Chào Quý Ông Bà Anh Chị Em!
Như vậy là nhiều nơi trong đất nước, trong đó có thành phố Cần Thơ thân yêu của chúng ta sẽ tiếp tục gia tăng những ngày giãn cách theo chỉ thị 16. Dẫu biết rằng: điều đó khiến cho nhiều người cảm thấy buồn, khó chịu và bực bội; thế nhưng, ước mong tất cả chúng ta hãy nhìn những quyết định, hãy nhìn những sự kiện đang xảy ra bằng cái nhìn tỉnh thức. Tỉnh thức để chúng ta không bao giờ cảm thấy nản lòng trước khung cảnh bi đát của dịch bệnh. Tỉnh thức để chúng ta có thể cảm thông và thấu hiểu với những người xung quanh, đặc biệt là đối với những người có trách nhiệm.
Nguyện xin ơn bình an của Đức Kitô sẽ an ủi cho tất cả chúng ta trong khoảng thời gian này.
Giờ đây, chúng ta cùng đọc và suy gẫm Lời Chúa.
Tin Mừng: Mt 24, 42-51
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: Còn lâu chủ ta mới về, thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại trừ hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
SỐNG TRỌN VẸN GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy sống tỉnh thức. Vậy, tỉnh thức là gì? Làm thế nào để có thể sống tỉnh thức? Dưới đây là một vài gợi ý:
1. Tỉnh thức là gì?
Chuyện kể rằng: có một người ăn mày đến gặp đức vua để xin giúp đỡ. Khi đó, đức vua đang bận công việc nên nói với anh ta: hãy quay lại đây vào ngày mai. Nghe vậy, người ăn mày liền lầm lũi bỏ đi. Ngay sau đó, em trai của đức vua liền đánh một hồi trống rất lớn. Nhà vua ngạc nhiên hỏi: tại sao em lại đánh trống làm ồn ào như thế?
Người em trai giải thích: em vừa phát hiện ra anh là một nhà tiên tri. Vì vậy, em đánh trống triệu tập bá quan văn võ để nói cho họ biết điều đó.
Đức vua vẫn chưa hiểu được những gì đang xảy ra nên hỏi tiếp: ý của em là gì?
Người em trả lời: chẳng phải là anh vừa nói với người ăn mày là hãy quay trở lại đây vào ngày mai đó sao? Làm thế nào anh biết được ngày mai người ăn mày vẫn còn sống? Làm thế nào anh biết được ngày mai anh vẫn còn ở đây? Và ngay cả khi người ăn mày còn sống và anh còn ở đây vào ngày mai, thì làm sao anh biết được ngày mai anh vẫn còn ở vị thế có thể ban phát cho anh ta một thứ gì đó? Làm thế nào anh có thể được biết được ngày mai cả hai người vẫn còn cơ hội để gặp lại nhau? Anh quả là một nhà tiên tri vĩ đại, nên em muốn thông báo cho mọi người biết về điều đó.
Đến đây, nhà vua mới vỡ lẽ và hiểu ra ngụ ý sâu xa đằng sau những lời nói của em trai mình. Thế nên, ngay lập tức, ông cho gọi người ăn mày quay trở lại và ban cho anh ta sự giúp đỡ mà anh ta cần.
Câu chuyện dừng lại ở đó để muốn nói: cho dù chúng ta là ai, có là đức vua hay là một người ăn xin, thì không ai trong chúng ta có thể biết được điều gì sẽ xảy ra với mình vào ngày mai. Vì thế, tốt hơn hết là ngay tại đây và ngay lúc này, hãy làm tất cả những gì chúng ta có thể làm trong vai trò và trách nhiệm của mình. Hay nói cách khác, cách sống thông minh nhất là cách sống hòa mình với giây phút hiện tại bằng tất cả sự tình yêu thương. Và đó là một trong những khái niệm rất hiện sinh về tỉnh thức: sống trọn vẹn giây phút hiện tại.
2. Làm thế nào để có thể sống tỉnh thức?
Để có thể sống tỉnh thức, nghĩa là để có thể sống trọn vẹn giây phút hiện tại, thiết nghĩ mỗi người chúng ta cần phải làm hai việc này:
Thứ nhất: đừng nuối tiếc quá khứ – đừng quá lo lắng tương lai
Con người của chúng ta có một tật xấu, đó chính là: hay tiếc nuối về quá khứ và lo lắng trước cho tương lai. Chính tật xấu này đã làm cho hiện tại của chúng ta lọt qua kẽ tay và trôi đi một cách vô ích. Hay nói cách khác, khi cứ mải trở về quá khứ và cắm đầu cắm cổ chạy đến tương lai, thì chúng ta không thể sống, không thể tận hưởng được một giây phút nào nơi hiện tại. Và như vậy, chúng ta đã vô tình đánh mất đi sự tỉnh thức cần thiết để có thể nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa đang muốn chúng ta làm gì và sống như thế nào ngay trong lúc này.
Nên nhớ rằng: không ai trong chúng ta có thể quay ngược thời gian để tỉnh thức ở thời quá khứ. Bên cạnh đó, cũng không ai trong chúng ta có thể đi trước thời gian để tỉnh thức ở thời tương lai. Chúng ta chỉ có thể tỉnh thức ở thời hiện tại. Hãy nhớ kĩ điều đó để chúng ta biết trân trọng, biết sống trọn vẹn hơn trong từng phút giây này.
* Suy gẫm:
● Quá khứ có thể cho ta những kinh nghiệm và chất liệu sống. Như vậy, quá khứ luôn có một giá trị nhất định nào đó. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng: nhớ về quá khứ thì khác hoàn toàn so với vùi mình trong quá khứ. Vậy thì, trong một ngày sống, đâu là những lúc tôi hay vùi mình trong quá khứ để rồi đánh mất đi sự sống nơi hiện tại này? Một ngày 24 tiếng: làm việc 8 tiếng, ngủ 8 tiếng, vùi mình trong quá khứ 4 tiếng, như thế chúng ta chỉ sống 4 tiếng. Có ít quá không?
● Chuẩn bị cho tương lai là một điều tốt và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng tựa như quá khứ, chúng ta cần phải lưu ý: việc suy nghĩ để định hướng và lên kế hoạch cho tương lai thì khác hoàn toàn so với việc lo lắng trước cho tương lai. Vậy thì, trong một ngày sống, tôi tốn bao nhiêu thời gian để miên man lo lắng về những điều chưa tới và có thể là không bao giờ tới? Lo trước, khổ trước như vậy có ích gì không? Lo trước, khổ trước như vậy, thì thời gian hiện tại có còn ý nghĩa và hạnh phúc không?
Thứ hai: làm chủ cảm xúc
Tựa như con khỉ cứ nhảy hết cành cây này sang cành cây khác, cảm xúc của chúng ta không bao giờ đứng yên một chỗ. Hay như ngọn thủy triều: cảm xúc của chúng ta có lúc dâng lên cao, nhưng rồi cũng có lúc nó lại rút xuống thấp. Hoặc như thời tiết bốn mùa: cảm xúc của chúng ta cũng sẽ luôn thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác: có lúc mưa, có lúc nắng, có lúc lâm râm, có lúc hâm hâm dở dở. Đặc tính của cảm xúc là như vậy: miễn có một chút tác động từ ngoại cảnh, thì nó liền chuyển động không ngừng.
Chính vì thế, điều cần thiết là mỗi người chúng ta phải làm chủ được cảm xúc của mình. Vì nếu không, chúng ta sẽ phải luôn chạy theo sự thay đổi, chạy theo sự chuyển động của nó. Điều này khiến cho chúng ta không có một điểm dừng nào để lắng đọng hầu có thể nhận ra: trong giây phút hiện tại này, tôi thật sự là ai, tôi có những trách nhiệm và nghĩa vụ như thế nào đối với Chúa, đối với tha nhân và đối với chính cuộc đời của mình. Điểm tiêu cực của cảm xúc nằm ở chỗ đó. Hiểu được như vậy, mời gọi mỗi người chúng ta: hãy cố gắng hết sức trong việc điều khiển cảm xúc của mình, đừng để nó dắt mũi. Khi làm được như thế, có nghĩa là chúng ta đã kéo được bản thân mình trở về thực tại với một tâm hồn thật sự tỉnh thức.
* Suy gẫm:
● Cảm xúc là gia vị làm cho cuộc sống được thêm đậm đà. Đã là người thì phải có cảm xúc. Tuy nhiên, hãy lưu ý: cảm xúc không phải là cả con người của tôi, cảm xúc cũng không phải là cả cuộc đời của tôi. Nó chỉ là một phần của cuộc sống này và tôi phải làm chủ được nó. Tôi không thể để cảm xúc lôi tôi trở về quá khứ xa xôi, cũng không thể để cảm xúc dẫn tôi đến tương lai mơ mộng, nhưng tôi quyết tâm điều khiển cảm xúc để có thể sống giây phút hiện tại một cách trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Đúc kết: bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tỉnh thức, nghĩa là mời gọi chúng ta hãy sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Để làm được điều này, chúng ta cần phải biết buông bỏ quá khứ, không quá lo lắng cho tương lai và làm chủ được cảm xúc của mình. Ước mong mỗi người chúng ta cố gắng thực hành những cách thế đó. Để rồi, dẫu cho Chúa có đến vào lúc bất ngờ, vào giờ không biết, thì chúng ta vẫn tự tin, vẫn ngẩng cao đầu và không hề nao núng.
Hãy tỉnh thức bằng cách sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Amen.
Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện