GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
SAO LẠI KỲ THỊ NGƯỜI TU XUẤT?
Cao Gia An, SJ
Câu hỏi: Tại sao nhiều người lại kỳ thị những người đi tu mà bỏ về? Xuất tu có mang tội gì không?
Trả lời:
“Nhất quỷ nhì ma, thứ ba tu xuất”. Chắc bạn đã từng nghe câu mỉa mai này phải không? Bạn có cho rằng câu nói ấy đúng không? Bạn có thấy có điều gì đó sai sai khi người ta so sánh những người tu xuất với quỷ với ma không?
Trong văn hoá Việt Nam, có nhiều thành kiến và kỳ thị dành cho người tu xuất. Người ta giả định rằng: kẻ tu xuất, dù là tự ý bỏ về hoặc bị trục xuất khỏi nhà tu, đương nhiên phải làm gì đó rất sai thì mới bị đẩy về cuộc sống thường ngày. Người ta xem đi tu mà bỏ về là một thất bại. Nhiều người, nhất là thân nhân của người bỏ tu, còn xem đó là điều xấu hổ làm mất mặt mũi và thể diện của gia đình và dòng họ. Người đi tu mà bỏ về thường phải chịu nhiều áp lực và rất khó sống trước những lời ra tiếng vào và kỳ thị.
Trước hết, có lẽ cần nhận ra nghịch lý này: sự kỳ thị dành cho những người đi tu bỏ về có thể xuất phát từ chính sự trân trọng dành cho đời tu và lòng yêu mến dành cho những người đi tu. Trân trọng và kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn. Khi những mong đợi người ta đặt vào một người đi tu đã không thành, họ đổi trọng thành khinh, đổi thương thành ghét. Nặng hơn, có người còn gọi những người tu xuất là những kẻ phản bội. Có người còn rủa: đã ăn cơm nhà Chúa Trời mà còn quay đầu vương vấn thế gian, trước sau gì cũng bị phạt.
Quan trọng hơn, cũng cần nhận ra rằng hầu hết những kỳ thị và lời ra tiếng vào dành cho những người bỏ tu đi về đều đến từ những “người đời”, những người chưa bao giờ có kinh nghiệm thật sự về đời tu. Họ chưa bao giờ bước chân vào sống đời tu trì, chưa bao giờ thật sự hiểu được con đường đi tu là như thế nào. Họ chỉ có trong đầu mình những khuôn mẫu đẹp về đời tu. Họ chỉ có những mong đợi và lý tưởng. Khi thấy có những trường hợp đi ngược với mong đợi và lý tưởng của mình, họ sẵn sàng ném đá và khinh chê. Nhưng thực tế họ lại chưa bao giờ có một kinh nghiệm đủ thực để có thể thông cảm với những khó khăn thử thách, những dằn co nội tâm, những cô đơn và cám dỗ mà đời tu phải đối diện. Họ thường lập luận kiểu duy lý và ảo tưởng thế này: đi tu, có Chúa rồi, còn khó khăn gì nữa chứ!
Dù sao đi nữa, chúng ta phải nhận ra rằng đã là kỳ thị thì không bao giờ là đúng, dù đó là bất cứ loại kỳ thị nào. Bất cứ kỳ thị nào cũng xuất phát từ thành kiến. Không có một thành kiến nào là quân bình cả. Mặc cảm tội lỗi đè nặng trên những người xuất tu, phần lớn đến từ áp lực của lời ra tiếng vào và những kỳ thị như thế. Rất nhiều trường hợp những người bỏ về từ đời tu khó làm lại cuộc đời cũng chính vì những kỳ thị như thế.
Tại sao một người đi tu lại bỏ về? Có thể có nhiều nguyên nhân lắm.
Có thể có những nguyên nhân đến ngay từ khởi đầu. Không phải người nào cũng thích đi tu ngay từ những ngày đầu bước chân vào nhà Chúa. Có những người quyết định bước vào đời tu khi còn chưa đủ trưởng thành và không đủ tự do. Có khi người ta chọn đời tu chỉ đơn giản vì đứng từ bên ngoài nhìn vào, thấy đời tu lung linh và hấp dẫn quá; tới khi dấn thân nhập cuộc họ mới bị vỡ mộng và nhận ra thực tế đời tu không đẹp như mình tưởng. Có những người đi tu không phải vì chính họ lựa chọn; họ đi tu để làm ông bà bố mẹ vui lòng. Có những người thấy mình không đủ khôn ngoan và không đủ mạnh mẽ để đấu vật với cuộc đời; họ chọn đời tu như một lối thoát hay một chốn ẩn thân, vì nghĩ rằng đi tu đỡ vất vả, không phải bon chen tranh giành, không phải lo, không phải khổ. Còn nữa, không phải không có những người khởi đầu đời tu với tham vọng được làm ông này bà kia, làm cho bố mẹ và dòng họ nở mày nở mặt với mọi người… Tất cả những nguyên nhân ấy đều là những động cơ sai lầm. Mang những động cơ sai lầm, người ta bước vào đời tu với mục đích tìm mình chứ không phải tìm Chúa. Họ nhìn đời tu với cặp mắt vụ lợi và thế tục chứ không đủ thiêng liêng. Với động cơ và lối nhìn như thế, rất khó một ai có thể vượt qua được những thử thách và tôi luyện của đời tu.
Có thể có những nguyên nhân xuất hiện trong hành trình đời tu. Con người không phải là một thực thể cứng nhắc. Ai cũng có thể thay đổi với thời gian. Có những thay đổi đáng mừng nhưng cũng có những đổi thay rất đáng tiếc. Có thể có những người khởi đầu đời tu với động cơ không tinh tuyền, nhưng trong hành trình huấn luyện của đời tu họ được hoán cải. Họ để cho mình được dạy dỗ và thay đổi. Họ biết nội tâm hoá những giá trị thiêng liêng và cao đẹp của đời tu. Họ cộng tác với Chúa từng ngày để trở nên người tu sĩ tốt. Nhưng ngược lại, cũng có trường hợp có những người khởi đầu đời tu rất tốt, rất nhiệt thành, đầy nỗ lực và cố gắng. Cho đến khi đặt chân vào đời tu rồi, họ không chịu cố gắng nữa. Họ nghĩ rằng mình đã đạt được mục đích. Họ trở nên lười lĩnh và chểnh mảng. Ngọn lửa nhiệt tâm trong họ dần cạn vơi và tắt ngúm. Đời tu trở nên vô vị và mất ý nghĩa. Vậy là họ hỏng.
Thường thường, người ta hay nghĩ rằng nhiều người bỏ tu là vì lý do tình cảm. Tu mà còn động lòng trần nên bị ma quỷ cám dỗ. Họ kết tội luôn cả người dính dáng tình cảm với những người tu xuất, gọi đó là ma quỷ cám dỗ làm hỏng đời của người đã đi tu. Bên cạnh đó, không ít người suy nghĩ theo kiểu đổ thừa, cho rằng người đi tu bị cho về là do lỗi của nhà Dòng. Bề Trên khó tính, thử thách người ta quá đáng. Anh chị em đồng môn hiểu lầm và không thông cảm. Môi trường công việc quá khắc nghiệt, vân vân và vân vân… Thật ra, ít có ai rời bỏ đời tu chỉ vì một nguyên nhân nhất thời và duy nhất. Nếu việc rời bỏ đời tu được xem là một đổ vỡ, đổ vỡ nào cũng bắt nguồn từ nhiều rạn nứt nho nhỏ. Trước khi nói đến những nguyên nhân bên ngoài như cám dỗ tình cảm, những đụng chạm trong đời sống cộng đoàn, hay những lôi cuốn và hấp dẫn bên ngoài, cần lưu ý đến nguyên nhân bên trong là những chuyển biến nội tâm như an ủi và sầu khổ, xác tín và nghi ngờ, yêu mến và chán nản trong chính tâm hồn của người đi tu. Mỗi con người là một thế giới phức tạp và mầu nhiệm. Nếu chỉ nhìn bằng cái nhìn giản lược và thành kiến thay vì tìm hiểu và cảm thông, rất dễ để kết án người ta cách hà khắc và sai lầm.
Thái độ của những người bỏ tu đi về cũng rất khác nhau. Có những người đau khổ, thất vọng, và cần rất nhiều thời gian để vượt qua. Họ nhìn nhận việc không thể tiếp tục hành trình đời tu như một thất bại. Họ thu mình và xa lánh ánh mắt của mọi người… Nhưng cũng có những người thật sự tìm thấy hạnh phúc và bình an với cuộc chuyển hướng của đời mình. Sau một thời gian tìm hiểu đời tu, có những người được huấn luyện để đủ trưởng thành và nhận ra rằng con đường này không dành cho mình. Mình không thích hợp, hoặc mình không đủ khả năng để bước theo. Những trường hợp “bỏ về” theo kiểu này là những người đáng được trân trọng. Họ đủ can đảm để sống rõ ràng trong lựa chọn của mình. Họ chấp nhận ra đời và đường đường chính chính làm lại cuộc đời, thay vì chọn sống kiểu chân trong chân ngoài, thay vì che đậy lấp liếm để sống cho qua ngày, thay vì chấp nhận vật vờ cố bám vào đời tu để tránh khỏi bị miệng đời thị phi và kỳ thị. Họ nhận ra rằng nếu đã không hạnh phúc mà vẫn tiếp tục sống đời tu cách lây lất, hoặc sống hai mặt theo kiểu ngoài danh nghĩa vẫn là một người đi tu nhưng trong thực chất lại phản bội lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, đó mới là tội đáng sợ. Họ trung thành với lòng mình, can đảm tìm một con đường khác để có thể sống triển nở và hạnh phúc cuộc đời duy nhất của mình. Những người đó không có tội. Chỉ những người xét đoán kỳ thị và bất bao dung với những người tu xuất thì mới là có tội.
Dù sao đi nữa, phải thừa nhận rằng có những cuộc bỏ về là những thất bại thật sự. Trong thực tế, có những người đã khấn trọn đời rồi mà vẫn rời bỏ đời tu. Thậm chí, có những người đã chịu chức rồi, nhưng sau lại chọn con đường hoàn tục. Bởi vì con đường theo Chúa để sống cuộc đời hiến dâng phục vụ chưa bao giờ là một con đường dễ dàng. Có thể có những người chưa đủ trưởng thành và tự do ngay cả trong giây phút họ bước lên bàn thánh, bước vào việc tuyên khấn. Có những mảnh vỡ, những mảng tối, những thương tổn và uẩn khúc trong tâm hồn họ. Chỉ có Chúa mới biết. Chỉ có Chúa mới là Đấng tuyệt đối có quyền phán xét họ. Người nào tự cho mình quyền xét đoán và kỳ thị, người đó sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa.
Đời tu là một ơn gọi quý giá, nghĩa là một quà tặng mầu nhiệm đến từ Thiên Chúa. Không phải cứ gồng mình lên thì con người sẽ đi tu được và đi tu tốt. Những kẻ được gọi thì nhiều, nhưng những người được chọn thì ít. Đường tu trì là một con đường gập ghềnh. Vì thế, cả những người được xem là “thành công” hay những trường hợp bị coi là “thất bại” đều cần đến lời cầu nguyện, sự yêu thương và nâng đỡ của mọi người.
W.HĐGMVN
HL.MĐ
Xem thêm:
Bài 1: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)