CHẦU THÁNH THỂ THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Hướng ý:
Kính thưa cộng đoàn, Đêm thứ Năm tuần Thánh hôm nay, mời gọi chúng ta tìm về bên Thánh Thể Chúa như tìm về căn phòng tiệc ly năm xưa, để chiêm ngắm Đức Giêsu yêu thương và hiến mình cho các môn đệ cũng như cho chúng ta qua việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và nghe những lời trăn trối của Chúa.
Giờ đây, một lần nữa chúng ta-những người chọn lý tưởng dấn thân trong bậc tu trì, nhìn lại biến cố Tiệc Ly và những hành động của Chúa Giêsu đã làm, để thử trắc nghiệm lại niềm xác quyết-sự trung tín-và tình yêu của mình một cách chân thành nhất trước sự hiện diện thẳm sâu của Bí tích Thánh Thể.
HÁT: PHÚT GIÂY NHIỆM MẦU
1. Phút giây này Chúa ở với con, khắc ghi bằng giao ước thiên thu. Phút giây này con ngỡ như mơ, ân tình chan chứa.
ĐK. Xin cho con yêu Ngài suốt đời! Xin cho con theo Ngài mãi thôi, như hình với bóng. Xin cho con trung thành suốt đời! Làm nụ hoa trắng đơn sơ, tấm chân tình dâng Chúa mà thôi.
2. Phút giây này dâng trọn trái tim, biết nói gì giây phút linh thiêng. Phút giây này năm tháng trông mong, ân tình sâu lắng.
MỜI CỘNG ĐOÀN ĐỨNG
ĐỌC TIN MỪNG: Ga 13, 1-15
Bài trích Tin Mừng Đức Giêsu Ki-tô theo thánh Gioan:
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là “ Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. ĐÓ LÀ LỜI CHÚA. Lạy Chúa Ki-tô ngợi khen Chúa.
I. SUY NIỆM:
1/ SUY NIỆM 1: TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI
Phụng vụ Lời Chúa chiều Thứ Năm Tuần Thánh mặc khải cho thấy: Tinh yêu đích thực là một tình yêu nhưng không, vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới, trước sau như một, đến độ hy sinh cả mạng sống của mình. Vì thế, Giáo hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, có sứ mạng làm cho ân sủng siêu độ đó, vốn đã hiện hữu rồi, cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể, hiện diện lan tỏa ra nơi tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Trong một thế giới tục hóa, vị kỷ, muốn chiếm hữu tất cả mọi sự, và muốn thống trị tất cả mọi người, nhưng không bao giờ họ cảm thấy thỏa mãn, chỉ có Ân sủng tình yêu dâng hiến và nhưng không của Đức Giêsu-Kitô nơi mầu nhiệm Thập giá-Phục sinh và nơi Bí tích Thánh Thể mới là chìa khóa để giải quyết tất cả các vấn đề khủng hoảng của con người và thế giới hiện nay.
Người tây phương thường nói: “Hành động hùng hồn hơn là lời nói.” Điều này càng đúng trong tình yêu. Tình yêu vốn là một cái gì không thể diễn tả bằng lời nói suông, mà chỉ có thể bày tỏ bằng hành động. Thật vậy, một giờ đồng hồ diễn giải về tình yêu không bằng một cử chỉ yêu thương, dù rất nhỏ mọn. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng cả cuộc sống, nhất là bằng cái chết đau thương trên thập giá. “Chết để nên lời”, quả thực cái chết của Chúa Giêsu là lời tỏ tình cuối cùng và trọn vẹn nhất của Thiên Chúa cho con người. Người còn nghĩ ra một sáng kiến vô cùng độc đáo. Đó là biến bánh rượu trở nên Máu Thịt Người, để Người được ở lại cùng chúng ta mãi mãi, cho đến tận thế. Quả thật, tình yêu bao la của Chúa không ai hiểu thấu, chúng ta chỉ còn biết suy phục kính tôn, và suốt đời cảm mến tri ân.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Khi bước vào đời sống tu trì, trong chúng con có rất nhiều tâm tư khác nhau:
– Có lẽ ban đầu, đôi khi chỉ để tìm 1 sự giải thoát: giải thoát khỏi cảnh nghèo, khỏi cảnh cha mẹ cải nhau, khỏi cảnh vác bộ đi học, ăn uống cực khổ…rồi tìm đến với Dòng Tu, với Chủng Viện.
– Hoặc có khi đi tìm 1 chút danh vọng, vị thế trong xã hội, được người người trầm trộ-kính trọng, rầm rộ trong những ngày lễ tạ ơn; hoành tráng trong tiệc tùng, tang lễ;…
Khi chập chững bước vào đời tu, rất ít người trong chúng con suy ngẫm và hiểu một cách đầy đủ nhất về 2 chữ “Tình Yêu” trong Ơn gọi.
Và hôm nay, trong giờ Chầu linh thiêng này, chính là lúc thuận tiện nhất để từ trong sâu thẳm của cõi lòng, chúng con thành tâm kiểm chứng lại Tình Yêu của chính mình: dấn thân vào lý tưởng 1 năm, 2 năm hay nhiều năm rồi,…chúng con đã sống tình Yêu như thế nào:
– Nói nhiều làm ít; hô hào bác ái-sống tinh thần Mùa Chay-mà bỏ qua cho mình những lần hy sinh khổ chế, không thăm viếng, đặt nhu cầu người khác theo suy nghĩ của mình, chứ không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác; đôi khi tự cho mình là bậc tu trì, thánh thiện đòi hỏi nơi người khác sự kính trọng, nể phục-nhưng tự bản thân mình lại miễn chuẩn nhiều luật lệ, đơn giản hóa tất cả-dễ dãi với chính mình-gây khó khăn cho người khác.
– Chúng con trách rằng: tại sao người cộng tác với mình lôi thôi, lộn xộn; bè nhóm; thiếu tinh thần trách nhiệm-nhưng có bao giờ chúng con xét lại cách quản lý của mình chăng, nội bộ cộng đoàn, giới tu hành trong Hội Thánh-liệu mình đã là một gương sáng chưa?
– Chúng con than rằng: giáo dân bây giờ rối rắm, nguội lạnh, tinh thần sống đạo hời hợt, thích hưởng thụ, keo kiệt-tiết công, không quản đại với việc chung-có bao giờ mình nhìn lại chính mình-những con người được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn gửi gắm thế giới cho sứ mạng của riêng mỗi người, chúng ta đã làm gì: giờ viếng Thánh Thể thưa dần, rút ngắn và mệt mỏi; Thánh lễ thì thụ động…; đồ dùng thì loại xịn, hạng sang,… làm sao chúng con kêu gọi được sự nghèo khó, tích lũy để đóng góp xây dựng việc chung và để giúp người nghèo..!
Lạy Chúa! Linh mục-tu sĩ chúng con giảng dạy về tình yêu, về lòng thương xót của Chúa rất nhiều, nhưng tấm gương cụ thể như lời nói thuyết phục nhất thì hình như nhiều lần chúng con đã quên. Tình yêu Chúa luôn mời gọi chúng con thống nhất đời sống của mình: từ lời nói đến cách sống. Xin cho chúng con ý thức về đời sống gương sáng, về những chuẩn mực của bậc tu trì, để sống xứng với những ân ban, và những gì mà Giáo hội, Hội Dòng, tha nhân tin tưởng gửi trao, xin cho chúng con ít nhất sống được 1 phần trong tình yêu: Yêu như Chúa đã yêu.
HÁT: TN2: 66 (1,2,3): YÊU NHƯ CHÚA YÊU
1. Một tình yêu không phai nhòa là tình yêu Thiên Chúa, đã vì yêu, Ngài hy sinh quên đi tấm thân mình. Hỡi người ơi! Hãy nhìn lên trên cây thập tự giá. Chúa vì ta, chẳng còn chi người ơi hỡi chớ quên.
ĐK. Tình yêu Chúa con ghi khắc trong tim, thề nguyền luôn tín trung. Xin cho con biết yêu như Ngài yêu, biết thương như Ngài thương.
2. Tình yêu Chúa luôn sáng ngời mời gọi con bước tới, có nhiều khi lòng con như vô ơn trước nhan Ngài. Chúa vẫn luôn chở che con trong âm thầm đưa bước, vẫn chờ con, vẫn đợi con dù năm tháng héo hon.
3. Tình yêu Chúa luôn tín thành dù lòng con bất tín, vẫn thủy chung dù con đây vô tâm sống hững hờ, vẫn tặng ban ngàn muôn ơn giúp con vượt gian khó, để lòng con biết nhận ra tình yêu Chúa hải hà.
2/ SUY NIỆM 2: TÌNH YÊU NHƯNG KHÔNG
Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta biết rằng những lời được nói ra và những việc làm lúc người ta sắp xa nhau là những gì quan trọng và thiêng liêng nhất.
Tiệc ly là bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn và về cùng Chúa Cha. Và chính trong giờ phút linh thiêng này, Người đã trao ban cho nhân loại ba món quà quý giá nhất :
- Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng nhân loại.
- Thiên chức Linh mục thừa tác để Chúa tiếp tục chăm sóc nhân loại.
- Giới răn yêu thương để con người được hạnh phúc.
Đã trao ban đến cả sự sống của mình thì cũng đồng nghĩa với việc không còn giữ lại gì cho mình nữa. Đó là sự hiến dâng trọn vẹn và quyết liệt của Thiên Chúa Tình Yêu.
Nói tắt một lời, vì yêu thương nhân loại, và muốn mỗi người chúng ta được sống và sống dồi dào để đi cho trọn con đường trần thế mà Chúa Giêsu đã trao ban chính Mình và Máu thánh Người cho chúng ta.
Và sự yêu thương này, ngày hôm nay Chúa muốn diễn tả thật rõ ràng qua cử chỉ thật ấn tượng là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ khi họ đang tham dự Tiệc Ly.
Qua hành động của Chúa Giêsu chúng ta rút ra được điều gì ? Bài học thật quá rõ ràng và cụ thể : “Yêu thương và khiêm tốn phục vụ”. Chúng ta làm được điều đó không ? Quả thật giữa một xã hội chủ trương hưởng thụ như ngày nay, yêu thương và phục vụ không phải là chuyện dễ dàng. Đứng trước những cuộc cải vã, xô xát nhau. Tất cả chúng ta đều ngại can thiệp. Điều đó cho chúng ta một nhận định chung: Sự vô cảm của người Việt đã đến mức báo động. Ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi, còn người khác sống chết mặc họ. Trước 1 sự ác xảy đến với mình, với những người mình yêu thương, liệu mình có nói lên được từ tha thứ ?
Chúa Giêsu-Ngài biết những việc sắp xảy ra cho mình và biết các môn đệ của Ngài yếu đuối như thế nào trước những biến cố ấy. Chính trong đêm nay, Giuđa sẽ nộp Ngài, Phêrô sẽ chối Thầy và các môn đệ khác thì bỏ trốn. Một mình Gioan theo Chúa Giêsu đến đồi Canvê, nhưng ông cũng để mặc Ngài đơn độc trước những lời vu khống, mà không hề lên tiếng bênh vực hoặc làm chứng cho Ngài…Ba năm sống bên nhau bao là thân tình, bao là thương mến kia nay còn có ý nghĩa gì? Có khác nào những bóng mây thay đổi nhau trên bầu trời, để rồi cùng tan biến đi mà thôi.
Các môn đệ không phải là không thương Chúa Giêsu. Làm sao giải thích được một Phêrô lúc nào cũng sợ xa mất Chúa, một Gioan đã từng áp đầu vào ngực Chúa Giêsu để nghe từng tiếng đập của trái tim Thầy mình, mà giờ đây lại để Thầy một mình trong cơn hoạn nạn? Đó chính là sự yếu đuối cố hữu bên trong của con người. Vâng, chính sự yếu đuối đã làm cho các môn đệ hoảng sợ trước những biến cố bất ngờ và dồn dập đến với Chúa Giêsu. Và rồi cũng chính sự yếu đuối sẽ làm cho các môn đệ đau đớn, xót xa vì mình đã làm điều mà mình không muốn (x.Rm 7,19). Nỗi mặc cảm về sự khốn nạn của mình sẽ mãi mãi vây hãm tâm hồn các ông. Hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu và thương các môn đệ của mình.
Bằng máu của mình đổ ra trên thập giá, Chúa Giêsu đã thực sự rửa các môn đệ khỏi mọi vết nhơ, trước khi các ông vấp ngã, phản bội, Chúa Giêsu đã biết cả rồi và Ngài tỏ dấu tha thứ cho các ông bằng hành động rửa chân. Chúa Giêsu phục sinh đã tha thứ trước cho những yếu đuối của các môn đệ, vì Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài, và Ngài vẫn tiếp tục yêu thương họ cho đến cùng (x.Ga 13,1). Chính vì tin tưởng vào tình yêu vĩ đại đó của Thầy, các môn đệ mới có đủ can đảm để trình diện với Đức Kitô phục sinh và bày tỏ niềm hạnh phúc được chứng tỏ lòng trung thành của mình bằng cái chết. Cảm nếm được tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu, các môn đệ từ nay không bao giờ còn phản bội Chúa Giêsu nữa (x.Ga 21,15-19). Đối với tất cả họ, tình yêu của Chúa Giêsu đã ban tặng cho họ niềm vinh dự đời đời mà họ chẳng bao giờ đền đáp được.
Nhìn vào tình người, tình Chúa, chúng ta cảm nhận như thế nào, không có gì khác cả, từ những yếu đuối, sa ngã, tâm tính thay đổi thất thường, mình không hơn gì người khác: đừng nghĩ mình như Gioan, là người gần Chúa, được Chúa yêu, được chứng kiến cái chết của Chúa, nhưng cũng có lúc mình không dám lên tiếng cho sự thật; đừng tưởng mình như Phê-rô, mạnh mẽ tuyên xưng đức tin, nhưng cũng có lúc sợ hãi trước những cơn cám dỗ tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản;…khi bị chèn ép, hiểu lầm trong đời tu; những bức bối trong Ơn gọi-khi ý mình không được đón nhận; những giằng co trong chọn lựa; những va chạm trong cộng đoàn; những sức ép từ gia đình-người thân; những hạn chế của bản thân, và bao mối tương giao xung quanh, những tác động của họ đạo-của đám đông;…đã bao lần chúng ta đã ngã, chán nản, thất vọng, bất cần hoặc sống đời thụ động mặc cho dòng đời đẩy đưa không 1 chút sức lực kháng cự….chúng ta đang theo 1 quỹ đạo chung: sự sa ngã cố hữu của con người; nhưng may thay cho những ai giữa những biến cố ấy vẫn giữ được sự bình tĩnh, một niềm cậy trông, và được Chúa cho ít nhất một lần cảm nghiệm tình yêu Chúa…thì chắc chắn 1 điều: đời dâng hiến của mình sẽ mãi tín trung và luôn hạnh phúc, nơi họ không có sự thụ động-ươn lười, nhưng luôn năng động, sáng tạo-hài hước trong cầu nguyện, trong cách tổ chức đời sống, và có cái nhìn khách quan, tích cực về người khác.
Xin cho chúng ta-những người mà Chúa đã thương chọn gọi, được ít nhất 1 lần cảm nghiệm tình yêu Chúa qua những khủng hoảng-những đau đớn tột cùng-những lần sa ngã-sai đường lạc lối, và chỉ có như thế trong chúng ta mới xuất hiện được từ “tín trung”, đồng thời từng bước đi sát với Chúa trong cuộc chiến từng ngày, nhưng luôn bao dung, tha thứ, yêu thương, đồng cảm, chia sẻ, và hơn thế nữa tìm cách để thăng tiến người khác dù biết rằng trước đây họ đã xử tệ với mình, trong mọi biến cố hãy nhớ đến Tình yêu của Chúa.
HÁT: MCPS: 198 (1,3) : BÀI CA THƯƠNG KHÓ
1. Con còn nhớ mãi, chuyện 1 đêm thâu, trong vườn dầu, Chúa quỳ, nguyện cầu, đôi mắt ưu sầu. Con còn nhớ mãi, Con còn nhớ mãi, chuyện 1 đêm thâu, câu chuyện tình, đầy bao thương đau. Ngài, Ngài quỳ đó, ngước mắt lên cao yêu thương dạt dào, con tim nghẹn ngào, đôi môi thì thào, nguyện cầu, cùng Thiên Chúa Cha. Được, thì hãy cất chén đắng xa con, nhưng xin 1 lòng, tuân theo lệnh Người, có ý tiền định, từ ngàn đời, Cha hỡi Cha ơi.
2. Con, còn nhớ mãi, ngọn đồi Canve, trong chiều hè, Chúa chịu, tàn hơi mang gánh cho đời. Con còn nhỡ mãi, con còn nhớ mãi, 1 chiều thương yêu, ôi 1 chiều, tình yêu cao siêu. Ngài, Ngài đã chết, mắt nhắm tay dang, con tim bàng hoàng,mang thân bẽ bàng, yêu thương chẳng màng, nhục thân, để trọn câu chí nhân. Ngài, Ngài đã chết, đã chết cho con, tuy con bội tình, tuy con chẳng còn, xứng đáng là người làm con, Cha hỡi Cha ơi.
MỜI CỘNG ĐOÀN QUỲ
II. LỜI NGUYỆN KẾT:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con-những người được đánh giá là gần Chúa nhất, xin cho chúng con hiểu và cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Tình Yêu dâng hiến hôm nay của Chúa.
Trước một xã hội bon chen quyền thế, trí thức thì lên cao, đạo đức thì đi xuống, những giá trị luân lý bị đảo ngược, người tu sĩ chúng con đôi khi cũng bị cuống theo dòng xoáy, tự hào về mớ kiến thức có được, hãnh diện về mức độ trưởng thành mình đang có, và rồi quên rằng Ơn gọi này là do Tình Thương nhưng không mà Chúa trao tặng cho mình. Một Ơn gọi mà không cảm nghiệm được những Hồng ân từ Thiên Chúa, chúng con đã gây nên cớ vấp phạm cho bao người: dễ tự ái, dễ nóng giận, muốn thể hiện mình, khó đón nhận lời góp ý xây dựng, khó cảm thông và khó nhìn thấy cái đẹp từ người khác. Hôm nay, trước Thánh Thể Chúa, chúng con chân thành nhìn nhận mình đã nhiều lần sai lầm: sai lầm trong nhận định ý Chúa, sai lầm trong cách sống, và sai lầm cả trong căn tính của Bậc sống.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức: Chúa đã chọn chúng con giữa muôn người, và không phải chỉ cho con nhưng là sinh ích cho nhiều người, xin cho chúng con có được một sự khiêm tốn thẳm sâu để chúng con ý thức được giá trị Ơn gọi của mình, mà hết lòng sống cho xứng với ân ban, vui đời dâng hiến và nên dấu chỉ Tình Yêu cho nhiều người. Amen.
Hát: TN1 : 352 ĐẾN MUÔN ĐỜI
ĐK: Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa. Đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa. Muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa và mãi mãi còn nhớ công ơn Người.
1. Vì tình thương bao la Chúa nâng đỡ con như phượng hoàng tung đôi cánh. Chúa dắt dìu con đi trong cánh tay Người, hạnh phúc nào hơn.
Liêm Đình (22/03/2021)