Tâm tình của chàng “Shipper không chuyên”

TÂM TÌNH CỦA CHÀNG “SHIPPER KHÔNG CHUYÊN”

Tôi đang sống trong những ngày khó khăn nhất ở thành phố Cần Thơ. Nơi đây, số ca nhiễm Covid 19 ngày càng tăng, nhiều khu vực đã bị phong tỏa, hàng hóa trở nên khan hiếm khi lệnh giãn cách được thực hiện, các chiến sĩ tuyến đầu phòng chống dịch đã thấm mệt… Và trong viễn cảnh đó, tôi bỗng dưng trở thành một “Shipper không chuyên”[1]. Chính trong thân phận ấy, tôi được rong ruổi trên các nẻo đường của thành phố, và tôi đã thấy một thành phố trung ương hoa lệ đã thay đổi. Một bầu không khí náo nhiệt được thay bằng sự yên vắng: hết rồi cảnh đường phố đông nghẹt; hết rồi những hàng quán rộn rã xôn xao; hết rồi những thanh âm vang lên từ tứ phía; hết rồi những bóng hình nam thanh nữ tú ngày ngày rảo bước đến học đường, hết rồi tiếng chuông ngân vang nơi thánh đường linh thánh… Thành phố buồn đúng không? Đối với bản thân, tôi cảm nhận thành phố đang thật buồn. Và tôi nghĩ rằng nỗi buồn này không chỉ dành riêng cho tôi, mà đâu đó là nỗi buồn chung của hết thảy những ai đã từng sinh sống nơi thủ phủ miền Tây này. Trong đó, tôi đặc biệt nhận thấy nỗi buồn nơi những con người này.

Trước tiên, tôi thấy ánh mắt đượm buồn của những vị mục tử với biết bao niềm thao thức: Mình phải làm gì đây để có thể giúp cho những người khốn khổ? Tìm ra phương thế nhưng phải thực hiện cách nào? Có cách rồi nhưng nguồn lực ở đâu? Nhân lực ở đâu? v.v… Thế đấy, biết bao câu hỏi quẩn quanh trong tâm trí người mục tử trong thời gian dịch bệnh này. Bởi các ngài luôn “chạnh lòng thương” và “không đóng cửa lòng” trước nỗi thống khổ của nhiều người… nên đã nghe được “tiếng kêu thều thào yếu ớt”… trong cơn đại dịch. Và rồi… “Bữa Cơm Yêu Thương”[2] ra đời… góp phần lan tỏa yêu thương đến cho mọi người. Bữa cơm yêu thương này là thành quả của những trái tim nhân ái, từ Dòng Con Đức Mẹ Cần Thơ, trên 600 phần ăn mỗi ngày được trao tặng đến những người khốn khổ trong mọi ngõ ngách của thành phố. Tuy nhiên, để những phần ăn này đến tận tay những người nghèo không phải chuyện dễ khi lệnh giãn cách xã hội được thực thi. Với sự chấp thuận của chính quyền, nhóm “Shipper không chuyên” được thành lập để hỗ trợ phân phối. Nhóm “Shipper không chuyên” này gồm 2 Cha, 2 Thầy, một số bạn trẻ Công giáo và cả những anh em lương dân. Và tôi, một “Shipper không chuyên” cũng được sinh ra từ đó.

Trong thân phận lạ lẫm này, tôi đã tận mắt nhìn thấy tình yêu nối kết tình yêu. Bởi khi nghe nói về chương trình “Bữa Cơm Yêu Thương”, Cha sở Đaminh – Chánh xứ An Hội đã lập tức ủng hộ và góp phần. Rồi sau một vài hôm, Cha nhạc sĩ Thái Nguyên cũng hăng hái hưởng ứng và sẻ chia tình yêu ấy. Bên cạnh đó, tôi cũng nhìn thấy những tấm lòng nhân ái từ các mạnh thường quân cùng chung tay vào chương trình này. Và mới đây, Cha sở Giuse – Chánh xứ Gành Hào đã kêu gọi giáo dân của mình cùng kết nối với “Bữa Cơm Yêu Thương” nhằm san sẻ cho những người khó khăn trong cơn đại dịch kinh hoàng này. Chính vì thế, tôi tin rằng tình yêu này sẽ còn lan tỏa và trổ sinh thêm nhiều hoa trái tốt đẹp.

Tiếp đến, tôi thấy ánh mắt đau buồn từ các bác sĩ, nhân viên y tế và những người trong tuyến đầu phòng dịch. Phải chăng họ buồn vì không được ở cùng những người thân yêu trong gia đình, không có thời gian nghỉ ngơi hay không được trả công xứng đáng? Thưa không, họ buồn vì chưa tìm được cách hóa giải dịch bệnh này, họ cũng buồn vì số bệnh nhân ngày một gia tăng và trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Những lúc như thế, lương tâm người thầy thuốc trỗi dậy thôi thúc họ cố gắng nhiều hơn nữa nhưng kết quả lại không như mong đợi, họ cảm thấy bất lực trước cơn đại dịch chết chóc này. Và trong những phút giây này, họ chỉ còn biết chu toàn thật tốt nhiệm vụ của mình hầu góp phần xoa dịu nỗi đau nơi anh chị em mình.

Phần tôi, dưới cái nhìn của một “Shipper không chuyên”, tôi thấy họ đã thấm mệt khi ngày ngày phải khoác trên mình chiếc áo bảo hộ đầy nóng bức, phải căng mình làm việc trên mức bình thường. Giờ đây, tôi mới cảm nghiệm sâu xa hơn về câu nói “lương y như từ mẫu”. Và tôi thầm ước họ sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục công việc đầy khó khăn và hiểm nguy này.

Sau cùng, tôi thấy ánh mắt u buồn của những người khốn khổ. Bởi trong tình cảnh này, biết bao niềm đau khổ bủa vây họ. Đó không chỉ là những thiếu thốn về mặt vật chất như Cơm, Áo, Gạo, Tiền… mà quan trọng hơn hết là họ thiếu thốn tình thương. Tôi vẫn nhớ như in hình dáng một người phụ nữ cao niên với mái tóc đã bạc màu luôn chờ đợi tôi đến trao cho bà hai hộp cơm. Lần đầu gặp gỡ, Bà đã thều thào nói với tôi: “Dì ở trọ với một đứa con bị khùng”. Khi nghe câu nói ấy, lòng tôi quặn đau và trong tâm trí tôi hiện lên biết bao câu hỏi: Tiền đâu để bà trả tiền trọ? Bà làm gì để có cái ăn trong thời gian giãn cách? Nếu bà lâm bệnh thì ai chăm lo cho người con của Bà? Đứng trước ánh nhìn đầy đau khổ của Bà, tôi đã nói với Bà rằng: “Từ ngày mai, con sẽ xin thêm cho Bà 2 phần cơm nữa, để Bà có thể ăn cả trưa và chiều”. Lúc ấy, miệng Bà kẽ cười và cất lên lời cảm ơn. Và như thế, nụ cười của Bà khiến lòng tôi cũng được vui theo và hăng hái lên đường tiếp tục công việc của mình. Đi thêm một quãng, tôi dừng lại trước hai mẹ con Chị xin ăn đang ngồi bên vệ đường. Người mẹ tay cầm nón lá chìa ra với hy vọng ai đó đi ngang qua cho vài ba đồng lẻ, đứa bé ngồi nép trong lòng mẹ với sự ngây thơ vốn có của một đứa trẻ. Khi đó tôi thầm nghĩ, giờ này giãn cách xã hội thì làm sao xin được đồng nào. Và không cần suy nghĩ chị có cần hay không, tôi lẹ làng cầm hai hộp cơm bước xuống, tiến đến trao gửi cho hai mẹ con Chị. Ngay lúc ấy, tôi thấy ánh mắt Chị ngời sáng, thấy nụ cười tỏa nắng của em nhỏ, và đương nhiên đây sẽ là động lực to lớn giúp một “Shipper không chuyên” như tôi được ấm lòng. Còn biết bao hoàn cảnh khác mà tôi không thể kể hết được, chẳng hạn như những người ăn xin ngồi trên cầu Cái Răng; những người tàn tật trên chiếc xe lăn mà trước đó họ dùng làm phương tiện bán vé số; những người bị phong tỏa trong khu vực cách ly…

Trong hoàn cảnh dịch bệnh này, những người giàu cho đây là thời gian nghỉ ngơi, sống hạnh phúc bên người thân trong gia đình. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người đang vật lộn với cuộc sống trong sự khó khăn gian khổ. Chính vì thế, họ cần những bàn tay yêu thương nâng đỡ họ vượt qua cơn giông tố cuộc đời. Và như thế, một hộp cơm rất bình thường không đáng bao nhiêu tiền nhưng lại đong đầy tình thương của những trái tim nhân ái. Tất cả cùng chung tay đóng góp nhằm lan tỏa tình yêu thương đối với anh chị em khốn khổ. Còn đối với bản thân, tôi vui mừng hoan hỷ vì mình được trở thành một “Shipper không chuyên”, một dụng cụ chuyển tải tình yêu đến anh chị em mình. Và tôi đặc biệt cảm kích và khắc ghi những tâm tình mà quý Cha, quý Dì, quý Thầy, những anh em Shipper và mọi người cộng tác trong nhóm “Bữa Cơm Yêu Thương”. Tôi ước mong nguồn tình yêu này sẽ được nhân lên, sẽ được lan tỏa trên khắp mọi miền tổ quốc Việt Nam thân yêu này. Và tôi cũng nguyện xin Thiên Chúa – Đấng nguồn tình yêu ban cho mọi được được bình an, được mạnh khỏe, nhiều niềm vui và tràn đầy ơn Thánh. Sau cùng, xin mượn lời của thi sĩ Kahlil Gibran để nói lên tâm tình của tôi, một “Shipper không chuyên”.

“CẢM ƠN ĐỜI MỖI SỚM MAI THỨC DẬY

TÔI CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG”

Cần Thơ, ngày 01 tháng 08 năm 2021

Shipper Không Chuyên

w.giaoxurachsuc.com

[1] “Shipper không chuyên” có nghĩa là tôi được Cha sở Phêrô cho một chân trong việc đi phát cơm từ thiện mỗi ngày với sự đồng ý của các cấp chính quyền Tp. Cần Thơ.

[2] “Bữa Cơm Yêu Thương” được đăng trên trang gpcantho.com và Báo Công Giáo và Dân Tộc.