TGPSG — Chưa bao giờ tôi thấy “Sài Gòn đẹp lắm” của Quê hương tôi lại chìm ngập trong đau thương như hôm nay.
Chung quanh “Hòn Ngọc Viễn Đông” xinh đẹp này, người ta đã và đang xây dựng “thần tốc” rất nhiều bệnh viện dã chiến thu dung, bệnh viện hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid 19, với số giường lên tới hàng ngàn. Nhiều bệnh viện khác đang hoạt động cũng đã đăng ký chuyển đổi công năng để tham gia công tác điều trị côvid của thành phố.
Chưa bao giờ tôi thấy bệnh nhân nhiều đến thế. Khu nào, lầu nào cũng đầy kín bệnh nhân. Họ nằm đó với những cơn ho khô cộc, oằn mình không thở được. Họ nằm đó như bất động, chỉ còn thấy dòng máu lưu động qua dây ống của máy trợ thở ECMO. Họ đến đây vì là F0, nhưng họ là anh em đồng bào của tôi, là láng giềng của tôi, là bạn bè, là người thân yêu trong gia đình tôi.
Chưa bao giờ tôi thấy những con đường triền miên say ngủ, vắng bóng người qua lại…, những dãy phố đóng cửa im lìm, khắp nơi người người giãn cách, nhà nhà giãn cách… , lượng người đi cách ly tập trung rất đông, người trở về chỉ là tro cốt cũng không ít. Sàigòn quê tôi hôm nay nước mắt nhiều hơn tiếng cười.
Và cũng chưa bao giờ, chưa bao giờ tôi thấy giữa trận cuồng phong Covid 19 kinh hoàng này, nghĩa tình đồng bào Việt Nam tôi lại cuồn cuộn dâng cao, dồn dập tràn bờ như những con sóng bạc đầu, đổ đầy lòng người Sài gòn đang quay quắt khổ đau, sự cảm thông, sẻ chia thật nồng ấm.
Nghĩa tình đồng bào đó thể hiện sống động cụ thể qua những chi viện y tế đến từ nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An… và nhiều bệnh viện khác trong Sàigòn. Từng đoàn ngũ các bác sĩ tài năng, các điều dưỡng, các kỹ thuật viên, các sinh viên ngành y, các linh mục, tu sĩ Công giáo và các chức sắc tôn giáo khác, tự nguyện lên đường, chia tay người thân, không sợ đối mặt với những rủi ro của bản thân, sẵn sàng lao mình vào cuộc chiến chống dịch, với quyết tâm mau đổi màu đỏ của tâm dịch Sài gòn thành màu xanh của sự sống.
Nghĩa tình đồng bào đó được chất đầy trên những chuyến xe rau củ quả, những mặt hàng cứu trợ từ khắp nơi chở về để chia sẻ với người Sài Gòn; những bếp cơm từ thiện, những phần ăn phát xuất từ các vị hảo tâm, được chuyển đến tận tay những người trong vùng cách ly, đến các bệnh nhân và các y bác sĩ đang phục vụ miệt mài tại tuyến đầu; những cây ATM gạo, cây ATM oxy miễn phí, những bọc thuốc điều trị Covid, những túi an sinh xã hội, những xe cấp cứu miễn phí, những siêu thị ‘không đồng’…
Khi chỉ thị “Ai ở đâu, ở yên đó” được ban hành, nghĩa tình dân Việt lại ngập tràn qua những mô hình “đi chợ giúp dân”, với sự tham gia của các lực lượng tình nguyện tại địa phương, nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu đến với người dân. Hoặc nhiều địa chỉ được giới thiệu để mọi người dễ dàng liên hệ xin hỗ trợ trong lúc túng quẫn. Đẹp biết bao nghĩa tình dân Việt!
Sau 2 tuần phục vụ thiện nguyện tại bệnh viện Hồi sức Côvid 19 – Thủ Đức, chưa bao giờ tôi thấy vẻ đẹp của Y ĐỨC lại chan hòa bên trong bệnh viện như lúc này. Ai ngờ được, tại nơi chẳng ai muốn đến, nơi mang ấn tượng sợ hãi lây nhiễm trong lòng nhiều người, nơi cần áp dụng luật giãn cách thể lý nghiêm nhặt nhất, nơi các bệnh nhân cô đơn vắng bóng người thân, lại là nơi không còn khoảng cách trong tình thương. Không còn khoảng cách giữa bác sĩ và nhân viên, cũng chẳng còn khoảng cách về tôn giáo, về trình độ chuyên môn hay vùng miền… Tất cả đều như nhau trong bộ áo bảo hộ trắng xóa, kín mít, chỉ phân biệt bởi cái tên được viết thật lớn trên lưng hay trước ngực. Tất cả đều là “người nhà” của nhau, là “người nhà” của các bệnh nhân đang điều trị. Tình cảm mọi người dành cho nhau thật chân thành và cảm động, sẵn sàng chia sẻ cho nhau từ đồ ăn, đồ dùng đến kinh nghiệm, sự tận tình giúp đỡ… Tất cả góp chung trái tim để yêu thương góp chung bàn tay để đẩy lùi đại dịch Covid, đưa dân mình trở về cuộc sống an bình.
Ước mong đại dịch Côvid mau biến mất khỏi Sàigòn và mọi miền trên Đất nước thân yêu. Ước mong nghĩa tình dân tộc mình vẫn mãi tỏa sáng, thắm đẹp và lưu truyền đến muôn năm, vì “Ở đâu có yêu thương, nơi đó có Thiên Chúa hiện diện.”
Trinh Vương thiện nguyện (TGPSG)