“Người cũng tìm kiếm những nơi tĩnh lặng, xa khỏi cơn lốc hoạt động của thế giới này,
những nơi giúp Người có thể chìm sâu vào thâm cung của linh hồn Người:
Người là vị Ngôn Sứ biết được những cục đá trong sa mạc cũng như leo lên những ngọn núi cao”.
“Có lẽ ngay cả khi chúng ta đã cầu nguyện qua nhiều năm tháng,
chúng ta vẫn luôn phải học biết cầu nguyện!”
“Bước đầu tiên của việc cầu nguyện đó là khiêm tốn, là đến với Chúa Cha mà thưa cùng Ngài rằng:
Xin hãy thương nhìn đến con, con là một tội nhân, con là một con người yếu đuối, con là một con người xấu xa tồi bại”
“Thế nhưng lời cầu nguyện nào được bắt đầu bằng lòng khiêm tốn thì được Chúa lắng nghe.
Chúa lắng nghe một lời nguyện cầu khiêm hạ”
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý về “linh Lạy Cha”.
Các Phúc Âm đều cống hiến cho chúng ta những hình ảnh rất sống động về Chúa Giêsu như là một con người cầu nguyện. Bất chấp tính cách khẩn trương nơi sứ vụ của Người, cùng với nhu cầu khẩn thiết của rất nhiều người đang trông đợi ở Người, Người vẫn cảm thấy cần phải lui vào một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Phúc Âm Thánh Marco cho chúng ta thấy chi tiết này ngay từ trang đầu tiên về thừa tác vụ công khai của Người (xem 1:35). Ngày hôm ấy của Chúa Giêsu được bắt đầu ở Carphanaum đã kết thúc một cách vinh hiển. Mặt trời đã lặn, đám đông bệnh nhân tuốn đến cửa nhà Chúa Giêsu trú ngụ: Đấng Thiên Sai giảng dạy và chữa lành. Những lời tiên tri xưa kia và các niềm trông mong của rất nhiều con người đau khổ được nên trọn: Chúa Giêsu là Vị Thiên Chúa cận kề, Vị Thiên Chúa giải phóng. Tuy nhiên, đám đông ấy nhỏ bé, nếu so với rất nhiều đám đông khác vây quanh Vị Tiên Tri Nazarét này; có những lúc họ là những đám đông mênh mông, và Chúa Giêsu ở giữa tất cả mọi người, Đấng các dân nước hằng trông mong, Đấng là hoa trái cho niềm hy vọng của dân Israel.
Tuy nhiên bản thân Người vẫn thanh thoát; Người không bị trở thành một thứ con tin cho những gì là trông đợi của những ai bấy giờ chọn Người làm vị lãnh đạo của họ, một thứ nguy hiểm đối với thành phần lãnh đạo khi gắn bó mình quá nhiều vào dân chúng, chứ không tách rời bản thân mình ra khỏi dân chúng. Chúa Giêsu nhận thức như vậy và không tiến đến chỗ trở thành một thứ con tin của dân chúng. Ngay từ đêm đầu tiên ở Carphanaum, Người chứng tỏ cho thấy Người là một Đấng Thiên Sai chính cống. Ở phần cuối của đêm hôm ấy, vừa mới hừng đông, các môn đệ lại đi tìm Người, nhưng không thấy Người ở đâu hết. Người ở đâu vậy? Cuối cùng, Thánh Phêrô đã tìm thấy Người, đang hoàn toàn ngây ngất nguyện cầu. Ngài thưa cùng Người rằng: “Hết mọi người đang tìm kiếm Thày đó” (Marco 1:37). Câu nói này dường như là điều liên kết chặt chẽ với một thứ trưng cầu dân ý mỹ mãn thành công, chứng cớ về thành quả tốt đẹp của một sứ vụ.
Thế nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng Người cần phải đi đến các nơi khác nữa; tức là không phải chỉ cho những ai tìm kiếm Người, mà là, trước hết, Người là Đấng đến để tìm kiếm người khác. Do đó Người không được chôn chân ở một chỗ mà luôn lữ hành trên các đường nẻo Galilêa (các câu 38-39). Đồng thời Người cũng hành trình hướng về Chúa Cha, tức là cầu nguyện, là tiếp tục con đường nguyện cầu. Chúa Giêsu cầu nguyện. Bao giờ cũng cầu nguyện về đêm.
Ở một số đoạn Thánh Kinh, trước hết việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, mối thân mật của Người với Chúa Cha là những gì chi phối hết tất cả mọi sự. Như thế thì thật là đặc biệt vào đêm ở Vườn Nhiệt. Chặng cuối cùng của con đường Chúa Giêsu đi, (chắc chắn là chặng khó khăn nhất Người thực hiện cho tới lúc bấy giờ), dường như cho thấy ý nghĩa của nó nơi việc Chúa Giêsu tiếp tục lắng nghe Chúa Cha. Đó là lời cầu nguyện không dễ dàng, ngược lại, lại thực sự và đích đáng là một cuộc “quằn quại rên xiết”, theo chiều hướng của một cuộc đối chọi của những tay lực sĩ, nhưng lại là một lời nguyện cầu có khả năng vững bước trên con đường thập tự giá.
Vấn đề thiết yếu ở đây là: Chúa Giêsu đã cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện một cách thiết tha vào những giây phút công khai, bằng việc chia sẻ phụng vụ của dân Người, nhưng Người cũng tìm kiếm những nơi tĩnh lặng, xa khỏi cơn lốc hoạt động của thế giới này, những nơi giúp Người có thể chìm sâu vào thâm cung của linh hồn Người: Người là vị Ngôn Sứ biết được những cục đá trong sa mạc cũng như leo lên những ngọn núi cao. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi tắt hơi trên thập tự giá là những lời của các bài Thánh Vịnh, tức là của lời cầu nguyện, lời cầu nguyện của dân Do Thái: Người đã cầu nguyện bằng những lời cầu nguyện Người đã được Mẹ của Người dạy Người.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện như hết mọi người trên thế giới này cầu nguyện. Tuy nhiên, nơi cách thức cầu nguyện của Người đã hiện lên một mầu nhiệm, một cái gì đó thật sự đã không thể qua mắt được các môn đệ của Người, vì ở các Phúc Âm chúng ta thấy được chính lời khẩn cầu rất đơn sơ và trực tiếp ấy: “Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện” (Luca 11:1). Họ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện và muốn học biết cầu nguyện: “Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện”. Chúa Giêsu đã không từ chối, Người không tỏ ra ghen tương về mối thân mật của Người với Chúa Cha, nhưng Người đã dẫn chúng ta một cách chính xác vào mối liên hệ này. Như thế là Người trở thành Thày dạy cầu nguyện cho các môn đệ của Người, và Người chắc chắn cũng muốn là Thày dạy cầu nguyện cho tất cả chúng ta nữa. Chúng ta cũng cần phải thưa cùng Người rằng: “Lạy Thày, xin dạy cho con cầu nguyện. Xin dạy cho con”.
Có lẽ ngay cả khi chúng ta đã cầu nguyện qua nhiều năm tháng, chúng ta vẫn luôn phải học biết cầu nguyện!Các lời cầu nguyện của con người, việc ước vọng này xuất phát một cách tự nhiên như thể từ linh hồn của họ, có lẽ là một trong những mầu nhiệm cô đọng nhất trong vũ trụ này. Và chúng ta thậm chí không biết rằng những lời cầu nguyện chúng ta thân thưa cùng Thiên Chúa là những lời cầu nguyện hiệu nghiệm mà Ngài muốn chúng ta ngỏ cùng Ngài hay chăng. Thánh Kinh cũng cống hiến cho chúng ta chứng từ về các lời cầu nguyện không thích hợp, cuối cùng đã bị Thiên Chúa loại trừ: chỉ cần nhớ lại dụ ngôn về người Biệt phái và người thu thuế. Chỉ có người thu thuế sau khi rời Đền thờ mà về mới nên công chính, vì người Biệt phái đã tỏ ra kiêu hãnh và thích người ta thấy hắn cầu nguyện, và hắn giả vờ cầu nguyện mà lòng hắn thì lạnh lùng. Chúa Giêsu bảo hắn không được nên công chính “vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Luca 18:14). Bước đầu tiên của việc cầu nguyện đó là khiêm tốn, là đến với Chúa Cha mà thưa cùng Ngài rằng: Xin hãy thương nhìn đến con, con là một tội nhân, con là một con người yếu đuối, con là một con người xấu xa tồi bại”, mỗi người biết những gì cần phải nói. Thế nhưng lời cầu nguyện nào được bắt đầu bằng lòng khiêm tốn thì được Chúa lắng nghe. Chúa lắng nghe một lời nguyện cầu khiêm hạ.
Bởi vậy, bắt đầu loạt bài giáo lý về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, thì điều tuyệt mỹ nhất và chính đáng nhất tất cả chúng ta cần phải làm đó là lập lại lời cầu khẩn của các môn đệ: “Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện!” Trong Mùa Vọng này, cần phải lập lại lời cầu khẩn đó: “Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện”. Tất cả chúng ta có thể kéo dài hơn một chút và cầu nguyện hay hơn, thế nhưng chúng ta cần phải xin Chúa như thế: “Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện”. Chúng ta hãy làm việc này, trong Mùa Vọng đây, và chắc chắn Người sẽ không để cho lời khẩn cầu của chúng ta trở thành vô ích.
https://zenit.org/articles/general-audience-pope-begins-news-series-of-catecheses-on-the-our-father/
W.GPVL