Ông Philiphê thưa: “ Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là chúng con mãn nguyện” Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “ Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà anh Philiphê, anh chưa biết thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha, sao con lại nói: “ xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”(Ga14, 8-9)
Trong giờ dạy giáo lý rước lễ vỡ lòng tôi hỏi: Trong thánh lễ khi nào Bí Tích Thánh Thể xảy ra các con? Một cánh tay giơ lên: Dạ thưa dì khi ông cố đọc lời truyền phép tức thì bánh và rượu trở thành mình và máu của Chúa Giêsu.
Giỏi! hoan hô bạn, thưởng bạn một tràng pháo tay đi các con. Bỗng một cánh tay khác giơ lên và đứng phắt dậy: Dạ thưa Dì, vậy khi bánh trở thành mình Chúa thì trong cái bánh đó có Chúa đi tới đi lui trong đó hả Dì?
Ai da! tới công chuyện rồi! rắc rối à nha! câu hỏi hóc búa đây này, câu hỏi bắt phải động não đây này, trả lời thế nào để không bị rối đạo và rối não đây? Tôi trả lời: Ok con! lúc đó con cố gắng cầm trí lại không suy nghĩ gì hết mà chỉ nghĩ là Chúa có trong cái bánh đó rồi lát nữa khi con lên rước lễ thì Chúa không chỉ đi tới đi lui trong cái bánh mà Chúa sẽ đi vào lòng con, ở lại trong lòng con và ban cho con nhiều ơn lành con thích không?
Dạ con thích!
Tin Mừng hôm nay ông Philiphê xin Chúa Giêsu cho ông được thấy Chúa Cha thế là ông mãn nguyện. Nếu chúng ta mang trong mình tâm hồn của một trẻ thơ như em bé kia chắc chắn chúng ta sẽ được nhìn thấy Chúa bằng con mắt đức tin, nhưng tiếc thay mỗi người chúng ta mang trong mình quá nhiều những lo toan, tính toán, tuổi đời càng chồng chất chúng ta càng mang trong mình quá nhiều mối bận tâm, sự đơn sơ trong tâm hồn chúng ta mà Chúa đã đặt để ngay khi chúng ta mới lọt lòng mẹ giờ đã bị thay thế bởi những toan tính hơn thiệt, tranh giành, hơn thua, được mất, ở địa vị nào chúng ta tính toán theo địa vị đó, ở bậc sống nào người ta tính toán theo bậc sống đó, tranh đấu- đấu tranh để sống còn và để tồn tại trên chính cái địa vị danh vọng đó, hay an phận ở trong cái kén mà họ cho là an toàn, có khi muốn giữ cái kén đó mãi, giữ cái an toàn đó hoài hay vị trí của mình mà người ta sẵn sàng bẻ cong hai chữ lương tâm để hạ người khác xuống làm bệ phóng cho mình. Đời là thế, thế gian là vậy! nhân tình thế thái.
Trong cuộc sống đời thường, những lúc ngồi tĩnh lặng trước mặt Chúa tôi giật mình thảng thốt tự hỏi lại lòng mình: Mỗi khi đến với Chúa có bao giờ tôi xin Chúa cho tôi được nhìn thấy Chúa không? Hay tôi đến với Chúa chỉ để xin điều này điều kia, cầu ơn này ơn khác cho người này người nọ mà thôi.
Nếu mỗi người chúng ta nhìn thấy Chúa chúng ta sẽ đổi khác, chúng ta sẽ sống khác.
Trong gia đình là người chồng nếu tôi thấy Chúa trong người vợ và các con thì tôi sẽ không bao giờ có cãi cọ, không bao giờ say sỉn đánh đập vợ con… nhưng tôi sẽ là người chồng tốt, người cha có trách nhiệm.
Là người vợ trong gia đình nếu tôi nhìn thấy Chúa trong chồng và các con, tôi sẽ không bao giờ là người vợ chanh chua đanh đá, bà chằng lửa… nhưng trái lại tôi sẽ là người vợ đảm đang, yêu thương chồng con và là người mẹ hiền.
Là Linh Mục nếu tôi thấy Chúa trong giáo dân của mình thì tôi sẽ sống hết mình vì đoàn chiên, và sẵn sàng chết cho đòan chiên.
Là cộng đoàn Tu Sĩ nếu tôi thấy Chúa trong người chị em bên cạnh mình, thì tôi sẽ không có những thái độ: nói xấu, sống hai mặt, lên án, chỉ trích, đố kỵ, hờn oán, ghen tỵ, thiếu tôn trọng…nhưng ngược lại tôi sẽ sống hòa đồng, coi chị em như là ruột thịt, thương yêu và tôn trọng chị em như tôn trọng chính Chúa.
Là thầy cô giáo nếu tôi thấy Chúa trong học sinh của mình thì sẽ không còn cảnh học sinh vẫn đi học đều đều mà không biết chữ, không dạy để chỉ ăn lương, không dạy hời hợt qua loa, cho có, nhưng nếu có Chúa tôi sẽ dạy bằng một cái tâm.
Là Lương Y nếu thấy Chúa trong từng bệnh nhân thì tôi sẽ chăm sóc tận tình chu đáo với một lương tâm chân chính đầy tình yêu thương như Mẹ Têrêsa Calcuta.
Và đây là điều răn Chúa dạy, nếu tôi thấy Chúa trong kẻ thù của mình, trong những người mà tôi không thích, không ưa, những người không thương tôi, thì tôi sẽ dễ dàng bỏ qua, tha thứ và cầu nguyện cho họ, tuy hơi khó nhưng nếu thấy Chúa chắn chắn tôi sẽ làm được, khi nào tôi chưa làm được đồng nghĩa với tôi chưa thấy Chúa.
Tóm lại, nếu trong cuộc sống tôi nhìn thấy Chúa qua từng con người, từng công việc, thì những con người đó tôi sẽ tiếp xúc với một thiện cảm, dễ mến và những công việc đó tôi sẽ làm với một cái tâm, hay những lời tôi thốt ra sẽ được kiểm soát, cân nhắc kĩ lưỡng, tôi hành động với một hành động có suy nghĩ, tôi nói với một lời nói có lựa chọn.
Lạy Chúa, con không đổi thừa cho thế giới quá thay đổi, con cũng không trách thế giới quá tiến bộ làm cho con bị mờ mắt không còn nhìn thấy Chúa, điếc tai không còn nghe Chúa nữa, nhưng xin cho con biết lắng đọng hồn mình, dù ở giữa thế giới đầy biến động biết tìm một chỗ riêng tư trong mỗi ngày sống của con, để qua khoảng lặng riêng tư đó con thấy được Chúa và khi thấy Chúa rồi con sẽ sống theo ý Chúa muốn.
Tường Vi