Viết tiếp câu chuyện Ơn Gọi

 VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN ƠN GỌI

Châu Hoà Hồng Linh

Tôi gặp em giữa mùa hoa phượng đỏ, khi tiếng ve ngân lên báo hiệu một mùa thi kết thúc. Mười hai năm khép lại không phải để kết thúc việc học, mà là để mở ra một hành trình mới – hành trình đi tìm chính mình, đi tìm ý nghĩa đời mình giữa muôn vàn ngã rẽ. Đứng giữa ngã rẽ của cuộc đời, em đến gặp tôi, mang trong lòng bao thao thức như muốn tìm một chút ánh sáng soi đường cho một quyết định đang giằng co.

“Con muốn đi tu, nhưng lòng con hoang mang lắm, Soeur ạ!” – em nói, mắt nhìn xa xăm như muốn dò tìm một câu trả lời nơi chân trời mù mịt. “Con thấy mình như đang đánh cược với tương lai. Cánh cửa đại học đang rộng mở, một hành trình đang đi vào quỹ đạo… để bước vào một đời sống mà con không biết ngày mai sẽ ra sao. Tuổi trẻ rồi sẽ qua, còn con, con chưa biết mình là ai, có đủ sức để sống hết mình cho ơn gọi không?”

Lắng nghe em, tôi nhận ra đó không chỉ là nỗi băn khoăn của riêng em, mà là tâm trạng của rất nhiều bạn trẻ khi đứng trước lời mời gọi bước theo Chúa. Vì đâu phải ai cũng hiểu trọn vẹn lời hứa của Đức Kitô: “Ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm ở đời này, và được sự sống đời đời ở đời sau” (Mt 19,29). Nhưng phần thưởng ấy không đo bằng tiền tài hay danh vọng, mà là sự bình an sâu xa và tình yêu không bao giờ tàn lụi.

Tôi nhìn em và nghĩ đến Hội Dòng – nơi tôi đã được ghi dấu cuộc đời mình bằng những trang sử thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, bởi những người đã dám “bỏ mình” vì một Tình Yêu lớn hơn mọi tình yêu. Tôi ước ao em cũng viết tiếp câu chuyện ơn gọi ấy, bắt đầu từ những hoài nghi, cả những vấp ngã, để rồi qua những thử thách, em nhận ra: chính trong sự yếu đuối của mình, em sẽ cảm nhận rõ hơn sức mạnh của Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã viết: “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).

Mỗi ngày là một trang giấy trắng, là một cơ hội để em vẽ nên chính cuộc đời mình bằng những gam màu của hy vọng, can đảm và đức tin. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi thật căn bản: “Em sống để làm gì?”, “Cuộc sống này có ý nghĩa gì với em?” Khi em tìm được câu trả lời từ trái tim, khi em không còn chạy trốn chính mình, cuộc đời em sẽ trở thành một mũi tên hướng về Thập Giá nơi Tình Yêu và Ơn Gọi gặp nhau.

Đừng quá lo lắng cho ngày mai, vì Chúa đã nói: “Ngày mai cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Và cũng đừng để những vết thương của quá khứ khiến em ngại ngần bước tới. Hãy giữ lấy phần dại khờ – để biết cậy trông, giữ lấy phần lý trí – để biết phân định. Và rồi em sẽ thấy: tuổi trẻ chỉ thật sự trọn vẹn khi được sống hết mình cho một lý tưởng lớn hơn chính mình.