Tình cảm khác phái

TÌNH CẢM KHÁC PHÁI

 

Ở bậc sống nào cũng có những khó khăn và thách đố. Bậc sống hôn nhân người ta phải lo kế sinh nhai, lo công danh sự nghiệp, hạnh phúc gia đình …; còn đối với bậc tu trì, có lẽ người đời nhìn thấy các tu sĩ rất sung sướng, lúc nào cũng vui cười, không phải lo mưu sinh vất vả. Thật vậy, cuộc sống người dâng hiến cho Chúa lại gặp những thách đố khác mà chỉ họ mới cảm nhận rõ ràng. Một trong những thách đố tu sĩ gặp phải liên quan đến lời khấn khiết tịnh, đó là vấn đề tình cảm với người khác phái.

Trong một xã hội văn minh với đầy đủ tiện nghi, ngay cả các nhà dòng cũng phải làm thế nào để thu hút giới trẻ đến với Chúa trong ơn gọi tu trì. Đời dâng hiến có nhiều độ tuổi khác nhau: có người đi tu từ nhỏ, có những người đã đi làm, đã trải nghiệm với đời và một số người đã có người yêu. Vậy cuộc sống nào sẽ dễ dàng hơn? Nhìn vào thực tế thì ơn gọi nào cũng có những khó khăn, vì cuộc sống không cho ai tất cả.

Khi bước chân vào dòng, khó khăn chung của mỗi người là phải thức sớm, tập đúng giờ cũng như chu toàn tốt các bổn phận, tất cả những điều đó ai cũng có thể vượt qua. Nhưng thách đố không hề nhỏ đối với tu sĩ là mối tương quan tình cảm với người khác phái, nhất là các tu sĩ trẻ ngày nay. Họ cố tạo ra nhiều mối tương quan, tình cảm với người khác phái, đặc biệt giữa các nữ tu với linh mục, chủng sinh, dự tu. Họ lấy các mối tương quan đó để tự khẳng định mình và xem mình là quan trọng, khi đã quen được một người thì lại muốn quen thêm nữa, để đi đâu ai cũng biết mình. Người trẻ luôn ảo tưởng về chính mình, nghĩ rằng người ta quý mến mình, thích mình và rất tiếc, không ít người đã ngộ nhận cũng như không đủ khả năng phân định đúng sai, thật giả. Người ta thường nói con gái thích nghe, và đúng vậy, người nữ khi nghe ai nói ngon ngọt, đặc biệt là người khác phái, chưa biết họ thế nào thì đã mềm lòng.

Sống cùng cộng đoàn, cùng lứa tuổi, không tránh khỏi những so đo, ghen tỵ, muốn hơn thua nhau, vì thế, một số chị em đã cố tìm cho mình một mối tương quan với người khác phái, để mình được an ủi, để được nghe những lời ngon ngọt, cũng như để bù trừ tình cảm… Khi còn trong giai đoạn huấn luyện, không được sử dụng phương tiện truyền thông, những ai chưa ý thức đủ đã có thái độ âm thầm lén lút, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn, không nhiệt tâm trong công việc và nhất là chán nản trong việc cầu nguyện. Các mối tương quan, tình cảm đó ngày càng mạnh hơn khi chị em được về thăm gia đình hay được tự do sử dụng phương tiện truyền thông.

Cuộc sống ngày qua ngày, thân xác thì vẫn sống trong nhà dòng, nhưng linh hồn đã bay đi nơi khác, lúc nào tâm trí cũng nghĩ tới nó, tưởng tượng đủ thứ chuyện, dần dà dẫn đến tình trạng không còn hứng thú với ơn gọi nữa, và cuối cùng có thể mất ơn gọi như chơi. Những mối tương quan với người khác phái vẫn luôn là một thách đố lớn khiến nhiều người, từ các em mới chập chững bước vào đời tu đến các chị đã khấn, tất cả đều có thể rơi vào tình trạng này nếu không đủ sáng suốt, khôn ngoan, khiêm tốn và không ai dám khẳng định rằng mình sẽ không bao giờ gặp vấn đề này. Cuộc sống không nói trước được điều gì, vì “bảy mươi chưa gọi là lành”.

Khi suy tư những điều có vẻ tiêu cực trên, không phải để chúng ta sợ hãi, không dám cởi mở với người phụ trách cũng như cộng đoàn, mà để chúng ta biết sống khôn ngoan, dứt khoát với các mối tương quan mờ ám không làm đẹp lòng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy biết cậy dựa vào ơn Chúa, phó thác đời mình cho Người, cầu xin Người ban thêm ơn khôn ngoan để biết rõ mình, nhận ra tình trạng yếu đuối của bản thân, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn tự chủ bản thân, sống dưới cái nhìn Chúa, tạo mối tương quan lành mạnh trong sáng, sống chân thành với chị em trong cộng đoàn, để chúng ta một lòng trung thành và chung thủy theo Chúa trọn đời, và làm cho đời dâng hiến trở nên của lễ hy sinh đẹp lòng Chúa.

 

 

 

 

 

 

 

 

M. Phú Yên Nguyễn Thị Phương Thảo

Tập sinh năm II