TỰ DO VÀ DÂNG HIẾN
Một lần nọ, tôi cùng một nhóm giáo lý viên đi dâng lễ tại gia cho một gia đình ở vùng sâu xa. Trên đường đi, chúng tôi ngang qua một ngôi nhà có nuôi rất nhiều loại chim cảnh. Giữa khung cảnh bình yên và tiếng chim ríu rít, một chị giáo lý viên tuổi trung niên bất chợt hỏi tôi: “Tại sao người ta yêu chim mà lại nhốt chúng trong lồng, khiến chúng mất tự do?”
Câu hỏi ấy khiến tôi sững người trong giây lát. Rồi tôi đáp lại bằng một câu hỏi khác:
“Vậy sao chị lại lấy chồng, sinh con? Tại sao chị lại đánh đổi tự do, sắc đẹp và tuổi trẻ của mình?”
Sau đó, cả nhóm chúng tôi im lặng, tiếp tục bước đi trên con đường làng nhỏ, với những hàng cây hai bên khẽ đung đưa trong gió.
Thế nhưng, câu hỏi đó không dừng lại ở đó. Khi về đến nhà, nó vẫn vang vọng trong tâm trí tôi. Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về hình ảnh con chim trong lồng và sự đánh đổi giữa tự do và các giá trị. Tôi nhận ra rằng, nếu con chim cứ bay tự do giữa bầu trời, có lẽ sẽ chẳng có ai biết đến nó, chẳng ai quan tâm đến sự hiện diện của nó trong thế giới này, và cũng chẳng ai có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của bộ lông sặc sỡ, mượt mà dưới ánh nắng. Chính vì nó ở trong lồng, người ta mới để tâm, mới đến gần để chiêm ngắm vẻ đẹp và lắng nghe tiếng hót của nó. Không chỉ đơn thuần là tiếng hót, mà là những âm thanh có thể làm dịu tâm hồn, mang lại sự nhẹ nhõm sau những mệt mỏi của đời thường, thậm chí có thể mang sự chữa lành cho những tâm hồn.
Tôi nhận ra rằng, nếu con chim ấy được tự do, thì tiếng hót ấy cũng sẽ vang lên giữa trời cao. Nhưng rồi, tiếng hót ấy sẽ lập tức tan biến giữa bao âm thanh hỗn tạp khác, chẳng ai chú ý, chẳng ai cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó, và nó cũng chẳng mang lại giá trị gì cho con người, những con người đang sống trong một thế giới đầy mệt mỏi và nặng nề.
Từ đó, tôi nghĩ đến chính đời tu của mình. Đời sống dâng hiến cũng giống như con chim trong lồng. Nếu người tu sĩ cứ khăng khăng đòi sống theo sở thích riêng, theo lối sống tự do của thế gian, thì họ cũng giống như cánh chim hoang: dù có đẹp, có hót hay đến đâu, cũng sẽ bị lãng quên giữa cuộc đời rộng lớn này.
Chính nhờ sự “bị giới hạn” trong đời sống tu trì, qua kỷ luật, các lời khấn, việc bổn phận, những giờ kinh mà giá trị của người tu sĩ được trở nên “đặc biệt”, được nhận ra và được lắng nghe. Không chỉ người đời nghe và thấy, nhưng chính Thiên Chúa đang lắng nghe và ngắm nhìn cuộc đời của họ. Chính vì vậy, sự hiện diện âm thầm nhưng tròn đầy ý nghĩa ấy như tiếng hót của con chim trong lồng, không ồn ào, sẽ chạm đến những tâm hồn đang tổn thương, mang lại sự an ủi sau những ngày mỏi mệt, thắp lên tia hy vọng trong những tâm hồn đang lạc hướng.
Cuối cùng, tôi nhận ra rằng: chỉ cần tôi sống đúng ơn gọi của mình, sống trọn vẹn là một người tu sĩ, thì sự hiện diện của tôi cũng đã đủ để góp phần làm cho xã hội này mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn. Giống như con chim, không cần làm gì nhiều, chỉ cần hiện diện trong lồng, để người ta được chiêm ngắm vẻ đẹp và lắng nghe âm thanh của sự sống, của bình an và hy vọng.
Như vậy, tự do đích thực không nằm ở chỗ làm điều mình muốn, mà là sống trọn vẹn cho điều mình được mời gọi. Trong sự tự nguyện hiến dâng và chấp nhận những giới hạn, chúng ta sẽ lại tìm thấy một ý nghĩa sâu xa hơn một sự tự do hoàn toàn khác: tự do để yêu thương, để phục vụ và để trở nên dấu chỉ sống động của Thiên Chúa giữa trần gian.
LM. Pl. ANH ĐỨC