Tính Hiệp Hành trong đời sống Thánh Hiến: Hiệp hành và Đào tạo

TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: HIỆP HÀNH VÀ ĐÀO TẠO

        Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB

Dẫn nhập

I. Mô hình đào tạo xuyên qua mô hình Giáo hội

II. Chúa Giêsu và lối đường đào tạo các môn đệ

III. Mối tương giao biện chứng cộng đoàn-cá nhân

IV. Tính chất hiệp hành nơi những nhà đào tạo đời thánh hiến

V. Tính chất hiệp hành trong cộng đoàn đào tạo tu sĩ

VI. Cộng đoàn tu sĩ: cùng nhau học để trở thành mục tử

Kết luận

 Dẫn nhập

Đời sống thánh hiến luôn gắn liền với đời sống Giáo hội. Có thể nói các tu hội luôn nỗ lực đi tiên phong trong những chiều hướng của Giáo hội, vì đời thánh hiến ở giữa lòng Giáo hội.[1] Vì thuộc về sự thánh thiện của Giáo hội hơn là về cơ cấu, các tu sĩ được mong đợi để trình bày một diện mạo Giáo hội hấp dẫn và hợp thời.[2]

Trước ý định của Thiên Chúa trong thiên niên kỷ thứ ba, Giáo hội được kỳ vọng là một Giáo hội hiệp hành,[3] Đức Phanxicô thúc đẩy các dòng tu canh tân việc đào tạo các ứng sinh tương lai dưới lăng kính hiệp hành.[4] Bài khảo cứu này muốn đóng góp vài nghĩ suy dưới góc cạnh này.

Trong bài này, trước tiên tôi tìm hiểu, rất sơ lược, những mô hình đào tạo lệ thuộc nhiều vào mô hình hay tầm nhìn của chúng ta về Giáo hội để thấy Giáo hội học phải chi phối tầm nhìn về đời thánh hiến. Tiếp đến, tôi tìm hiểu xem Đức Giêsu đào tạo các môn đệ ra sao, để nhận diện đào tạo tu sĩ luôn đi kèm với sự căng thẳng giữa cộng đoàn và cá nhân. Nhưng đó lại là một sự căng thẳng được chúc phúc, vì chúng ta đang ở dưới thế này.[5] Từ đó chúng ta tìm được lối đường đào tạo trong đời thánh hiến hôm nay.

I. Mô hình đào tạo xuyên qua mô hình Giáo hội

Công đồng Trentô đã mở ra cuộc canh tân cải cách hàng giáo sĩ và tu sĩ. Từ kinh nghiệm của hàng bao thế kỷ trong Giáo hội, Công đồng biết rõ canh tân Giáo hội lệ thuộc rất nhiều vào điều này. Tuy nhiên, với một tầm nhìn về một Giáo hội nặng về thể chế được bộc lộ trong định nghĩa của Bellaminô,[6] mô hình đào tạo thiên hướng về giáo sĩ trị. Mô hình đó phân định rạch ròi “Ecclesia discens” và “Ecclesia docens”. Hẳn nhiên, Công đồng Trentô không bao giờ mong muốn một giáo sĩ trị trong Giáo hội. Thế nhưng, tầm nhìn Giáo hội là “phẩm trật học”[7] dễ dàng dẫn tới lạm dụng quyền lực, chức vụ.[8]

Trong nhãn quan đó, một sự tách chia giữa người đào tạo và người được đào tạo lên ngôi. Người được đào tạo chỉ có việc tuân phục những mệnh lệnh, chỉ dẫn của người đào tạo. Hơn nữa, theo Thomas Rausch, mô hình linh thánh (sacral model) được nhấn mạnh và qua đó tính cách “in persona Christi” nơi nhà đào tạo, nơi người linh mục được kính tôn đến độ làm lu mờ diện mạo mục tử giữa đoàn chiên và hiến mình vì đoàn chiên Chúa trao. Thật vậy, hình ảnh người linh mục giữa dân Chúa và thế giới bị nhạt nhòa và dần biến mất.[9]

Quả thật, Vatican II làm sáng tỏ điều quan trọng này: “Giáo hội học chi phối cách thức đào tạo linh mục, vì thần học về người linh mục tuỳ thuộc vào tầm nhìn Giáo hội học, chứ không ngược lại.”[10] Chính vì thế, khi lắng nghe được những thao thức chính đáng của con cái mình, Công đồng Vatican II dứt khoát trở về nguồn để tìm gặp lại một khuôn mẫu năng động được đối chiếu và bắt nguồn với Đức Giêsu.[11] Công đồng nhận diện rõ mầu nhiệm Giáo hội phải chi phối cả khía cạnh phẩm trật cũng như khía cạnh đào tạo. Các ứng sinh cho đời linh mục cũng như đời thánh hiến tìm gặp lại chính mình như những người anh chị em cùng nhau tiến bước chung tay xây dựng Nước Thiên Chúa bằng cách loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế, diện mạo người tôi tớ trung thành với Thiên Chúa và cũng trung thành với con người chủ trị trong đào tạo.[12] Diện mạo ấy một đàng dứt khoát tuyên chiến với linh đạo thế tục, song đàng khác lại hết lòng khiêm tốn ở giữa và chia sớt cuộc sống với anh chị em nghèo khổ của mình. Trong ánh sáng này, Kevin O’Gorman khẳng định: ngoài khuôn mẫu cộng đoàn các môn đệ, thì cũng trồi hiện lên khuôn mẫu người của lòng xót thương.[13] Ta không ngần ngại khẳng

định rằng Giáo hội là MỘT GIA ĐÌNH trên một hành trình, là những anh chị em cùng đi ĐẠO LÀ ĐỨC KITÔ, điều này đã nổi bật lên ngay từ khi Giáo hội sinh ra. (x. Cv 2,41).

Dân Thiên Chúa mà Vatican đề cao chính là một đoàn dân cùng nhau đi tìm Thiên Chúa bằng cách liên tục phụng sự những chi thể nghèo khổ, bị tổn thương của Ngài, với một khoa luận lý của lòng thương xót và tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và anh chị em.[14] Nhờ chiếc la bàn là Vatican II, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khai mở hướng nhìn về đời thánh hiến như dấu chỉ của Ba Ngôi (signum trinitatis), như sự hiệp thông huynh đệ (communio fraternitatis) và như sự phục vụ của đức ái (servitium caritatis). Cộng đoàn tu sĩ nổi bật lên như những người cùng tuyên thệ, có thể nói như thế, cùng nhau tiến bước, sống và làm việc cho Nước Thiên Chúa. Như thế, tận căn, đời sống thánh hiến muốn bộc lộ một Giáo hội hiệp hành, cùng nhau tiến bước trên đường thánh thiện.[15]

Đức Phanxicô trong Veritatis Gaudium đưa ra những hướng đi theo khoa Giáo hội học Dân Thiên Chúa đó. Ứng sinh tu sĩ, linh mục kết hiệp hài hòa những chiều kích nhân bản, tri thức, thiêng liêng và mục vụ quanh một trục sống động là Đức Kitô, khuôn mặt Thiên Chúa giàu lòng xót thương.[16]

Như vậy, hiệp hành, synodality, chính là dạng thức sống, tiến hành của Giáo hội (modus vivendi et operandi).[17] Và như vậy, hiệp hành, cùng nhau đi trên đường thánh thiện của Đức Kitô cũng sẽ phải là dạng thức đào tạo (modus formandi) những người môn đệ Đức Kitô. Chính từ điều này, những ứng sinh cho đời thánh hiến phải làm cho sự hiệp hành trở thành phong thái sống của mình.[18]

II. Chúa Giêsu và lối đường đào tạo các môn đệ

Con đường đào tạo linh mục và tu sĩ của Vatican II không đến từ lý thuyết. Nó đến từ việc chiêm ngắm Đức Giêsu đã sống và đã đào tạo các môn đệ, cả trong quá khứ lẫn ngày nay. Các nghị phụ đã chiêm ngắm vị Thiên Chúa nhân lành trong Đức Giêsu Kitô nhờ Thánh Thần.[19] Chúa Giêsu mãi mãi là vị TÔN SƯ và KHUÔN MẪU chủ chốt huấn luyện các ứng sinh linh mục cho Giáo hội của Ngài[20]: Chính Ngài gọi đích danh người môn đệ, chọn, huấn luyện và sai đi (x. Mc 1,16-20; 2,13-14; Mt 9,9; Lc 6,12-16). Không được chính Ngài huấn luyện qua Thần khí, các thừa tác viên sẽ trình bày một bức biếm họa trong thế giới mà thôi.[21]

Đức Giêsu đã gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn, lập thành một nhóm để ở với Ngài (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-4). Cùng với họ và ở giữa họ, Ngài làm thành một gia đình, một vòng tròn tình thân mật thiết (x. Mc 3,7; 4,10; Lc 9,18; Ga 1,35-51). Ngài nhiều lần rút khỏi đám đông để dành giờ ở riêng với họ (x. Mt 16,18). Ngài từng bước biến đổi họ: từ việc nhìn nhận Ngài như một người đặc sủng, đến một vị ngôn sứ, đến Đức Chúa. Tình thân với Ngài không thể xoá nhoà: “Phêrô, anh có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (x. Ga 21,1-19). Ngài không cho họ một cuốn sách cẩm nang trong đó trình bày giáo lý của Ngài. Không. Ngài cho họ CHÍNH NGÀI VÀ CHÍNH NGÀI là cuốn sách hằng sống.[22] Họ phải luôn luôn đối chiếu với Ngài, chứ không phải chính mình. “Anh em chỉ có một vị Thầy là Đức Kitô mà thôi. Còn tất cả đều là anh em với nhau” (x. Mt 23,8-10). Đó không phải là cách thức LÀ GIÁO HỘI một cách rất mực mới mẻ hay sao? Điều thách đố cuộc đời họ là đây: không quy chiếu về mình (self-referential). “Ai muốn làm đầu hết thì phải là tôi tớ mọi người” (Mc 9,35). Ở đây, ta bắt gặp một sự mới mẻ tận căn, có một không hai.

Ngài đồng hành với họ trên hành trình rao giảng. Ngài huấn luyện họ trong sứ mệnh: Ngài sai họ đi từng hai người một đến những nơi ngài sẽ đến (x. Mt 10,5; Mc 6,6); Ngài không chủ trương phải làm cho họ nên hoàn hảo, nên viên mãn đầy đủ, rồi mới sai họ đi. Không. Ngài sai họ đi ngay cả khi họ còn hoài nghi (x. Mt 28,17; Mc 16,14-15). Ngài không cho họ ngồi vào bàn, vào lớp, ngồi suốt đó và khi được điểm cao mới sai họ đi làm việc tông đồ. Không. Ngài cùng họ rong ruổi cuộc sống loan báo Tin mừng với Ngài, chia nắng nôi cực khổ với Ngài, cùng Ngài lãnh nhận phép Rửa và chén đắng của đời sống hằng ngày và sự chống đối (x. Mc 10,38). Trong khi thi hành sứ mệnh loan báo Tin mừng, Ngài huấn luyện họ. Quả thật là mới mẻ và độc đáo. Ngài huấn luyện họ lắng nghe tiếng kêu khóc của dân chúng. Và Ngài biết rõ điều này không hề dễ dàng chút nào. “Thầy cho bà ấy về đi kẻo bà ấy kêu mãi khiến chúng con nhức óc!” Từng bước, họ phải học để làm mình nên một với họ trong cảm thương để trao cho họ sự an ủi, niềm vui, hạnh phúc và sự sống của Thiên Chúa.

Ngài để từng môn đệ là chính họ, song lại được biến đổi thật sự để trở thành mình đúng thực trong kế hoạch của Thiên Chúa, trong chính cộng đoàn họ sống. Simon Phêrô vẫn mãi là chính ông, nhưng chỉ là chính ông khi luỵ phục kế hoạch của Thiên Chúa. Gioan và Giacôbê vẫn mãi là “con của thiên lôi” (x. Mc 3,17) song lại là sấm sét của một tình yêu trung thành, hiến mình trọn vẹn nên bạn hữu của Đức Giêsu. Không hề sai chút nào khi nói rằng Đức Giêsu đón nhận các môn đệ trong mức độ tự do hiện có để khởi từ đó biến đổi họ nên tự do đích thực. Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của họ, cho dẫu Ngài cảm nhận được sự khủng khiếp của sự cứng lòng. “Này bạn, bạn lấy cái hôn để nộp Con Người ư?” (Lc 22,48).

Ngài cũng đòi họ phải cùng nhau tiến bước. Họ phải chung tay làm việc. Họ cùng làm việc trong một vườn nho duy nhất. Họ đồng hành và cùng nhau thực thi sứ mệnh được giao, mỗi người mỗi cách, khác biệt trong sự duy nhất. Chỉ có một sứ mệnh duy nhất: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21) “Anh em hãy đi khắp thế gian mà loan báo Tin mừng” (Mt 28,14; Mc 16,15). Cuộc sống họ phải nổi bật trong đức ái huynh đệ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy: đó là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34-35), khi ở lại bền chặt trong Ngài như bạn hữu (x. Ga 15,15; 15,9-10). Trong ánh sáng đó, sửa lỗi huynh đệ phải mặc lấy tất cả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa là Đấng Kiên Nhẫn (x. Mt 18,15-17).

Được huấn luyện như thế, với sức mạnh của Thánh Thần nối kết và hiệp nhất, các Kitô hữu sơ khai ngay từ đầu đã trình bày một diện mạo cùng tiến bước hành trình trên ĐẠO LÀ ĐỨC GIÊSU, trong hiệp nhất và bình an, trong yêu thương và sẻ chia mọi sự (x. Cv 2,42tt; 4,32tt). Giáo hội sơ khai hiện lên là cộng đoàn dân Chúa, cùng nắm tay nhau đi thực thi cùng một sứ mệnh mà Chúa Giêsu lãnh nhận từ Cha để hình thành Vương quốc Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dần dần tỏ lộ Ngài là Đường, là Sự Thật, và Sự Sống (x. Ga 14,6). Các môn đệ và toàn Giáo hội phải xoay quanh đó. Chính vì thế, những môn đệ của Ngài chỉ có một ĐƯỜNG. Và trên đó, họ cùng nhau tiến bước. Giáo hội – gia đình có đá tảng là chính Đức Giêsu không gì khác hơn là cùng nhau bước đi trên Đường để phụng sự Thiên Chúa và mọi người.

Nếu vậy, trong Giáo hội hôm nay, “khởi sự lại từ Đức Kitô” đối với môn đệ Đức Kitô mà người tu sĩ được vinh dự điền tên mình vào phải đi liền với việc cùng toàn thể cộng đoàn môn đệ tiến bước đến Ngài giữa dòng lịch sử hôm nay.[23]

III. Mối tương giao biện chứng cộng đoàn-cá nhân

Chiêm ngắm cách thức Đức Giêsu huấn luyện các môn đệ cùng đi chung một đường, chúng ta thấy một sự quân bình hài hoà, song lại rất biện chứng, giữa cá nhân và cộng đoàn. Đức Giêsu nhắm tới một cuộc canh tân nội tâm. Chính canh tân nội tâm này làm nền, phân định, xét duyệt, lượng giá và thay đổi cơ cấu hầu đạt được mục đích. Rõ ràng, với Đức Giêsu, canh tân cõi lòng là tiên quyết. Như thế, canh tân Giáo hội đòi hỏi hơn nhiều một sự thay đổi bề ngoài và cơ cấu mà thôi.

Đối diện với những thách đố của chủ nghĩa trần tục, chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa cá nhân, vốn nằm sâu trong lịch sử nhân loại mọi thời, thì lối đường duy nhất mà việc đào tạo các ứng sinh cho đời thánh hiến nhất thiết phải theo là lối đường nội tâm hóa các giá trị Tin mừng. Vấn đề quan trọng không phải là cho các ứng sinh có nhiều kinh nghiệm cho bằng là giúp họ kinh nghiệm những giá trị như quảng đại, hy sinh, thương xót, nhân ái, hiền lành, niềm vui…[24] Bằng không, như Đức Phanxicô cho thấy, các ứng sinh có thể “chịu vậy” hay “nín thở qua sông” trong những giai đoạn đào tạo, và rồi mọi sự trở thành y nguyên, nếu không nói là tệ hại hơn, sau khi kết thúc các thời kỳ đào tạo.[25] Nếu đào tạo ứng sinh cho Giáo hội là một nghệ thuật chứ không phải là việc giám sát, canh chừng, thì nội tâm hóa Tin mừng là thiết yếu. Nói cách khác, đào tạo rốt cục là tiến trình tạo nên sự hoán cải chân thật của cá nhân người môn đệ trước tình bạn với Đức Giêsu. Theo nghĩa này, Chủng sinh không thể giới hạn mình chỉ vào việc minh tỏ một ‘sự ngụy trang của thói quen’, một sự tuân phục chỉ bề ngoài và duy hình thức đối với những nguyên tắc trừu tượng.[26]

Kinh thánh nói đến sự cắt bì tâm hồn, đến một trái tim mới và thần khí mới. Điều này chỉ xảy ra như một tặng phẩm của chính Thiên Chúa ban cho người môn đệ ngoan nguỳ trước Thần khí sáng tạo và biến đổi của Thiên Chúa. Chính vì vậy, nhất thiết chính cá nhân phải muốn được biến đổi. Cho nên, theo Đức Gioan Phaolô II, đào tạo chính là tự đào tạo, trong ân sủng Thánh Thần.[27] Nơi chốn thâm sâu nhất của tâm hồn, lương tâm, ngự trị một cuộc gặp gỡ liên lỉ và thường hằng với Đấng là tất cả Tình Yêu:

Mỗi chủng sinh là vai chính của việc đào tạo chính mình, và được gọi vào một hành trình tăng trưởng liên tục trong các lãnh vực nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, để ý đến bối cảnh cá nhân và gia đình của chính mình. Cũng vậy, chủng sinh chịu trách nhiệm để tạo thành và gìn giữ một bầu khí đào tạo vốn nhất quán với những giá trị Tin mừng.[28]

Hoặc,

Tiến trình đào tạo không còn ở lại trong hầu như một dạng thức tự động, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, song đúng hơn nó trở thành một kinh nghiệm chân chính về sự phát triển toàn diện liên tục.[29]

Đó là cách nói khác về sự hiệp hành trên bình diện sâu nhất trong đào tạo các ứng sinh đời thánh hiến cho Giáo hội vậy: cá nhân cùng liên lỉ đi trước tôn nhan Chúa. Người môn đệ cùng đi trên đường với Đức Giêsu: “Chúa nhìn tôi” là lời xét duyệt “bạn đến đây làm gì?” Cùng đi với Đức Giêsu như trên chỉ có thể xảy ra trong cộng đoàn, với cộng đoàn và vì cộng đoàn. Rất hiển nhiên: đào tạo trong Giáo hội luôn xảy ra trong cộng đoàn. “Đời sống cộng đoàn trong những năm đào tạo ban đầu phải tạo một ảnh hưởng trên từng cá nhân, thanh lọc những ý định của họ, biến đổi lối sống của họ khi họ dần dần đồng hình chính mình với Đức Kitô.”[30] Bầu khí cộng đoàn gia đình tác động rất lớn trên đào tạo các ứng sinh trong đời thánh hiến. Quả vậy, đào tạo các ứng sinh theo kiểu như một đơn tử khép kín, không cửa sổ chỉ tạo nên những quái vật ham thích quyền lực, ngấu nghiến và chà đạp mọi sự dưới chân mà thôi (x. Dn 7,19).

Ngày mà ứng sinh tuyên khấn rõ ràng cho thấy tính cách cá vị độc đáo của họ nhưng lại trong cộng đoàn. Cộng đoàn không chỉ chứng kiến, song còn tiếp nhận họ vào gia đình của mình. Và người tu sĩ tích cực góp phần trong cộng đoàn vì biết rằng ở nơi đó họ gặp gỡ được Thiên Chúa và hằng được anh/chị em mình nâng đỡ. Một cách cụ thể, Chúa ban cho họ những anh/chị em để yêu thương. Cá nhân và cộng đoàn tạo thành một gia đình vui hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa và chung tay làm việc cho Nước Thiên Chúa.[31]

Những người trẻ ngày nay kỳ vọng rất nhiều nơi các cộng đoàn tu sĩ để tìm gặp lại và đáp ứng được “nỗi nhung nhớ về cộng đoàn” mà họ mang nơi mình. Sự thành công của đời thánh hiến không phải là cá nhân làm được nhiều việc này việc kia, là cá nhân thành tựu chính mình (self-fulfilment). Phải hơn, đó là “hoa trái của một sự đồng hành cộng đoàn…”, là tặng phẩm cho cộng đoàn”; các tu sĩ “là chuyên viên về sự hiệp thông”, là một nhân cách mạnh mẽ, vui tươi dâng hiến chính mình vì anh chị em của mình, để ở đâu có người tu sĩ, ở đó có niềm vui.

Cộng đoàn sống đời thánh hiến nổi bật lên như một tiến trình cùng bước đi với một cảm thức thuộc về mang tính Giáo hội. Các tu sĩ ở trong lòng Hội thánh. “Trong Giáo hội, tôi muốn là tình yêu”. Chính giữa lòng cộng đoàn đó, ứng sinh được lớn lên liên tục, bởi lẽ “cộng đoàn của họ phản ánh mầu nhiệm Ba Ngôi”, và “cùng sống và làm việc với nhau” là đòi hỏi cơ bản cho đời thánh hiến.[32] Các tu sĩ quy tụ với nhau không phải để bảo đảm kinh tế. Sự hiện diện của cộng đoàn tu sĩ mang tính bí tích, nói về một thực tại khác. Như vậy, cộng đoàn của đời thánh hiến trong đó ứng sinh sống và làm việc hướng tới sự thánh thiện luôn mang tính chất đào tạo:

Bầu khí cộng đoàn giúp ích trong đào tạo. Những giá trị ơn gọi được nội tâm hóa, nảy sinh từ những kinh nghiệm có ý nghĩa vốn được đan dệt trong những tương giao liên vị. […] Khi có một bầu khí đào tạo giữa họ, thì chính bầu khí đó cổ xuý sự tăng trưởng nhân bản, thiêng liêng và biệt loại vốn ở tận nền tảng của đào tạo.[33]

Thật sai lầm khi nghĩ rằng vì đào tạo tận căn là tự đào tạo, nên phải có những người, những môi trường, những phương thế theo đúng ý tôi. Quả vậy, lập luận đó chỉ bộc lộ thứ độc tài của ý riêng mà thôi. Thánh Thần luôn hoạt động theo cách thức bí tích, nghĩa là, dùng đến những trung gian nhân loại đầy giới hạn để đào tạo những người được thánh hiến. Và những trung gian đó có khi làm cho ứng sinh bị chưng hửng. Chính vì thế, viễn cảnh đức tin trong đào tạo nói rõ cho ta rằng chính Thánh Thần, chứ không ai khác, mới là Đấng đào tạo duy nhất, là Đấng thánh hóa duy nhất. Đào tạo là công trình của Thánh Thần xuyên qua những dụng cụ của Ngài. Thế mới hay: chấp nhận cùng nhau lên đường quả là không thể thiếu cho bất kỳ tiến trình và giai đoạn đào tạo nào. Rõ ràng, đào tạo cho đời thánh hiến không thể xảy ra mà không có cả một bầu trời ân sủng là những trung gian của Thiên Chúa.

Vậy, luôn có sự căng thẳng giữa một đào tạo phải thật sự nội tâm hóa, cá vị hóa với tính cộng đoàn/gia đình trong đào tạo. Cả hai cùng hành trình và làm việc mới sinh ra một đào tạo phong phú.

IV. Tính chất hiệp hành nơi những nhà đào tạo đời thánh hiến

Việc đào tạo ứng sinh cho đời thánh hiến không còn và không thể là của một người, hay một nhóm người; nó phải là của toàn hội dòng, vì lẽ đào tạo ứng sinh tiên vàn là của Giáo hội, và Giáo hội trao cho hội dòng. Ơn gọi đời thánh hiến cho toàn Giáo hội, chứ không phải là cho riêng một hội dòng, một cộng đoàn nào đó mà thôi. Chính Giáo hội chăm sóc, nuôi dưỡng những ơn gọi mà Chúa ban cho mình. Chính vì thế ta hiểu được tại sao Giáo hội có thể can thiệp vào việc đào tạo của bất cứ hội dòng sống đời thánh hiến nào.

Đức Gioan Phaolô II nói rõ: Ơn gọi được phát sinh, nuôi dưỡng, đào tạo và trưởng thành trong, nhờ và vì Giáo hội. Trong cộng đoàn, ơn gọi được phát sinh, được nuôi dưỡng. Với cộng đoàn, ơn gọi lớn lên và tăng trưởng; vì/cho cộng đoàn, ơn gọi sống và hướng tới trưởng thành. Ta cần rất trân trọng điều này:

Đằng sau và ở trước mọi ơn gọi tới đời linh mục hay thánh hiến luôn có lời cầu nguyện mãnh liệt của một ai đó: ông bà nội ngoại, người cha người mẹ, một cộng đoàn… Chính vì thế Chúa Giêsu nói: Hãy xin Chủ mùa gặt, nghĩa là Chúa Cha, sai các thợ gặt đi gặt lúa về. Ơn gọi được sinh ra trong cầu nguyện và từ cầu nguyện; và chỉ qua cầu nguyện chúng mới có thể bền đỗ và sinh hoa kết quả.[34]

Như vậy, các nhà đào tạo phải chuyển mình ra khỏi nếp nghĩ rất thông thường này: ơn gọi chỉ cho hội dòng tôi, tệ hơn nữa, cho cộng đoàn tôi mà thôi. Không phải. Cần phải có một nhãn quan phổ quát hơn về ơn gọi.

Pastores dabo vobis nói rõ: Chủng viện là cộng đoàn đào tạo trong đó những nhân viên đào tạo, với những trách vụ khác nhau, hiệp nhất sâu xa với giám mục để chu toàn sứ vụ biệt loại này. Hơn ai hết, các ngài cần sống sự “hiệp thông chân chính và ngay thẳng”.[35]

Còn Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” lại nói:

Một bề trên không thể từ chối sứ vụ linh hoạt, nâng đỡ anh chị em, đề xuất lắng nghe và đối thoại. […] mọi thành phần của cộng đoàn phải tham gia tích cực và tin tưởng vào đời sống và sứ vụ của cộng đoàn. Cho dù theo luật riêng, chính quyền bính có trách nhiệm chọn lựa và quyết định chung cuộc, thì đời sống hằng ngày trong cộng đoàn đòi hỏi một sự tham gia cho phép đối thoại và phân định. Bấy giờ, mỗi cá nhân và toàn thể cộng đoàn có thể vạch ra một kế hoạch sống phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, cùng nhau thực hiện thánh ý Người.[36]

Quá rõ, hiệu quả đào tạo ứng sinh cho đời thánh hiến lệ thuộc nhiều vào cộng đoàn những nhà đào tạo này.[37] Nhưng điểm chói sáng ở đây chính là: không phải các người đào tạo đã đạt đến mức viên mãn, rồi ở trên cao đó nhìn xuống khích lệ các ứng sinh. Trái lại, họ cùng hành trình với ứng sinh trên đường tìm kiếm Đức Giêsu Kitô. Họ vẫn đang phải cùng lên đường. Bằng cách này, sự chia tách rạch ròi giữa ecclesia discens và ecclesia docens vốn đã có thể hiện hữu giữa những nhà đào tạo và những người được đào tạo mới dần dần bị xoá bỏ. Nếu những nhà đào tạo không cùng nhau tiến trên ĐƯỜNG GIÊSU, không là người môn đệ thì không thể nào dạy dỗ, đào tạo những ứng sinh. Cả người đào tạo và người được đào tạo có chung MỘT CON ĐƯỜNG mà thôi.

V. Tính chất hiệp hành trong cộng đoàn đào tạo tu sĩ

Phải khẳng định rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục thúc đẩy, lôi kéo nhiều người theo Đức Giêsu. Vẻ đẹp tình yêu và xót thương của Đức Kitô vẫn luôn hấp dẫn, chói sáng. Nhưng điều này cũng không được phép giả định rằng ứng sinh thời quá khứ và thời nay chẳng có gì khác nhau. Hoàn toàn sai. Ứng sinh của thế hệ thời Vatican II và của thời nay, 2022, cực kỳ khác nhau trong nếp nghĩ, hành xử, cảm xúc, tâm tình. Hẳn nhiên, nguyên lý thần học của thánh Toma “ân sủng không phá hủy bản tính, song đòi hỏi bản tính” vẫn luôn đúng, thế nhưng đây không phải là một bản tính bất chấp bối cảnh hiện sinh, gia đình, văn hóa và lịch sử (x. GS 12-22). Ta không thể giả định mọi ứng sinh đều như nhau trong một hành trình đào tạo ứng sinh cho đời thánh hiến.

Có lẽ chúng ta phải can đảm nhìn nhận rằng không phải tất cả các ứng sinh cho đời thánh hiến trên quê hương hôm nay đều sống và được giáo dục trong môi trường thuận lợi cho đức tin. Ngược lại có lẽ đúng hơn. Rất có thể có những nghĩ suy và cảm xúc, và thậm chí những vết thương chìm vào vô thức của họ. Thế nên, trách vụ đầu tiên của mục vụ ơn gọi lại chính là cùng khám phá mức độ tự do hiện thực của ứng sinh và phải khởi sự từ đó để tiến lên.[38] Rõ ràng, tuổi trưởng thành thể lý không nhất thiết đi liền với tuổi trưởng thành tâm linh. Chính vì thế, luôn canh tân động cơ ơn gọi trong mọi giai đoạn là điều bó buộc.

Là chính mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình, sống căn tính của mình, đạt đến sự thánh thiện, …tất cả những điều đó là như nhau. Tất cả diễn đạt sự chân chính, chân thật, sự trong sáng (transparency). Càng trong sáng với chính mình, càng trải nghiệm Thiên Chúa, càng hiện diện với chính mình cách chân thật.[39] Quả thế, khát vọng khôn nguôi của nhân vị không gì khác hơn: “Tôi là chính mình bởi vì tôi không là một người khác… Tôi hiện hữu cũng có nghĩa là tôi thuộc về ai, tôi từ đâu tới và tôi thuộc về đâu, do vậy hàm ý sự lệ thuộc vào một cộng đoàn cũng như tự quản…”[40]

Mà tất cả tiến trình đào tạo nhằm biến đổi từ cái tôi giả tạo đến cái tôi đích thực trong chương trình Thiên Chúa. Tiến trình đào tạo là tiến trình biến đổi từ cái “tôi” sang cái “chúng ta” một cách trách nhiệm.[41] Như vậy, “đào tạo toàn diện là chính chuẩn mực” cho đào tạo ứng sinh cho đời thánh hiến,[42] mà người được đào tạo luôn là vai chính.[43]

Ratio 2016 nhấn mạnh tiến trình đào tạo như một hành trình cùng nhau tiến tới. Hơn là một cơ sở, một cơ chế, Cộng đoàn đào luyện là một Gia đình đang dạy và truyền đạt cho những người con trẻ tuổi của mình chính gia sản cao quý có một không hai của Gia đình này mà chính Thiên Chúa đã tạo dựng cho con người. Tất cả cùng nhau đi trên CON ĐƯỜNG GIÊSU. Không có ĐƯỜNG nào khác. Hành trình này kéo dài suốt đời mà ngày tuyên khấn được coi như ngày công khai tuyên bố cuộc khám phá đó cùng với anh chị em mình.”

Rất có thể có những người đào tạo ứng sinh cho đời thánh hiến sợ rằng nhấn mạnh việc phải trở thành chính mình sẽ dẫn tới ích kỷ. Họ lập luận: trước kia, đâu có như vậy. Chỉ cần tuân theo những gì đã được thực hành từ mấy chục năm là đủ rồi. Thật ra ở đằng sau điều đó là một nỗi sợ thay đổi mà Đức Phanxicô thường tố giác. Phải hơn, “căn tính là một sự hoàn thành cá vị cũng như một thuộc tính xã hội (social attribute). Xã hội không hiện hữu mà không có các cá nhân nhưng đồng thời cá nhân không hiện hữu mà không ở trong xã hội những nhân vị.”[44] Quả thật, “những giá trị ơn gọi được nội tâm hóa, nảy sinh từ những kinh nghiệm có ý nghĩa vốn đan dệt trong những tương giao liên vị”.[45] Đức Phanxicô khẳng định “trong đời sống cộng đoàn này, các mối liên hệ bạn hữu và huynh đệ là một phần toàn diện của đào tạo này.” Đào tạo rốt cục nhằm biến đổi nên một người có những tâm tình của Chúa Con,[46] tức là một “đức ái mục tử” hiến thân phục vụ Dân Thiên Chúa.[47] Như thế làm sao ích kỷ có chỗ đứng được.

Vì thế, đào tạo đòi hỏi đối thoại vốn nằm tận trong cốt yếu của nhân vị được nhìn là một tinh thần nhập thể. Chính cấu trúc thân xác của con người như điểm giao thoa của mọi cuộc đối thoại: hữu hình-vô hình, thời gian-vĩnh cửu, thân xác-tinh thần, bản tính-đức tin, vật chất-thiêng liêng. Con người là đối thoại. Do vậy, linh hướng phải được hiểu và thực hiện trong ánh sáng của một cuộc đối thoại chân thành và chân thực để thấy được kế hoạch thần linh trên đời sống như ơn gọi của một người. Không còn phải là áp đặt một ý muốn của người linh hướng trên người thụ hướng. Đó là cùng tiến bước tìm kiếm thánh ý Chúa trong phân định và quyết định. Vì thế, không thể hoàn thành ơn gọi mà không có linh hướng, không có “ngữ pháp của hiệp thông và sứ mệnh”.[48] Khi cộng đoàn đào tạo “kiên trì như một bộ các tương giao đồng hình dạng một con người với Đức Kitô linh mục, thì cộng đoàn ấy có thể trao tặng một con người trưởng thành cho Giáo hội”.[49]

Như vậy, hiệp hành trong đào tạo luôn phải giữ được thế căng thẳng giữa tính cộng đoàn và tính cá vị. Ảo tưởng của J.J. Rousseau trong Emile “nhân chi sơ tính bổn thiện” và tầm nhìn sai lạc coi ‘Cộng đoàn là đồ trang sức cho nhân vị’ chỉ mang lại những hệ quả tai hại mà thôi. Chính sự biện chứng hay căng thẳng giữa cá vị và cộng đoàn lại là một phúc lành, vì trong đó dần dần cá nhân học để trở thành hy sinh cho cộng đoàn, như vị Thủ Lãnh đã hy sinh mạng sống mình cho Dân Thiên Chúa. Chính vì thế, ‘cộng đoàn như sự khổ chế lớn nhất của tôi’ sẽ phải luôn đi kèm với “linh đạo hiệp thông”, nghĩa là “giá trị thần linh và nhân bản của việc quảng đại sống chung với nhau trong tình bằng hữu và chia sẻ cả đến những giây phút nghỉ ngơi và giải trí chung với nhau như những môn đệ quanh Đức Kitô là vị Thầy.”[50]

VI. Cộng đoàn tu sĩ: cùng nhau học để trở thành mục tử

Có thể ai đó nghĩ rằng đây là một tựa đề sai lạc. Người tu sĩ đâu có phải là mục tử. Mục tử chỉ dành cho các linh mục. Nếu đúng là thế thì quả là lệch lạc. Chúa Giêsu muốn một Giáo hội mục tử đi ra khỏi sự an toàn của mình để chăm lo những người bị thương. Đức Phanxicô mơ về một Giáo hội như bệnh viện dã chiến băng bó những bệnh nhân. Bậc làm cha làm mẹ trong Giáo hội tại gia phải tăng trưởng đức ái mục tử để chăm sóc và hy sinh chính mình cho con cái. Cộng đoàn tu sĩ càng không được miễn chuẩn khỏi sứ mệnh chăm sóc này. Đức ái mục tử đốt cháy toàn Giáo hội.

Đức Gioan Phaolô II đặt kỳ vọng vào cộng đoàn tu sĩ sống và nêu bật “linh đạo hiệp thông”, nghĩa là thấy được ánh sáng Thiên Chúa tỏa chiếu trên khuôn mặt của anh chị em mình.[51] Từ đó phát sinh những hệ quả trên bình diện cảm xúc và hoạt động: nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân, nhìn ra được những tích cực của họ, tạo được tình bạn sâu sắc…[52] Linh đạo này khiến từng người tu sĩ luôn tỉnh thức lượng giá động lực vươn đến sự thánh thiện truyền giáo trong cầu nguyện, hiệp lễ, xưng tội, xét mình và trong thinh lặng. Linh đạo này mở ra nhiều hướng hành động tốt đẹp.

Đức Phanxicô lại cho thấy rằng cộng đoàn tu sĩ biểu lộ một cộng đoàn cùng nhau hành trình trong sự lắng nghe tất cả mọi thành phần, nhất là những người nhỏ bé hơn mà như Thánh Biển Đức thường nói: Thiên Chúa lại rất thường nói qua những kẻ nhỏ hèn. Cộng đoàn tu sĩ như vậy cùng phân định Thần khí nói gì cho các giáo hội và từ đó đi tới tiến trình lấy quyết định. Một cộng đoàn hiệp hành sẽ tỏ lộ rõ là một cộng đoàn môn đệ truyền giáo.

Trong ánh sáng này, hành trình cùng nhau trong cộng đoàn tu sĩ cần đến sự linh hướng, vốn “giúp họ nên ý thức về sự nghèo khó của mình và, đồng thời, về việc họ cần ân sủng Thiên Chúa và sự sửa lỗi huynh đệ”.[53] Người tu sĩ cần “đủ khiêm nhường để được đồng hành”.[54] Đức Phanxicô đưa ra một thực hành cụ thể để làm cho việc cùng nhau hành trình được tốt đẹp: tránh phê bình lẩm bẩm như tránh bệnh dịch covid vậy. Phê bình, chỉ trích chỉ biến cộng đoàn thành hỏa ngục, làm chua chát tâm hồn mình, gieo nọc độc vào thửa đất tâm hồn của người khác và chẳng thể mang đến sự an bình hạnh phúc. Trái lại, đào tạo cộng đoàn mới phát triển tình bạn và liên đới.

Thay vào đó, người tu sĩ làm mình trở nên đáng yêu bằng cách yêu thương và quảng đại. Vì ơn gọi của người tu sĩ là một sự hiện diện nhưng không, yêu thương, hiến mình, nên họ biểu lộ hình ảnh vị mục tử hiện diện trong mọi nẻo đường của nhân loại. Ảnh tượng (Icon) của đời thánh hiến ngày nay chính là bức tranh Chúa Giêsu và hai môn đệ trên đường Emmaus.[55] Qua đó ta hiểu rằng:

sự hiện diện mục vụ có nghĩa là đi với Dân Chúa. Có lúc đi trước họ để chỉ lối cho họ, có lúc đi giữa họ để kiện cường họ trong hiệp nhất, có lúc đi sau họ để bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại đằng sau, không để mất hương thơm của Dân Thiên Chúa hầu tìm thấy những con đường mới.[56]

Như vậy, từng bước, người tu sĩ hiểu được giá trị lớn lao của sự hiện diện, một sự hiện diện đồng cảm. Họ dần nhận ra điều quan trọng này: trước khi làm việc gì, người tu sĩ được mời gọi để trình bày một sự hiện diện nhưng không, quảng đại để làm dấu chỉ về một Thiên Chúa vốn không đau khổ lại tự nguyện làm cho mình đau khổ vì những kẻ Ngài yêu thương. Sự hiện diện của họ mang tính bí tích.[57]

Kết luận

Vậy ta có thể nói rằng Đức Giêsu mong đợi các tu sĩ trong thế hệ hôm nay lại một lần nữa cùng nhau viết nên trang sử mới của một Giáo hội đi với nhân loại trong vui mừng, hy vọng, đau khổ, u buồn. Các tu sĩ khám phá lại ơn gọi hôm nay của mình là dấu chỉ và phương thế của Đức Giêsu đang cùng tiến bước với con người trên đường Vương quốc Thiên Chúa. Họ cần phải tạo thành một gia đình với nhau để cùng nhau xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa ngay nơi mình sống và làm việc. Tính chất hiệp hành không chỉ là một dạng thức sống và hoạt động song cũng là một dạng thức đào tạo nữa. Khi cùng nhau sống, làm việc và yêu thương, các tu sĩ hoàn thành điều mà Vatican II nói: Họ làm chứng cho thế giới rằng thế giới chỉ có thể xây dựng và biến đổi nhờ các giá trị Tin mừng thôi.[58]

Trích Bảntin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)

WHĐ (09.11.2022)

[1] X. LG 44; PC 1, 2, 5.

[2] X. Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ, Thư gửi cho các tu sĩ nam nữ “Rejoice!”

[3] X. UBTHQT, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.

[4] X. https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2022-03/pope-walking-together-is-the-essence-of-religious-life.html

[5] X. H. Newman, The Development of Doctrine, trang 40: “ở dưới trần này, sống là thay đổi, và hoàn thiện là thường xuyên biến đổi”.

[6] C. Bellarmine, Giáo hội “là một nhóm người được quy tụ tuyên xưng cùng đức tin Kitô hữu, và trong sự hiệp thông cùng các bí tích, dưới sự quản trị của những mục tử hợp pháp, và nhất là của vị đại diện Đức Kitô, Đức giáo chủ Roma.”

[7] Trong cuốn Jalons pour une théologie du laïcat, Y. Congar phê bình Giáo hội học đương thời hầu như đồng hóa với phẩm trật học.

[8] Phanxicô, Bài giảng thứ Năm Tuần thánh, lễ Dầu, ngày 14 tháng Tư 2022, http://vietcatholicnew.net/News/Html/275429.htm

[9] X. T. Rausch, ‘Forming Priest to the Future Priest: the coming Synod’, America Feb 24, 1990, 170.

[10] X. Kenan B. Osborne, “Priestly Formation,” in Raymond F. Bulman and Frederick J. Parrella, eds., From Trent to Vatican II: Historical and Theological Investigations (Oxford: Oxford University Press, 2006), 126–27. Nhận xét này được Kevin O’Gorman sử dụng trong “Models of Priesthood: Some Implications for Formation” trang 61.

[11] X. PC 2.

[12] X. Hội nghị Quốc tế về đời sống thánh hiến, Passion for Christ, passion for humanity, Pauline Books & Media (1 June 2005).

[13] Kevin O’Gorman, “Analogia Ecclesiae – Models of Priesthood: Some Implications for Formation”, trang 61, trong D. Marmion, M. Mullancy, S. Ryan (eds), Models of Priestly Formation, Liturgical Press, 2019.

[14] X. Phanxicô, Vultus Misericordiae.

[15] X. LG 44; PC 2, 5.

[16] X. Kevin O’Gorman, Models of priestly formation, 66.

[17] UBTHQT, Synodality; tài liệu Synod 2022.

[18] X. Mẹ Tổng quyền của Tu hội Con Đức Mẹ Phù hộ (FMA) cir. 988.

[19] X. DV 1; LG 1; SC 5; GS 45.

[20] X. OT 4.

[21] X. Phanxicô, Sứ điệp gửi cho TTN 28 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco; Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục và sự gần gũi trong https://www.exaudi.org/pope-francis-talks-of-priesthood-and-closeness/ “Chúng ta luôn bị cám dỗ sống đời linh mục mà không sống bí tích Thánh tẩy, nói cách khác, chúng ta quên rằng ơn gọi chính yếu của chúng ta là nên thánh. Nên thánh có nghĩa là làm cho cuộc đời chúng ta đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, bằng cách để cho tâm hồn chúng ta rung động cùng những tâm tình của Người (x. Pl 2,15).”

[22] X. Bênêđictô XVI, Jesus of Nazareth, vol.1, chương 4: Bài giảng trên núi, (DoubleDay, 2007)

[23] X. UBTHQT, Synodality, chương 3-4.

[24] Chavez, Bề trên Tổng quyền của Dòng Salêdiêng, Ơn gọi và Đào tạo.

[25] X. Phanxicô, Gặp gỡ các Bề trên Tổng quyền ngày 29/11/2013 tại Roma, “Để tránh bị rắc rối, ở một số nhà đào tạo, các bạn trẻ cắn răng cố không phạm lỗi, vui vẻ giữ luật, chờ đến ngày được nghe câu: ‘Tốt lắm, con đã hoàn tất chương trình đào tạo’. Đó là thói đạo đức giả vốn là hậu quả của chủ nghĩa giáo sĩ trị, một trong những sự xấu tồi tệ nhất. Việc đào tạo [các linh mục tương lai] là một công trình nghệ thuật, chứ không phải là một hành động giám sát,” ngài nói thêm. “Chúng ta phải huấn luyện tâm hồn của họ; nếu không, chúng ta sẽ tạo ra những con quái vật nhỏ. Rồi những con quái vật nhỏ bé này lại nhào nặn dân Chúa. Điều này thực sự khiến tôi nổi da gà”.

[26] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 41.

[27] X. Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis; Ratio 2016 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco, chương 4.

[28] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 130.

[29] P. Wong, “Integration in Priestly Formation within the Stage of Configuration” March 30, 2019; “The Main Features of the RFIS”, June 10-14, 2019.

[30] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 50.

[31] X. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, 20-32.

[32] X. Hiến pháp Tu hội Salêdiêng Don BoscoHiến pháp Tu hội Con Đức Mẹ Phù hộ; Gioan Phaolô II, Vita Consecrata.

[33] Patron Wong, “Foundations of priestly Formation”http://www.clerus.va/content/clerus/en/notizie/new4.html

[34] Phanxicô, Bài nói chuyện với các linh mục và tu sĩ ngày 21 tháng Tư, 2013.

[35] Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, 66.

[36] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 14.

[37] X. Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, 66.

[38] X. Adam Skreczko, “Pastoral Care of Vocations and Personal Identity”https://repozytorium.uwb.edu.pl/jspui/bitstream/11320/12453/1/RTK_20_2021_A_Skreczko_Pastoral_Care_of_Vocations_and_Personal_Identity.pdf

[39] X. Thomas Merton, No Man Is an Island, (A Harvest Book:1955); K. Rahner, Hearer of the Word, (Continuum: 1994).

[40] Adam Skreczko, “Pastoral Care of Vocations and Personal Identity”.

[41] UBTHQT, Synodality.

[42] X. Patron Wong, ibid.; Keating, Beyond schooling, 38.

[43] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 53.

[44] Adam Skreczko, ibid.

[45] P. Wong, ibid.

[46] X. A. Cencini, Tâm tình của Chúa Con, Dịch giả: Nguyễn Ngọc Kính, OFM & Nguyễn Văn Khoan, OFM. (NXB: Tôn giáo).

[47] X. Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis; P. Wong, “Accompaniment and Discernment of Priestly Vocations, Symposium for Formation Teams, EnglishSpeaking Seminaries of Canada, April 4-7, 2019; Francis, “Priests aren’t mushrooms: Pope Francis’ reflection on priestly ministry, formation”https://www.catholicnewsagency.com/news/33006/priests-arent-mushrooms-popefrancis-reflection-on-priestly-ministry-formation; Pope Francis’ Address to Seminarians and Novices, Saturday, 6 July 2013, https://archden.org/vocations/the-call-2/the-call/pope-francis-address-seminarians-novices/

[48] P. Wong, ibid.

[49] Keating, Beyond schooling, 37.

[50] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 29.

[51] X. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 29.

[52] X. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 29.

[53] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 65

[54] Phanxicô, Nói chuyện với chủng sinh tại Pháp, 16/3/2018.

[55] X. Mẹ Tổng Quyền Tu hội Con Đức Mẹ Phù hộ, Cir 988.

[56] Phanxicô, EG 31.

[57] X. Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est; Phanxicô, Sứ điệp gửi cho TTN 28 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco.

[58] X. LG 31.