Suy niệm Lời Chúa hằng ngày – Chúa nhật VI Phục Sinh

Chúa nhật 6 Phục Sinh_(Ga 14, 23-29)

Sự bình an, đó là khao khát của con người trong mọi thời. Bởi vì dù có được sự giàu sang, danh vọng, quyền lực… nhưng người ta vẫn có những nỗi lo sợ, nỗi bất an riêng.

Cụ thể, chúng ta thấy: ông Giakêu rất giàu, vì là trưởng nhóm thu thuế, nhưng ông không tìm được sự bình an nơi của cải của mình, nên ông khao khát tìm gặp Chúa để có được sự bình an. Vua Hêrôđê nắm quyền lực trong tay, nhưng ông vẫn lo sợ sẽ bị mất ngai vàng khi nghe tin Đấng Cứu Thế mới Giáng Sinh; và rồi những người nổi tiếng có danh vọng, nhưng đi ra đường nhiều khi phải che mặt, sợ người ta biết, sợ người ta để ý, sợ lỡ làm sai chuyện gì sẽ bị tai tiếng, bị tẩy chay, bị chê cười. Ngoài ra, cũng không phải nghèo khó mà được tự tại an vui đâu, vì phải lo lắng cho cái ăn cái mặc hằng ngày.

Thấu hiểu được nỗi lo lắng của các môn đệ và của nhân loại, Chúa Giêsu đã trấn an với câu nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.

Bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động, vì luôn có Chúa trong mình. Giống như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của những người chống đối Chúa. Bên cạnh đó, ơn bình an Chúa ban còn có nghĩa là những người theo Chúa thì không còn lo sợ tội lỗi, ma quỷ và sự chết nữa. Bởi lẽ khi có Chúa, người Kitô hữu không chỉ được hưởng bình an ngay tự bây giờ, mà còn hi vọng được về “quê BÌNH AN” vĩnh cửu trên trời.

Nhưng để hưởng sự bình an ấy, chúng ta cần phải góp phần của mình. Tức là cộng tác với ơn Chúa. Bởi vì bình an của Chúa không phải là thứ an tâm trong cám dỗ, hay là đầu hàng để được sống yên ổn trước những sai trái, bất công. Nhưng bình an của Chúa là niềm hân hoan thoải mái trong tâm hồn khi chúng ta được hòa giải với Chúa, khi chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận cái sai của mình để sẵn sàng làm hòa với tha nhân, và nhất là chúng ta sẽ có được sự bình an khi biết sống cho sự thật, đồng thời suy nghĩ, nói năng một cách tích cực hơn.

Nguyện xin Thiên Chúa ban bình an cho chúng con và biến chúng con thành khí cụ đem bình an và yêu thương đến cho mọi người. Amen.

Ga 16,5-11_Thứ ba tuần 6PS_C

Các nhà tu đức thường mời gọi mỗi người Kitô hữu, đó là: mỗi buổi tối, hãy dành ra ít phút, lắng đọng trước thánh nhan Thiên Chúa để hồi tâm, xét mình. Tại sao lại phải làm điều đó? Thưa, hồi tâm xét mình là một phương pháp rất có ích cho đời sống thiêng liêng, nó giúp cho chúng ta nhớ lại những điều tốt – hoặc là điều xấu mình đã làm trong ngày. Tốt thì phát huy, xấu thì loại trừ. Các thánh là những người đã đi theo con đường này.

Hôm nay, Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ ra đi, nhưng Ngài sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến để làm chứng cho Ngài, và Chúa Thánh Thần sẽ đến để thực thi sứ vụ là tố cáo thế gian vì đã không tin nhận Chúa Giêsu. Thế gian ở đây hiểu theo nghĩa: những người không tin, không đón nhận Chúa Giêsu. Đồng thời, Chúa Thánh Thần đến làm cho Lời của Chúa Giêsu được bừng sáng lên, và làm cho sự xấu xa, tội lỗi bị lên án.

Thời đại hôm nay được gọi là thời đại của Chúa Thánh Thần, thế nhưng, trong Ba Ngôi Thiên Chúa thì Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần thường bị quên lãng. Thật vậy, qua tiếng nói lương tâm và qua các dấu chỉ, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và thúc dục mỗi người biết làm lành, lánh dữ. Tuy nhiên, vì đôi khi chúng ta còn mang nặng tính kiêu ngạo và bảo thủ, lương tháng trọng hơn lương tâm, nên chúng ta đã bỏ qua tiếng nói của Lương Tâm, không đón nhận Chúa Thánh Thần vì lý do sợ Sự Thật. Cho nên, không thiếu những lần chúng ta cứ đi sai đường trệch lối mà không biết, không thiếu những lần chúng ta cố tình không chịu biến đổi, dẫu biết điều đó là không đúng.

Thánh Phanxicô Salêsiô cũng đã dạy rằng: Cho dù trong một ngày sống, bạn có bận rộn bao nhiêu đi chăng nữa, hãy dành ít là một phút trước khi ngủ để xét mình. Việc hồi tâm xét mình là điều cần thiết, bởi lẽ, trong thinh lặng nội tâm, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết được đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu cần tránh.

Xin Chúa Thánh Thần chiếu soi ngọn lửa Chân Lý vào trong tâm hồn chúng con, để chúng con can đảm quay lưng lại với điều xấu; đồng thời dám can đảm để Chúa biến đổi, can đảm yêu mến, lựa chọn những điều tốt và làm theo. Amen.

Ga 16,12-15_Thứ tư tuần 6PS_C

Trong 3 năm ở với các Tông đồ, Chúa Giêsu đã dạy dỗ các ông nhiều điều: có những điều các ông hiểu ngay lập tức, NHƯNG cũng có những điều các ông không hiểu, đến nỗi Chúa Giêsu phải thốt lên: Lòng chúng con ngu muội thế? Cuối quyển Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan đã ghi lại: Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

Chắc chắn rồi, chỉ trong vỏn vẹn 3 năm, không thể nào các Tông đồ là những kẻ xác đất vật hèn, thì làm sao có thể hiểu hết được những điều của một Vì Thiên Chúa Giêsu đã dạy; mỗi người chúng ta cũng vậy, cũng là những kẻ xác đất vật hèn… phải chờ đến một Đấng Khác dạy dỗ một cách tiệm tiến từ từ, Đấng đó là Chúa Thánh Thần. Hôm nay, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta về việc sống sự thật.

Trong một khảo sát được công bố mới đây của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Trần Ngọc Thêm chủ trì ,cho thấy bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt Nam, chiếm 81%. Chúng ta có thể thấy gian dối có mặt ở khắp nơi: trong gia đình, nơi công sở, nơi kinh doanh,… và trong đời sống các Kitô hữu.

Con xin đơn cử một vấn đề này: Có những kỹ sư là người Công giáo, đi thầu để xây dựng những nhà thờ. Bởi vì các cha sở đâu học qua xây dựng, nên bị các kỹ sư Công giáo này qua mặt, gian dối. Bao nhiêu thiệt hại: Xây dựng nhà thờ trên nền đất này, nhưng lại lấy mẫu đất cách đó 500m để thiết kế móng – bỏ túi tiền việc khoan địa chất móng, thiệt hại là móng thiết kế không đủ tải: xé tường, sụt lún, tổn thất cho Giáo hội.

Con thiết nghĩ, người ta có sống gian dối với nhau là bởi: vì vật chất, tiền bạc, danh vọng; vì tiếng khen mà nói dối, nói quá về mình, sống sai sự thật với bản thân; người ta sống gian dối chỉ vì cố gắng sống theo điều mình CÓ – sở hữu điều này, chiếm hữu điều kia, chứ KHÔNG sống theo điều mình LÀ – là chính mình.

Để có thể hiểu và sống theo những gì Chúa Giêsu đã dạy, nhất là nên giống Chúa khi sống sự thật, chúng ta cần sự nhắc bảo, trợ giúp của Chúa Thánh Thần – Thần Chân Lý. Xin cho mỗi người chúng ta, luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần nơi sâu thẳm lòng mình, có như thế, chúng ta mới có thể sống được những điều Chúa Giêsu đã dạy, nhất là sống sự thật.

Ga 16,20-23a_Thứ sáu tuần 6PS_C

Theo thống kê Gần đây, thì có khoảng 30.000 người Nhật Bản tự tử mỗi năm. Còn ở Hàn Quốc, thì tình trạng tự tử tập thể vẫn đang lan rộng tới mức báo động. Điều lạ lùng là, nhiều người trong số này là những bạn trẻ, giàu có, nổi tiếng. Hóa ra thực trạng đau lòng: Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa, người ta lại không biết sống để làm gì. Thật vậy, có những Kitô hữu, trên khuôn mặt luôn luôn là “mùa chay” – khuôn  mặt cau có, luôn buồn rười rượi, không hề có “mùa phục sinh” – không có niềm vui. Chính vì thế, sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn gửi đến từng người chúng ta qua đoạn Tin Mừng hôm nay đó là: Hãy sống niềm vui của Chúa Phục Sinh trong cuộc đời chúng ta.

Trong bài đọc 1, sách Công vụ Tông đồ ghi lại: Khi Phaolô đang ở Côrintô, một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo. Thánh Phaolô xác tín: Chúa ở cùng nên ngài mạnh mẽ – VUI MỪNG rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho dân ngoại, mặc dầu có chống đối, có đau khổ, thậm chí bị ném đá suýt chết.

Mỗi người chúng ta cũng phải sống cho được niềm vui của Chúa Phục Sinh trong cuộc đời của mình. Con muốn nhấn mạnh ở đây, đó là trung thành cầu nguyện, rất nhiều lúc trong đời sống chúng ta gặp phải thử thách đức tin, nhiều khi là đau khổ, hiểu lầm, bệnh tật buồn sầu… nhưng chúng ta sẽ có được niềm vui của Chúa Phục Sinh khi trung thành cầu nguyện. Thêm nữa, chúng ta sẽ có được niềm vui của Chúa Phục Sinh khi chúng ta sống bác ái: ngày hôm nay, ai cũng vất vả khó khăn đủ điều, có người thiếu lương thực, có người thiếu nước uống, có người chật vật kiếm từng đồng từng cắc… Mặc dầu chúng ta không giàu có, nhưng chúng ta sẽ có được niềm vui của Chúa khi chúng ta biết chia sẻ bác ái với người khác.

Mặc dù không theo đạo Công giáo, nhưng cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã chọn cho mình sống niềm vui: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui: Chọn những bông hoa và những nụ cười; cùng với anh em tìm đến mọi người… Tôi chợt biết rằng, vì sao tôi sống, vì cần một trái tim. Mỗi ngày, chúng ta cũng hãy chọn cho mình sống niềm vui của Chúa khi cầu nguyện, khi làm việc bác ái, để rồi, chúng ta dám mạnh dạn loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho người khác, như thánh Phaolô đã làm.

Lm. Joseph