NIỀM TIN GIỮA RỪNG MẮM
Đều đặn, cứ sau Thánh lễ sáng Chúa nhật, sẽ có một chuyến đò dọc xuất phát từ Nhà thờ Kênh Nước Lên đi Giáo điểm Cồn Cát. Cồn Cát là một trong 10 khu của Giáo xứ, có khoảng 20 hộ gia đình, chừng bốn năm chục dân. Vì địa hình trắc trở, xa xôi, giáo dân gặp khó khăn trong việc đi lễ Chúa nhật nên Giáo điểm đã được thành lập để những sinh hoạt tôn giáo được thuận tiện hơn.
Chúa nhật Lễ Lá và Chúa nhật Phục Sinh, chị em chúng tôi được cùng Cha sở Anrê Nguyễn Bạch Long Vương (K9-Cần Thơ) và Thầy Phêrô Ngô Trung Hiếu (K20-Cần Thơ) đi Giáo điểm Cồn Cát, hành trình khoảng 30 cây số đường thủy.
Chúng tôi lênh đênh trên sông nước, đồng hành cùng chúng tôi là tiếng máy ghe chát chúa át cả tiếng nói chuyện. Ngồi đò 45-50 phút, tôi chỉ biết nhìn cây mọc ở hai bên bờ và phân biệt đâu là mắm đâu là đước rồi thử đếm chúng, đếm cho vui chứ đâu để làm gì, rồi tôi thiếp đi trong buồn tẻ. Chả buồn đếm nữa, đếm gì xuể, xung quanh toàn là mắm với đước, bao nhiêu đời của nó đã ở đấy, xa xa mới có vài căn nhà, họ ở theo vuông của họ. Đến lúc này tôi mới hiểu được những gì Cha Piô Ngô Phúc Hậu đã viết trong Nhật ký truyền giáo của ngài tại vùng này, đúng thật! toàn là mắm.
Ngồi trên đò, tôi cứ thấy Thầy hết rẽ trái rồi rẽ phải, có lúc chạy giữa khơi và chân trời trước mắt là hàng mắm bé xíu rồi cũng to dần lên… lúc về Cha sở hỏi “nhớ đường đi chưa”, làm sao có thể nhớ kịp chứ. Tôi hỏi thăm Thầy thì biết được “phải mất mấy tháng con mới nhớ đường”. Thầy còn kể “có ngày gió nhiều, sóng lớn (vì đi đường cửa biển) kềm máy rất vất vả, nhiều khi còn sợ lật xuồng”… thế mới thấy công việc truyền giáo (nhất là nơi vùng này) không đơn giản, cũng không mấy an toàn. Trước kia khi chưa có Giáo điểm, bà con giáo dân ở Cồn Cát cũng đã vượt chặng đường dài như thế để đến Nhà thờ Giáo xứ tham dự Thánh lễ cũng như các hoạt động khác của Giáo xứ. Bây giờ, có Giáo điểm rồi, Cha và Thầy sẽ “lướt sóng” đến với mọi người mang theo tình yêu người mục tử và nhiệt huyết của người tông đồ.
Mặc dù đã được nghe kể, các dì đến giúp dịp lễ Giáng Sinh cũng có chia sẻ, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được đến Giáo điểm Cồn Cát này. Gặp gỡ mọi người, tham dự thánh lễ và cũng để thấu hiểu được sự khó khăn, trắc trở về địa hình của những anh chị em giáo dân ở đây. Mọi di chuyển chỉ có thể dùng ghe xuồng mà thôi, nắng mưa giông tố gì cũng đành chịu, các em đi học rất xa, bất tiện đủ thứ, hầu như ở trọ, có những gia đình họ hàng nên họ “cử” một mẹ nào đó đến ở cùng và lo phần cơm nước cho các em.
Lễ vào lúc 3g chiều, nhưng chưa 2g đã có người đến, họ dọn lễ, xếp ghế, xem bài đọc, ôn hát, hàn huyên, thăm hỏi…
Tôi nhìn những chiếc xuồng từ từ cập bến, rồi từng người lom khom “bò” lên bờ mà thấy thương gì đâu! Để lên được bờ, họ phải bước sang những chiếc đò lắc lư đang đậu đấy nhưng họ rất chuyên nghiệp, không loạng choạng như chúng tôi đâu…
Những dịp đến Giáo điểm thế này, Cha sở tranh thủ thời gian gặp gỡ mọi người, khích lệ tinh thần và giải quyết các vấn đề cần thiết, còn Thầy thì chăn mấy chú nhóc học đàn “từng tứng tưng” với hy vọng con mau biết đàn cho Giáo điểm nhờ.
Sau khi Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về trong bình an của Chúa. Tất cả lần lượt “bò” xuống đò và từng chiếc một từ từ rời bến, duy chỉ có gia đình ông Chủ tịch là ở tại đó tiện cho việc coi sóc Giáo điểm. Chúng tôi cũng về “nhà mình” như mọi người, lúc này ông mặt trời đã đổ bóng dài trên mặt nước, chắc ông cũng đang “về nhà”.
Năm nay, Giáo điểm Cồn Cát chưa thể cử hành nghi thức Tam Nhật Vượt Qua, chỉ có Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh và Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh vào các ngày Chúa Nhật như thường lệ. Hy vọng những nghi thức long trọng của Phụng vụ sẽ sớm được cử hành tại đây.
Cầu chúc cho niềm tin của mọi người – niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh luôn rực sáng giữa rừng mắm này. Alleluia.
Quý Thư – Quỳnh An