Lễ đèn I: Tình tự hiến (Thứ 5 Tuần Thánh)

TÌNH TỰ HIẾN

Tam Nhật Vượt Qua là đỉnh cao của Năm Phụng vụ, vì giúp chúng ta tham dự vào những mầu nhiệm trọng đại trong lịch sử cứu độ. Tam Nhật Vượt Qua là trọng tâm của Mùa Chay, vì là thời gian chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận hồng ân cứu độ, nhờ cái chết và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Tình Yêu Tự Hiến, một chủ đề nổi bật trong phụng vụ thứ năm tuần thánh, vì đó là ngày Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích tình yêu, ngày Người truyền ban giới luật yêu thương cho các tông đồ cũng như cho toàn thể nhân loại.

Tình Yêu Tự Hiến, là tình yêu của Vị Cứu Thế trên đường thương khó, một lộ trình dài nhuộm thắm máu đào, khai mở từ vườn dầu và kết thúc trên đỉnh đồi Canvê. Qua mầu nhiệm nhập thể đã hé mở một tia sáng biểu lộ tình yêu tự hiến, và khi giang rộng vòng tay trên đỉnh đồi loang máu chiều xưa, Người đã minh chứng hùng hồn tình yêu tự hiến như lời Người đã phán: “Không có tình yêu nào cao đẹp cho bằng tình yêu của kẻ đã hiến mạng sống vì người mình yêu”.

Tình yêu là trao hiến, Chúa Kitô đã trao ban cuộc đời, khi âm thầm lặng lẽ ở Bêlem; khi thân tình thiết nghĩa ở phòng tiệc ly; khi mãnh liệt dâng hiến trên đỉnh đồi Golgotha; và khiêm cung tự hạ trong nhà Tạm. Thế mà, lạy Chúa, nhân loại vẫn làm ngơ giả điếc trước những chứng tích tình yêu sâu nhiệm đó, và còn nhẫn tâm phụ bạc trước Thánh Tâm rộng mở chan chứa yêu thương của Ngài. Lạy Chúa, với niềm cảm mến tri ân, hòa trong kinh nguyện hy sinh và tâm tình sám hối chân thành, chúng con xin dâng lên Chúa tình yêu. Nguyện bước theo chân Thầy Chí Thánh trên đường thập giá thương đau, để được hiệp thông cứu đời và cứu người.

  • Hát: Niềm vinh dự (MC. 178)

1. Gẫm thứ nhất: Bữa Tiệc Ly

Tiệc ly là tiệc Vượt Qua. Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua đã chịu sát tế vì phần rỗi nhân loại. Tiệc ly là điểm hẹn, nơi giao ước mới được ký kết trong máu Đức Kitô thay cho giao ước Sinai. Tiệc ly là bữa tiệc thánh đem lại nguồn sống thiêng liêng và vĩnh cửu. Tiệc ly mở đầu cho sự hiện diện thường xuyên của Đức Giêsu nơi trần thế dưới dấu chỉ bí tích. Tiệc ly khai sinh dân của giao ước mới là Giáo Hội. Tiệc ly thiết lập chức tư tế thừa tác để nối dài hiến tế cứu độ và phục vụ dân mới. Tiệc ly, giây phút giã từ bi thảm vì kẻ phản bội chính là người thân thiết. Tiệc ly, bữa tiệc chia tay đầy lưu luyến, nhiều nghi nan với những diễn biến quan trọng ghi dấu ấn tình yêu.

  • Tin Mừng: Lc 22,14-18

Ngay đầu bữa ăn, người ta có cảm tưởng về một mặc khải đặc biệt mà Chúa Giêsu chưa thực hiện, và trong đó Người muốn thổ lộ hết nỗi lòng: “Thầy khao khát ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ hình” (Lc 22,15). Chúng ta biết rằng: Đức Kitô còn một ước vọng khác nữa, đó chính là “cuộc khổ nạn” mà Người nóng lòng hoàn tất. Bữa tiệc Vượt Qua và Con Chiên sát tế chính là hình bóng và loan báo của lễ hy sinh tối cao, cần phải được hoàn tất và thể hiện một cách dứt khoát vĩnh viễn trong lễ hy sinh này. “Vì Thầy bảo các con, Thầy sẽ không ăn lễ này cho tới khi hoàn tất trong Nước Thiên Chúa”.

Lạy Chúa Giêsu, sau những giây phút sum họp thân tình là những giờ phút ly biệt thương đau. Chúa phải ra đi để hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã hoạch định, để giải thoát chúng con khỏi vòng kiềm tỏa của ác thần. Chúng con thành kính tri ân tình yêu cứu thế, vì Chúa đã hy sinh, dùng cây thập giá để nối lại nhịp cầu giao hòa đất với trời.

  • Hát: Hãy yêu thương nhau (MC. 188 (1+2))

(Tắt đèn 1)

2. Gẫm thứ hai: Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể

“Thiên Chúa là tình yêu”. Với tình yêu sẽ có nhiều sáng kiến. Bí tích Thánh Thể là phát minh diệu kỳ của tình yêu. Vì yêu là muốn kết hợp với người yêu, nên Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để lưu lại trong ta qua mối hiệp thông Bánh Hằng Sống, và Thánh Thể chính là bảo chứng tình yêu của Đấng tự hiến vì ta.

  • Tin Mừng: Mt 26,26-29

Chúa Giêsu đã yêu thương kẻ thuộc về Người (Ga 13,1) và trong những giờ phút thân mật cuối cùng, Người muốn ban cho các tông đồ một bảo chứng tình yêu vĩ đại nhất, đó là những giây phút thân mật đầm ấm, nhưng cũng là giờ khắc nhiều âu lo cực phiền: Giuđa đang tâm định bán nộp Thầy, Phêrô nhẫn tâm chối bỏ Thầy, các môn đệ khác thì chạy trốn vì sợ liên lụy! Như thế, việc thiết lập Bí tích Thánh Thể là lời đáp trả cho sự phản bội của nhân loại, như một tặng vật cao quý nhất đối lại sự vô ơn tệ bạc của loài người. Chính Thiên Chúa xót thương theo đuổi tạo vật phản bội của Người, không phải bằng đe dọa, nhưng với sự can thiệp tế nhị nhất do lòng từ bi bao la của Người. Và giờ đây, khi ác tâm của họ dâng lên tột độ, Người lại dốc hết nguồn suối tình yêu hiến thân cho nhân loại, không chỉ như Đấng Cứu Chuộc chết thay cho họ trên thập giá, nhưng còn như lương thực nuôi dưỡng họ là chính Mình Máu Người, và nếu cái chết tách lìa Người khỏi mặt đất, thì Thánh Thể mãi mãi duy trì sự hiện diện sống động thật sự của Người cho đến ngày tận thế.

  • Hát: Chính Mình Máu Ngài (TN2. 24 (1))

(Tắt đèn 2)

3. Gẫm thứ ba: Chúa Giêsu truyền ban giới luật yêu thương

Giờ phút ly biệt lưu luyến, những lời trăn trối luôn có một âm hưởng sâu đậm. Các thánh sử ghi lại chúc thư tình yêu mà Chúa đã căn dặn trong bữa tiệc ly: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

  • Tin Mừng: Ga 13,33-35 

 Trong bữa tiệc ly, cùng với Bí tích tình yêu, Chúa Giêsu đã để lại một chúc thư tình yêu, chúc thư sống động và cụ thể của tấm gương sáng ngời về đức khiêm nhường và bác ái, khi Người quỳ gối rửa chân cho các môn đệ, và công bố giới răn mới: “Cha làm gương cho các con, để các con cũng làm gương cho nhau như vậy”. Đó là lời mời gọi thúc bách phải thực thi bác ái huynh đệ, kết quả có được là do việc chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu và rước lễ. Vậy nếu chúng ta không thể bắt chước Chúa Giêsu đến độ hiến thân làm của nuôi anh chị em chúng ta, thì chúng ta vẫn có thể bắt chước Người khi giúp đỡ họ cách thân tình, không chỉ trong những việc dễ dãi, nhưng cả trong những sự khó khăn và nhàm chán. Thầy Chí Thánh hằng tiếp tục chứng tỏ tình yêu với những ai vô ơn và phản bội.

Bác ái của chúng ta không thể giống bác ái của Người, nếu chúng ta không lấy lành báo ác, không tha thứ tới cùng và làm hòa với mọi người. “Giới răn mới” đã làm cho tình yêu của Chúa Giêsu nên thước đo tình yêu của chúng ta đối với tha nhân, mở ra một chân trời bao la để thực thi bác ái, vì đây là bác ái vô bờ bến, và nếu có giới hạn thì giới hạn ấy theo gương Thầy Chí Thánh là hiến mạng sống cho tha nhân, vì “không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13).

  • Hát: Luật yêu thương (MC. 190 (1+4))

(Tắt đèn 3)

4. Gẫm thứ tư: Thảm trạng vườn dầu

  • Hát solo: Bài ca thương khó (MC. 198 (1+4))
  • Đọc: 1 kinh lạy Cha – 10 kinh kính mừng – 1 kinh sáng danh

      (Tắt đèn 4)

5. Gẫm thứ năm: Chúa Giêsu bị bắt

Nụ hôn thường là dấu chỉ yêu thương, nhưng trớ trêu thay, với cái hôn phản bội, Giuđa đã trở thành tên sát nhân, bàn tay vấy máu người vô tội. Thế là bi kịch thương khó diễn biến từ đây.

  • Tin Mừng: Mt 26, 47-56

Tâm thần của Chúa phải đớn đau cay cực trước thái độ hèn nhát của các tông đồ, trước lời chối Thầy của Phêrô, và não lòng hơn nữa, trước hành vi phản bội của Giuđa. Tuy vậy, Giuđa tuyệt nhiên không oán ghét Thầy mình, không có gì làm ông phải bất mãn hay oán trách cả, nhưng ông đã mù quáng trước đam mê, ông yêu thích tiền bạc hơn là bậc Thầy đáng kính. Giờ phút bi thảm, tình bạn của các tông đồ đối với Chúa còn gì nữa đâu! Còn ai tỏ ra là người bạn tri âm nghĩa thiết của Người! Trái tim Người còn chỗ nào không nhuốm màu thương đau!

Trong Tam Nhật Thánh này, khi suy niệm những mầu nhiệm cao cả của tình yêu cứu thế, con phải làm gì để đáp lại tình yêu vô bờ của Chúa đối với con? Ôi lạy Chúa Giêsu, nhìn vào trái tim con mà thôi thì chưa đủ, con phải đi sâu vào trái tim Chúa, một mẫu mực của tình yêu tự hiến.

  • Hát: Giêsu, Vua Tình Yêu (MC. 234 (1+3))

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu,

vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho chúng con đủ sức đối diện
với những khó khăn thử thách của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa giang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau. Amen.

  • Hát: Thập giá Tình Yêu 1 (TN2. 88 (1))

Tam Nhật Thánh 2021
Kim Lan