Covid – Họa hay Phúc

COVID – HỌA HAY PHÚC

 

Trước mắt tôi đây là một bức tranh hoàn vũ, có thể nói là một tuyệt tác với tất cả màu sắc cuộc sống, được vẽ dưới ngòi bút vô cùng tinh xảo của một họa sĩ nổi tiếng mà không ai có thể nói rằng không biết, đó chính là họa sĩ COVID.

Một mảng lớn của bức tranh hiện lên một khung trời u uất, một màu đen buồn vời vợi với những áng mây xám xịt kết lại với nhau tạo thành hai chữ Covid trải dài và bao phủ cả một khung trời rộng lớn. Màu trắng chẳng còn là biểu trưng của sự thuần khiết tinh khôi, mà trở thành màu của nước mắt chia ly, màu của đau thương tuyệt vọng, màu của tang tóc.

Nhưng đã nói là tranh thì đâu thể chỉ có một gam màu, chúng ta hãy nhìn chi tiết thêm chút nữa sẽ thấy rất nhiều chỗ được họa sĩ Covid phát lên những gam màu tươi sáng. Chúng ta có thể thấy sự tồn tại của màu xanh hy vọng, màu xanh của những con người sống lạc quan với những ước mơ, với niềm tin vào một tương lai mới đang chờ nhân loại ở phía trước. Màu xanh hy vọng se kết với màu đỏ của tình yêu, bức tranh hiện rõ lên tình người hơn bao giờ hết qua sự sẻ chia từng chén cơm manh áo, từng lời nói, ánh mắt, nụ cười động viên nhau giữa “người với người”, qua sự hiện diện bên nhau mà chúng ta đã đánh mất quá lâu rồi. Vậy tôi tự hỏi bức tranh này là “Họa hay Phúc?”, hay nói đúng hơn câu hỏi của tôi “Covid – Họa hay Phúc?”.

Khi thế giới đang đứng trên đỉnh cao của vinh quang danh vọng, sự phát triển tột bậc về mọi mặt, khi mọi người đều chuộng lối sống “bình yên ảo”, cả nhân loại ngạo mạn tưởng mình là “Chúa” của vũ trụ này, tất cả đang đứng trên một ngọn núi cao ngút trời thì… Covid xuất hiện, nhưng không chỉ một mình mà còn tay trong tay với gã Thần Chết. Và như chúng ta biết đấy, cả thế giới loài người ngã nhào xuống vực thẳm với tốc độ chóng mặt.

Nhưng cũng nên nhớ rằng, Covid không tự xuất hiện, nó được sinh ra từ lòng tham vô đáy và sự hận thù của con người. Covid xuất hiện tính đến nay đã gần hai năm, hai năm cả thế giới sống trong sự im lặng, im lặng của sự chia ly chết chóc, im lặng của đau khổ đang dằn vặt con người hằng ngày hằng giờ. Tôi đã nghe bao nhiêu tin tức đau lòng về Covid, số ca nhiễm cứ tăng mỗi ngày không ngừng và còn rất nhiều nữa là khác, bao nhiêu khu cách ly tập trung mọc lên, bao người dù mắc bệnh cũng phải nằm ở nhà chờ tử thần đưa đi vì sự quá tải bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện, bao nhiêu giọt nước mắt đau thương rơi xuống vì phải chứng kiến cảnh người thân ra đi trong đau đớn mà không làm gì được, lại còn thêm cái đói vì khan hiếm thức ăn, nỗi đau bồi thêm nỗi đau.

Thế Covid chỉ dừng lại là một mối Họa thôi ư! Với suy nghĩ của bản thân tôi, nếu chúng ta chấm hết cho Covid bằng chữ Họa thì bất công vô cùng, vì sao tôi lại bênh vực Covid? Vì tôi muốn đưa mọi người đến cánh cửa sổ màu xanh trong bức tranh mà họa sĩ Covid tài năng đã vẽ lên trong cuộc sống của con người chúng ta. Cuộc sống quá vội vã và ồn ào, lúc nào chúng ta cũng chỉ biết cơm, áo, gạo, tiền, ai cũng lao đầu vào công việc, làm như một cái máy, chẳng quan tâm đến mình, chẳng quan tâm đến người, và cũng chẳng quan tâm đến đời, sống nhưng không còn phải là sống, đời người dường như trở thành sự tồn tại theo thói quen vô thức. Thế là Covid đến, mọi công việc đều dừng lại, chẳng ai còn được ra đường, chẳng công ty xí nghiệp nào được hoạt động và lẽ dĩ nhiên mọi người phải sống trong nhà 24 tiếng đồng hồ ngày này qua ngày nọ. Và thực sự trong hoàn cảnh lặng thinh của cả thế giới này, biết bao người mới nhận ra rằng mình đang tồn tại, mình đang “sống”. Chúng ta được quay về với chính bản thân mình để lắng nghe khao khát được sống cuộc đời Bình Yên thật, không bon chen, không tranh giành, không giả dối, sống những ngày thanh thản nhất, nhẹ nhàng nhất, và bình an nhất.

Quay về với một cuộc sống giản đơn, cùng nhau quây quần bên mâm cơm đạm bạc vì tình trạng thiếu thức ăn thời Covid, nhưng lại được đong đầy bằng sự nồng ấm gia đình mà đã rất lâu rồi tôi không còn thấy trong thế giới vội vã này nữa. Những người mẹ không còn ngồi bên mâm cơm nguội lạnh chờ con về, những người cha cũng không còn phải ngồi bên hiên cửa với nỗi lo lắng bồn chồn vì những cuộc vui chơi về muộn của những đứa con, và con cái cũng không còn phải trông mong sự quan tâm của bố mẹ mình vào những giờ “họ rảnh”.

Tiền bạc là thứ thật dư thừa nhất trong hoàn cảnh lúc này, nó chẳng còn đấu nổi với một lời an ủi, động viên giữa người với người, và chỉ có lúc này chúng ta mới hiểu được còn ở bên cạnh nhau thì hạnh phúc biết dường nào, còn cười được với nhau thì đáng trân trọng biết bao… còn được nhìn thấy nhau thì hãy cám ơn cuộc đời này. Chúng ta sẽ không biết trân trọng từng hạt gạo cọng rau nếu cuộc sống cứ mãi là những ngày dư giả như lúc trước, Covid khiến chúng ta khi bưng một chén cơm trắng cũng phải biết nói lời cám ơn.

Covid làm cho tình người ngủ quên nay được đánh thức, biết bao xe thức ăn tiếp tế cho những vùng cách ly, bao nhiêu tình nguyện viên cam đảm hy sinh phục vụ nơi những vùng dịch, biết bao y bác sĩ đánh cược chính mạng sống mình để đổi lại mạng sống cho các bệnh nhân Covid, bao nhiêu bàn tay đưa ra để cùng nhau chung chia cái đau cái khổ, cùng nhau thắp lên ngọn lửa hy vọng. Tôi có cảm giác như không phải chỉ có đất Việt, mà cả thế giớ đang nắm tay nhau tiến về phía trước, một hình ảnh đẹp biết mấy, đáng lưu lại biết mấy. Thế đấy, Covid đã làm cho thế giới tôi ra thế đấy! Vậy đã hẳn Covid là Họa chăng? Không, đối với tôi, Covid đã mở ra cho loài người một trang sử “mới mà lại cũ”, hay nói đúng hơn là một hành trình trở về nguồn của cả nhân loại để tìm lại thứ đã bị chúng ta chôn vùi rất lâu rồi, đó là Tình người và sự Bình An. 

Tận đáy lòng xin gửi đến “người thầy Covid” lời cám ơn chân thành, vì đã dạy chúng tôi biết “Cách Sống” và trân trọng từng thứ bình dị nhất trong cuộc sống này. Cám ơn vì đã dạy cho tôi hiểu không bao giờ là mất tất cả hay bế tắc hoàn toàn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay thời điểm nào, tất cả đều có thể trở thành thời điểm khởi đầu tốt nhất … nếu ta đủ sáng suốt để nhận ra. Và sau cùng cám ơn Covid vì đã cho tôi thấy còn tồn tại sự hy sinh trong một xã hội đề cao hưởng thụ, sự quan tâm trong một xã hội sống theo chủ nghĩa cá nhân, một niềm tin rực lửa trong một thế giới vô thần… và dường như tôi đã thấy Thiên Đàng nơi Địa ngục trần gian. Cám ơn họa sĩ Covid đã tặng chúng tôi một bức tranh tuyệt vời.

 

 

 

 

 

 

 

 

M. Phú Yên Diễm Trinh

Tập sinh năm II