đổi mới trong chúng ta lòng thiết tha cầu nguyện mà vị tiền nhiệm của tôi, cách nay một thế kỷ, đã truyền phải thực hiện. Thật vậy, chắc chắn những lời cầu nguyện ấy và chính dung mạo của Thánh Giuse đã đem đến một sự canh tân hiện tình của Giáo hội trong thời đại chúng ta, khi sắp bước vào thiên niên kỷ mới của Kitô giáo.

Công đồng Vaticanô II, một lần nữa, lại cho mọi người chúng ta cảm nhận được “những kỳ công của Thiên Chúa” và “nhiệm cục cứu độ” mà Thánh Giuse là thừa tác viên đặc biệt. Vì vậy, khi phó thác cho sự bảo trợ của Đấng mà chính Thiên Chúa đã “tin tưởng trao phó những kho tàng quý báu và lớn lao nhất,”[50] thì đồng thời chúng ta cũng học được nơi Thánh Giuse cách phục vụ “nhiệm cục cứu độ.”

Ước mong Thánh Giuse trở thành một người thầy đặc biệt dạy chúng ta phục vụ sứ mạng cứu độ của Đức Kitô, một sứ mạng mà mỗi người chúng ta và mỗi thành viên của Giáo hội đều có trách nhiệm: vợ chồng, cha mẹ, những người sinh sống bằng lao động chân tay hay bất cứ công việc gì khác, những người được kêu gọi vào đời sống chiêm niệm cũng như những người được kêu gọi làm việc tông đồ.

Mang trong mình tất cả di sản của Giao ước Cũ, Đấng Công chính cũng đã được đưa vào thời ”khởi đầu” của Giao ước Mới và vĩnh cửu trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện xin Người chỉ cho chúng ta những nẻo đường của Giao ước cứu độ này, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ sắp tới, trong đó “sự viên mãn của thời gian” vốn thuộc về mầu nhiệm khôn tả là mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể phải được tiếp nối và phát huy không ngừng.

Nguyện xin Thánh Giuse giúp cho Giáo hội và thế giới, cũng như cho mỗi người chúng ta được phúc lành của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần!

Ban hành tại Rôma, bên cạnh đền thờ thánh Phêrô,
ngày 15 tháng 08 năm 1989,
ngày lễ kính trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời,
năm thứ 11 triều giáo hoàng của tôi.

Gioan Phaolô II

Chuyển ngữ: Linh mục Phanxicô Lê Văn Nhạc
Hiệu đính: Nhóm Dịch thuật Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ (19.03.2021)

***

VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
SẼ XUẤT BẢN ẤN PHẨM NÀY
NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 2021

Chú thích

[1] Cf. Thánh Irênêô, Adversus haereses, IV, 23, 1: S. Ch. 100/2, pp. 692-694.

[2] Lêô XIII, Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): Leonis XIII P.M. Acta, IX (1890), pp. 175-182.

[3] Thánh bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870): Pii IX P.M. Acta, pars I, vol. V, p. 282; Piô IX, Tông thư Inclytum Patriarcham (7/7/1871): loc. cit., pp. 331-335.

[4] Cf. Thánh Gioan Kim Khẩu, trong Matth. Hom. V, 3: PG 57, 57f. Dựa vào việc trùng tên, các Giáo phụ và các Đức giáo hoàng đã coi ông Giuse ở Ai cập là nguyên mẫu của Thánh Giuse ở Nadarét, bởi vì một cách nào đó, ông Giuse ở Ai cập đã báo trước sứ vụ và sự cao cả của Thánh Giuse, là Đấng gìn giữ những kho tàng quý báu nhất của Thiên Chúa Cha, đó là Ngôi Lời Nhập Thể và Mẹ Rất thánh của Ngôi Lời: cf., chẳng hạn, Thánh Bênađô, Super “Missus est,” Hom. II, 16: S. Bernardi Opera, Ed. Cist., IV, 33f.; Lêô XIII, Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): loc. cit., p. 179.

[5] Lumen Gentium, 58.

[6] Cf. ibid., 63.

[7] Dei Verbum, 5.

[8] Ibid., 2.

[9] Cf. Lumen Gentium, 63.

[10] Dei Verbum, 2.

[11] Thánh bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Novis hisce temporibus (13/11/1962): AAS 54 (1962), p. 873.

[12] Thánh Augustinô, Sermo 51, 10, 16: PL 38, 342.

[13] Thánh Augustinô, De nuptiis et concupiscentia, I, 11, 12: PL 44, 421; cf. De consensu evangelistarum, II, 1, 2: PL 34, 1071; Contra Faustum, III, 2: PL 42, 214.

[14] Thánh Augustinô, De nuptiis et concupiscentia, I, 11, 13: PL 44, 421; cf. Contra Iulianum, V, 12, 46: PL 44, 810.

[15] Cf. Thánh Augustinô, Contra Faustum, XXIII, 8: PL 42, 470f.; De consensu evangelistarum, II, 1, 3: PL 34, 1072; Sermo, 51, 13, 21: PL 38, 344f.; Thánh Tôma, Tổng luận thần học, III, q. 29, a. 2 in conclus.

[16] Cf. Diễn văn ngày 9 và 16/01/1980, ngày 20/2/1980: Insegnamenti, III/I (1980), pp. 88-92; 148-152; 428-431.

[17] Phaolô VI, Diễn văn với Phong trào “Equipes Notre-Dame” (4/5/1970), n. 7: AAS 62 (1970), p. 431. Có thể thấy những lời tương tự, ca tụng Thánh gia Nadarét như mẫu gương tuyệt hảo của gia đình, chẳng hạn, trong Lêô XIII, Tông thư Neminem fugit (14/6/1892); Leonis XIII PM. Acta, XII (1892), p. 149f.; Bênêđictô XV, Tự sắc Bonum sane (25/7/1920): AAS 12 (1920), pp. 313- 317.

[18] Familiaris Consortio (22/11/1981), 17: AAS 74 (1982), p. 100.

[19] Ibid., 49: loc. cit., p. 140; cf. Lumen Gentium, 11; Apostolicam Actuositatem,11.

[20] Familiaris Consortio (22/11/1981), 85: loc. cit., pp. 189f.

[21] Cf. Thánh Gioan Kim Khẩu, trong Matth. Hom. V, 3: PG 57, 57f.

[22] Phaolô VI, Diễn văn (19/3/1966): Insegnamenti, IV (1966), p. 110.

[23] Cf. Sách lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ trong Lễ trọng kính Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức trinh nữ Maria.

[24] Cf. ibid., Kinh Tiền tụng trong Lễ trọng kính Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức trinh nữ Maria.

[25] Lêô XIII, Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): loc. cit., p. 178.

[26] Piô XII, Sứ điệp truyền thanh gửi Học sinh các Trường Công giáo ở Hoa Kỳ (19/2/1958): AAS 50 (1958), p.174.

[27] Origen, Bài giảng XIII trong Lucam, 7: S. Ch. 87, pp 214f.

[28] Origen, Bài giảng XI trong Lucam, 6: S. Ch. 87, pp. 196f.

[29] Cf. Sách lễ Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể I.

[30] Thánh bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870): loc. cit., p. 282.

[31] Collectio Missarum de Beata Maria Virgine, 1, “Sancta Maria de Nazareth,” Kinh Tiền tụng.

[32] Tông huấn Familiaris Consortio (22/11/1981), 16:106. cit., p. 98.

[33] Lêô XIII, Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): loc. cit., pp. 177f.

[34] Cf. Thông điệp Laborem Exercens (14/9/1981), 9: AAS 73 (1981), pp. 599f.

[35] Ibid., 24: loc. cit., p. 638. Trong thời gian gần đây các vị Giáo hoàng luôn trình bày thánh Giuse như “mẫu gương” của các người thợ và các người lao động; Cf., chẳng hạn, Lêô XIII, Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): loc. cit., p. 180; Bênêđictô XV, Tự sắc Bonum sane (25/7/1920): loc. cit., pp. 314-316; Piô XII, Diễn văn (11/3/1945), 4: AAS 37 (1945), p. 72: Diễn văn (1/5/1955): AAS 47 (1955), p. 406; Gioan XXIII, Sứ điệp truyền thanh (1/5/1960): AAS 52 (1960), p. 398.

[36] Phaolô VI, Diễn văn (19/3/1969): Insegnamenti, VII (1969), p. 1268.

[37] Ibid.: loc. cit., p. 1267.

[38] Cf. Thánh Tôma, Tổng luận thần học II-IIae, q. 82, a. 3, ad 2.

[39] Ibid., III, q. 8, a. 1, ad 1.

[40] Cf. Piô XII, Thông điệp Haurietis aquas (15/5/1956), III: AAS 48 (1956), pp. 329f.

[41] Cf. Thánh Tôma, Tổng luận thần học II-IIae, q. 182, a. 1, ad 3.

[42] Cf. Thánh bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870): loc. cit., p.283.

[43] Ibid.: loc. cit., pp. 282f.

[44] Lêô XIII, Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): loc. cit., pp. 177-179.

[45] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici (30/12/1988), 34: AAS 81 (1989), p. 456.

[46] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mạc khải Dei Verbum, 1.

[47] Phaolô VI, Diễn văn (19/3/1969): Insegnamenti, VII (1969) p. 1269.

[48] Cf. Sách lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ, Lời nguyện tiến lễ trong Lễ trọng kính Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức trinh nữ Maria; Lời nguyện hiệp lễ trong Lễ nhớ Thánh Giuse.

[49] Cf. Lêô XIII, “Kinh cầu cùng Thánh Giuse”, sau bản văn của Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): Leonis XIII P.M. Acta, IX (1890), p. 183.

[50] Thánh bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870): loc. cit., p. 282.

Liêm Đình