ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI VÀ CHUYỂN GIỚI TÍNH: MỘT NHẬN ĐỊNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN KHOA HỌC VÀ LUÂN LÝ CÔNG GIÁO[1]
BS Trần Như Ý Lan
WHĐ (20.6.2021) – Trên thế giới hiện nay có nhiều chính trị gia nổi tiếng, đồng tính công khai, gặt hái nhiều thành công to lớn trong sự nghiệp chính trị như nữ Bộ trưởng tài chính của Úc và là thượng nghị sĩ bang Adelaide, bà Penny Wong. Tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, được xem là nhà ngoại giao xuất sắc, đồng thời là người đồng tính công khai thứ bảy mà Tổng thống Obama đã bổ nhiệm giữ chức vụ đại sứ của Hoa Kỳ. Sự kiện này được đưa ra như một chứng cứ về sự quân bình, trưởng thành tâm cảm của những người đồng tính luyến ái và biện minh hôn nhân đồng tính.
Như linh mục Xavier Thévenot, SDB, một giáo sư Thần học luân lý từng nhận định, nhiều người Công Giáo hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy bối rối khi chạm trán với những biến đổi sâu sắc về phong hóa trong xã hội. Họ cảm thấy giáo huấn Giáo Hội Công giáo dường như tỏ ra xa lạ với thế giới quanh mình. Đồng thời họ cũng băn khoăn, tự hỏi những khám phá mới của khoa học trong lãnh vực tính dục, y sinh học…có thật sự đưa con người tiến bộ không? Phải làm thế nào để trở nên “người hơn” trong thế giới nhiều biến động hôm nay?[2]
Bài viết này là một cố gắng nhỏ bé thử xem xét hai vấn đề khá “nóng bỏng” trong lãnh vực tính dục ngày nay: Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính. Có vài hiểu lầm giữa đồng tính luyến ái và chuyển giới tính. Bài viết đề cập đến hai vấn đề này trên phương diện khoa học và luân lý Công Giáo.
A. PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN Y KHOA
I. Giới tính bình thường
Nam: người mang bộ nhiễm sắc thể 46XY, cơ quan sinh dục bên trong gồm 2 tinh hoàn, bộ phận sinh dục ngoài là nam.
Nữ: người mang bộ nhiễm sắc thể 46 XX, cơ quan sinh dục bên trong gồm 2 buồng trứng, tử cung, bộ phận sinh dục ngoài là nữ.
Giới tính bao gồm năm khía cạnh: bộ nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục bên trong, bộ phận sinh dục ngoài, nội tiết tố (hormone) giới tính, và tâm lý giới tính. Ở một con người bình thường, năm khía cạnh này phải thống nhất và hài hòa.
Nội tiết tố có thể xem như là các sứ giả hóa học thông tin cho các mô (tissues) trong cơ thể để mang lại các sự thay đổi chuyển hóa khác nhau. Ở người nữ, nội tiết tố sinh dục là oestrogen và progesterone. Oestrogen được sản xuất chủ yếu bởi buồng trứng (ở nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt và thêm progesterone vào nửa chu kỳ sau) và bởi bánh nhau khi có thai. Oestrogen chịu trách nhiệm về phát triển dậy thì và cho các đặc tính thể lý ở người nữ như cơ quan sinh dục trong, cơ quan sinh dục ngoài, vú. Nó bảo đảm sự tăng trưởng niêm mạc tử cung trong nửa chu kỳ đầu của kinh nguyệt và chuẩn bị nội mạc tử cung sẵn sàng nuôi dưỡng thai khi có thai.
Androgens là các nhóm nội tiết tố sinh dục nam đem lại cho người đàn ông các đặc tính “nam,” hay gọi tắt là nam tính. Các nội tiết tố này thiết yếu cho chức năng tình dục và sinh sản. Chúng cũng chịu trách nhiệm cho sự phát triển các đặc tính giới tính phụ nơi người nam bao gồm sự tăng trưởng của lông và râu trên thân thể, phát triển bắp cơ và xương. Nội tiết tố tình dục chủ yếu của nam là testosterone, chịu trách nhiệm cho quá trình dậy thì, vốn được sản xuất chủ yếu bởi tinh hoàn (testis). Chức năng khác của testosterone là thay đổi dây thanh âm để tạo ra giọng nam; gây xung động tình dục và chức năng tình dục; sự tăng trưởng và chức năng của tuyến tiền liệt (prostate gland); sản xuất tinh trùng (sperm production).
Tuyến yên (pituitary gland), một tuyến nhỏ nằm trong não, kiểm soát bài tiết nội tiết tố của tinh hoàn (ở nam) và buồng trứng (ở nữ). Tuyến yên điều khiển tinh hoàn hay buồng trứng thông qua hai nội tiết tố: – Luteinising hormone (LH) và Follicle stimulating hormone (FSH) – cũng được gọi là gonadotrophins. Tuyến yên lại chịu sự kiểm soát của một tuyến lân cận cũng nằm trong não, gọi là tuyến dưới đồi (hypothalamus). Vậy, bất cứ rối loạn nào ở tinh hoàn, buồng trứng, tuyến yên, tuyến dưới đồi đều có thể gây rối loạn sản sinh nội tiết tố nam hay nữ. Vùng vỏ của tuyến thượng thận (adrenal glands) còn tiết ra nội tiết tố nam, androgen. Hoạt tính sinh dục của androgen vỏ thượng thận rất ít, chỉ rõ khi có sự bài tiết gia tăng bệnh lý.
II. Lưỡng tính (intersex)
Đây là trường hợp bệnh lý do rối loạn phát triển hệ thống cơ quan sinh dục vào thời kỳ bào thai. Hệ sinh dục của con người gồm có ba phần: các tuyến sinh dục trong, đường sinh dục và các bộ phận sinh dục ngoài. Chúng có nguồn gốc cấu tạo khác nhau và chịu ảnh hưởng của các tác nhân khác nhau khi hình thành. Việc bộ phận sinh dục ngoài không rõ ràng được gọi là tình trạng lưỡng tính (từ ngữ “bình dân” hay được sử dụng là “ái nam ái nữ”).
1. Lưỡng tính thật
Rất hiếm. Những người này có cả tinh hoàn và buồng trứng (tách riêng hay nhập chung thành tuyến tinh hoàn – buồng trứng) nhưng chúng thường không có tính năng hoạt động. Khi đứa trẻ mới ra đời, có thể các bác sĩ đã phát hiện thấy cơ quan sinh dục ngoài phát triển không có giới tính rõ ràng, dương vật rất nhỏ và có khi nứt ở niệu đạo. Vào thời kỳ dậy thì, ở người đó có thể đồng thời xuất hiện cả các đặc tính nam và nữ, thậm chí có cả kinh nguyệt. Nhiễm sắc thể là 46XX/46XY (một số tế bào mang 46XX và một số tế bào mang 46 XY) hoặc là loại hình hỗn hợp của cả hai loại trên. Nguyên nhân gây lưỡng tính thật là có bất thường trong quá trình tăng trưởng phân định giới tính.
Phần lớn các trường hợp “ái nam ái nữ” thường gặp là lưỡng tính giả.
2. Lưỡng tính giả
– Lưỡng tính giả ở nữ: Bệnh nhân là nữ, có buồng trứng hẳn hoi, nhưng do tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều nội tiết tố nam androgen nên bộ phận sinh dục ngoài bị “nam hóa”, như âm vật phì đại, hai môi lớn to và dính nhau như bìu. Trường hợp nam hóa nặng có thể tạo nên đoạn niệu đạo – âm vật giống như ở người nam có tinh hoàn ẩn. Nguyên nhân thường gặp nhất là hội chứng thượng thận- sinh dục. Một số trường hợp do mẹ có dùng thuốc chứa androgen khi mang thai, mẹ bị u buồng trứng nam hóa (u buồng trứng tiết ra androgen).
– Lưỡng tính giả ở nam: Bộ nhiễm sắc thể vẫn là 46 XY như mọi đàn ông khác, nhưng bộ phận sinh dục lại giống nữ. Nguyên nhân là nội tiết tố nam testosterone và MIS – một chất cần cho sự phát triển giới tính nam – không được tiết ra đủ.
– Bệnh nữ hóa có tinh hoàn: Người bệnh có tinh hoàn và có bộ nhiễm sắc thể 46XY, là đàn ông nhưng cơ quan sinh dục ngoài không nhạy cảm với testosterone nên không biệt hóa thành dương vật. Họ có âm đạo (thường bị tịt một đầu, không có tử cung, có vòi tử cung nhưng kém phát triển). Đến khi dậy thì, vú lớn lên nhưng không hành kinh, lông mu ít hay không có. Các tinh hoàn thường ở trong bụng hay ống bẹn, cũng có khi ở môi lớn. Về phương diện phôi thai học, các người này giống lưỡng tính giả ở nam, song họ không có cảm giác lưỡng tính mà coi mình là phụ nữ do bộ phận sinh dục ngoài giống như người nữ bình thường, được nuôi dạy như nữ.
– Loạn sinh tuyến sinh dục kết hợp: Các trường hợp này cũng rất hiếm: Bệnh nhân có tinh hoàn một bên, bên kia không rõ ràng. Cấu trúc đường sinh dục thường là nữ, song đôi khi cũng có vài cấu trúc dạng nam. Các bộ phận sinh dục ngoài có thể là nữ, nam hay pha trộn cả hai. Khi dậy thì, bệnh nhân không phát triển vú, không hành kinh.
Các trường hợp nghi ngờ lưỡng tính cần được bác sĩ khám kỹ để tìm nguyên nhân, từ đó xác định biện pháp xử lý. Các người đàn ông bị hội chứng Klinefelter – mang thừa nhiễm sắc thể nữ (47XXY) – giờ đây vẫn có thể có con, nếu được trải qua phẫu thuật để phục hồi tinh trùng.
III. Có hay chăng giới tính thứ ba?
Theo Hãng tin AFP, ngày 2-4-2014, Tòa án Tối cao Úc ra phán quyết thừa nhận sự tồn tại của “giới tính thứ ba”, không phải là nam hoặc nữ. Tòa án Tối cao Úc cho rằng không phải tất cả mọi người đều bị buộc phải xác nhận mình là nam hay nữ. Năm 2013, Đức thông qua luật cho phép trẻ sơ sinh mang đặc điểm của cả nam và nữ được đăng ký giới tính không xác định.[3] Chúng ta nghĩ gì về sự kiện này?
Một mặt, đúng như vừa trình bày ở trên, chúng ta thấy có những người lưỡng tính, khó xác định nam hay nữ, nên việc Đức thông qua luật cho phép trẻ sơ sinh mang đặc điểm của cả nam và nữ được đăng ký giới tính không xác định là có thể hợp lý. Trong tương lai, những đứa trẻ này cần được y học giúp đỡ để xác định giới tính và ổn định tâm lý. Mặt khác, từ “giới tính thứ ba” là không hợp lý, có thể gây nhiều lầm lẫn. Thật vậy, truyền thống xã hội xây dựng gia đình ổn định dựa trên hiểu biết hai giới tính nam và nữ. Lưỡng tính là một bệnh lý, như y học đã xác định, không nên “bình thường hóa” bệnh lý bằng cách gọi tên là “giới tính thứ ba”.
IV. Chuyển giới tính (transgender)
Theo thống kê về giới tính học của thế giới, tỉ lệ thích chuyển giới ở nam là 1/30.000 người. Ở nữ, tỷ lệ này là 1/100.000 người.[4] Những người này, bộ nhiễm sắc thể, cả tuyến sinh dục bên trong lẫn bộ sinh dục bên ngoài hoàn toàn bình thường, nhưng do một yếu tố nào đó chưa xác định, họ có rối loạn về tâm lý giới tính, cảm thấy không hài lòng về phái tính của mình, ước ao sống phái tính ngược lại. Một số người tìm cách phẫu thuật để chuyển giới.
B. ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI
Trước kia, có nhiều quan niệm sai lầm và hình ảnh rập khuôn về các người đồng tính luyến ái và các hành vi tình dục của họ, làm nhiều người trong chúng ta nhìn họ bằng con mắt không mấy thiện cảm, đặc biệt trong xã hội Việt-Nam, khi chưa có nhiều nghiên cứu sâu xa nghiêm túc về nhóm người đồng tính luyến ái. Hơn nữa, tỉ lệ nhiễm HIV xảy ra cao hơn ở những người nam đồng tính hay người nam luyến ái cả hai giới dường như củng cố thêm các phê phán ác cảm hay phân biệt đối xử đối với các người đồng tính.
I. Sự mô tả rập khuôn và phân biệt đối xử
Một trong các vấn đề đầu tiên của đồng tính luyến ái là sự giải phóng khỏi các suy nghĩ, mô tả rập khuôn, và một số hình thức phân biệt đối xử. Có nhiều hiểu lầm từ phía xã hội và đa số dân chúng đối với các người đồng tính luyến ái. Các kiểu mô tả thiên kiến về người đồng tính luyến ái như là bất bình thường, vô trách nhiệm, bệnh lý, nguy hiểm… Sự không chấp nhận của xã hội khiến nhiều người đồng tính cố gắng che giấu khuynh hướng tình dục của họ, để họ có thể sống một cách êm thắm không bị dị nghị trước mắt xã hội. James Harrison kêu gọi sự chú ý về điều mà có lẽ chúng ta không ý thức: “Các người đồng tính là các người đồng nghiệp mà chúng ta tôn trọng, các người thân thuộc mà chúng ta yêu mến. Họ là bạn bè, cô dì chú bác…”[5] Khi một người ý thức được khuynh hướng đồng tính của mình, người ấy cũng thường ý thức được sự khác biệt của mình với đa số dân chúng. Hội đồng Giám Mục tại Anh quốc nhận xét: “Ý thức về sự khác biệt, thuộc về một nhóm thiểu số, làm cho người đồng tính chịu đựng vấn đề giống như các loại nhóm thiểu số khác, nhưng còn thêm một điều là giữ kín sự khác biệt đó…Trong một xã hội mà họ là đối tượng của sự trêu chọc và khinh miệt, nói chung người đồng tính cảm thấy tự ti, và cô độc mà các người khác khó lòng, hay không thể hiểu được.”[6]
Dường như xã hội bị cuốn vào cái vòng xoáy: phản ứng xã hội không dung nạp lan rộng đối với người đồng tính khiến cho họ giữ kín khuynh hướng của mình, sự giữ kín này càng làm cho đa số dân chúng ít hiểu biết về họ, và từ đó càng tạo ra sợ hãi, hiểu lầm, mô tả thiên kiến, phân biệt đối xử của xã hội đối với nhóm người đồng tính.[7]
II. Định nghĩa và phân biệt
1. Căn tính tính dục(sexual identity): mỗi cá nhân đều có căn tính tính dục, có thể chia làm bốn loại.
– Giới tính sinh học (biological sex): dựa trên trạng thái thể lý của chúng ta là nam hay nữ.
– Căn tính giới tính (gender identity): là chúng ta cảm nhận thế nào là nam, là nữ. Căn tính giới tính bắt đầu hình thành từ hai tuổi, khi bé trai ý thức mình khác bé nữ, hay bé nữ thấy có điều gì mà bạn nam không giống mình. Ý thức này đóng góp phần quan trọng trong hình thành nhân cách là nam, là nữ.
– Vai trò theo giới tính (gender roles): là những hy vọng, trông đợi của xã hội về hành vi cá nhân dựa trên giới tính sinh học. Điều này khá rõ ràng. Ví dụ từ lúc sinh ra, bé gái được cho đồ chơi búp-bê, thêu may, lựa màu hồng, màu vàng, bé trai chơi súng, máy bay, lựa màu xanh, màu trắng. Trong đời sống, người mẹ hay la con trai: “đừng khóc nhè như con gái”, hay khuyên dạy “con trai phải can đảm”. Hiểu biết vai trò nam nữ trong xã hội ngày nay thay đổi nhiều do phong trào nữ quyền và nền thần học nữ giới.
– Khuynh hướng tình dục (sexual orientation): chỉ đến cái giới tính sinh học mà chúng ta bị hấp dẫn. Khác phái tính luyến ái (heterosexual) là bị hấp dẫn bởi phái khác. Luyến ái cả hai phái (bisexual) là bị hấp dẫn bởi cả hai phái trong các thời điểm khác nhau. Đồng tính luyến ái (homosexual) là bị hấp dẫn thể lý bởi người cùng phái tính.
2. Định nghĩa
Có vài định nghĩa thường được dùng, người đồng tính luyến ái:
– là những người ít nhiều, một cách thường xuyên cảm thấy một ước muốn tình dục hướng về, và một đáp ứng tình dục đối với người cùng giới tính, và tìm cách thỏa mãn ước ao này với người đồng phái.
– là một người “trong đời sống trưởng thành được thúc đẩy bởi một sự hấp dẫn tình dục đối với người cùng phái tính và thường (nhưng không một cách nhất thiết) dấn thân vào các tương quan tình dục với người đồng phái.” [8]
– là người “cảm thấy thoải mái và được khẳng định khi thân mật với người đồng tính, trong khi với người khác phái thì họ cảm thấy yếu ớt, bất bình, sợ hãi, hay đơn giản là dửng dưng hay ít thoải mái khi có cơ hội gần gũi tình dục, hay khi nó xảy ra.”[9]
Như vậy, nói chung, một người đồng tính luyến ái, một cách cơ bản, là người dửng dưng với sự hấp dẫn thể lý của người khác phái và nghiêng chiều một cách vững bền và chủ yếu để tìm kiếm sự thỏa mãn tình dục và/hay thỏa mãn tình cảm và hạnh phúc trong tương quan với người cùng phái. Còn các người thỉnh thoảng có kinh nghiệm thích người cùng phái không có nghĩa là người đó đồng tính luyến ái. Có những người không bao giờ một cách rõ ràng có hành vi hay tiếp xúc tình dục với người cùng phái, nhưng thật sự là đồng tính luyến ái bởi khuynh hướng thường xuyên và sâu xa bị hấp dẫn tình dục bởi người cùng phái, chỉ với người cùng phái họ mới có thể tìm được cảm giác hạnh phúc.
Đồng tính luyến ái là một hiện tượng phức tạp. Các nhà nghiên cứu Bell and Weinberg khám phá ra sự khác biệt lớn lao đáng kể trong nếp sống và nhân cách trong số hơn một ngàn nam nữ đồng tính luyến ái được phỏng vấn trong nghiên cứu của họ.
3. Phân biệt
– Luyến ái cả hai giới (bisexuals): là người chuyển từ luyến ái người khác phái tính sang luyến ái người cùng giới mà đa số nguyên nhân chưa rõ ràng. Có trường hợp người nam có vợ con bình thường, nhưng sau một thời gian bỗng thấy dửng dưng với vợ, không còn thèm muốn vợ và quan hệ tình dục với người nam khác. Có thể có trường hợp mà nguyên nhân là quan hệ với người vợ không được hạnh phúc. Ngoài ra, tôi gặp một trường hợp, một nữ bệnh nhân kể rằng bà lấy chồng năm 19 tuổi, có hai người con, nhưng đến năm 23 tuổi, tự nhiên mất kinh nguyệt và trở nên thích người nữ. Bà ấy ý thức điều này là bất thường, bà cố gắng chống lại khuynh hướng này nhưng không cưỡng được ham muốn người đồng giới, cuối cùng bà bỏ chồng con và sống chung với một người phụ nữ khác. Có thể nghĩ đến chăng trường hợp ở đây có liên quan đến thay đổi nội tiết tố trong người phụ nữ ấy, một loại bệnh lý thật sự?
– Giả đồng tính luyến ái (Pseudo-homosexuals): họ là người khác phái tính luyến ái nhưng vì có môi trường thuận lợi tiếp xúc với người cùng phái, nên dấn thân trong các hành vi đồng tính luyến ái để thoả mãn tình dục. Đây là trường hợp nơi một số trại lính, trại giam, cư xá sinh viên, và có thể ngay cả trong chủng viện hay dòng tu.
Các hành vi đồng tính luyến ái trong đời tu thường liên quan đến đời sống thiếu trưởng thành trong tình cảm và nhân cách, và đôi khi sử dụng quyền lực một cách sai lạc trong tương quan giữa một người bề trên và bề dưới.
III. Vài hiểu biết tâm sinh lý – Luật Tự nhiên
Vài quan sát cần được ghi nhận. Cần lưu ý, trong khi hành vi tình dục phần lớn phát xuất từ sự chọn lựa hay quyết định có ý thức, còn khuynh hướng tình dục của một người thì không như vậy. Người ta không chọn cho mình khuynh hướng tình dục. Không ai hình thành một cách đơn giản trí khôn họ để trở thành khác phái tính luyến ái hay đồng tính luyến ái.
Có kinh nghiệm về đồng tính luyến ái riêng rẽ và trong thời kỳ nhất định không có nghĩa là người ấy đồng tính luyến ái. Một số thanh niên, một cách đặc biệt, có thể kinh nghiệm sự hấp dẫn tình dục với người cùng phái và có thể đôi khi dấn thân vào hoạt động tình dục công khai với người cùng phái, nhưng các kinh nghiệm này thông thường chỉ phản ánh sự hiếu kỳ và biểu hiện của một trong các giai đoạn của phát triển tâm lý tính dục. Như thế, các biểu hiện này không chỉ ra rằng các thanh niên ấy là đồng tính hay sẽ trở thành đồng tính suốt đời.
Trong ánh sáng của các quan sát này, có thể rút ra hai điều: 1/ Cần phân biệt giữa khuynh hướng đồng tính của một người với hành vi tình dục đồng tính rõ ràng xảy ra do sự hấp dẫn thể lý mà người đó cảm thấy đối với một người cùng phái; 2/ Bởi vì không phải mọi hành vi tình dục đồng tính công khai đều phản ánh một khuynh hướng đồng tính thật sự, chúng ta phải công nhận rằng có hiện tượng giả đồng tính luyến ái.
Có một sự tương đồng ở đây giữa người khác phái tính luyến ái và người đồng tính luyến ái. Những người khác phái tính luyến ái không cố ý chọn cho mình khuynh hướng đó, mà nhận thức khuynh hướng của mình một cách tự nhiên. Cũng như thế, các người đồng tính luyến ái không làm các chọn lựa có ý thức rằng bị hấp dẫn tình dục bởi các người cùng giới. Đúng hơn, vào một thời điểm trong quá trình phát triển, người đồng tính khám phá ra họ bị lôi kéo tình dục về người cùng giới.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã từ lâu thừa nhận điều trên. Năm 1973 các giám mục Hoa-Kỳ đã viết: “Có thể nói một cách không sai rằng một người nam hay nữ không ước muốn trở thành đồng tính luyến ái. Vào một thời điểm nhất định trong đời sống, một người khám phá ra rằng anh ấy/chị ấy là đồng tính và thường chịu đựng một số chấn thương tâm lý.”[10] Một số nhà tâm lý học, như William Kraft cho rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái tự nó không phải là không lành mạnh, nhưng hành vi đồng tính mới là vấn đề.
Năm 1976, các giám mục Hoa-Kỳ viết: “Vài người tìm thấy rằng họ không có lỗi gì đóng góp vào khuynh hướng đồng tính của họ.”[11] Năm 1990 các giám mục Hoa-Kỳ xác định tính vô tội của khuynh hướng đồng tính: “bởi vì nó không được tự do chọn lựa, nên không phải là tội lỗi.”[12] Câu này rất quan trọng vì nó khẳng định rằng do khuynh hướng tình dục không phải tự ý chọn lựa, nên khuynh hướng tình dục của một người, cho dù đồng tính luyến ái tự nó không phải là vấn đề của đánh giá luân lý. Tuy nhiên, theo ý riêng tôi, không phải bởi vì khuynh hướng đồng tính luyến ái của một người không do người đó chọn lựa, chỉ “phát hiện” ra khuynh hướng đó trong chính mình tại một giai đoạn nào đó của đời sống, mà chúng ta có thể xem khuynh hướng đồng tính đó là “tự nhiên”, “bình thường”. Thí dụ, một người chợt phát hiện ra mình mắc bệnh, chẳng hạn như mắc bệnh Tự Miễn (là một loại bệnh mà tế bào lympho trong cơ thể người bệnh không nhận ra được tế bào của chính mình, nên tạo ra kháng thể tự chống lại tế bào của chính mình, và hậu quả là người bệnh bị tổn thương ở nhiều cơ quan và sau cùng là cái chết), tuy họ không chọn lựa, nhưng bệnh Tự Miễn vẫn là một bệnh lý cần điều trị và phải điều trị.
Tài liệu “Tuyên Ngôn về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục” 1986 của Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định: “Mặc dù sự nghiêng chiều cách riêng của người đồng tính không phải là một tội, nhưng đó là ít nhiều khuynh hướng mạnh mẽ hướng về một sự xấu luân lý nội tại (thực hiện hành vi tình dục đồng tính) và vì vậy sự nghiêng chiều tự nó phải bị xem như là một rối loạn khách quan.” Bộ Giáo Lý Đức Tin thừa nhận rằng các người đồng tính thường “quảng đại và hiến dâng”, tuy nhiên “khi họ thực hiện hành vi đồng tính thì họ tự khẳng định bên trong chính mình một sự nghiêng chiều tình dục rối loạn.”
Tài liệu 1986 của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã phân biệt thêm các nguyên nhân ngoại lai tạo nên khuynh hướng đồng tính: “Khuynh hướng đến từ sự giáo dục sai lầm, do sự thiếu sót trong phát triển tình dục bình thường, do thói quen, do gương xấu, hay do các nguyên nhân tương tự khác, và là tạm thời, hay ít nhất là không phải không thể chữa lành được.” Một số người đồng tính ở đây được mô tả như nạn nhân của một loại kém may mắn, hay một loại rối loạn nào đó.
Một số thần học gia lý luận rằng tự nó-sự ước muốn quan hệ tình dục với người đồng phái tính- không có gì sai trái, vì ngay cả người khác phái tính luyến ái cũng có khi ước muốn tình dục với người khác không phải là vợ hay chồng của mình, hay người tu sĩ ở một giây phút nào đó, chợt thấy mình ước ao tình dục với một ai đó. Đúng là ước muốn tình dục với một ai đó không phải chồng hay vợ mình, là sai khách quan, nhưng chưa phải là sự xấu luân lý. Điều làm cho ước muốn đó trở nên xấu là khi người ấy chìu theo ý muốn đó, dù mới trong ý nghĩ; còn nếu bản thân đương sự đấu tranh với chính mình để vượt qua ước muốn sai trái, thì họ không những không phạm lỗi, mà còn có “công trạng” chiến đấu. Thật ra, cho dù người đồng tính không thực hiện hành vi tình dục đồng tính, thì cảm quan luân lý tự nhiên cũng cho thấy rằng khuynh hướng đồng tính là một điều gì trái ngược với tự nhiên, vì tình dục con người vốn phải được đặt nền tảng trên sự yêu thương tương hỗ, hài hòa giữa người nam và người nữ. Đó là một trong những sự việc hiển nhiên của đời sống, mà con người bình thường tự nhiên chấp nhận không cần chứng minh. Và, thực tế nhiều sự thật trong đời sống được nhìn nhận như lẽ đương nhiên, như là vợ chồng phải là một nam và một nữ, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, vợ chồng phải trung thành, nhớ ơn kẻ giúp mình,… ai làm điều trái ngược với các điều trên, tự nhiên bị dư luận phê phán. Bạn có thể chấp nhận hay không chấp nhận chân lý hiển nhiên, nhưng chân lý vẫn là chân lý. Sự chối bỏ chân lý không thể biến đổi chân lý thành điều không đúng. Từ ngữ la-tinh “per se nota” (dịch sát nghĩa: được biết trong chính nó) được dùng cho nguyên lý này. Cảm quan này giải thích tại sao thông thường khi người ta phát hiện ra một ai đó là đồng tính luyến ái, phản ứng tự nhiên của họ là thấy “kỳ kỳ” …
Về mặt y khoa, người nam và người nữ rất khác biệt nhau trong cấu trúc thể lý và tâm lý. Bởi vì họ khác nhau và tương hỗ cho nhau, và hài hòa với nhau, cho nên khi người nam và nữ kết hợp thân xác, thì khả năng thụ thai, sinh con là hoàn toàn có thể. Văn hóa Á Đông nói đến hỗ tương âm dương trong vận hành vũ trụ và trong chính con người. Khi mất hài hòa âm dương thì sinh ra bệnh lý. Trường hợp hai người nam hoặc hai người nữ quan hệ thân xác, thì việc thụ thai là điều hoàn toàn không thể có được. Điều này trái với luật tự nhiên. Sinh sản là một trong những khía cạnh tình dục nơi thực-động vật và nơi con người. Một số người có thể phản biện rằng các phụ nữ mãn kinh cũng có tình dục, nhưng không thể sinh con, hoặc có một số cặp vợ chồng vô sinh do bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải. Điều đó là đúng, nhưng những người này vẫn hành động theo hỗ tương nam-nữ tự nhiên.[13]
Một người có thể có khuynh hướng đồng tính luyến ái nhưng không dấn thân các hành vi đồng tính luyến ái. Khuynh hướng này phức tạp và có thể tự nó không có tự do chọn lựa nhưng bị điều kiện hóa bởi một số điều kiện tâm sinh lý mỗi người. Tuy nhiên hành vi đồng tính luyến ái có thể được tự do chọn lựa. Người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái có thể không có trách nhiệm về khuynh hướng đó của họ, nhưng họ có trách nhiệm về những gì họ chọn lựa và những gì họ làm. Vì vậy cái giá để là một người đồng tính lành mạnh là loại bỏ tất cả mọi hành vi tương quan tình dục đồng tính.
IV. Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo về đồng tính luyến ái[14]
1. Nền Tảng Kinh Thánh
Vicent Genovesi S.J, lưu ý hai điểm trước khi tìm hiểu chi tiết vài đoạn Kinh Thánh liên quan đến đề tài đồng tính luyến ái. Trước hết, như nhà học giả Tân ước Victor Paul Furnish nhắc nhở, người ta “không luôn luôn đồng ý về thẩm quyền của Kinh Thánh nên được hiểu thế nào, cách riêng trong các giáo huấn cụ thể về luân lý.” Lời nhắc nhở này phù hợp cho việc tìm hiểu giáo huấn luân lý trong cả Cựu Ước và Tân Ước. Các tác giả thánh cũng chịu ảnh hưởng bởi lịch sử và văn hóa thời họ sống, và có một mục đích và đối tượng xác định trong trí tác giả. Về các giáo huấn liên quan các vấn đề luân lý cụ thể của Thánh Phaolô, theo Furnish, cần có sự biện biệt khôn ngoan, không nên chấp nhận một cách đương nhiên và tôn kính như “con bò vàng”, cũng không thể loại bỏ hoàn toàn. Furnish giải thích rằng thánh Phaolô lúc đó đang viết cho các cộng đoàn Kitô hữu cụ thể với các đặc điểm văn hóa, chính trị, xã hội mà Ngài hiểu rõ, và rất khác với xã hội ngày nay, vì vậy chúng ta phải giải thích các thư của Ngài, bao gồm cả các huấn thị về luân lý.
Thứ hai, cũng như các từ ngữ “khác phái tính luyến ái”, “luyến ái cả hai phái”, các khái niệm “đồng tính luyến ái”, “người đồng tính” được tìm hiểu, phân tích hiểu rõ hơn nhờ các nghiên cứu tâm lý học hiện đại, và sự hiểu biết này chưa có trong thời Kinh Thánh được viết ra. Khái niệm “khuynh hướng đồng tính luyến ái” có lẽ chưa có trong tâm trí tác giả thánh, và các điều về đồng tính luyến ái mà Kinh Thánh nói đến hầu như để chỉ hành vi đồng tính.[15]
Xét đoạn văn St 19: trong nhiều thế kỷ truyền thống Kitô giáo chấp nhận quan điểm rằng đoạn văn này chỉ ra tội mà từ đó thành Sôđom bị phá hủy là hành vi đồng tính, hành vi này vì thế còn có được gọi là “sodomy”. Tuy nhiên, vài đoạn khác của Kinh Thánh dường như cho thấy sự hiểu trên không đúng. Thí dụ, ngôn sứ Giêrêmia nói rằng tội của Sôđom là ngoại tình, nói dối, và sự không muốn hối cải (Gr 23, 14); ngôn sứ Ezêkiel công bố rằng tội của dân thành Sôđom là “kiêu ngạo, phè phỡn ham ăn uống, tự cao tự đại, tự mãn”, “không ra tay giúp đỡ người nghèo khổ bần cùng, chúng tự cao tự đại và làm điều ghê tởm” (Ed 16, 49-50). Sách Khôn Ngoan xác định các tội lỗi của Sôđom như điên cuồng, kỳ thị, không đón tiếp khách lỡ đường (Kn 19, 13-14).
Trong Tin Mừng Luca và Matthêu, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói đến Sôđom trong bối cảnh là Ngài sai các môn đệ vào các thành phố rao giảng Tin Mừng, Ngài dặn các môn đệ nếu thành phố nào không đón tiếp các ông thì hãy ra khỏi thành đó, giũ bụi dép, và Ngài nói rằng trong ngày Nước Thiên Chúa đến, thành phố đó sẽ bị phạt còn nặng hơn thành Sôđom (Lc 10, 10-12; Mt 10, 14-15). Ở đây, Chúa Giêsu dường như liên kết Sôđom với tội không hiếu khách. Tuy nhiên, hai đoạn 2 Pr 2, 4-10 và Giuđa 7 đúng là giải thích câu chuyện của Sôđom nghiêng về tội tình dục. Vậy, có thể kết luận rằng khó thuyết phục khi kết luận tội của Sôđom là tội phạm hành vi đồng tính; tuy nhiên, cũng không có gì vô lý khi kể rằng một trong các tội của Sôđom là có hành vi đồng tính.
Vài đoạn Cựu Ước rõ ràng kết án hành vi đồng tính: Lv 18, 22, “Ngươi không được ăn nằm với đàn ông như đàn bà, đó là điều ghê tởm.” Lv 20, 13 “Khi người đàn ông nào nằm với người đàn ông như nằm với người đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm, chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng.” Tác giả thánh loại trừ khỏi Dân của Thiên Chúa những ai hành xử theo đồng tính luyến ái.
Dựa vào giải thích của Martin Noth,[16] Genovesi gợi ý rằng cần xem xét đoạn văn trên trong bối cảnh chung của toàn bản văn, đó là các quy luật về sự thánh thiện, trong đó có cả cấm đoán “Ngươi không được đến gần một người đàn bà đang bị ô uế vì kinh nguyệt, để lột trần chỗ kín của nó” (Lv 18,19), và nếu hai vợ chồng quan hệ thân xác vào lúc người vợ đang có kinh nguyệt thì cũng bị “khai trừ khỏi dân chúng” (Lv 20,18). Genovesi lý luận rằng vì rõ ràng điều kết án trong Lv 18,19 và Lv 20,18 là không đúng với hiểu biết hiện nay, nên giá trị của đoạn kết án hành vi đồng tính cũng phải xem xét lại.
Tuy nhiên, chúng ta thấy dù có bị ảnh hưởng văn hóa, nhưng lại có sự thống nhất, hằng định vững bền trong Kinh Thánh, Tân Ước nối tiếp Cựu Ước, cùng kết án hành vi đồng tính, như Bộ Giáo Lý Đức tin đã khẳng định:
“Thật đúng là văn chương Kinh Thánh phụ thuộc vào các thời kỳ khác nhau… Giáo Hội ngày nay rao giảng Tin Mừng cho một thế giới vốn khác nhau về nhiều phương diện so với ngày xưa…
Điều nên chú ý là, trong sự hiện diện của sự đa dạng đáng kể như thế, nhưng lại có một sự hằng định rõ ràng trong chính Kinh Thánh về vấn đề luân lý của hành vi đồng tính. Giáo thuyết của Giáo Hội về vấn đề này vì vậy không phải dựa trên vài câu rời rạc dùng cho sự lý luận thần học dễ dàng, nhưng trên nền tảng vững chắc của một bằng chứng Kinh Thánh hằng định. Cộng đoàn đức tin ngày nay, trong sự kế tục không đứt đoạn với các cộng đoàn Do Thái và Kitô hữu mà bên trong đó Kinh Thánh cổ xưa đã được biên soạn, tiếp tục được nuôi dưỡng bởi cùng Kinh Thánh và bởi Thần Khí Chân Lý mà Kinh Thánh là Lời của Thần Khí đó. Một cách chính yếu, cần nhìn nhận rằng Kinh Thánh không được hiểu một cách chính xác khi chúng được giải thích theo một cách thức đối nghịch với Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Một cách đúng đắn, việc giải thích Kinh Thánh phải hòa hợp một cách căn bản với Truyền Thống đó.”[17]
Thật vậy, sách Sáng Thế từ xa xưa tuyên bố rõ ràng rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người là nam và nữ: “Vì thế người nam lìa bỏ cha mẹ mình để kết hợp với vợ mình và cả hai trở thành một thịt” (St 2, 24). Trong chương 19 Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu trích dẫn đoạn này và nói từ khởi đầu nó đã như thế rồi.
Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng giải thích:
“Dựa trên nền tảng của sự trình bày luật thần quyền, một quan điểm cánh chung đã được thánh Phaolô khai triển trong 1 Cr 6, 9 khi ngài đề nghị cùng một giáo thuyết và liệt kê những ai hành xử theo đồng tính luyến ái vào số các người sẽ không được vào Nước Thiên Chúa.
Đoạn Rm 1, 18-32, vẫn xây dựng trên các truyền thống luân lý của các vị tiền bối, nhưng trong bối cảnh mới của sự chạm trán giữa Kitô giáo và xã hội ngoại giáo thời của ngài, thánh Phaolô sử dụng hành vi đồng tính luyến ái như một thí dụ của sự mù quáng đã chinh phục con người. Thay vì sự hòa hợp nguyên thủy giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, sự méo mó gay gắt của thờ ngẫu tượng đã dẫn đến mọi loại quá trớn luân lý. Thánh Phaolô không tìm thấy một thí dụ nào rõ ràng hơn về sự bất hòa hợp này là các quan hệ đồng tính luyến ái. Cuối cùng, 1 Tm 1, hoàn toàn tiếp nối với lập trường Kinh Thánh, tách những kẻ đã loan truyền giáo thuyết sai lạc và trong câu 10, minh nhiên gọi những ai làm hành vi đồng tính luyến ái là kẻ tội lỗi.”[18]
2. Huấn Quyền hiện nay
Trên phương diện thần học luân lý, không thích hợp để gắn nhãn hiệu một người là đồng tính luyến ái, ngay cả khi họ có khuynh hướng này. Bởi vì, điều cơ bản hơn là nhân vị nơi mỗi người này. Thật vậy, chính Giáo Hội cũng không xem mỗi người là khác phái tính luyến ái hay đồng tính luyến ái và nhấn mạnh rằng mỗi con người có căn tính cơ bản: đó là tạo thành của Thiên Chúa, và bởi ân sủng, trở thành con cái của Thiên Chúa và thừa hưởng sự sống vĩnh cửu.
Lập trường truyền thống và hiện thời của Giáo Hội Công Giáo Rôma có thể tóm tắt như sau: Giáo hội Công Giáo truyền thống cho đến nay lên án hành vi đồng tính luyến ái vì nó trái với luật tự nhiên. Hành vi đồng tính luyến ái không được chấp nhận trong mọi hoàn cảnh. Đồng tính luyến ái phá vỡ cấu trúc truyền thống của gia đình, là căn bản tốt lành của xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển. Con người sinh ra là nam và nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa trong kế hoạch quan phòng của Ngài. Hôn nhân là bối cảnh tự nhiên và mẫu mực cho các diễn tả tình dục (x. Rm 1,26-27). Thực tế hôn nhân đồng tính phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống vốn là căn bản tốt lành xây dựng xã hội và nuôi dưỡng con người (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2357, 2387).
V. Quyền công dân và vấn đề chính sách luật pháp về hôn nhân đồng tính
Người đồng tính được hưởng đầy đủ quyền công dân. Cho đến nay hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa trên 14 quốc gia: Hà Lan (2001), Bỉ (2003), Tây Ban Nha (2005), Canada (2005), Nam Phi (2006), Na Uy (2008), Thụy Điển (2009), Bồ Đào Nha (2010), Iceland (2010), Argentina (2010), Đan Mạch (2012), Uruguay (2013), New Zealand (2013), và Pháp (2013).[19] Luật pháp các nước này cho phép các người đồng tính luyến ái đầy đủ các quyền lợi hợp pháp, trách nhiệm và sự bảo vệ mà hôn nhân mang lại cho họ. Tại ba nước Hoa Kỳ, Mexico và Brazil, chỉ có một số bang cho phép các cặp đồng tính kết hôn.
Tại Việt Nam, từ tháng 7-2013, dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình liên quan hôn nhân đồng tính trải qua nhiều kỳ họp thảo luận, tham vấn ý kiến. Đã có lúc việc kết hôn của người đồng tính tưởng như được công nhận, tuy nhiên (may thay!) về sau, cánh cửa cho hôn nhân đồng tính vẫn khép lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện tại đề nghị bỏ điều “cấm hôn nhân cùng giới” và chuyển thành “không thừa nhận”.[20]
Từ quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về tính không hợp luân lý của hành vi đồng tính, dễ thấy được, Giáo Hội Công Giáo vẫn luôn không đồng ý việc kết hôn giữa người đồng tính, tuy tôn trọng phẩm giá của các người đồng tính và kêu gọi đối xử bình đẳng. Có nhiều tài liệu bàn về bản chất hôn nhân Công giáo, trong giới hạn bài viết, tôi không đi sâu về điều này. Chỉ muốn thêm rằng những gì là tự nhiên, thì cũng hiển nhiên. Các lập luận ủng hộ, hay các hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính và các phán quyết của các quan toà sẽ không bao giờ khiến cho các hành vi đồng tính hoặc hôn nhân đồng tính trở nên đúng.[21]
VI. Vài điểm nhấn về mục vụ cho người đồng tính luyến ái
Với các người mà khuynh hướng đồng tính xuất hiện có tính không bền vững, thì có “trách nhiệm đạo đức” là cố gắng hướng về những tương quan yêu thương với người khác phái.
Với nhiều lý do, (ví dụ để có được sự tôn trọng, để tránh bị chất vấn về khuynh hướng tình dục của họ, bởi vì ước muốn trở thành cha mẹ, bởi vì họ cảm thấy vô nghĩa nếu theo đuổi đời sống độc thân nhưng lại sợ hãi bị kết án vì hành vi đồng tính luyến ái) một số người nam, nữ đồng tính luyến ái đã cố gắng thử các quan hệ khác phái và cả hôn nhân. Ngay cả với ý hướng tốt nhất và nỗ lực tối đa, các người này thường thấy rằng họ không có khả năng thiết lập được một cuộc hôn nhân khác phái thật sự với đầy đủ ý nghĩa chia sẻ và hiệp thông yêu thương vợ chồng. Trong các trường hợp này không có sự hòa hợp hỗ tương lẫn nhau của hai con người, sự nhận định theo đó là không có sự hợp nhất hôn nhân hiệu lực giữa hai người. Thật vậy, vì họ thiếu khả năng cần có là hoàn thành nền tảng của nhu cầu tình cảm yêu thương của một cuộc sống chung của hai người khác phái.
Vấn đề đặt ra là sau thất bại của các cố gắng thiết lập tình yêu với người khác phái, các người đồng tính này có thể có những hành vi tình dục đồng tính mà không “phạm tội”? Nữ thần học gia luân lý Hoa Kỳ, Lisa Cahill gợi ý rằng hôn nhân khác phái là mẫu mực cho hôn nhân Công giáo, nhưng các nhà luân lý tính dục Công giáo nên xem xét “khi nào, tại sao, và như thế nào” thì có thể có vài “ngoại lệ” (exception)? Cahill gợi ý rằng hành vi đồng tính luyến ái như mô tả trên nên được xét là “không mẫu mực nhưng là trường hợp ngoại lệ có thể biện minh một cách khách quan.” Khả năng ngoại lệ này chỉ giới hạn đối với các hành vi đồng tính giữa các người có mối tương quan bền vững và dấn thân yêu thương nhau thật sự.
Điều gợi ý này của Lisa Cahill rõ ràng không được chấp nhận bởi Huấn Quyền. Xét trường hợp các người đồng tính dấn thân trong những mối tương quan yêu thương độc nhất, bền vững, Các Giám Mục Công Giáo Anh quốc công bố rằng “thật là một sự tương đồng giả tạo và không thể chấp nhận” khi so sánh những tương quan như thế với sự hiệp nhất của hôn nhân khác phái tính. Bất cứ hoạt động tình dục nào xảy ra trong các tương quan đồng tính bền vững vẫn luôn là sai lạc một cách khách quan, nhưng mục tử và người giải tội cần “phân biệt giữa các hành vi tình dục vô trách nhiệm, tùy tiện với các liên kết lâu bền giữa hai người đồng tính, các người cảm thấy không thể kéo dài cuộc sống độc thân mà không có các diễn tả tình dục.” Khi ấy vị mục tử phải lưu ý rằng chăm sóc mục vụ phải xem xét cá nhân trong tình huống hiện tại của anh ấy/chị ấy, với tất cả sức mạnh và yếu đuối của cá nhân ấy.”
Tuy tỏ ra thương cảm các người đồng tính dấn thân trong mối tương quan bền vững và đôi khi có diễn tả bằng hành vi tình dục, Giáo Hội Công Giáo vẫn luôn thừa nhận rằng hành vi đồng tính luôn là điều xấu khách quan, Huấn quyền nhấn mạnh rằng các người này phải nhắm đến, và phấn đấu cho việc loại trừ tất cả hành vi tình dục đồng tính trong suốt đời sống.
Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ họp tại Baltimore tuyên bố trong một tài liệu chăm sóc người đồng tính năm 1981:“Giống như các người khác phái tính luyến ái, các người đồng tính tiêu biểu cho tình huống trong đó người ấy tìm thấy chính mình, và từ đó khởi điểm cho việc đáp ứng cá nhân đối với tiếng gọi của Đức Kitô đến sự hoàn hảo. Đáp ứng tiếng gọi này không có nghĩa là người ấy bắt buộc phải thay đổi khuynh hướng này. Đúng hơn, tiếng gọi đòi hỏi người ấy phải sống khiết tịnh trong khuynh hướng đó. Sứ vụ của Giáo Hội Công Giáo cho các người đồng tính luyến ái, nam và nữ, luôn là một sứ vụ mục vụ. Nó không chỉ đơn thuần lặp lại thách thức Đức Kitô đặt để cho một thế hệ; nó tìm kiếm để làm việc với từng cá nhân, xem xét đến sức mạnh và yếu đuối của từng người, và giúp cá nhân thực hiện trách nhiệm một cách trọn vẹn có thể trong từng tình huống giây phút cuộc sống.”
Các mục tử và người tư vấn phải nhạy cảm đối với các biến động bên trong, có thể là phần kinh nghiệm của những người đồng tính luyến ái. Như các giám mục Anh quốc nói: “Các người đồng tính có thể cảm thấy rằng thiên nhiên trong một cách nào đó đã lừa dối họ và tạo ra những căng thẳng không đáng…họ có thể bị xâu xé khi khám phá rằng…khuynh hướng tình dục nơi họ không phải do lỗi cá nhân mà lại làm phát sinh làn sóng chống đối, chối bỏ trong xã hội…họ có thể cảm thấy rằng Giáo Hội đang đòi hỏi các mẫu mực không thể được.”
Thật ra, ngay cả những người khác phái tính luyến ái mà độc thân, cũng có nhiều lúc cảm thấy đòi hỏi tình dục thân xác, nhưng không vì thế mà họ có thể tìm đến các quan hệ thân xác ngoài hôn nhân. Vậy những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi vượt thắng nhu cầu tình dục thân xác bằng các biện pháp tâm lý và thiêng liêng như cầu nguyện, tăng cường đời sống trí thức và siêu nhiên, mở rộng hoạt động bác ái phục vụ tha nhân, người bệnh tật nghèo khổ…
Một số điểm thông tin cần thiết, theo linh mục Vincent Genovesi, SJ:
– Thiếu chính xác khi cho rằng phần lớn những người đồng tính là bị hấp dẫn thể lý với trẻ em và ước muốn quan hệ tình dục với đối tượng này.
– Đừng nghĩ một cách đương nhiên là tâm lý các người có khuynh hướng đồng tính là không ổn định hay người ấy dâm dục.
– Không chính xác khi nói rằng các người đồng tính đơn giản chỉ cần sức mạnh của ý chí để có thể tái định hướng các quan tâm tình dục của họ. Thật vậy, không có con đường dễ dàng để tái định hướng tình dục hiệu quả, và do đó các người đồng tính luyến ái không nên bị chỉ trích một cách quá đương nhiên nếu họ ngần ngại về việc tái thích ứng tình dục qua trị liệu.
– Không đúng khi khẳng định rằng những người đồng tính có tỉ lệ rối loạn tâm thần cao.
– Không chính xác khi giả định rằng những người khuynh hướng đồng tính giới hạn chỉ trong một số tầng lớp xã hội hay nghề nghiệp nào đó.
Các giám mục Hoa-Kỳ khuyên các mục tử và các vị giải tội tránh cả hai thái độ khắc nghiệt và buông thả, khi tư vấn các người có hành vi đồng tính. Cần lưu ý không nên nói với các người đồng tính rằng họ không chịu trách nhiệm cho hành động của họ, các giám mục tuy nhiên cũng quan sát trong trong phần lớn trường hợp các người đồng tính không có hoàn toàn tự do của ý chí, điều này chỉ ra rằng có sự giảm nhẹ trách nhiệm luân lý cho các hành vi tình dục đồng tính của họ. Các người có khuynh hướng đồng tính nên được động viên đào sâu đời sống thiêng liêng. Cùng lúc họ nên được giúp để ý thức rằng cho dù dùng biện pháp nào để bắt đầu một nếp sống mới, “rất có thể sẽ có tái phạm bởi vì thói quen lâu dài, nhưng điều này không được cho phép để trở thành một dịp cho sự tự ti vô ích.”
VII. Đồng tính luyến ái và ơn gọi tu trì, linh mục
Bộ Giáo Dục Công Giáo năm 2005 ra Chỉ Thị “Về các tiêu chuẩn để nhận định ơn gọi đối với các người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, trong việc thâu nhận vào chủng viện và chức thánh,” nói rằng các thanh niên thực hành hành vi đồng tính luyến ái, hay có khuynh hướng đồng tính vững bền, không được thâu nhận vào các chủng viện, cũng được áp dụng cho các dòng tu. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chấp thuận hướng dẫn này và cho phép ấn hành ngày 31 tháng 8, năm 2005.[22]
Theo CWNews 03/11/2008, tại một cuộc họp báo trong đó ban hành các nguyên tắc chỉ đạo về việc dùng Tâm Lý Học trong việc tiếp nhận và đào tạo các ứng sinh cho chức linh mục của Bộ Giáo Dục Công giáo, Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng, đã tái khẳng định rằng các người có khuynh hướng đồng tính vững bền, dù không thực hành hành vi tình dục đồng tính cũng không thể được truyền chức linh mục. Ngài nói: “Không nhất thiết ứng sinh nầy phải thực hành tình dục đồng tính mới bị loại khỏi việc truyền chức, mà ngay cả khi không phạm tội, nhưng có khuynh hướng sâu sắc, thì cũng không được chấp nhận cho thừa tác vụ linh mục chính là vì tự bản chất chức linh mục nói lên một tình phụ tử thiêng liêng. Ở đây chúng ta không nói người ấy có phạm tội hay không, mà khuynh hướng ăn rễ sâu nầy vẫn còn hay không.” Giáo Hội Công Giáo, tuy đồng cảm với các người có khuynh hướng đồng tính vững bền, vẫn luôn khẳng định đồng tính luyến ái là một kiểu lệch lạc nào đó, trái với tự nhiên, và không tương hợp với việc thực thi chức linh mục, trong việc thiết lập quan hệ với tha nhân.[23]
Bài viết tiếp tục với đề tài chuyển giới tính, mà trong cuộc sống, đôi khi lẫn lộn với đồng tính luyến ái, hay lưỡng tính.
C. CHUYỂN GIỚI TÍNH
Vấn đề chuyển giới tính mới chỉ nổi cộm tại Việt Nam khoảng thập kỷ nay. Chưa có nhiều nghiên cứu sâu xa nghiêm túc về vấn đề này. Một cách khiêm tốn, bài viết đề cập trên phương diện lý thuyết ít ỏi biết được.
Như trên đã định nghĩa, theo y học, chuyển giới là trường hợp một người hoàn toàn là người nam về mặt sinh học – nghĩa là bộ nhiễm sắc thể 46XY, có bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh – gồm tinh hoàn, thừng tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, dương vật, giọng nói trầm, không có bầu ngực, không tuyến sữa…, nhưng lại cảm nhận mình là người nữ, khát khao là người nữ nên muốn chuyển đổi giới tính thành người nữ; hoặc ngược lại, một người nữ mang bộ nhiễm sắc thể 46 XX, có bộ phận sinh dục nữ hoàn chỉnh, có buồng trứng, tử cung, vòi trứng, âm đạo, hàng tháng có kinh nguyệt, có vú phát triển, có tuyến sữa nhưng vẫn cứ cảm nhận mình là nam và muốn trở thành người nam![24] Khát khao này đôi lúc rất mãnh liệt khiến người ấy thậm chí không muốn sống nếu không được chuyển giới.[25] Tại Việt Nam, một số người chuyển giới được biết đến như chuyên gia trang điểm Cindy Thái Tài, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ Khánh Chi Lâm, Hương Giang idol, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, nhà thiết kế Franky Nguyễn…
I. Tiến trình y học để chuyển giới
Việc chuyển đổi giới tính là cả một quá trình lâu dài và phức tạp. Có thể tóm tắt như sau:
– Khám lâm sàng, làm tất cả các xét nghiệm cần thiết. Tiến hành tư vấn tâm lý.
– Dùng thuốc nội tiết liên tục trong một thời gian nhằm giúp một số bộ phận cơ thể họ thay đổi. Ở nam giới – muốn thành nữ giới – sự thay đổi ấy là lông, râu giảm bớt, giọng nói trở nên trong trẻo, các cơ bắp tay, chân nhỏ lại nhưng vú, mông thì to ra, tinh hoàn teo nhỏ. Ở nữ giới – muốn thành nam giới- cơ bắp to ra, giọng nói trở nên trầm, kinh nguyệt hết, lông, râu mọc nhiều hơn. Thuốc nội tiết có một số tác dụng phụ của việc phải sử dụng, như chóng mặt, cao huyết áp, thay đổi tính tình, tăng cân, trầm cảm…”.
– Phẫu thuật. Sau điều trị bằng thuốc nội tiết, một số bộ phận trong cơ thể đã thay đổi hết mức, người chuyển giới sẽ được làm phẫu thuật, bao gồm cắt bỏ cơ quan sinh dục trong, phẫu thuật bộ phận sinh dục ngoài để tạo hình bộ phận sinh dục mới, nâng ngực cho to lên (nếu muốn thành đàn bà) hoặc thu nhỏ bộ ngực (nếu muốn là đàn ông). Phải trải qua vài lần phẫu thuật mới có thể hoàn chỉnh.[26]
Về việc phẫu thuật, một số bác sĩ cho rằng cuộc giải phẫu sẽ đem lại hậu quả tích cực cho tâm lý của đương sự. Nhưng sâu xa, vẫn là một sự thay đổi giả tạo và vì thế đương sự vẫn không cảm thấy thanh thản bình an. Do đó, một cách khách quan giải phẫu không phải là thần dược như một số người nghĩ.[27]
– Sau khi làm xong, cả đàn ông lẫn đàn bà đều không còn khả năng sinh đẻ. Hơn nữa, phải sử dụng thuốc nội tiết – hầu như suốt đời nên ắt hẳn ảnh hưởng đến sức khỏe như sốc thuốc, tai biến nghẽn mạch, giảm tuổi thọ…
– Theo một vài báo cáo, chi phí tốn cho các ca giải phẫu chuyển giới ở nước ngoài khoảng 10.000 – 12.000 USD, mức thấp hơn là 4.000 – 6.000 USD. Thêm vào đó, chi phí chích nội tiết tố từ 120.000- 200.000 đồng/2 ống/tuần. Một số người chuyển giới tự mua và chích nội tiết tố, không có sự tư vấn của chuyên gia y tế đã dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Bên cạnh đó, người chuyển giới còn cần được theo dõi, nâng đỡ trong nhiều năm về mặt thể trạng, tâm lý và quá trình hội nhập cộng đồng. Theo Nghị định 88 và Thông tư số 29 của Nhà nước Việt Nam về xác định lại giới tính thì chỉ những bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là nhân lực – đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực liên quan đến xác định lại giới tính, phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép thì mới được xác định lại giới tính. Trong Nghị định 88 cũng giải thích rõ về trường hợp được phẫu thuật xác định lại giới tính: 1/lưỡng tính thật; 2/ Lưỡng tính giả hay các bệnh lý loạn tuyến sinh dục làm cho bộ phận sinh dục ngoài không rõ ràng.[28]
Hiện Việt Nam chưa cho phép hợp thức hóa giới tính mới ở những người vốn bình thường mà chuyển giới, dù họ đã nhờ kỹ thuật tạo hình tạo cho mình một cơ thể hoàn toàn mới. Như thế, người chuyển giới gần như bị mất quyền nhân thân khi vì giới tính trong giấy tờ khác với giới tính hiện có và ngoại hình của họ. Chính điều ấy đã khiến những người đã chuyển giới lâm vào cảnh “mình chẳng phải mình”. Cô giáo Quỳnh Trâm là một thí dụ, cơ sở địa phương chấp nhận cho cô đổi giấy tờ nhân thân từ “nam” sang “nữ”, nhưng sau đó quyết định này bị chính quyền cấp cao hơn bác bỏ.[29]
II. Quan điểm Công giáo
Phần này, tôi trình bày lại theo vài suy tư của nhà thần học luân lý Xavier Thévenot, mà tôi thấy thích đáng.
1/ Phải nhìn nhận ước muốn chuyển giới tính chưa phải là một điều xấu luân lý (vì chính đương sự không chọn lựa cho mình ước muốn này), nhưng như một khiếm khuyết khách quan rất nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống đương sự cách sâu xa và lâu dài. Thực tế, người muốn chuyển giới và người chuyển giới gặp nhiều thách thức trong cuộc sống: sự lên án, ghét bỏ, thậm chí tẩy chay, xa lánh của gia đình bạn bè, xã hội, khó khăn tìm việc làm, sức khỏe giảm sút…Tuy nhiên, những người này vẫn có khả năng đảm nhận trách nhiệm về bản thân mình. Chúng ta cần khuyến khích nâng đỡ họ sống thử thách ấy cách tích cực. Chúng ta có thể đồng hành về mặt tâm lý, giúp tìm công việc thích hợp và ổn định, tìm bạn bè tốt, thấu hiểu, lắng nghe…
2/ Huấn quyền dường như chưa lên tiếng rõ ràng về việc giải phẫu chuyển giới. Nhưng dựa trên truyền thống luân lý, ta có thể nhận định rằng Huấn Quyền dứt khoát bác bỏ việc giải phẫu này. Giáo hội Công giáo luôn khẳng định con người không phải “làm chủ” thân xác mình, mà là người đón nhận ơn ban Thiên Chúa, là nam, là nữ, và phải sống hòa hợp với quy luật tự nhiên ở nơi chính thân xác của mình. Con người không thể tự do thay đổi giới tính của mình chỉ vì mình “khát khao” được là giới tính ngược lại với giới tính mình khi sinh ra.
Đoạn trích trong huấn từ của Đức Piô XII với các bác sĩ ngày 13-9-1952 có thể làm sáng tỏ điều này: “Bệnh nhân không phải là chủ nhân trên hết của mình, cả thân xác lẫn tinh thần. Vì thế, bệnh nhân không thể sử dụng mình một cách tùy tiện như mình muốn. Ngay cả lý do khiến bệnh nhân làm thế tự nó cũng không đủ và không thuyết phục. Bệnh nhân bị ràng buộc vào cứu cánh nội tại mà bản tính đã định. Bệnh nhân có quyền sử dụng- dù bị giới hạn bởi cứu cánh tự nhiên- các khả năng và sức lực của bản tính con người. Vì chỉ là người thừa hưởng chứ không phải là sở hữu chủ, nên bệnh nhân không có quyền vô hạn để làm những việc như hủy diệt hay cắt bỏ vì lý do chức năng”.
Trích đoạn trên, cách nay 62 năm, không trực tiếp đề cập đến việc cắt bỏ bộ phận sinh dục, cũng như việc chích nội tiết tố để chuyển giới. Tuy nhiên, ta có thể ngoại suy và áp dụng cho việc giải phẫu chuyển giới. Việc giải phẫu chuyển giới là một sự xấu khách quan nghiêm trọng, vì nó cắt bỏ vĩnh viễn các bộ phận căn bản và lành mạnh của con người.
Tuy nhiên, mỗi người là một mầu nhiệm. Chúng ta cần tự hỏi: “Ta đã thật sự lắng nghe bệnh nhân một cách kiên trì để tìm ra ước muốn sâu xa của họ chưa?”; “Bệnh nhân đã được thông tin đầy đủ rõ ràng hậu quả của việc giải phẫu và việc dùng thuốc nội tiết tố chưa?” Gia đình của đương sự cũng cần được giúp đỡ để có thể thông cảm, nâng đỡ yêu thương đương sự đang cơn khủng hoảng tâm lý, tránh thái độ kết án, xa lánh.[30]
KẾT
Người đồng tính luyến ái hay người ước muốn chuyển giới, cần có những anh chị em trên đường lữ thứ trần gian của họ. Chúng ta phải là chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa, đón tiếp họ, và can đảm, khôn ngoan, thận trọng nói cho họ biết đòi hỏi của tình yêu Thiên Chúa, nhắc cho họ mục đích tối hậu của đời người là quê Trời. Mặt khác, có lẽ những người này cũng muốn chúng ta phải nhìn nhận họ là những anh chị em có thể làm chứng cho nhân loại về Thiên Chúa: Một Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam, có nữ và biết rõ thân phận bụi đất của ta.[31]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 87 (Tháng 3 & 4 năm 2015)
W.HĐGMVN
[1] Tác giả chân thành cáo lỗi rằng do vài lý do khách quan, một vài tư tưởng của vài tác giả được sử dụng, nhưng tham chiếu trong bài viết này còn thiếu sót.
[2] Xavier Thévenot, Repères étiques pour un monde nouveau, 1991, Bản dịch Việt ngữ “Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới”, của Đặng Xuân Thành, (Nhà Xuất bản Tôn Giáo, 2008), 5.
[3] Nguyệt Phương, “Úc công nhận giới tính thứ ba”, http://tuoitre.vn/The-gioi/601086/uc-cong-nhan-gioi-tinh-thu-ba.html
[4] Thiên Chương, “Những ngộ nhận thường gặp về người đồng tính”, https://vnexpress.net/nhung-ngo-nhan-thuong-gap-ve-nguoi-dong-tinh-2267217.html
[5] James Harrison, “The Dynamics of Sexual Anxiety,” Christianity and Crisis 37 (1977), 136-40, tại tr 137, trích dẫn trong Vincent J. Genovesi, In Pursuit of Love: Catholic Morality and Human Sexuality, 2nd ed. (Philippines, 2003), 250.
[6] Năm 1981, Ủy Ban Công Ích Xã Hội Công Giáo, một ủy ban làm việc của các giám mục Công Giáo tại Anh và Wales, đã chuẩn bị một tài liệu mang tên “Giới thiệu về Chăm Sóc Mục vụ cho các người đồng tính.” Trích dẫn ở đây từ trang 10-11, và được trích trong Vincent J. Genovesi, In Pursuit of Love, 252.
[7] Vincent J. Genovesi, In Pursuit of Love, 249-253.
[8] Judd Marmon, ed. Sexual Inversion (New York, Basic Books, 1965), 4, được trích trong Genosevi, 253.
[9] William F. Kraft, “Homosexuality and Religious Life,” Review for Religious 40 (1981), 371, được trích trong Genovesi, 253.
[10] Hội Đồng Giám Mục Hoa-Kỳ, “Các Nguyên tắc Hướng Dẫn các vị Giải Tội trong vấn đề Đồng Tính Luyến ái,” (Washington: United States Catholic Conference, 1973), 5.
[11] Hội Đồng Giám Mục Hoa-Kỳ, “To Live in Christ Jesus: A Pastoral Reflection on the Moral Life” (Washington: United States Catholic Conference, 1976), 19.
[12] Hội Đồng Giám Mục Hoa-Kỳ, “Human Sexuality: A Catholic Perspective for Education and Lifelong Learning,” (Washington: United States Catholic Conference, 1991) 55.
[13] Marvel Deutsch, MM, “Hôn nhân đồng tính có phản tự nhiên không?” <http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/hon-nhan-dong-tinh-co-phan-tu-nhien-khong-7098.html>
[14] Độc giả có thể xem thêm hai tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin “Tuyên Ngôn về một số Vấn đề Liên quan đến Đạo Đức Tính Dục,” 1975 và “Thư Gửi Các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo về Chăm Sóc Mục Vụ cho các người Đồng Tính Luyến Ái”, 1986.
[15] Vincent J. Genovesi, In Pursuit of Love, 268-270.
[16] Martin Noth, Leviticus: A Commentary (London, 1965), 16, được trích dẫn trong Genovesi, 273.
[17] Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Thư Gửi Các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo về Chăm Sóc Mục Vụ cho các người Đồng Tính Luyến Ái,” (1986), số 5.
[18] Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Thư Gửi Các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo về Chăm Sóc Mục Vụ cho các người Đồng Tính Luyến Ái,” (1986), số 6.
[19] Phúc Duy, “Những nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính” <http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/nhung-nuoc-hop-phap-hoa-hon-nhan-dong-tinh-31656.html> (theo AFP)
[20] Kenny Nguyễn, “Người đồng tính hiểu lầm tin được phép cưới” <https://ngoisao.net/nguoi-dong-tinh-hieu-lam-tin-duoc-phep-cuoi-2909748.html>
[21] Marvel Deutsch, MM, “Hôn nhân đồng tính có phản tự nhiên không?”
[22] Bộ Giáo Dục Công Giáo, “Instruction: Concerning the Criteria for the Discernment of Vocations with regard to Persons with Homosexual Tendencies in view of their Admission to the Seminary and to Holy Orders,” <https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccatheduc/documents/rc_con_ccatheduc_doc_20051104_istruzione_en.html>
[23] Bản Tin Giáo Hội số 108 năm III tuần từ 11-18/11/2008.
[24] “Chuyển đổi giới tính: Không thể một sớm một chiều”, <https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chuyen-doi-gioi-tinh-khong-the-mot-som-mot-chieu-92070.html>
[25] Phan Dương, “Ước phẫu thuật chuyển giới để được sống 1 giờ là mình”, <https://vnexpress.net/uoc-phau-thuat-chuyen-gioi-de-duoc-song-1-gio-la-minh-2307238.html>
[26] “Chuyển đổi giới tính: Không thể một sớm một chiều”, <https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chuyen-doi-gioi-tinh-khong-the-mot-som-mot-chieu-92070.html>
[27] Xavier Thévenot, “Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới”, 142.
[28] Phan Dương, “Thẩm định giới tính cô giáo Quỳnh Trâm, Bộ Y tế nói gì?”, <https://vnexpress.net/tham-dinh-lai-gioi-tinh-co-giao-quynh-tram-2420759.html>
[29] Bùi Liêm, “Không đủ cơ sở pháp lý xác định cho anh thành ‘chị’”, <https://tuoitre.vn/khong-du-co-so-phap-ly-xac-dinh-cho-anh-thanh-chi-518906.htm>
[30] Xavier Thévenot, “Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới”, 141-144.
[31] Xavier Thévenot, “Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới”, 138.