Niềm Vui Và Thập Giá Nơi Người Kitô Hữu | Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Tro (Mt 9:14-15)

NIỀM VUI VÀ THẬP GIÁ NƠI NGƯỜI KITÔ HỮU

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?”

—/—

Đối với người Do Thái, bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba việc quan trọng phải tuân giữ trong đời sống tôn giáo. Vì thế, khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ dùng bữa trong nhà của Matthêu cùng với nhiều người thu thuế (x. Mt 9: 9-15), thì các môn đệ của Gioan đã thắc mắc: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9: 14). Chúa Giêsu liền trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9: 15). Đây là câu trả lời mang nhiều ý nghĩa. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh chàng rể để nói về Ngài, còn khách dự tiệc cưới là những người theo Ngài. Nghĩa là, khi theo Chúa thì được sống trong niềm vui với Chúa và với nhau vì có Chúa hiện diện. Chỉ khi chàng rể bị đem đi, tức là khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, thì các môn đệ mới giữ chay, nghĩa là giữ tâm hồn cho thanh sạch để xứng đáng đón Chúa trở lại. Đó là ý nghĩa câu trả lời của Chúa Giêsu.

Qua đó, Chúa Giêsu cũng mạc khải cho người Kitô hữu một xác quyết rằng: Con đường của người Kitô hữu đem lại niềm vui vì có Chúa đồng hành, nhưng cũng là con đường đầy gian nan và đau khổ. Tuy vậy, niềm vui ấy không thể nào mất được, nếu chúng ta luôn ở cùng Chúa và để Chúa hiện diện trong tâm hồn, nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng đương đầu với những thử thách và đau khổ. Vì thế, câu trả lời của Chúa Giêsu, cũng là câu hỏi mà Ngài đặt ra với mỗi người chúng ta: “Con đã sẵn sàng đón nhận cả niềm vui lẫn thập giá chưa?”.

Chúa Giêsu luôn sẵn sàng cho cả hai: niềm vui và thập giá. Ngài biết trước đau khổ và thập giá đang đợi Ngài ở cuối con đường. Nhưng Ngài vẫn can đảm bước tiếp trên con đường đó với niềm vui với các môn đệ mỗi ngày, niềm vui với những người bất hạnh và tội lỗi xung quanh; còn khi gặp những chống đối, sỉ nhục, Ngài chạy đến cùng Chúa Cha để trò chuyện và xin ơn sức mạnh. Còn chúng ta thì sao?

Đứng trước một tình yêu mới, một chức vụ mới, một căn nhà mới, một thành công mới… chúng ta đón nhận rất dễ dàng. Nhưng khi đối diện với những mâu thuẫn, thất bại, khó khăn, chúng ta lại không can đảm đón nhận.

Đối với các bạn trẻ hiện nay, đời sống hôn nhân là một thách đố lớn lao. Khi chưa cưới nhau, các bạn yêu nhau và sống niềm vui rất nồng thắm, với nhiều hứa hẹn, chịu đựng và đón nhận. Nhưng khi cưới nhau về thì người bạn đời trở thành gánh nặng và là “thập giá” cho nhau: sự nồng thắm ban đầu mất đi rất nhanh; những hứa hẹn chỉ còn là quá khứ; sự chịu đựng và cảm thông không còn; cuối cùng là không thể đón nhận nhau được và đi đến chỗ ly dị. Theo số liệu thống kê năm 2022 cho thấy, số vụ ly dị ở Việt Nam hiện đang ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương với 0.75 vụ/1000 dân. Tỷ lệ ly dị so với kết hôn là 25%, có nghĩa là, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra toà ly dị. Lý do li dị chỉ là những mâu thuẫn không thể chấp nhận nhau được.

Quả vậy, theo tâm lý, chúng ta dễ dàng đón nhận niềm vui, nhưng nỗi buồn thì không muốn, cũng không cam lòng để đón nhận. Hành trình của người Kitô hữu luôn gắn liền với niềm vui và thập giá mỗi ngày. Để đón nhận và sống được với những đau khổ và bất hạnh, thì ngay từ lúc đầu, chúng ta phải sống niềm vui có Chúa hiện diện, niềm vui phó thác và niềm vui trong tình liên đới với nhau.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống niềm vui vì có Chúa hiện diện; xin cho con can đảm đón nhận đau khổ cùng với Ngài. Để nhờ đó, chúng con hoàn tất hành trình đời Kitô hữu khi biết đón nhận niềm vui và thập giá mỗi ngày. Amen.

Cao Nhất Huy