Giêsu Vua Tình Yêu
Tiếng reo mừng hoan hô của những người Do Thái ngày Chúa vào thành Giêrusalem, là tiếng reo thể hiện một sự mong đợi hoàn toàn có tính cách thế tục, họ chờ đợi không phải là một Đấng Mêsia cứu thế, mà là một vị vua trần thế, họ nghĩ rằng đã đến lúc Chúa Giêsu khởi nghĩa xưng vương quy tụ dân chúng nổi dậy chống lại đế quốc Rôma. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không làm vua trần thế, mà Ngài tiến vào Giêrusalem hình ảnh thành đô của Thiên Chúa, không phải để làm chính trị, mà để xây dựng một vương quốc tình yêu và thiết lập vương quyền của Thiên Chúa, vương quyền của sự sống trên sự chết, sức mạnh của tình yêu tha thứ trên hận thù gian ác.
Nghe bài thương khó hôm nay chúng ta nhận thấy lòng dạ của những người Do Thái đầy nham hiểm, họ khó chịu khi thấy một người phụ nữ xức dầu thơm quý giá lên chân Chúa, họ lợi dụng mua chuộc một Giuđa ham tiền để lập mưu bắt Chúa Giêsu, những hành động ấy phát xuất từ sự ghen tị thù hằn và họ cấu kết với nhau để loại trừ Chúa Giêsu. Để đạt được mục tiêu này, họ không loại trừ một thủ đoạn nào, họ đã dàn dựng từ một vài những vấn đề tranh luận tôn giáo để đi đến một bản án hoàn toàn chính trị bằng việc vu cáo Chúa Giêsu ngăn cản việc nộp thuế, có ý đồ chống lại hoàng đế Cêsarê, để rồi mượn tay người La Mã lên án tử cho Chúa.
Còn Chúa Giêsu Ngài vẫn sống cho tình yêu thương và tha thứ, dù biết rằng Giuđa là một trong các môn đệ sẽ phản bội, nhưng Chúa cũng không trừng phạt anh, Ngài vẫn nhân từ trao cho anh những cử chỉ yêu thương để đánh động lương tâm của anh; trong cuộc khổ nạn này Chúa Giêsu không chỉ đau đớn vì roi đòn và sự hành hạ của những tên lính, mà Ngài còn đau khổ hơn bởi sự phản bội của những người thân tín nhất của Ngài. Đó là sự phản bội của Giuđa, kẻ đã đi theo Chúa nhiều năm, vậy mà chỉ vì một chút quyền lợi tiền bạc, anh đã bán đi tình nghĩa thầy trò, và đau đớn hơn nữa, anh đã dùng nụ hôn là dấu chỉ biểu lộ tình yêu thương để làm dấu chỉ của sự phản bội. Cũng thế, Simon Phêrô, một trong số những môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương tin tưởng nhất, lại là người chối Chúa đến ba lần, mà lại chối trước mặt một đứa đầy tớ gái. Sau cùng là sự bội bạc vô ơn của đám đông dân chúng, trong số họ có biết bao người đã từng chứng kiến các phép lạ, được Chúa chữa lành, vậy mà giờ đây, trước mặt một vị quan người La mã, họ đã chọn lựa Baraba thay vì chọn Thiên Chúa, họ đã nhận hoàng đế Cêsarê làm vua của mình mà loại trừ Thiên Chúa là vua của họ: Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Cêsarê, họ đã gào thét lên như thế.
Chúa Giêsu đã đón nhận cây thập giá mà ngươi ta đặt lên vai Ngài như là cách thế mà Thiên Chúa Cha muốn Ngài chấp nhận để đem ơn cứu độ cho trần gian, Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng của con đường cứu chuộc, và chặng cuối của con đường là cái chết giang tay trên cây thập giá, chết trong đau đớn tất tưởi. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa, Ngài dùng chính sự độc ác của con người để đem lại ơn cứu độ cho con người, dùng sự phản bội để đem lại sự thứ tha, dùng cái chết của Ngài để đem lại sự sống đời đời. Chúa Giêsu vẫn đang bị hành hình trong thời đại của chúng ta hôm nay qua những con người đang phải chịu sự bất công đàn áp, những con người bị đẩy ra bên lề xã hội, bị chính những người anh em ruột thịt của mình khinh bỉ từ chối; Chúa Giêsu cũng đang bị hành hình qua những con người cùng cực bị bóc lột khai thác, lạm dụng, bạo hành, kể cả qua những em bé, những thai nhi bị những Philatô là chính cha mẹ của mình lên án tử, đó là những Giêsu của ngày hôm nay. Thương cảm cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở những cảm xúc tự nhiên, mà hãy nhận thật rằng chính vì tội lỗi của tôi, của ông bà, anh chị mà Chúa chịu chết như thế, để từ nay chúng ta cố gắng sống tốt hơn, và sống ngoan thảo với Chúa hơn, đồng thời biết quan tâm đến anh em để chia sẻ với sức nặng của thập giá của anh em đó là cách chúng ta cất đi bớt sự đau khổ cho Chúa ngày hôm nay. Amen
M. NQ Hua