Dọn mình chết lành: Tỉnh thức

DỌN MÌNH CHẾT LÀNH

***

I. Hướng ý


Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã đi vào cuộc sống con người, chấp nhận mọi đau thương thử thách kể cả cái chết, để chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ số phận mong manh của chúng con. Còn những ngày ngắn ngủi của Mùa Chay này, xin Chúa hãy thức tỉnh chúng con giữa những cơn mê của cuộc sống, giữa bao xáo trộn của lầm than chân lý. Xin mở rộng lòng chúng con trước lời mời gọi của Chúa. Trong giây phút tĩnh lặng này, xin Chúa hãy khơi dậy nơi chúng con một thao thức sống vì Chúa  cho mọi người.

HÁT: TN2: 722 (2): Con hướng về Chúa

1. Con hướng về Chúa ôi cứu tinh của muôn loài, đây nguồn vinh quang tuyệt đối, ôi Giêsu Vua dịu hiền. Con hướng về Chúa đây Chúa cao quang tuyệt vời, đây Ngôi Hai Vua hằng sống, con kính tôn ca tụng Ngài.

ĐK: Từ bình minh con kêu lên Chúa và ban đêm con nhớ đến Ngài. Khi hồn con u hoài thất vọng, Chúa nên nguồn an vui tuyệt đối. Khi chiến đấu Chúa nên sức mạnh. Khi tối tăn nên nguồn ánh sáng. Chúa ơi! Mai này khi đời con xế bóng, Chúa nên phần phúc trên thiên đàng.

II. Suy niệm: Tỉnh thức giữa những xáo trộn

Tỉnh thức là đức tính luôn cần cho cuộc sống con người. Riêng đối với cuộc sống đạo, tỉnh thức là điều không thể thiếu. Một trong những lý do đòi ta tỉnh thức là để biết sáng suốt trong một tình hình có nhiều xáo trộn trong đạo là tình hình đã được Chúa Giêsu báo trước:

Hình ảnh cỏ lùng giữa lúa (Mt 13, 24-30) cho ta thấy một tình hình coi bề ngoài có vẻ bình an, nhưng thực ra là rất xáo trộn. Cộng đoàn của ta là một cánh đồng lúa coi như xanh tốt, nhưng có thể là đang pha trộn nhiều cỏ lùng. Chính bản thân ta cũng là thửa ruộng, có lúa và cũng có cỏ lùng. Phải tỉnh thức trong Chúa mới nhận ra cảnh xáo trộn nguy hiểm đó. Phải tỉnh thức trong ơn Chúa, mới hy vọng thoát được những lường gạt đạo đức không bao giờ thiếu xung quanh ta. Đừng tự mãn ẩn mình trong nhận định ngay thơ. Đừng lừa dối mình bằng những ảo tưởng. Việc xáo trộn xảy ra thật êm ái, nhẹ nhàng, càng trở nên trầm trọng khi Lời Chúa căn dặn tha thiết đang bị coi thường.

Lời Chúa không ngừng mời gọi chúng ta đi vào con đường hẹp, và điều đó thật khó khăn trong thời đại hôm nay, nhiều người đã không muốn nghe đến chuyện đau khổ, từ bỏ, chuyện thập giá hay chuyện khổ chế trong tu đức, và dĩ nhiên cũng không loại trừ chúng ta, những người tu sĩ xác quyết theo Chúa nhưng lại ngại nói đến những việc đó. Quả thật, não tràng sống hưởng thụ đã lan tới Hội thánh Việt nam, nhiều nơi còn coi đó là một đòi hỏi chính đáng. Do đó phong trào tục hóa đã phát triển, sinh ra bao xáo trộn đau buồn. Trong hoàn cảnh như thế thực thi Thánh Ý Chúa là điều tối quan trọng, đến nỗi Chúa đã phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Thánh ý Chúa trước tiên là chu toàn bổn phận của mình. Hiện nay nhiều người đã chu toàn bổn phận của mình một cách can đảm rất đáng khen, trong những hoàn cảnh rất khó, rất khổ, họ vẫn là người cha người mẹ đảm đang, họ vẫn là người con, người cháu thảo hiếu, họ vẫn là người vượt qua chính mình, để chu toàn trách nhiệm truyền giáo. Trái lại cũng có nhiều người rất thiếu với bổn phận của mình, nhất là bổn phận của người Ki-tô hữu trong việc tự đào tạo, ngại phấn đấu nâng cao trình độ đạo đức, trí thức của mình. Thiếu sót về bổn phận yêu thương, một điều kiện thiết yếu trong tiến trình về nhà Cha.

Khi có dịp đi thăm viếng gia đình, chúng ta sẽ nhận thấy có nhiều người nghèo của cải nhưng lại giàu bác ái, họ chia sẻ cho nhau những nỗi đau buồn và thất vọng. Họ có một đôi chân,  một trái tim dấn thân không mệt mỏi. Tấm lòng của họ đầy lửa yêu thương khiêm nhường, mỗi ngày của họ là những dấu chỉ xán lạn về tình yêu quên mình của Chúa. Đời sống của họ rất lặng lẽ, nhưng dần dà mọi người xung quanh đều biết họ là niềm hy vọng của những kẻ khốn cùng trên một địa bàn chìm sâu trong đau khổ. Họ đã vô tình tạo cho mình một đời sống ý nghĩa và đã dọn mình để được chết lành ngay trong khi họ đang sống. Thật phúc cho họ, ước gì chúng ta cũng biết chuẩn bị cho mình một lối sống như thế.

Lạy Chúa, đời sống chúng con sẽ ngày càng thêm xáo trộn bởi những cỏ lùng và hình ảnh những ngôn sứ giả rất khó nhận ra khi nó đã len lõi vào mảnh đất tâm hồn chúng con. Bổn phận của mỗi người chúng con là phải tỉnh thức đón nhận ơn cứu độ. Ơn Chúa cứu độ sẽ được ban cho chúng con như những giọt máu trái tim Chúa Giêsu, những giọt máu đó ngọt ngào yêu thương, thơm tho tâm tình khiêm tốn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức giữa những xáo trộn trong bản thân, trong cộng đoàn, trong xã hội hôm nay.

HÁT: TN1: 296 (1,3): Trung tín đợi chờ

1. Đời con luôn ao ước sống trong vòng tay Ngài với tình tha thiết, luôn sẵn sàng chờ đợi Ngài đến trong yêu thương. Đường đời con đi mang tình yêu sắt son với Ngài cho dù khi Chúa đến con chẳng ngờ, thì tình con vẫn sẵn luôn đợi chờ.

ĐK; Như người đầy tớ trung thành đợi chủ về vẫn còn tỉnh thức giữa đêm khuya. Như người quản lý khôn ngoan và trung tín biết luôn sẵn sàng chờ đón giờ Chúa đến trong niềm vui.

2. Niềm tin con đôi lúc khuất che mờ giữa vời trong trời đen tối không ánh sao dọi đường từng bước con hoang mang. Cuộc đời lo toan dễ chìm tan trong khói sương mây ngàn ơn Ngài ban giúp con luôn vững vàng sẵn sàng khi Chúa đến ôi hòa chan.

BẤP BÊNH PHẬN NGƯỜI.

Đời sống con người thật bấp bênh, hôm nay nói cười rộn rã nhưng biết đâu ngày mai đã là thành viên của nghĩa trang hay Đất thánh rồi. Có lẻ vì sự mau qua của đời người, mà chúng ta mới cần có những buổi dọn mình chết lành như thế này. Kiếp người chống tàn, chúng ta phải sống một cuộc sống hết sức tỉnh táo, sẵn sàng và đầy ý nghĩa. Quyết tâm thì như thế nhưng cụ thể sống như thế nào đây ?

Có một thầy nọ sống chung với một cha già. Thầy cũng như nhiều anh em khác, thường tránh không muốn không muốn gặp cha, chẳng phải vì không ưa thích, mà chỉ vì cha ấy chẳng có chuyện gì để nói, mà chỉ cần người nói chuyện với mình mà thôi. Khi nghe tin cha mất, thầy hối hận đổ tội cho Chúa: “Chúa ơi! Tại sao Chúa lại sinh ra một người con như thế ? Con người ấy chẳng có giá trị gì, chẳng làm được gì mà chỉ gây phiền hà, đến nỗi người ta phải né tránh, không gặp gỡ, không nói chuyện…! Và thầy nghe như Chúa bảo thầy: “Đó là người anh em được sinh ra, được đặt vào giữa cộng đoàn để Thầy trắc nghiệm mức độ của tình yêu huynh đệ, của lòng bác ái của anh em”.

Quả thật, cuộc đời mỗi người chúng ta chỉ có thể hình thành nhờ ở những con người, những sự vật, những biến cố nhỏ bé tầm thường hầu như vô giá trị. Chúng ta không thể sống và tồn tại, nếu không có những cọng cỏ, cây rau, những con tôm con cá,…huống chi là những người khác. Thật thế, không ai đi qua cuộc đời chúng ta mà không để lại một dấu ấn hay một ảnh hưởng nào. “Tha nhân là thành phần của bản thân ta”, ngay trong cái chết thì sự hiệp thông hòa giải giữa mọi người được phản ánh rõ nét nhất: Trong cái chết tất cả chúng ta, giàu sang hay nghèo hèn, quyền cao chức trọng hay vọ danh tiểu tốt, thánh thiện hay tội lỗi, tài giỏi anh hùng hay ngu si đần độn, hèn nhát…tất cả đều chỉ còn là những “xác đất vật hèn”, vô tri bất động và thối rửa để trở về cát bụi. Biết thế không phải bảo chúng ta sống bi quan yếm thế, nhưng mời gọi ta hãy sống thực tế, có ý nghĩa và chấp nhận ngay từ bây giờ chân lý của cuộc đời: Chúng ta sinh ra bình đẳng và liên đới trong hiện hữu. Chúng ta sẽ trở về lòng đất bình đẳng như nhau. Vì thế, tại sao ngay từ bây giờ lại không biết sống tử tế với nhau? Nếu chưa thực sự biết yêu thương hòa hợp, thì ít ra cũng đừng kỳ thị, phân biệt đối xử với nhau. Tại sao chúng ta không biết sống liên đới và chia sẻ với nhau trong cuộc sống hôm nay, trước khi phải chia sẻ với nhau số phận phải chết, trước khi cùng nhau ra ngoài nghĩa trang, ngửa mặt lên trời mà không nhìn thấy trăng sao, và chẳng còn nói được với nhau một câu chào hỏi!

Lạy Chúa, xin cho chúng con sống hòa hợp với thiên nhiên, với vũ trụ, chân thành và yêu thương mọi người. Biết canh tân đời sống mỗi ngày trong sám hối, trong khiêm nhu hiền hòa, vì đời sống này thật mong manh, chống tàn như hoa trước gió, như thuyền gặp cơn giống tố.

HÁT: TN2: 758 (1,3): Xin cho đời con

1. Đã làm người mỗi người đều có, một lần sinh ra một lần chết đi nên đừng uổng phí hay không có gì cho anh em mình. Chúa làm người, Người cũng như anh, Người cũng như tôi nhưng sống hết tình và sống hết mình phục vụ anh em, chết trên thập hình.

ĐK: Xin, xin cho đời tôi đừng sống hững hờ, làm ngơ giả điếc, nhưng, xin cho cuộc đời mở rộng đôi tay để biết cho đi. Xin, xin cho đời tôi đừng sống vô tình lợi danh khép kín, nhưng yêu thương con người, để khi chết đi chẳng hối tiếc gì.

2. Lúc chào đời mỗi người tự khóc, đời mình ra sao buồn phiền sướng vui, ai nào có biết tay không có gì trôi theo cuộc đời. lúc lìa đời người khóc thay cho, khổ sướng như nhau nằm chết vô tình chẳng có thêm gì, cũng là tay không giống khi chào đời.

Cầu Nguyện

Lạy Đức Kitô, Ngài đã chấp nhận đi qua hết mọi chặng đường của kiếp sống con người, đã thấu hiểu từng gang tấc, đã đi vào thế trần một cách anh hùng và yêu thương để cứu chúng con thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi, và nỗi sợ hãi lớn nhất là cái chết, Ngài cũng đã trãi qua. Xin thức tỉnh chúng con trước những cơn cám dỗ nhẹ nhàng của cuộc sống, len lõi vào tâm hồn chúng con đang từng bước đưa chúng con ra xa Chúa.

 Xin cho chúng con ý thức: mỗi một con người chỉ duy nhất có một lần để sống, một cơ hội để yêu thương, đừng để thời gian trôi đi một cách vô ích, không ý nghĩa, dừng để đến cuối đời mới kịp nhận ra mình quá ích kỷ và thờ ơ với cuộc sống và những người xung quanh. Ước gì không phải hàng tháng mà mỗi ngày chúng con biết dọn mình canh tân đời sống để đến khi không còn làm được gì, chúng con vẫn thấy an vui, thanh thản sẵn sàng đón nhận tất cả trong tin yêu phó thác và không hề cảm thấy hối tiếc vì ngần ấy thời gian mình đã sống trên đời.

 HÁT: TN2: 717 (3): Hy vọng nơi Chúa

ĐK. Con đặt hy vọng nơi Chúa, ôi Thiên Chúa của con. Con tin tưởng nơi Ngài, Ngài là chốn con tựa nương.

1. Dù cuộc đời dấn thân đôi lúc lẻ loi, Ngài sẽ đến bên con sánh vai song hành. Niềm trông cậy Ngài luôn thắp sáng, để con sống vui trong an bình.

 Ngân Hạ (Sưu tầm)