Suy niệm Tuần Thánh về sự Trao Ban

BÀI HỌC TỪ CÂY CHUỐI

Có lần tôi nhìn cây chuối và suy nghĩ về sự cao cả của nó: Sinh trái cho con người hưởng dùng, trước khi chết cũng không quên lưu truyền một sự sống mới để tiếp tục sứ mạng của mình. Ôi đẹp làm sao sự cao cả của cây chuối!

Từ gợi ý đó, như một hồng ân Thiên Chúa gởi đến, tôi để tâm suy nghĩ và cầu nguyện về hình ảnh từ một cây chuối. Kết quả, tôi biết được gì từ cây chuối? Thưa đó là bài học về sự tự hiến không ngừng trao ban chính mình:

– Từ lúc còn nhỏ, nó đã có thể cho con người những chiếc lá để họ gói bánh.
– Lớn lên một chút, nó có thể cho con người những chiếc bẹ để họ làm lạt cột cái này nọ (bó lúa).
– Khi đã trưởng thành, nó cho con người cái bắp để làm món ăn.
– Thời “trung niên”, nó cho con người những trái chuối đầy vị thơm ngon và bổ dưỡng.
– Trước khi chết, nó đã tạo ra những mầm sống mới để tiếp tục sứ mạng trao hiến cao cả của mình.

Tưởng chừng như thế đã là tất cả, nhưng không, ngay cả cái củ nằm sâu dưới đất mà xem ra chẳng ai biết đến, nó cũng tặng luôn cho con người để họ làm món ăn hết sức hấp dẫn khi được chế biến cách đặc biệt (thịt …. nấu củ chuối). Còn chính cái thân của nó cũng được người ta băm ra làm thức ăn cho gà, vịt hay cho heo.

Mặt khác, chính cuộc đời nó đã không nhất thiết đòi hỏi cho mình một sự chăm sóc đặc biệt nào: Không cần phải được bón phân, không cần phải được tưới nước, làm cỏ… Trái lại, chính nó từng giây từng phút không ngừng làm nhiệm vụ cao cả “thanh lọc không khí để tặng ban cho trái đất, cho muôn loài một bầu khí thanh khiết”. Nó làm cách hết sức âm thầm không cần ai biết đến.

Vâng, cả cuộc đời của cây chuối là một sự cho đi, cho đi tất cả, cho đi đến tận gốc rễ, không giữ cho mình điều gì, cũng không đòi hỏi một sự đáp trả hay quan tâm nào cả…

Sau khi nhìn ngắm về sự cao cả nơi cây chuối, để tự nhìn lại chính mình với ơn gọi làm con người, làm con Chúa, làm linh mục của Chúa, tôi đã sống sự trao hiến và tự hủy thế nào? Được làm con người đã là một ân huệ vô cùng lớn lao rồi. Ấy vậy, không phải do bản thân thân tôi tốt lành để đòi buộc Thiên Chúa chấp nhận tôi, nhưng do tình yêu nhưng không mà giờ đây Chúa còn cho tôi làm con của Ngài, làm môn đệ Chúa Ki-tô, thậm chí là chủ chăn cho đoàn chiên Chúa. Hành trình bước theo Chúa, lưu lại với Chúa và trở nên giống Chúa luôn luôn đòi hỏi một sự tự hiến và cho đi không ngừng [như chính Đức Kitô đã trao ban chính mình cho nhân loại, cho tôi đến giọt máu cuối cùng (x. Mt 26,28)], nhưng tôi cũng phải ý thức rằng đó là một cuộc hiến dâng không đòi đáp đền.

Đứng trước đòi hỏi “khắc nghiệt” ấy của Thiên Chúa, mà chính Ngài đã làm gương trước, và đối chiếu với tấm gương nơi cây chuối, tôi đã – đang và sẽ sống sự hiến thân thế nào? Phải chăng tôi chỉ biết nghĩ đến bản thân mà thiếu quan tâm đến người khác, tôi chỉ biết nhận mà không biết cho, tôi chỉ biết thu gom mà không biết bỏ ra, tôi chỉ mong người khác làm cho tôi mà không dám đưa tay ra làm cho người khác, phải chăng và phải chăng …? Tôi đang sống hiệp thông và liên đới vì người khác hay đang sống cho chính mình?

Tạ ơn Chúa vì yêu thương mà Chúa đã cho tôi cơ hội để thức tỉnh về chính thái độ sống của mình. Tuần Thánh là thời gian để tôi sống sự thức tỉnh đó, nó thật đơn sơ và gần gũi. Không tỉnh thức thì chẳng thể nhận ra lời mời gọi của Chúa trong cuộc sống, qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Nếu ngày hôm nay tôi không biết học bài học cao cả từ cây chuối, nhất là từ khuân mẫu là Đức Kitô, thì thử hỏi ngày mai và sau đó nữa tôi có thể sống hiến dâng vì người khác được không? Chẳng gì có thể bảo đảm nếu ngay từ lúc này tôi không có quyết tâm tập luyện cho mình một cách sống cho đi, một thái độ tự hủy chính mình… Thế nhưng, làm sao để có được thái độ và cách sống đó nếu không phải là hằng ngày tôi phải chìm sâu trong cầu nguyện, gặp gỡ Chúa trong thinh lặng của con tim, qua sự để tâm và lắng nghe những thao thức của tha nhân.

Hãy xin cho ta môt trái tim khao khát tình yêu. Có được sự yêu mến Chúa trên hết mọi sự và lòng mến thương các linh hồn thì mọi sự sẽ trở nên hết sức nhẹ nhàng, để rồi ta dễ dàng dấn thân và hy sinh hơn. Thánh Augustino, bằng chính kinh nghiệm bản thân, đã chẳng nói “Bạn hãy yêu đi rồi làm gì thì làm!” đó sao. Mong mỗi người chúng ta đừng quên nhắc nhở bản thân mình qua việc chiêm ngắm Chúa trên thập giá luôn để thấy Chúa yêu thương ta đến mức nào và cũng để thấy tội lỗi ta khủng khiếp ra sao như lời một bài hát: “Nhìn vào thập giá con thấy được tình yêu… Nhìn vào thập giá con thấy tội của con…”

Lạy Chúa, xin cho con hằng nghi nhớ lời Chúa dạy: “Hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại bằng đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn” (Lc 6,38).

Kính chúc quí bạn tìm được cho mình một hướng đi mới trong Thiên Chúa tình yêu.

Thân ái,
Tuần Thánh 2021

Kim Sang sưu tầm