- Thứ hai sau Chúa nhật 31 thường niên
TIN MỪNG: Lc 14,12-14
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
SUY NIỆM:
Có lẽ chúng ta đã nghe, hoặc đã chứng kiến rất nhiều nhà hảo tâm, cũng có khi là những linh mục, hoặc nhà dòng mở một quán cơm mang tên là quán cơm 2000, quán cơm 5000; chỉ cần 2000, 5000 thôi, là có một bữa cơm trưa ấm bụng. Rất nhiều người nghèo, tàn tật, bán vé số, trẻ em mồ côi… đều được phục vụ. Chắc chắn, khi mở quán như thế, nhiều người cho rằng những người chủ này có vẻ bất thường, vì nếu dùng đồng tiền đó vào những chuyện kinh doanh, buôn bán thì có lẽ tốt hơn!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xem ra cũng có vẻ bất thường khi nói với ông thủ lãnh Pharisêu: Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật. Không chỉ có lần này mà thôi, nhưng lật từng trang Thánh Kinh, chúng ta bắt gặp rất nhiều lần như vậy: Bản Hiến Chương Nước Trời với những điều nghịch lý: Phúc cho người nghèo, khóc lóc, đói khát, bắt bớ, tù đày… hay là ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sự sống đời đời; hoặc là ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ mọi người… v.v.
Tại sao Chúa Giêsu lại có cái nhìn như thế? Thưa, vì Ngài có một cái nhìn siêu nhiên, tức là cái nhìn hướng thượng, cái nhìn cứu chuộc.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như thế để được cứu chuộc, bởi lẽ khi chúng ta hành động vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù…, ở đời này, họ không có gì để trả ơn cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ là Đấng thay họ chúc lành gấp trăm lần cho chúng ta ở đời này và đời sau.
Câu chuyện kể về một cậu bé đang đói lả, đến nỗi phải ăn cắp ổ bánh mì, và kết quả là cậu bị ông chủ bánh mì đánh đập, chửi bới. Thấy vậy, ông chủ quán phở kế bên trả tiền cho cậu và cho cậu thêm một tô phở mang về. Sau này, ông chủ quán phở bệnh nặng, phải nhập viện, và không thể trả tiền viện phí được. Điều ngạc nhiên là, cô ý tá mang hóa đơn đã thanh toán viện phí, kèm theo dòng chữ: Viện phí của ông đã được thanh toán cách đây 20 năm, bằng một ổ bánh mì và một tô phở.
Lạy Chúa, cũng như cách sống của ông chủ quán phở, đôi lúc trong đời sống Kitô hữu, nhiều người sẽ khinh chê, bỉu môi, nói móc nói méo, đôi lúc làm cho chúng con dễ nản lòng buông xuôi, … nhưng chúng con luôn tin tưởng vào Chúa, luôn can đảm dám lội ngược dòng để sống với cốt lõi của Tin Mừng, vì chúng con tin rằng cuộc sống mai hậu, chúng con sẽ xuôi dòng tiến về Quê Trời. Amen.
- Thứ ba sau Chúa nhật 31 thường niên
TIN MỪNG: Lc 14, 15 – 24
Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su rằng : “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa !” Người đáp : “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng : ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói : ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói : ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây ; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói : ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’
“Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng : ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ Đầy tớ nói : ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ Ông chủ bảo người đầy tớ : ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết : Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi’.”
SUY NIỆM:
Có thể nói, cuộc đời mỗi người chúng ta cũng là một câu chuyện, mà nếu là câu chuyện, thì điều quan trọng không phải ngắn hay dài, mà là hay hay dở! Diễn tiến thế nào và kết thúc ra sao? Vậy thì, câu chuyện cuộc đời Kitô hữu thì sao thưa cộng đoàn? Chưa thể nói về diễn tiến, nhưng cái kết mà Kitô hữu chúng ta hướng tới phải là cái kết đẹp: đó là hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Lắng nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể kể ra ba loại thực khách: thứ nhất là những thực khách đã từ chối bữa tiệc. Thứ hai là những thực khách đến dự tiệc mà không mặc trang phục lễ cưới. Kết quả là họ bị đuổi ra bên ngoài. Và thứ ba là những thực khách đến dự tiệc với trang phục lễ cưới chỉnh tề. Thật vậy, ba loại thực khách này, thì tương ứng trong đời sống đức tin, cũng có ba loại Kitô hữu:
Thứ nhất là những Kitô hữu trên danh nghĩa, Kitô hữu trên giấy rửa tội. Họ là những thực khách đã từ chối bữa tiệc. Dù đã được Rửa tội, nhưng họ đã chối bỏ đức tin, hoặc đã không còn sống đức tin. Dĩ nhiên, họ không còn quan tâm đến việc sống giới luật mến Chúa – yêu người. Mối quan tâm của họ là cuộc sống đời này, chỉ chăm lo cuộc sống kim tiền: tìm kiếm vật chất, hưởng thụ, danh vọng mà thôi.
Thứ hai là những Kitô hữu lưng lửng. Họ tương ứng với những thực khách đến dự tiệc mà không mặc trang phục lễ cưới. Họ vẫn nhớ giới răn mến Chúa – yêu người, nhưng chỉ thi hành cách tương đối mà thôi. Mến Chúa: họ vẫn đọc kinh, vẫn dự lễ, nhưng theo kiểu “xác con đây chứ hồn con đâu”. Yêu người: vẫn yêu, nhưng lại yêu có chọn lựa, có điều kiện, yêu những người thân thuộc, yêu những người có thể mang lại lợi ích cho mình. Những Kitô hữu lưng lửng này có biểu hiện: thích ăn chơi, nhậu nhuẹt, chè chén say xưa; vẫn tin vào những chuyện mê tín dị đoan; hoặc những chân lý nửa vời, không màng chi đến chuyện đạo đức, lễ lạy; dễ bỏ qua những việc bác ái, đạo đức thường ngày, sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự.
Và thứ ba là những Kitô hữu đích thực. Họ là những thực khách đến dự tiệc với trang phục lễ cưới chỉnh tề. Họ luôn cố gắng sống mến Chúa – yêu người với hết khả năng. Cụ thể, họ tích cực nơi nhà thờ, sốt sắng trong các giờ kinh buổi lễ, đời sống của họ luôn lan tỏa sự bình an và niềm vui cho bạn bè, cho đồng nghiệp và cho những người chung quanh.
Lạy Chúa, câu chuyện cuộc đời của chúng con luôn tiếp diễn với Thánh Thể dâng tiến trên bàn thờ mỗi ngày. Thánh Thể, chính là Thần lương bổ sức, để chúng con viết tiếp những chương còn lại, sẽ là những chương được viết bởi lòng mến Chúa và tình thương người, hướng về cái kết viên mãn là hạnh phúc Thiên Đàng. Amen.
- Thứ tư sau Chúa nhật 31 thường niên
TIN MỪNG: Lc 14, 25 – 33
Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ :
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không ? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo : ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
SUY NIỆM:
Có thể nói, cuộc đời con người là một chuỗi ngày chia ly, rời bỏ. Một bào thai sau 9 tháng 10 ngày phải từ bỏ chỗ an toàn nơi dạ mẹ, để bước vào đời. Một em bé 3, 4 tuổi phải từ bỏ việc bám theo mẹ, theo cha để vào trường học. Một học sinh sau 12 năm lưu luyến trên ghế nhà trường, với bao dòng lưu bút ngày xanh để lại, phải rời bỏ để bước vào cánh cổng đại học… Còn trong đời sống đức tin của chúng ta thì sao? Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta, trước hết là phải TỪ BỎ CHÍNH MÌNH; sau đó là VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY; và cuối cùng, mới BƯỚC THEO THẦY GIÊSU được. Như vậy, để theo Chúa, thì phải khởi đầu bằng việc “từ bỏ”.
Chúa Giêsu là mẫu gương từ bỏ cho chúng ta noi theo. Ai trong chúng ta có đọc Kinh Phụng vụ, chúng ta sẽ đọc trong thánh ca Philípphê, còn gọi là mầu nhiệm Kenosis hay mầu nhiệm tự hủy: Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Thật vậy, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha một cách triệt để bằng việc từ bỏ chính mình.
Vậy, chúng ta cũng phải biết từ bỏ chính mình. Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng: Dù có ra khỏi nhà, đi phương xa vạn dặm mà cứ mang theo tất cả tật xấu, cả con người cũ, thì có khác gì ở nhà đâu? Thật vậy, chúng ta được mời gọi ra khỏi nhà, ra khỏi công việc để đến với nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, dâng Thánh lễ. Nếu chỉ đơn giản vậy thôi, thì chắc chắn Thiên Đàng sẽ chật hết chỗ, vì hầu như ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên trong lời mời gọi là ra đi, ra đi đã là khó, nhưng khó hơn vẫn là bỏ lại các tật xấu và con người cũ, để trở nên con người mới. Chúng ta “ra đi”, đến với lời kinh, cầu nguyện, Thánh lễ, nhưng còn mang theo lòng thù hận, đố kỵ, ghen ghét, giận hờn, nói hành nói xấu, so bì, hơn thua… thì cuộc “ra đi” đó trở nên vô ích và không sinh hoa kết trái.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta, từng ngày theo Chúa phải cố gắng từ bỏ và vác thập giá mình. Chính vì thế, chúng ta luôn phải ưu tiên chọn Chúa và yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Có tình yêu Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, thì mọi thập giá trong đời sẽ trở thành thánh giá. Từ bỏ để có thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân. Lời hát Cho con đến với Ngài nhắc nhở chúng ta: Vì con chưa yêu Ngài nên thập giá còn nặng vai, vì con chưa mến Ngài nên đời còn lắm chông gai.
Lạy chúa, xin cho chúng con được lòng mến yêu Chúa, và xin cho chúng con luôn chọn Chúa làm đỡ nâng đời chúng con. Amen.
- Thứ năm sau Chúa nhật 31 thường niên
Tin Mừng Luca 15, 1-10
Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
SUY NIỆM
Câu chuyện kể về một ông lão đang bước đi trên bãi biển vào buổi ban mai. Ông cúi mình xuống, nhặt những con sao biển và ném chúng trở về với đại dương. Một thanh niên thấy vậy liền hỏi: Này ông lão, ông đang làm gì thế? Ông lão liền nói: Những con sao biển này sẽ chết, vì thiếu nước khi mặt trời lên cao. Vì thế, ta ném chúng về biển để chúng có thể sống được. Chàng trai trẻ liền thốt ra những lời mỉa mai: Có hàng triệu con sao biển, trên bờ biển dài hàng cây số thế này, thì việc làm của ông có ý nghĩa gì chứ. Ông lão nhìn con sao biển trên tay, và sau đó ném nó trở về an toàn bên những con sóng. Ông liền nói: Nó có ý nghĩa đối với một sinh vật nhỏ này.
Ông lão đã tỏ lòng thương xót ngay cả đối với một sinh vật bé nhỏ. Đối với chúng ta cũng vậy, cho dù chỉ là cầu nguyện tỏ lòng thương xót; hay nói một lời xót thương; hoặc là một công việc chạnh lòng thương nào đó với anh chị em của mình; cho dù là nhỏ bé, cho dù là ít ỏi, nhưng đó là chúng ta đang diễn tả dung mạo của Đấng chạnh lòng thương xót.
Tin Mừng theo Thánh Luca chương 15, nổi tiếng với 3 dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót: Dụ ngôn con chiên bị mất; Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất và dụ ngôn người cha nhân hậu. Mỗi người chúng ta hãy nhận ra được Lòng Thương xót của Thiên Chúa dành cho chính cuộc đời của chúng ta, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải là chứng nhân của đời sống chạnh lòng thương xót đối với mọi người, đặc biệt với chính những người đau khổ bệnh tật, cũng như những người thân trong gia đình, những người đang sống bên cạnh chúng ta: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Amen.
- Thứ sáu sau Chúa nhật 31 thường niên
TIN MỪNG: Lc 16, 1-8
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo : ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa !’ Người quản gia liền nghĩ bụng : ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !’
“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’
“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”
SUY NIỆM:
Ông chủ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể đã khen người quản lý đã hành động khôn khéo. Vậy thì, đâu là điểm khôn khéo của anh ta? Để hiểu được, chúng ta cần biết về vai trò của người quản lý trong xã hội Do thái lúc bấy giờ. Thứ nhất, người quản lý là người có thế lực. Anh thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó, anh có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý, miễn sao có lợi cho chủ thì thôi. Thứ hai, người quản lý là người không có lương, nên anh thường tìm thu nhập bằng cách kê thêm số của đã cho vay. Ví dụ như, theo quy định của ông chủ, cho vay 10 đồng thì lãi 2 đồng, anh có quyền quy định lãi 5 đồng. Khi nộp cho chủ, anh nộp 12 đồng, còn 3 đồng anh diếm lại giữ cho mình. Qua hành động khôn khéo của anh quản lý này, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: Tôi hiện đang làm chủ, hay làm đầy tớ cho đồng tiền?
Chúng ta sẽ là chủ của đồng tiền, nếu chúng ta dám chia sẻ số tiền mình đang có cho những người túng thiếu hơn mình; dám cho những người sa cơ thất thế vay mượn, không ki bo giữ cho riêng mình; dám lập tức trả lại khi phát hiện ra đồng tiền mình đang chiếm giữ không phải là của mình. Nhất là khi bị mất cắp, chúng ta sẽ không quá đau buồn như kẻ mất hồn, đến nỗi chẳng còn thiết tha làm bất cứ việc gì khác!
Có khi nào chúng ta sẽ là đầy tớ của đồng tiền không? Đầy tớ, khi chúng ta năng nghĩ đến nó, thích mang tiền ra ngắm, đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Đầy tớ, khi hay đề cập đến tiền bạc trong mọi câu chuyện, và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; đầy tớ, khi có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn mọi thứ có giá trị khác; đầy tớ, khi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, dù vi phạm luật luân lý, hoặc bất công, hoặc bất nghĩa… miễn làm sao có nhiều tiền cho đầy túi là được.
Lời Chúa ngày hôm nay, nhắc nhở chúng ta, hãy là những nhà quản lý khôn ngoan và khôn khéo, khi biết đặt đồng tiền vào đúng vị trí của nó, như lời khuyên của Đấng Đáng Kính Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Đồng tiền chôn vùi con xuống nếu con đội nó lên đầu, đồng tiền làm bệ dưới chân con nếu con đứng trên nó”.
Những Lời khôn ngoan trong sách Châm Ngôn, có lẽ cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy đủ, con sẽ khước từ Ngài… Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.”
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi nô lệ tiền bạc, để chúng con được tự do cùng Chúa, là nguồn hạnh phúc thật và trường cửu của đời chúng con. Amen.
- Thứ bảy sau Chúa nhật 31 Thường niên: LỄ KÍNH CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LA-TÊ-RA-NÔ
TIN MỪNG: Ga 2, 12 – 22
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
SUY NIỆM
Người, hoặc vật dụng được dành riêng cho Thiên Chúa, thường có thêm chữ thánh. Ví dụ như, Bàn thánh để dành riêng cử hành Hy lễ Thánh Thể nên không được xúc phạm – có những ông chùm, ông chánh sửa bóng đèn, sửa điện gì đó trên gian Cung thánh: các ông không chú ý gì hết, cây kìm, cây kéo để lên bàn thờ; Chén thánh chỉ được dùng để dâng lễ mà thôi, trong sách Đanien, vua con là Bên-sát-xa đã lấy ly – chén, mà vua cha là Na-bu-cô-đô-nô-xo đã lấy ở Đền thờ Giêrusalem ra uống rượu, nên đã bị trừng phạt; phòng thánh là nơi để các vật dụng thánh, nơi để chuẩn bị cho Thánh lễ nên phòng thánh không được nói chuyện ồn ào;… và chúng ta đang ở trong Thánh đường, là nơi thật ý nghĩa Thánh thiêng, là nơi để thờ phượng Thiên Chúa. Thật vậy, Thánh đường là nơi quy tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu cùng nhau cầu nguyện và đón nhận muôn vàn ân sủng qua các Bí tích. Thánh đường cũng là nơi Chúa ngự cách đặc biệt, là nơi Mình Thánh Chúa luôn hiện diện trong “nhà tạm”.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan trình thuật lại: Chúa Giêsu nổi cơn thịnh nộ, Chúa giận lắm, giận vì người Do thái đã biến Đền Thờ, biến nơi thờ phượng thành nơi kinh doanh, buôn bán và đổi chác hàng hóa, thành “trung tâm thương mại”.
Hôm nay, chúng ta xác định lại Thánh đường, phải là nơi tôn nghiêm để cho giáo dân đến cầu nguyện với Chúa và cùng dâng Thánh lễ. Chính Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta không được biến Thánh đường thành chỗ buôn bán. Nhìn trong các họ đạo, chúng ta nhận thấy rất buồn, buồn cách riêng là đối với các bạn trẻ: nhiều bạn trẻ chưa ý thức, đi dự lễ Chúa nhật ngồi bên ngoài nhà thờ bấm điện thoại, thậm chí cả khi ngồi trong Nhà thờ, lấy điện thoại bấm – xem đủ thứ, biến nhà thờ thành nơi “buôn dưa lê”, xì xèo nói chuyện nhỏ to. Đôi khi, điều này thường xảy nơi chính các ca viên trên ca đoàn, hát xong là ngồi xuống xì xèo nói chuyện; có bạn ngồi bấm điện thoại; có bạn thì dò bài mà mình sẽ solo, nhẩm đi nhẩm lại, Thánh lễ diễn ra thế nào, mặc kệ. Buồn nhất là giờ giảng lễ, thay vì chú ý nghe giảng, để biết sống tốt theo Lời Chúa dạy, thì dường như các bạn cố tình không nghe, hoặc để tâm hồn phưu lưu vòng quanh thế giới…, những điều đó có khác gì Dân Do thái đã biến Nhà Chúa thành nơi “chợ đời”. Các bạn dường như quên là mình đang ở trong Nhà Chúa, chỉ được phép chuyện trò “cầu nguyện” thân tình với Chúa mà thôi.
Tất cả những biểu hiện đó là dấu hiệu nơi Đền thờ tâm của các bạn đang trục trặc, đang ngổn ngang nhiều thứ: tôn thờ tiền tài, danh tiếng, coi trọng tiền bạc hơn Chúa; biểu hiện của một tâm hồn tội lỗi, hoặc chai lì trong tội; biểu hiện của một Kitô hữu lưng lửng, Kitô hữu hâm hẩm – không nóng, không lạnh; biểu hiện của một đời sống đức tin yếu kém.
Ước mong sao tất cả chúng ta, biết trân trọng Thánh đường là nơi đã được Thánh hiến dành riêng cho Chúa, cũng như chính thân thể chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con luôn đến với những Điểm hẹn: Điểm hẹn dành cho Thiên Chúa chính là thân thể Chúa Giêsu, điểm hẹn là các bí tích – cách riêng bí tích Thánh Thể, điểm hẹn là Hội Thánh, và điểm hẹn là chính tâm hồn mỗi người chúng con. Amen.
LM. JOS