CHIÊM NGẮM BA NGÔI
ĐỂ XÂY DỰNG MỘT HỘI THÁNH HIỆP THÔNG[1]
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Đại Chủng Viện Vinh Thanh
WHĐ (22.8.2022) – Hiệp thông là một trong những yếu tố cần thiết quyết định cho sự sống còn của Hội Thánh. Bởi lẽ, nó là yếu tố làm cho mọi thành phần Dân Chúa hiệp nhất nên một với nhau trong đời sống và sứ vụ để trở nên một Nhiệm Thể Chúa Kitô. Sự hiệp thông Hội Thánh bắt nguồn từ chính Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là từ sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi là nguồn gốc, nền tảng và là khuôn mẫu của Hội Thánh hiệp thông. Hội Thánh được quy tụ bởi Ba Ngôi. Việc chiêm ngắm Ba Ngôi giúp chúng ta xây dựng một Hội Thánh hiệp thông.
I. HỘI THÁNH LÀ HIỆP THÔNG
III. HỘI THÁNH, HÌNH ẢNH CỦA BA NGÔI |
I. HỘI THÁNH LÀ HIỆP THÔNG
“Đây là một lĩnh vực quan trọng khác, nơi phải có sự dấn thân và đưa ra chương trình từ phía Hội Thánh phổ quát và các Hội Thánh địa phương: đó là lĩnh vực hiệp thông (koinonia), hiện thực và mạc khải chính bản chất của mầu nhiệm Hội Thánh. Sự hiệp thông là hoa quả và là sự tỏ bày tình yêu, một tình yêu phát xuất từ lòng Thiên Chúa Cha vĩnh hằng và được đổ tràn xuống trên chúng ta nhờ Thần Khí Chúa Giêsu ban cho chúng ta (x. Rm 5,5), làm chúng ta nên “một lòng một ý” (Cv 4,32). Chính vì xây dựng sự hiệp thông tình yêu này mà Hội Thánh xuất hiện như là “bí tích,” nghĩa là “dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông mật thiết với Chúa và của sự hiệp nhất nhân loại.”[2]
Với những lời này của Tông huấn Novo Millentio Inuente, Đức Gioan Phaolô II không chỉ sưu tập và tóm tắt giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về Hội Thánh như là hiệp thông, nhưng còn đưa giáo huấn đó đi xa hơn một bước. Đức Giáo hoàng nói: “Hiệp thông hiện thực và mạc khải chính bản chất của mầu nhiệm Hội Thánh.” Vì vậy, Hội Thánh là hiệp thông.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng điều này đã không luôn xảy ra như thế. Chỉ cần đọc lại những suy tư thần học De Ecclesia (về Hội Thánh) trước Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt vào thời Trung cổ, chúng ta nhận ra điều đó cách dễ dàng. Theo đó, Hội Thánh không được định nghĩa như là một Hội Thánh hiệp thông, nhưng là “società perfetta – một xã hội hoàn hảo, được Chúa Kitô trực tiếp và tự nguyện thiết lập.” Một xã hội mà nguyên nhân chất thể (causa materiale) của nó được thiết lập nhờ nhiều thành phần khác nhau và nguyên nhân mô thể (causa formale) được thiết lập nhờ sự hiệp nhất ổn định của các thành phần nhắm tới thiện ích chung (như thế, điều được quan niệm là điều mà hôm nay chúng ta gọi là hiệp thông), đồng thời nguyên nhân cứu cánh (causa finale) được thiết lập nhờ ơn cứu độ vĩnh cửu và nguyên nhân xác định (causa determinato) được thiết lập nhờ quyền bính.
Các bản văn mà chúng tôi đã nghiên cứu được viết sau Thông điệp Mystici Corporis của Đức Piô XII, vì thế trong đó, người ta không thể không nói đến dữ kiện Hội Thánh cũng là nhiệm thể Chúa Kitô và cả hai điều này phải giữ được sự hiệp nhất mật thiết với nhau. Nhưng cách thức hiệp thông giữa hai phương diện không được rõ ràng và thường theo phương diện hữu hình và xã hội, Hội Thánh căn bản đã không được quan niệm là hiệp thông, nhưng như một sự phân tầng giai cấp và tình trạng, giai cấp này hoàn hảo hơn giai cấp kia, cấp trên thì giá trị hơn cấp dưới. Một thời, đó là ý tưởng nhìn Hội Thánh theo mô hình kim tự tháp (piramidale). Trước khi Hội Thánh được quan niệm theo hiệp thông, thì đã được quan niệm theo phẩm trật, nghĩa là những phân biệt giữa Hội Thánh thầy dạy (docente) và Hội Thánh môn sinh (discente), giáo sỹ và tín hữu, tu sĩ và giáo dân, bề trên và bề dưới.
Trái lại ngày nay, người ta chú trọng đến sự bình đẳng căn bản của tất cả mọi thành phần Dân Chúa. Dựa theo vị trí của họ trong Hội Thánh, tất cả các tín hữu đều thuộc về Dân ấy, vì đều tham gia vào thiện ích cứu độ và sứ vụ truyền giáo. Sự hiệp nhất của “bản chất Kitô Giáo” và sứ vụ phát xuất, tạo nên sự phân biệt các chức vụ và thừa tác vụ. Nhiệm thể Hội Thánh xuất hiện như một sự hiệp thông của anh chị em, được cấu thành theo một sự khác biệt về các ơn gọi, nhưng trong đó những phân biệt về các chức vụ và đặc sủng không triệt tiêu sự bình đẳng căn cốt của các nhân vị.[3]
Một cách tóm tắt, không gì bị xoá bỏ khỏi những yếu tố thiết định của Hội Thánh, nhưng bức tranh mà trong đó những yếu tố khác được thêm vào thì hết sức mới mẻ. (Có lẽ tốt hơn cần nói “là hết sức cổ điển,” bởi vì người ta nói về việc quay trở lại với cái nhìn Hội Thánh trước những tranh luận với những người Thệ Phản vốn đã bị ảnh hưởng rất nặng luận chứng về Hội Thánh qua nhiều thế kỷ).
Trong Tông thư của ngài, Đức Giáo hoàng còn nhấn mạnh: “Vậy, nếu khi đặt ra những lề luật cụ thể cho sự tham dự này, sự khôn ngoan luật pháp bày tỏ cấu trúc phẩm trật của Hội Thánh và gạt bỏ những cám dỗ chủ quan cũng như những yêu sách bất công, linh đạo hiệp thông cung cấp linh hồn cho dữ kiện cơ cấu với một sự chỉ dẫn của lòng tin và cởi mở để trả lời một cách đầy đủ cho phẩm giá và trách nhiệm của mỗi thành phần dân Chúa.”[4]
Như chúng ta thấy, tương quan giữa hiệp thông và phẩm trật là tương quan hoán chuyển: phẩm trật là để phục vụ hiệp thông và ngược lại. Hiệp thông được nhìn như là “linh hồn của cơ cấu.” Cơ cấu là điều sẽ qua đi, còn hiệp thông thì sẽ tồn tại mãi mãi theo Hội Thánh.
Tóm lại, ta đề cập đến việc áp dụng vào các thành phần của chính Hội Thánh điều mà ngày nay liên quan đến tương quan giữa các tín hữu của các Hội Thánh khác nhau: “Điều nối kết chúng ta thì lớn hơn nhiều điều phân biệt chúng ta.” Chúng ta được hiệp thông với nhau nhờ sự kiện là chỉ có một niềm hy vọng, chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa và chỉ một Thiên Chúa Cha, trong khi chúng ta phân biệt nhau chỉ vì sự kiện là “kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4,4-11), nghĩa là mỗi người thực thi một vai trò riêng biệt và khác biệt như những chi thể trong một thân thể.
II. KHUÔN MẪU BA NGÔI
Trong những suy tư này, chúng ta sẽ tập trung vào chủ đề hiệp thông, bởi cũng như mọi sự khác, nó tìm thấy “tầm mức cao nhất của nó” trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Điểm thứ hai mà chúng ta có thể khảo sát hành trình được thực hiện từ Hội Thánh học trong nửa thế kỷ này quả thật chính là những gì thuộc nguồn mạch và khuôn mẫu cuối cùng của sự hiệp thông Hội Thánh. Nó không còn chỉ liên quan đến Chúa Kitô một cách cứng nhắc, như sự kết hợp nhân tính và thần tính, nhục thể và Thần Khí trong Người, nhưng còn cao hơn, nó thuộc về chính Ba Ngôi, như được làm sáng tỏ trong khởi đầu Thư gửi tín hữu Êphêxô: Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ; Người đã sai Con Người để cứu độ chúng ta nhờ máu Thánh Tử đổ ra và đã đóng ấn Thánh Thần nơi chúng ta (x. Ep 1,3-14). Ba Ngôi là khuôn mẫu mà trong đó Hội Thánh được hình thành. Khuôn mẫu Kitô học được toàn vẹn nhờ khuôn mẫu Ba Ngôi và do đó, nhờ khuôn mẫu Thánh Linh học.
Khởi đi từ ý tưởng của thánh Ciprianô, Lumen Gentium quả quyết: “Hội Thánh phổ quát xuất hiện như một dân tộc được triệu tập nhờ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[5] Henry de Lubac giải thích trong một bài tham luận về thần học của Vaticanô II rằng:
“Hội Thánh là một sự nới rộng nhiệm mầu Ba Ngôi trong thời gian, mà nó không chỉ chuẩn bị cho chúng ta tới đời sống hiệp nhất, nhưng nó đã làm cho chúng ta tham gia vào đời sống ấy. Hội Thánh đến từ Ba Ngôi và tràn đầy Ba Ngôi.”[6]
Đức Giáo hoàng nhắc lại hai lần tầm nhìn này trong Tông thư của ngài, khi nói rằng:
“Nền tu đức hiệp thông trước hết có nghĩa là một cái nhìn của con tim hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi, Đấng cư ngụ trong chúng ta, và ánh sáng của nó cũng được chiếu toả trên khuôn mặt của anh chị em đang ở gần chúng ta,” và hơn nữa sự hiệp thông của Đức Kitô với Chúa Cha là “nơi phát sinh sự hiệp nhất của Hội Thánh và là ân huệ vĩnh cửu mà trong Người, một cách huyền nhiệm, nó sẽ nhận được vào ngày khánh tận.”[7]
Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông trong chính nguồn gốc của nó. Không hiện hữu những người, như đã xảy ra trong Hội Thánh, sau khi đi vào trong sự hiệp thông với nhau nhờ một biến cố mà họ được tham dự, đó là phép Rửa tội; những người này hiệp nhất nên một với nhau, khi trở nên chính mình, nhờ các tương quan tình yêu, đó là hiệp thông.
Ở đây chúng ta tìm hiểu sự phong nhiêu vô tận về trực giác của thánh Augustinô, được thánh Tôma Aquinô hoàn thiện khi quan niệm: các Ngôi vị Thần linh như là “những tương quan trụ tồn.” Một cách đơn giản hơn, tương quan trụ tồn muốn nói rằng Ngôi vị không có (has) một tương quan với ai đó, nhưng là (is) chính tương quan này. Chúng ta biết rằng trực giác này được xác nhận trong suy tư hiện đại mà Hegel đã được phổ biến, khi cho rằng, ngôi vị như một hữu thể trong tương quan, như là “ra khỏi chính mình để tìm thấy mình trong người khác.”[8]
Ba Ngôi là hiệp thông tình yêu, đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình, nghĩa là như hữu thể trong tương quan. Đó là lý do tại sao “hữu thể người” hiện hữu và tại sao nó hiện hữu như là hình ảnh Ba Ngôi, thật cần thiết phải có ít nhất hai hữu thể của loài người, người này đối diện với người kia. Đàn ông và đàn bà là cùng hình ảnh Thiên Chúa.
Trình thuật đầu tiên của Kinh Thánh làm sáng tỏ sự khác biệt phái tính giữa đàn ông và đàn bà. Đây là tha thể tính (alterità) thứ nhất mà chúng ta kinh nghiệm; từ nó bắt đầu hành trình đi tới khám phá người khác là tha nhân và Đấng Khác là chính Thiên Chúa. Paul Claudel giải thích tại sao người ta phải bắt đầu từ đây:
“Con người là một hữu thể cao quý; không có cách nào khác làm cho nó hiểu người khác bằng cách là làm cho nó nhập thể; không có phương tiện nào khác làm cho nó hiểu được sự lệ thuộc, cần thiết và nhu cầu, nếu không nhờ quy luật ghi trên nó (đàn ông) là hữu thể khác biệt (với đàn bà), do sự kiện đơn giản vì thế mà nó hiện hữu.”[9]
Nhưng thực chất đây không phải là sự bổ sung sinh học giữa đàn ông và đàn bà để làm cho họ giống hình ảnh mình. Thiên Chúa không có những phẩm tính và yếu tố của những hữu thể có giới tính. Vì thế, cần phải vượt qua chủ nghĩa loại trừ về tương quan đàn ông – đàn bà. Điều căn bản là con người không ở một mình. Con người không thể ý thức về chính mình, nếu không đối diện với mình để nhìn lại chính mình, một cái nhìn cho phép con người vừa đi vào trong sự thân mật với chính mình, đồng thời đi ra khỏi chính mình để hướng tới tha nhân; một cái nhìn cũng cho người khác ý thức về chính mình, cả người khác cũng ra khỏi cái tôi của mình để hiến thân trong tất cả mầu nhiệm của mình. Góc nhìn bằng cặp mắt này còn quan trọng hơn phái tính để đi vào hiệp thông.
Điều này giúp ta hiểu tại sao họ không được loại bỏ khỏi phẩm giá con người là hình ảnh Thiên Chúa tất cả gì mà nhờ sự chọn lựa tự do hoặc bó buộc bởi những hoàn cảnh nhiều lúc rất hiểm nghèo, không có thể dấn thân để hình thành cặp đôi. Đức Kitô đã không kết hôn, tuy nhiên, không ai là hình ảnh Thiên Chúa hơn Người, không ai là con người cách hoàn hảo hơn Người! Nói rằng con người được tạo thành theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa là muốn nói rằng con người được kêu gọi hiện hữu “cho” người khác, trở nên quà tặng, và hiện hữu trong tương quan. Cả tình bạn cũng có thể trở thành nơi ưu tiên, trong đó, chúng ta có thể hiện thực hình ảnh Thiên Chúa và chúng ta học ra khỏi chính mình để mở ra với tha nhân.
III. HỘI THÁNH, HÌNH ẢNH CỦA BA NGÔI
Nhưng trên hết đó là trong tương quan với “Bạn – You” thần linh, khi Thiên Chúa nói với con người: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31,3), rằng con người tìm thấy giới hạn thực sự của bản thân và ý thức mình thực sự chỉ là thụ tạo. Lúc ban đầu, con người không ý thức về giới hạn đó. Kierkegaard viết:
“Một người chăn gia súc có thể là một ‘bản ngã’ đối diện với những con bò cái của ông, nếu sống luôn mãi với chúng, ông không có những điều tương đồng với mình. Một vị vua có thể là một ‘bản ngã’ đối diện với những thần dân và ông sẽ cảm thấy một ‘bản ngã’ quan trọng. Đứa bé nhận thấy mình là một ‘bản ngã’ trong tương quan với cha mẹ. Một công dân ý thức mình là một bản ngã khi đối diện với nhà nước. (…) Nhưng thực tại vô biên mà bản ngã không nắm bắt, khi có được ý thức về sự hiện hữu trước Thiên Chúa, trở thành một bản ngã con người mà thước đo của nó là Thiên Chúa.”[10]
Thước đo vô biên nơi bản ngã khi lấy Thiên Chúa làm thước đo cho mình! Đối với Kinh Thánh, người sống động là người được Thiên Chúa ngỏ lời với. Như thế, trong giao ước, khi con người trở thành người đối thoại của Thiên Chúa, chính là lúc con người (essere umano) trở thành ngôi vị cách viên mãn (persona). Ở đây, một cách tuyệt vời, cơ cấu của hiệp thông không phải là cái nhìn (không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ!), nhưng là lời nói.
Trong chiều hướng này, ta gắn bó với Hội Thánh là “giao ước mới và vĩnh cửu.” Hội Thánh là phản chiếu và hình ảnh tuyệt vời của Ba Ngôi trong thời gian, bởi vì đây là sự hiệp thông tình yêu, hiệp thông trong Chúa Thánh Thần, giữa nhiều người với nhau và với Thiên Chúa.
Trong thời đại các Giáo Phụ, người ta tranh luận sôi nổi về ý nghĩa của điều mà thánh Phaolô nói “Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.” Các Giáo Phụ thuộc trường phái Alexandria cho rằng: Quả thực, để suy tư về khuôn mẫu của Người, hình ảnh của sự vô hình phải là chính sự vô hình. Vì thế, Đức Kitô là hình của Thiên Chúa chỉ vì Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ thần tính, chứ không nhờ thân xác Người. Các Giáo Phụ thuộc trường phái Antiochia nói rằng: thật khó để nghĩ tới một hình ảnh mà lại vô hình. Nếu là vô hình thì đâu là hình ảnh, và hình ảnh đó để làm gì? Như vậy, Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa trong nhân tính và thân xác Người.[11] Ngày xưa, vấn đề sự hiệp nhất ngôi vị của Đức Kitô được làm sáng tỏ ở Calcêđônia, cuối cùng người ta đã có thể khám phá ra ý nghĩa nguyên thuỷ nơi khẳng định của Phaolô: Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ theo một phương diện của hữu thể Người, nghĩa là không chỉ thiên tính hoặc nhân tính, nhưng là cả hai; không thể là Người nếu không là thế, đồng thời, Người là con người viên mãn và cũng là Thiên Chúa viên mãn.
Tranh luận này mang lại một luồng sáng đặc biệt cho mầu nhiệm Hội Thánh. Chính Hội Thánh cũng không phải là hình ảnh của Ba Ngôi chỉ nhờ cơ chế hữu hình, nhờ yếu tố nhân loại của mình, bởi lẽ, sự hữu hình không thể là hình ảnh của vô hình; Hội Thánh không phải là hình ảnh của Ba Ngôi chỉ vì mầu nhiệm bên trong của ân sủng, bởi lẽ, vô hình không phải là hình ảnh của cái không là gì cả hoặc nếu là hình ảnh, nó không phải là hình ảnh cho con người và cho thế giới.
Vì thế, theo đường hướng này, chúng ta đến với khẳng định về Hội Thánh là “cơ chế và mầu nhiệm,” là sự hiệp thông hữu hình và vô hình. Công Đồng diễn tả điều đó bằng một lời: Hội Thánh là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ.”[12] Thật vậy, bí tích có hai điều gắn liền nhau: dấu chỉ hữu hình và thực tại vô hình.
Trong tranh luận của các Giáo Phụ về Chúa Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa, một điểm khác soi sáng cho mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh. Với cuộc luận chiến chống lại những người thuộc phái Arius, các ngài đã làm sáng tỏ sự khác biệt giữa hình ảnh giả tạo, được làm từ vật liệu bên ngoài, và hình ảnh tự nhiên. Hình ảnh giả là bức tượng của vị vua được làm từ đá cẩm thạch, còn hình ảnh tự nhiên là đứa con của vị vua, là hình ảnh sống động và tự nhiên về ông. Vì vậy, Chúa Kitô là Con và cũng là “hình ảnh hoàn hảo” của Chúa Cha, hay như được thêm vào ở Công Đồng Nixêa, là đồng bản thể.[13]
Điều này soi sáng cho mầu nhiệm hiệp thông Hội Thánh. Hội Thánh không đồng bản thể với Thiên Chúa, nhưng nhờ ân sủng, Hội Thánh được “tham dự vào bản tính thần linh” (2 Pr 1,4). Vì thế, sự hiệp thông Hội Thánh không phải là sự bắt chước bên ngoài, nhưng là sự tham dự vào bên trong sự hiệp thông Ba Ngôi giữa các Ngôi Vị thần linh. Hội Thánh cũng là hình ảnh sống động, được làm từ những người con, chứ không từ những viên đá. Điều mà liên kết giữa họ với những nhân vị trong Hội Thánh cũng chính là sợi dây liên kết các Ngôi vị của Ba Ngôi: Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông Hội Thánh là “koinonia pnéumatos, sự hiệp thông trong Thần Khí” (2 Cr 13,13) và trong “Thần Khí của Chúa Con của Người” (Gl 4,6).
Trong gia đình, trên hết mọi, một người con sẽ mong muốn điều gì? Người con mong muốn không gì khác hơn là cha mẹ yêu nó một cách hiệp nhất. Thật đáng tiếc vì trong thực tế thường xảy ra khi người chồng và người vợ không còn yêu nhau nữa và lúc đó mỗi người lại dành tình yêu của mình cho người con, nhằm cố gắng để gắn bó nó với mình. Tuy nhiên, thay vì làm cho con cái hạnh phúc, điều này lại làm cho nó đau khổ và bất an. Điều mà người con thầm mong muốn là cha mẹ luôn yêu nhau và yêu cả con trong tình yêu này. Người con biết rằng nó được sinh ra từ tình yêu và cảm thấy đau khổ nếu thiếu đi điều đó. Nó không muốn được yêu với một tình yêu khác.
Điều đó giúp chúng ta hiểu sự tuyệt vời này: Ba Ngôi vị thần linh yêu nhau bằng tình yêu vô biên và chúng ta được ở trong tình yêu này, chúng ta được tham dự vào tình yêu ấy. Chúa Cha yêu chúng ta với tình yêu mà Người yêu Chúa Con và chúng ta có thể yêu Người với tình yêu mà Chúa Con yêu lại Chúa Cha, đó là tình yêu như đã được nói “trong Chúa Thánh Thần.” Như thế, dưới ánh sáng của mạc khải Kitô Giáo, chúng ta có thể chú giải câu Thánh Vịnh: “Họ được no say yến tiệc nhà Ngài, nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thoả thuê” (Tv 36,9).
IV. MỘT BÀN TAY VỚI NHIỀU BÀN TAY
Mạc khải này tra vấn và mời gọi chúng ta xét mình về ý thức Hội Thánh. Được kêu gọi tới sự hiệp thông lớn lao, chúng ta không có thể để cho mình lầm lạc và chia rẽ trong các đảng phái, các nhóm, các cộng đoàn và những sự hiệp thông nhỏ bé của con người. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta, và cả chính ngài theo cách thức này, là “hướng về người khác”:
“Đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em: dù là Phaolô, hay Apolô, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,21-23).
Chúng ta biết rằng điều đã khiến thánh Tông Đồ đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ này ở Côrintô, đó là chuyện bè phái: “Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơlôe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1 Cr 1,11-13).
Chúng ta không loại trừ cách hiển nhiên và tiên thiên những sự hiệp thông đặc thù – vì lý do về cảm thức, lý tưởng, truyền thống và tinh thần riêng trong các nhóm, nhưng sự hiệp thông ấy phải luôn đặt ở bên trong sự hiệp thông lớn lao của Hội Thánh. Không bao giờ được phép làm tổn hại đến nó hoặc chống lại nó. Nếu phải giải quyết những xung đột và đối lập nhau, chúng ta không được phép làm vì những lý do cá nhân chủ nghĩa hoặc tư lợi, nhưng phải phát xuất từ nỗ lực chân thành cho sự hiệp thông sâu xa và rộng lớn hơn của Hội Thánh. Thánh Phaolô đã làm như thế khi đối lập với thánh Phêrô ở Antiochia và kết quả cuối cùng là sự hiệp thông được mở rộng vươn tới cả những người ngoại giáo, mà không gây tổn thương gì cho sự hiệp thông chung.
Tuy nhiên, chúng ta không có những tiêu chuẩn chắc chắn để biết trước, nếu chúng ta đề cập về một sự “tuyệt giao” tốt hoặc xấu. Châm ngôn hiệp nhất mà Phaolô đã đưa ra là nhờ sự hiệp thông Thánh Thể: “Probet autem seipsum homo,” ai nấy hãy xét mình, xem động cơ nào thúc đẩy anh em đến với Thánh Thể (x. 1 Cr 11,28). Nếu không có khả năng xét mình và đặt mình trong sự đối thoại, thì những người khác và chính sự hiệp thông Hội Thánh, sẽ là cớ vấp phạm cho người đó. Hội Thánh như bể nước: Nước cân những vật thể rơi xuống: những vật thể nào có độ dày và rắn chắc thì sẽ từ từ chìm sâu xuống; còn những vật thể nào trống rỗng, không chắc, sẽ bị đẩy lên trên mặt nước.
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói rằng, trên nền tảng là Đức Kitô, “người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó; … chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người” (1 Cr 3,11-13). Rất nhiều lần, lửa này là thời gian, nó là phép thử mọi sự. Ban đầu, trong Công Đồng Vaticanô II, những người đã chiến đấu để làm cho người khác chấp nhận ý tưởng Hội Thánh hiệp thông, chính lúc đó, xem ra họ phá vỡ sự hiệp thông; nhưng hôm nay, quả thật chúng ta biết rằng họ là những người xây dựng hiệp thông. Còn những người khác lúc đó như bảo vệ sự hiệp thông, nhưng thực ra là ngược lại. Một dữ kiện luôn là dấu chứng để nhận ra vị ngôn sứ thật và người kiến tạo đích thực của hiệp thông là sự sẵn sàng vâng phục. Ngôn sứ giả không có sự vâng phục Chúa Thánh Thần và Hội Thánh.
V. NỀN LINH ĐẠO HIỆP THÔNG
Tiếp tục ý hiệp thông, trong Tông thư này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cổ võ việc xây dựng một nền linh đạo hiệp thông, nhằm vượt qua những tranh luận và những tuyên bố giáo điều tới việc áp dụng thực tiễn. Ngài nói:
“Trước khi vạch ra những chương trình thực hành, chúng ta cần cổ võ một nền linh đạo hiệp thông, làm cho linh đạo đó thành nguyên lý hướng đạo giáo dục bất cứ nơi nào huấn luyện các cá nhân và người Kitô hữu, bất cứ nơi nào đào tạo những kẻ phục vụ bàn thờ, những người tận hiến và những lao công mục vụ, bất cứ nơi nào xây dựng các gia đình và các cộng đồng.”[14]
Nhưng làm sao để xây dựng nền linh đạo hiệp thông này? Đức Giáo hoàng cho chúng ta những hướng dẫn rất ý nghĩa:
“Một nền linh đạo hiệp thông dạy cho biết trước tiên sự chiêm ngắm trong lòng về mầu nhiệm Ba Ngôi ở trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một nền linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng suy nghĩ đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong phạm vi hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu nhiệm, và do đó như ‘những người là thành phần của tôi.’ Điều này cho chúng ta khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm giác những ước muốn của họ và chăm chú đến những nhu cầu của họ, hiến cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính. Một nền linh đạo hiệp thông cũng bao gồm khả năng thấy điều tích cực nơi kẻ khác, đón nhận điều đó và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban: không những như là một hồng ân cho người anh người chị đã trực tiếp lãnh nhận, mà còn như là “một hồng ân cho tôi.”[15]
Không có nền linh đạo nếu không có sự khổ chế phù hợp. Vì thế, cần thực hành một sự khổ chế của hiệp thông. Trong trường hợp này, sự khổ chế trước hết hệ tại ở việc ‘tẩy rửa.’ Theo ý nghĩa thần học, sự hiệp thông Hội Thánh mang tính khách quan hơn là chủ quan. Nghĩa là: đó không phải là cái gì mà chúng ta xây dựng nên, nhưng là sự hiệp thông với những thiện hảo khách quan của ơn cứu độ mà mọi người được ban cho – các bí tích và đặc sủng – trong ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Vì thế, bổn phận căn bản của chúng ta trước những điều này không phải là thêm vào một điều gì đó, nhưng là loại bỏ những cản trở ngăn cản sự lưu thông tự do của Thần Khí trong cơ cấu Hội Thánh. Chúng ta biết rằng sự nghẹt thở, tắc mạch máu hoặc hẹp tĩnh mạch… luôn tạo ra nguy hiểm cho cơ thể con người có thể dẫn đến tử vong.
Cũng vậy, về mặt thiêng liêng, có một sự tắc mạch nguy hiểm hơn và từ đó phát xuất những sự tắc mạch khác, nó có một tên gọi chính xác, một tên gần như giống với tên của Thiên Chúa, nhưng trong thực tế lại là kẻ thù số một: cái tôi và thói ích kỷ.[16] Tất cả quy về mình, coi mình là trên hết, mình là chuẩn mực và mọi dấn thân tông đồ cuối cùng cũng chỉ để củng cố cái tôi và sự nghiệp riêng hơn là phần rỗi của tha nhân và vì Nước Trời. Hậu quả là những cái tôi được thổi phồng có thể làm tổn thương cả Hội Thánh. Cũng trong Tông thư của mình, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh:
“Một nền linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết cách “nhường chỗ” cho các anh chị em chúng ta, bằng cách “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2) và chống lại những cám dỗ ích kỷ thường hay bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, sự ham danh vọng, sự ngờ vực và ghen tương.”[17]
Điều này đã xảy ra như thế trong cuộc đổ vỡ đầu tiên của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, giữa đàn ông và đàn bà. Thánh Augustinô mô tả điều đã xảy ra trong đổ vỡ chết người đó với lời curvitas: con người co mình lại trên chính mình, từ “dáng đứng thẳng” trở thành “dáng còng,” từ tâm thế mở ra và hướng tới người khác, như Thiên Chúa đã dự định, con người lại trở nên “đóng kín” trong chính mình. Tình yêu trong sáng với chính mình thúc đẩy con người tìm lại mình khi hiến thân cho tha nhân, amor socialis – tình yêu xã hội, con người đã biến nó thành tình yêu loại bỏ người khác, amor privatus – tình yêu riêng tư. Tình yêu sai lầm là amor sui – tình yêu vị kỷ, với tình yêu này, trong lịch sử, ở Babylon, người ta xây dựng thành trì của ma quỷ.
Bởi thế, hơn bao giờ hết lời cầu nguyện trong kinh tiền tụng Mùa Chay lại dội lên khi Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn rằng chúng con ca ngợi Chúa với những việc làm sám hối của Mùa Chay, nhờ đó chúng con chiến thắng sự ích kỷ và làm cho chúng con sẵn sàng hơn đối với những nhu cầu của người nghèo khó.” Mỗi chiến thắng nhỏ bé trên sự ích kỷ là một viên đá mà chúng ta mang tới để xây dựng ngôi nhà Thiên Chúa, chính là sự hiệp thông Hội Thánh.
Một việc thực hành tốt nữa là dùng những lời bào chữa của người anh em mà tôi cảm thấy không đồng ý đối với toà án lương tâm tôi. Tôi ý thức rằng tôi đang làm trong tôi một tiến trình cho ai đó. Tôi tự bạo lực với mình, tôi dừng lại suy gẫm những lý lẽ của mình và tôi thử đặt mình trong những “vạt áo” của người khác, để cảm nhận những lý lẽ của họ, đó là những gì mà họ có thể nói với tôi. Tôi kêu lên với chính mình, như người ta làm tại toà án Hội Thánh: “Audiatur et altera pars,” “Giờ đây hãy lắng nghe từ cả phía khác.”
Tất cả chúng ta có một phạm vi trong đó để thực hiện chính mình. Sự hiệp thông tự thiết lập những vòng tròn quy tâm, bắt đầu từ sự thân mật hơn là con tim chúng ta, cho đến rộng hơn là toàn thể nhân loại, đến các cặp vợ chồng, gia đình, Hội Thánh chúng ta và tất cả các Hội Thánh. Một vòng tròn hiệp thông quan trọng đối với những ai là tu sỹ ngay trong chính Dòng tu của họ. Nhiều Dòng tu truyền thống có trên mình giống như Hội Thánh hoàn vũ, cả một lịch sử của chia rẽ, của cải cách và của chống cải cách, chúng đã để lại những dấu ấn với thời gian.
Ngày hôm nay, chúng ta vui mừng có thể loan báo cho Hội Thánh, khi noi theo mẫu gương của mình, rằng chúng ta đang cố gắng dấn thân để chữa lành ký ức, và cùng nhau xây dựng sự cộng tác trong chúng ta, như Đức Giáo hoàng mời gọi, trong Tông thư của ngài, “cho một mùa xuân đích thực của Chúa Thánh Thần.”[18] Tóm lại, tất cả nhằm xây dựng sự hiệp thông. Ngõ hầu không còn những chuyện “cười ra nước mắt” về những chia rẽ trong Hội Thánh như đã từng xảy ra giữa Hội Thánh này với Hội Thánh kia, giữa cộng đoàn này với cộng đoàn kia, hay có sự ganh tỵ giữa các tu sỹ Đaminh và Phanxicô, giữa tu sỹ Dòng Tên và Capucinô.
Trong Kinh Thánh, có một bản văn mang tính biểu tượng rất cao, nó có thể gợi hứng cho những nghĩa cử mạnh mẽ để hoà giải và hiệp thông. Đó là trích đoạn nói về việc Thiên Chúa yêu cầu Êdêkien lấy hai miếng gỗ và viết trên một trong hai miếng rằng: “Hãy hướng dẫn và người Ítraen hãy hiệp nhất với nó,” còn miếng khác: “Ephraim và tất cả nhà Ítraen hãy hiệp nhất với nó,” rồi hãy bó chúng lại trong một bàn tay như chúng là một tấm gỗ duy nhất (x. Ed 37,15-19).
Chúng ta không có sẵn hai miếng gỗ này trong tay, nhưng ai trong chúng ta cũng đều có hai tay, để cổ võ và xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúng ta được mời gọi hãy cầm tay nhau và hãy nối vòng tay lớn, tạo nên một trái tim, một trái tim để yêu thương, huynh đệ, hiệp nhất và hợp tác với nhau, để cùng nhau chọn lựa hành động: hiệp nhất hơn là xung khắc.
[1] Viết theo tư tưởng của HY Raniero Cantalamessa, trong cuốn: Contemplando la Trinità, Ancora, Milano, tr. 99-112
[2] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millentio Inuente – Khởi đầu Ngàn Năm mới, (06/01/2001), số 42.
[3] X. A. Acerbi, Due Ecclesiologie. Ecclesiologia giuridica ed ecclesiologia di comunione nella Lumen gentium, Bologna 1975, 510.
[4] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millentio Inuente, số 45.
[5] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 4.
[6] H. de Lubac, Quid significet ecclesiam esse mysterium, in Acta Congressus intern. De theologia Concilii Vaticani II, Roma 1968, 32.
[7] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millentio Inuente, số 43.
[8] X. Bruno Forte, Trinità come storia, Cinisello Balsamo 1980, 77tt.
[9] Paul Claudel, Le soulier de satin, Théatre, II, Parigi 1956, 804.
[10] S. Kierkegaard, La malattia mortale, in Opere, a cura di C. Fabro, Firenze 1972, 662 s.
[11] X. R. Cantalamessa, Cristo “Immagine di Dio.” Le tradizioni patristiche su Colossesi 1,15, in “Rivista di storia e letteratura religiosa” XVI 91980/1-3) 181-212; 345-380.
[12] Lumen Gentium, số 48.
[13] X. Ilario di Poitiers, La Trinità, VII, 37.
[14] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millentio Inuente, số 43.
[15] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millentio Inuente, số 43.
[16] Trong tiếng Italia, l’io và Dio gần như được phát âm giống nhau.
[17] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millentio Inuente, số 43.
[18] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millentio Inuente, số 46.