NĂM ĐỊNH LUẬT TÂM SINH LÝ
KHÁC BIỆT NAM NỮ
1. LUẬT ƯU TIÊN
Điều ưu tiên của người nữ là một quả tim, một tình cảm, một trái tim muốn hòa nhịp với một trái tim khác, một tình cảm tha thiết muốn hiến trao tất cả cho người mình yêu. Cái ưu tiên ấy ẩn chứa một cái gì thanh nhã tinh thần hơn là thể xác nhục dục. Trái lại, nơi người nam thì thể xác là ưu tiên: khi người nam nhìn hay nghĩ đến người nữ thì thường hình dung tới thân hình, đường nét, sắc diện thể chất. Đứng trước một thiếu nữ trẻ đẹp, người thanh niên sẽ thấy thể xác xúc động trước (ham muốn tình dục), rồi sau đó mới tới tình cảm và trái tim hoà nhịp theo. Người nam dễ bị lôi cuốn bởi thể xác người nữ, và thường mau chóng hướng tới việc muốn kết hợp thể xác, đến nỗi một số người để bản năng mạnh quá đưa tới cưỡng dâm, nhất là khi có sự hỗ trợ của các chất kích thích (rượu và các loại thuốc kích dục). Những người nữ ăn mặc hở hang, khiêu gợi, quyến rũ vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của những vụ cưỡng dâm.
Sự khác biệt này có thể gây nên những khó khăn, nguy hiểm: người nữ dễ dàng bị chinh phục bằng tình cảm nể nang, tội nghiệp, thương hại… để rồi dễ dàng nhượng bộ đòi hỏi thể xác của phái nam. Trái lại, người nam dễ bị chinh phục bởi những đường nét duyên dáng gợi cảm và hấp dẫn nơi thân xác người nữ, khó lòng tự kiềm chế và thường đòi hỏi mau chóng kết hợp thể xác, coi đó như một bằng chứng tình yêu.
Người nữ nên để ý điểm này để tránh những nhượng bộ gây lỡ làng, với hậu quả đáng tiếc khiến phải ân hận suốt đời. Còn người nam nên để ý điểm yếu của mình để làm chủ bản thân, kính trọng người nữ, hiểu rằng người nữ nặng về tình cảm, sự chăm sóc ân cần tế nhị, lời âu yếm, cử chỉ thân mật, dịu dàng… để không vội vàng đốt giai đoạn trong khi gần gũi với người nữ ‘bắt mắt’ mình.
2. LUẬT PHÂN CÁCH
Trái tim người nữ chỉ có một ngăn và dành hết cho người yêu. Có thể nói trái tim người nữ là một toàn thể dành hết cho người mình yêu, không có phân cách. Mối tình dành cho người yêu chiếm hết trái tim chị: chị chỉ nghĩ đến anh, sống chỉ vì anh, sống để yêu anh và được anh yêu, tình yêu chi phối tất cả và hai mối tình không thể chung sống hòa bình nơi trái tim chị. Trái lại, trái tim người nam có tới 4 ngăn hoàn toàn biệt lập nhau: ngăn thứ nhất dành cho vợ và khi ở với vợ là không nghĩ tới gì khác (nếu có tình nhân anh cũng hành xử như thế); ngăn thứ hai dành cho sự nghiệp, đến quên cả vợ con, gia đình; ngăn thứ ba dành cho sở thích, lý tưởng; ngăn thứ tư dành cho giải trí, nghỉ ngơi.
Người vợ hãy an tâm tin rằng chồng yêu chị, thương gia đình. Đừng tỏ ra nghi ngờ, khó chịu, ngăn cấm hoặc cản trở công việc của chồng, song hãy tập cảm thông chia sẻ với chồng và trong mọi lúc hãy tươi cười đón anh, lo âu với anh, an ủi anh và khuyến khích anh: đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Trái lại, người chồng nên chừng mực trong công việc và để chị tham gia với mình, biết đền bù bằng lời nói, thái độ, cử chỉ, hành vi, yêu thương phụ giúp công việc của chị, nhớ rằng chị coi trọng gia đình hơn nghề nghiệp, quan tâm đến con người hơn công việc.
3. LUẬT THÍNH GIÁC
Người nữ không chỉ là một trái tim mà còn là một lỗ tai to, một lỗ tai to gắn liền với trái tim, những gì vào lỗ tai sẽ rơi thẳng ngay vào con tim. Chị có nhược điểm thích nghe những lời tán tỉnh, dịu ngọt và dễ tin những điều người ta nói hơn là việc người ta làm. Nhiều khi chị không phân biệt được lời tán tỉnh của kẻ sở khanh với lời chân chất của người yêu. Trái lại, người nam ở trong gia đình lại thiếu hay ngắn lưỡi: ở quán xá hoặc ở những nơi khác, anh nói thao thao bất tuyệt về những chuyện chính trị, xã hội…, còn ở nhà nhiều khi anh câm như hến, ít nói, trầm ngâm, vì anh không thích những chuyện vụn vặt, chi tiết, lại ngại tâm sự, sợ những bộc lộ có đụng chạm tới bản thân mình.
Nhưng sự im lặng trong gia đình gây nặng nề cho cả hai, khiến anh thích ra quán cà phê hay đến một nơi vui nhộn, còn chị thích la cà bên nhà hàng xóm để chuyện trò “ngồi lê đôi mách”, “vuốt râu ông nọ đặt cằm bà kia”… Do đó đối thoại trao đổi sẽ tránh được những nghi ngờ, hiểu lầm, xích mích. Yêu là nói và nghe: anh nghe chị tâm sự, nói chuyện nhà cửa, gạo cơm, con cái, bạn bè… chị nghe anh nói chuyện về chính trị, xã hội, thể thao… Yêu là đối thoại, là mở tâm hồn và lý trí để cùng đón nhận, tham dự, chia sẻ tâm tình của nhau. Những gì anh nói với giọng dịu dàng, âu yếm, kính trọng, chị sẽ cho là đúng và sẽ chấp nhận. Còn những gì anh nói với giọng gắt gỏng, khó chịu hoặc khinh khỉnh, chị sẽ cho là sai, khó chấp nhận, mặc dầu đó là những điều đúng. Vậy khi phải chỉ trích, xây dựng những khuyết điểm của chị, anh phải áp dụng như thế, đừng bao giờ chê trách hoặc chế giễu chị, nhất là trước mặt người khác.
4. LUẬT CHI TIẾT
Người nữ để ý đến các chi tiết, những cái cỏn con, một mùi hương, một vết son, một sợi tóc vương trên áo… Người nam quan tâm đến điều cốt yếu, chỉ nhớ đến những nét đại cương, những chuyện đáng để ý, lại thích những tin chính trị, xã hội, quốc sự… Các cuộc nghiên cứu tâm lý cho thấy trung khu thần kinh đại não của hai giới hoạt động không tương đồng: khu thần kinh điều chỉnh tình cảm của nữ giới nhạy bén hơn nam giới, do vậy họ có thể nhớ như in những tiểu tiết về chuyện tình cảm. Còn khu thần kinh tình cảm nam giới thì ngược lại chỉ phản ứng khi chịu kích thích hoặc tác động mạnh. Hơn nữa, bộ não của nam giới làm việc hiệu quả và tập trung hơn, khiến họ nhanh chóng nắm bắt được tình hình tổng thể hơn là những chi tiết vụn vặt.
Sai biệt tâm lý này là nguyên do nhiều vui buồn, đau khổ: sứ mạng làm vợ, làm mẹ, săn sóc gia đình, nuôi con của chị đòi hỏi hằng ngày phải làm bao nhiêu việc nhỏ nhặt không tên, với bao nhiêu chi tiết. Chị chú ý, quan sát và nhớ kỹ những chi tiết trong đời sống của anh, của gia đình trong khi anh ít để ý và hay quên. Một việc nhỏ cũng làm chị bực mình, đau khổ, một quên sót của anh làm chị buồn tủi, giận dỗi, nghi ngờ.
Vậy cả hai phải biết rằng yêu là nghĩ đến người yêu và tìm hạnh phúc cho người yêu: chị đừng hay than phiền về những chuyện nhỏ nhặt, dò xét những những điều tỉ mỉ, nhưng hãy rộng lượng thông cảm với những dự tính, công việc, những sinh hoạt hoặc giao tế của anh. Còn anh hãy chịu khó để ý đến chị, nhẫn nại nghe chị nói, dầu là những chuyện nhỏ nhặt. Hãy lợi dụng những cơ hội, những chi tiết làm chị vui: quà tặng ngày sinh nhật, ngày cưới, những ngày vui buồn của chị, một lời khen, một quan tâm, một giúp đỡ…
5. LUẬT BẤT ĐỒNG CẢM
Người nữ phản ứng chậm nhưng kéo dài. Trong phạm vi tình cảm cũng như tình dục, người nữ như một trái bom nổ chậm (tính thứ phát), nhưng khi đã xúc cảm thì cảm xúc ấy kéo dài và mãnh liệt hơn anh. Người nữ như một đầu máy xe lửa: chuyển bánh chậm, khi có đà đi rất nhanh, nhưng ngưng lại chậm chạp. Trái lại, người nam phản ứng nhanh (tính khởi phát), nhưng cũng mau dứt: tình cảm cũng như tình dục chóng bộc phát mà cũng chóng nguội tàn, nên “cú sét ái tình” thường xảy ra nơi thanh niên hơn nơi thiếu nữ. Trong mọi việc, anh hãy kiên nhẫn, chờ đợi, chuẩn bị… Trong tình yêu thân mật cũng vậy, tránh những cử chỉ vội vàng, hấp tấp, mà nên dịu dàng, tế nhị. Hiểu biết định luật tâm lý này để biết thông cảm tha thứ cho nhau, tránh những xích mích nghi kỵ.
Tóm lại, những định luật vừa nói trên không áp dụng riêng rẽ nhưng bổ túc, liên hệ với nhau và là những định luật rất quan trọng chi phối đời sống và quan hệ nam nữ. Nhưng đó không phải là tất cả những sự khác biệt, bởi mỗi cá nhân là một “huyền nhiệm” không dò thấu. Những định luật này rất hữu ích để giúp mỗi người hiểu được người kia và khi nắm vững được những khác biệt tâm sinh lý này, chúng ta sẽ tránh được những phán đoán, những thái độ chủ quan thường đưa đến bất hòa, đổ vỡ, mất mát thua thiệt. Để mối quan hệ thật tốt và bền vững dài lâu, đôi bạn phải kính trọng nhau, yêu thương nhau, tin tưởng nhau, giúp đỡ nhau, khuyến khích nhau, tha thứ cho nhau, nhường nhịn nhau và thấu hiểu nhau.
Như những con người, chúng ta đáp lại Thiên Chúa qua các định luật tâm sinh lý mà Ngài đã ghi khắc trong chúng ta. Trong tiến trình đáp trả đó, chúng ta bị thách đố đặt trật tự vào cuộc đời chúng ta như thánh Augustinô nói: “Nhân đức là tình yêu có trật tự”. Khi tình yêu bị rối loạn (mất trật tự), chúng ta sẽ đi trệch định hướng đích thực cuộc đời của mình là luôn quy hướng về Chúa Kitô, là nỗ lực sống trở nên giống Chúa Kitô trong các thiên hướng, thái độ, nhân đức dẫn tới sự sống sung mãn, trong khi định hướng sai lầm là dành tình yêu cho thế gian và khoái lạc, của cải, địa vị, quyền lực.
Vì vậy, thánh Gioan căn dặn: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian, mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2, 15-17).
Chúng ta phải chiến đấu với sức lôi cuốn và thúc đẩy đến từ hai hướng đối nghịch nhau đó: một bên bị thống trị bởi các nhu cầu xác thịt và bên kia được hướng dẫn bởi các giá trị của Thánh Thần. Ơn gọi đời sống thánh hiến là triệt để đi theo Chúa Giêsu. Đó là lời kêu gọi tới một sự biến đổi con tim nhân loại qua các Lời Khuyên Phúc Âm.
Mỗi người sống kinh nghiệm ơn gọi đều trải qua kinh nghiệm sống cái tôi của mình, hoặc đặt trọng tâm nơi mình hoặc đặt trọng tâm nơi Chúa, và tùy đó mà có định hướng đúng đắn hay định hướng sai lầm, hoặc chạy theo khoái lạc, sở hữu của cải, địa vị, quyền lực, hoặc họa lại nơi bản thân hình ảnh Chúa Kitô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục.
Linh mục Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
(Ban Huấn Luyện sưu tầm)