Khi nỗi đau cần được chữa lành

KHI NỖI ĐAU CẦN ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Tác giả: Maestro di San Bartolo
Sách: Abbi a cuore il Signore (*)
Chuyển ngữ từ tiếng Ý: Tứ Quyết SJ

Hãy nhớ rằng, có một cội nguồn, mà từ đó ơn phúc được trào ra, nhưng đó cũng là nơi mà sự nổi loạn nảy sinh. Cội nguồn đó là nỗi đau. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành nỗi đau, và chỉ có Ngài mới có thể ban tặng một quả tim mới. Chỉ có Ngài mới có thể chịu đựng đau khổ mà không cay đắng, và rồi Ngài tiêu trừ nguyên nhân gây ra nỗi đau ấy.

Đối với chúng ta, khi nỗi đau còn ẩn sâu trong tâm hồn, thì nó càng nguy hiểm hơn. Bởi vì nỗi đau ấy, như thường thấy, sẽ tìm thấy trăm ngàn lỗ hổng để thoát ra ngoài, và gây nên đủ loại nỗi đau khác, và đó là lý do gây ra bao nhiêu tội lỗi khác.

Khi nỗi đau quá lớn đến mức không thể chịu nổi, chúng ta có thể kêu cầu, kêu gào lên Chúa là Đấng có thể làm mọi sự, để mong Ngài chấm dứt nỗi đau và xin Ngài lấy lại công lý cho chúng ta, để đảo ngược con đường của kẻ ác. Thế nhưng, bạn thử nghĩ xem, nếu người gây cho bạn tổn thương nhiều nhất lại chính là người bạn yêu thương nhất; thử hỏi, khi đó bạn có còn chút sức lực nào để kêu lên với Chúa thực thi công lý hay không? Chẳng lẽ bạn sẽ không nhân danh tình yêu, mà xin dừng lại cánh tay nhân danh công lý sắp giáng xuống để trừng phạt?

Sự tha thứ có thể xoa dịu và thậm chí chữa lành nỗi đau, chữa lành vết thương. Thế nhưng, chỉ với ơn sủng thì sự tha thứ mới có thể có được, và chỉ với ơn sủng, thì sự chữa lành mới có thể diễn ra. Ơn chữa lành xảy ra khi nỗi đau được chấp nhận như một sự tham dự mật thiết vào nỗi đau của chính Thiên Chúa vì thụ tạo của Ngài. Khi đó, nỗi đau của thụ tạo, bất kể vì lý do gì, sẽ được tham dự vào mầu nhiệm đau khổ của chính Chúa Kitô.

Có một nghịch lý lớn lao ở đây: những gì đáng bị xa tránh theo bản năng, lại trở thành món quà đặc biệt; điều đã từng thúc đẩy cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa, giờ đây được khám phá như là ân sủng thuần khiết. Nghịch lý ấy chính là lẽ khôn ngoan của Thập Giá, là ân sủng tuyệt vời, là đặc quyền của những ai được tuyển chọn.

Quan trọng hơn là, đừng hình dung rằng, bạn có thể đảm bảo trái tim không bị tổn thương do những nỗi đau, bằng cách kìm nén chúng. Nghĩ như thế chỉ là ảo tưởng. Thực tế không phải vậy. Nỗi đau giống như con thú bị thương: nó trở nên hung dữ, ngay cả khi, bình thường nó là con thú hiền lành. Sẽ không thể giữ cho con thú bị thương nằm yên được. Điều chúng ta sẽ phải làm lúc ấy, là cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công mà con thú muốn. Ngay cả khi con thú nằm yên, trong lúc bị thương, thì sự nằm yên ấy chỉ là một sự tĩnh lặng không thật. Bởi lẽ, con thú bị thương sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, sẽ không thể được thuần hóa.  

Điều thực sự chúng ta có thể làm là gì? Đó là học cách từ người chủ của con thú. Người chủ nhận ra con chó của anh có một chân bị thương. Anh thận trọng và can đảm tới gần con chó của mình, để chạm tới cái chân bị thương. Mặc cho con chó nhe răng gầm gừ, nhưng người chủ quan tâm, nhìn rõ cái gai cắm vào chân con chó, để lấy cái gai đi, chăm sóc vết thương. Sau khi hết đau và được lành, con chó trở lại rất hiền và ngoan ngoãn nghe theo chủ mình.

Cũng thế, nếu trong trái tim bạn còn những nỗi đau, những vết thương đang rỉ máu, thì việc kiềm chế những đam mê xấu sẽ rất khó khăn. Vì vậy, hãy cầu xin Chúa với sự tin tưởng và kiên nhẫn, để Ngài chữa lành những nỗi đau đang hành hạ bạn, để bạn được tự do.

Đọc thêm những bài trước:

Bài 4: Cách chiến thắng đam mê tật xấu

Bài 3: Cuộc sống là người thầy đích thực của khôn ngoan

Bài 2: Chúa đến gặp bạn ngay trong tâm hồn giữa những yếu đuối

Bài 1: Hãy có Chúa ở trong lòng

Nguồn: dongten.net (23.8.2021)