GIA ĐÌNH, NƠI NGƯỜI TRẺ TẬP SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN CHÚA TRONG CẦU NGUYỆN
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Gp. Vĩnh Long
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần V, sẽ nói về Gia đình, nơi người trẻ tập sống tương quan với Thiên Chúa trong cầu nguyện được trích trong các Tông Huấn Familiaris Consortio, Amoris Laetitia và Christus Vivit.
– Sự cần thiết của cầu nguyện: Cầu nguyện là một phương tiện để đối thoại với Chúa, để kết hợp với Chúa Kitô. Dù có làm gì, là gì đi nữa, nếu thiếu cầu nguyện, thì tuổi trẻ chưa đạt đến mức độ trưởng thành đúng nghĩa. Cầu nguyện sẽ biến tuổi trẻ sống trong tình bạn với Chúa Kitô, và nên nhớ rằng: “Tình bạn là một quà tặng của cuộc sống và là một hồng ân của Thiên Chúa” (Christus Vivit số 151). Chỉ trong tình bạn thiết nghĩa, người trẻ mới nói lên tâm sự của mình qua hình thức cầu nguyện. Qua việc cầu nguyện, người trẻ trình bày với Chúa Kitô những thành công, những thất bại, những niềm vui, những nỗi buồn trong cuộc sống gia đình, xã hội và Giáo hội: “Với một người bạn, chúng ta có thể trò chuyện và chia sẻ những điều sâu kín nhất. Cũng thế, với Chúa Kitô chúng ta có thể đàm đạo với Người. Cầu nguyện là một thách đố và cũng là một cuộc phiêu lưu…” (Christus Vivit số 155). Cầu nguyện là một thách đố và phiêu lưu. Tại sao ? Thách đố, vì người trẻ ngày hôm nay, thời đại kỹ thuật số này, bị xáo trộn bởi thứ tiếng động và tốc độ, thì còn giờ đâu nữa để cầu nguyện. Phiêu lưu, vì người trẻ phải đối diện với điều mình tin, và Người mình tin. Thiên Chúa có hay không ? Ngài dạy điều đó có còn hợp thời hay không ? Nhưng trên tất cả mọi sự, chỉ có một mình Thiên Chúa định đoạt tất cả. Người trẻ học cách cầu nguyện ở đâu và với ai ?
– Đời sống gia đình như một khung cảnh giáo dục. Trong Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha giới thiệu chủ đề này. Thật vậy, gia đình là trường học đầu tiên dạy phép tắc lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, nói đúng hơn là dạy các giá trị nhân bản, biết cách sử dụng sự tự do của mình (x. Amoris Laetitia số 274) ; Từ trong gia đình đi ra ngoài xã hội, người trẻ biết sống với người khác, thích nghi những môi trường khác nhau, người trẻ hòa nhập xã hội, “bởi vì đó là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác, để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống” (Amoris Laetitia số 276), nhưng không đánh mất căn tính của mình (AL 276). Từ trong gia đình đi ra ngoài xã hội, người trẻ cũng được giao phó thêm một nhiệm vụ là cộng tác trong việc loan báo Tin mừng. Làm sao cho nhiều người biết Chúa, làm sao cho Nước Chúa được nhân rộng (x. Amoris Laetitia số 287-290)
– Gia đình là nơi thông truyền đức tin và cầu nguyện. Trên hết và trước hết, phải nhìn nhận rằng gia đình là nơi thông truyền đức tin cho nhau, là nơi phát triển đời sống đức tin, là nơi cầu nguyện từ lúc đứa bé được thụ thai trong lòng người mẹ, mọi người đều ước mơ điều tốt cho đứa bé: “Trong giấc mơ này, đôi vợ chồng Kitô hữu nhất thiết sẽ nghĩ đến Bí tích Rửa tội. Cha mẹ chuẩn bị cho biến cố này bằng việc cầu nguyện, phó dâng con mình cho Chúa Kitô ngay cả trước khi bé được sinh ra” (Amoris Laetitia số 169). Các thành viên trong gia đình được mời gọi cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa, đi tham dự các Bí tích, đặc biệt là tham dự Bí tích Thánh Lễ. Gia đình cầu nguyện là mẫu gương để giáo dục con cái cầu nguyện: bởi vì “gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau” (Amoris Laetitia số 227).
Cầu nguyện cho những hoàn cảnh riêng tư của mỗi thành viên: “nói với Chúa về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cho một ai đó đang gặp khó khăn” (Amoris Laetitia số 318). Cầu nguyện chung cho cả gia đình: “Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung…. Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình” (Familiaris Consortio số 59).
Để thực hành đời sống cầu nguyện, gần nhất, người trẻ cần cha mẹ. Cha mẹ được xem như những nhà giáo dục đức tin đầu tiên: “Trên căn bản phẩm giá và sứ mạng của họ, các cha mẹ Ki-tô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện… Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện” (Familiaris Consortio số 60). Kế đến, cầu nguyện chung với Giáo Hội qua việc tham dự Thánh Lễ những ngày Chúa Nhật và những ngày Lễ trọng, cũng như tham dự các Bí tích khác.
Tương quan mật thiết với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện trong môi trường của một gia đình là điều mà không ai chối cãi. Mẹ Maria đã cầu nguyện rất nhiều, từ khi thụ thai Chúa Giêsu đến khi Chúa chết trên thập giá và còn nữa, suốt đời của Mẹ. Nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, chúng ta nguyện xin Chúa thúc giục những người trẻ chấp nhận sống trong gia đình luôn hướng về việc cầu nguyện. Nhờ đó, những người trẻ vững bước trên con đường đức tin của mình, và cộng tác loan báo Tin mừng.
Nguồn: giaophanvinhlong.net
W.HĐGMVN