Giáo hội Mozambique kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp dân chúng
Ngọc Yến – Vatican News
Cha Ricardo Marques nói về thảm trạng mà các cộng đoàn ở phía bắc đang phải trải qua sau các cuộc tấn công khủng bố: hơn 3.000 người chết, hơn 800.000 người phải di tản, và nhiều người phải trốn trong các bụi cây để không bị giết.
Nguyên nhân của thảm trạng này là do giao tranh trong khu vực giữa lực lượng an ninh nhà nước và các nhóm vũ trang, các chiến binh thánh chiến của al-Shabaab, có liên hệ với nhà nước Hồi Giáo (IS).
Gần đây nhất, một cuộc tấn công của phiến quân ở thành phố Palma đã buộc ít nhất 11.000 người phải chạy trốn, và hàng ngàn người bị mắc kẹt trong khu vực.
Nhà truyền giáo cho biết, ngày 24/3, một ngày sau vụ tấn công, nhiều thường dân đến Pemba và Nangade, Mueda và Montepuez. Trong số này có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Cha nói: “Chúng tôi không thể hiểu những gì đang xảy ra. Bạo lực đang leo thang, những mối hận thù cũ đang khơi lại. Chúng tôi lo ngại những gì đang diễn ra sẽ bị lãng quên. Cần phải hành động khẩn cấp trước khi quá muộn. Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả các nhà cầm quyền và những người thiện chí, sớm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến tàn phá này”.
Trong khi đó Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết, nếu bạo lực vẫn tiếp diễn thì vào tháng 6, số người phải trốn chạy ở miền bắc Mozambique có thể vượt ngưỡng một triệu người.
Theo cha Ricardo Marques, nếu chính phủ Mozambique không có thái độ quyết liệt hơn và không chịu nhận viện trợ từ nước ngoài, thì con số người chết sẽ tiếp tục gia tăng.
Về phần Giáo hội, cha nói: “Chúng tôi cố gắng là tiếng nói cho những ai không có, trao ban không gian cho những tiếng kêu của các nạn nhân. Chúng tôi cố gắng mang đến những lời an ủi cho các gia đình trong khả năng có thể. Chúng tôi cộng tác với chính quyền dân sự, Caritas giáo phận và một số tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ các gia đình khó khăn”.
Ở Pemba, những người di dời đã được đưa vào các khu vực do chính phủ cung cấp, nhưng theo cha Ricardo Marques, những người này phải sống trong hoàn cảnh thiếu các điều kiện vệ sinh tối thiểu. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid. Nhà truyền giáo Bồ Đào Nha kết luận: “Virus không được coi là yếu tố phân biệt đối xử để đón tiếp. Điều này sẽ là một án tử cho nhiều người vô tội”. (CSR_2590_2021)
Nguồn: Vatican News
HL.MĐ (13/04/2021)