Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Thương (5): Cùng chết với Chúa

5. Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng

Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu

Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lêmasabácthani“, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Êlia!” Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Êlia có đến cứu hắn không!” Ðức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

Và kìa, bức màn trướng trong Ðền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Ðất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chỗi dậy. Sau khi Chúa chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ðức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”.

Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ nhìn xem từ đàng xa. Các bà này đã theo Ðức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Người. Trong số đó, có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôxép, và bà mẹ các con ông Dêbêđê.

Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Ðức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Ðức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. Khi đã nhận thi hài, ông Giôxép lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Maria Mácđala và một bà Maria khác ở lại đó, ngồi đối diện vào mồ. (Mt 27,45-61)

 Suy niệm:

 Ai cũng thế thôi, khi sức đã cùng lực đã kiệt, thì sẽ trút hơi thở cuối cùng. Là một con người, Giêsu cũng không thể thoát ra được cái định luật tự nhiên ấy. Sau khi bị tra tấn dã man rồi bị treo trên cây thập giá, Ngài bị mất máu quá nhiều. Tư thế trên cây thập giá sẽ khiến cho người ta vừa đau đớn, vừa không thở được, từ từ lịm đi và chết lúc nào chẳng biết. Ngay cả khi đã bị treo trên thập giá, Giêsu vẫn còn phải hứng chịu những lời thách thức và chê cười của người đi đường, của quân lính, của giới lãnh đạo và của một trong hai người tử tù cùng chịu chung bản án với mình. Nhưng dường như Ngài chẳng còn sức lực đâu mà chú ý đến những điều ấy. Ngài dành chút hơi còn sót lại để kiện toàn những công việc cuối cùng trước khi tắt thở. Ngài phải uống giấm chua, trao phó Mẹ và Gioan cho nhau, nâng đỡ tên trộm hối lỗi, thân thưa cùng Cha lời tâm sự đau thương tận đáy lòng cùng lòng tín thác khôn nguôi. Khi đã hoàn thành tất cả, Giêsu gục đầu xuống, tắt hơi. Cái chết đến với Ngài thật nhẹ nhàng, có lẽ vì Ngài đã không còn điều chi để nuối tiếc, và cũng bởi vì Ngài chẳng còn sức lực nào để gắng gượng nữa. Chết rồi, mọi đau đớn cũng sẽ không còn. Mặc ai khinh khi, ai ruồng rẫy, ai chửi rủa, Ngài cũng chẳng còn nghe thấy chi, chẳng còn cảm thấy buồn hay khổ, hay tủi nhục gì. Mọi oán hờn chấm dấu hết tại đó.

Ngày từ khi xuống thế làm người, Đức Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể – đã luôn chọn cho mình vị trí rốt cùng hết. Ngài đã chết rất nhiều lần rồi, mỗi khi Ngài từ bỏ những gì cao sang xứng đáng cho vị thế cao quý của mình. Cái chết của Ngài trên thập giá chính là cái chết chung cuộc cho những cái chết, cái hy sinh nhỏ nhặt khác diễn ra hằng ngày nơi cuộc sống. Giờ đây, Ngài đã thực sự trở nên hạt lúa thối đi trong lòng đất để sinh ra những bông hạt thơm ngon, đã trở nên chùm nho bị ép để làm nên chén rượu nồng thắm. Ngài đã hy sinh thân mình vì người khác, nhưng chẳng ai hiểu được nỗi lòng này của Ngài. Lòng tốt của Ngài đã được trả ơn bằng hàng loạt những hiểu lầm và ghen ghét. Nhưng Ngài chẳng bận tâm vì con người vốn “chẳng biết việc họ đang làm”. Ngài chấp nhận chết đi để làm thức tỉnh muôn thụ tạo, để lấy cái chết của mình đánh đổi ơn cứu độ cho mọi loài thọ sinh. Rồi ai cũng chết cả, nhưng người nào biết đem cái chết của mình để mưu ích cho người khác, ấy thật là người vĩ đại vô cùng.

Trên cây thập giá, khung cảnh năm xưa của Vườn Địa Đàng như đang được tái hiện. Ngày trước, ma quỷ đã thổi vào trong tâm trí Eva tư tưởng muốn chống lại lệnh Thiên Chúa. Trái cấm trước mắt trông thật đẹp, hương vị của nó chẳc cũng khác hẳn những trái cây khác. Bị những thúc đẩy xấu xa lôi kéo, bà nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa, bà thấy mệnh lệnh của Thiên Chúa thật vô lý, bà còn suy diễn để thấy nơi mệnh lệnh ấy một ý đồ đen tối và sợ hãi của Chúa. Bà trách Thiên Chúa đã vì sợ bà ngang hàng với mình nên mới cấm đoán bà thế này thế nọ. Nghĩ thế, bà muốn chống lại Thiên Chúa, muốn nổi loạn. Và bà đã làm theo những gì bà toan tính. Cũng có những xúi giục tương tự như thế trên thập giá, nhưng ngược với hai con người đầu tiên, Đức Giêsu đã kiên quyết tin vào Cha và đón nhận mọi lệnh truyền của Cha, cho dù điều đó có khiến Ngài phải đánh đổi cả mạng sống. Người ta tưởng là Ngài đã bại, nhưng thực ra, Ngài đã chiến thắng. Người ta tưởng là Ngài bị lép vế, nhưng chính sự dữ mới yếu thế trước lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Người ta tưởng là Thiên Chúa đã chịu thua sức mạnh của sự dữ, nhưng chính lúc Giêsu bị hành hình đau đớn mà vẫn vui lòng cam chịu, sự dữ đang run sợ vì nó biết là vương quốc của nó đã sắp đến lúc suy vong. Cuộc chiến trên thập giá là một cuộc chiến rất ngược ngạo: kẻ tưởng mình thắng lại là kẻ thua, còn người có vẻ là thua lại là người chiến thắng.

Hẳn là chẳng người tu sĩ nào cũng làm quen với chữ “hy sinh”. Hy sinh có nghĩa là chết. Hy sinh là buông mình ra và chịu mất mát, thiệt thòi. Người ta chọn đời dâng hiến, chính là để hy sinh, để chết cho cuộc đời này và tìm thấy một sự sống mới. Chẳng bao giờ ta có thể sống đời tu của mình thật tốt mà chẳng có hy sinh. Mỗi một ngày, ta luôn được mời gọi để chết đi cho con người của mình để mưu ích cho người khác. Cuộc sống của mình cũng trở thành một cuộc trao ban. Chúa muốn ta không chỉ dâng cho Ngài những gì chúng ta có như nhà cửa, tiền bạc, tài năng… nhưng là chính chúng ta – trọn vẹn thân xác và linh hồn. Mà chúng ta chỉ có thể dâng cho Ngài trọn vẹn những điều ấy khi chúng ta từ từ để mình xuống thấp, bị chôn vùi bởi dòng đời và bị quên lãng. Chính lúc đó, Chúa mới làm cho mọc lên từ sự hy sinh của chúng ta một mầm cây xanh. Cây xanh ấy lớn lên soi bóng mát cho cuộc đời, và sinh ra những trái ngon bổ dưỡng người thế. Không hy sinh, không chết đi hàng ngày, chúng ta khó có thể chung phần với Chúa.

Sự hy sinh của ta có thể đến từ nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Ta hy sinh miếng ăn bổ, hy sinh giấc ngủ ngon, hy sinh bộ quần áo đẹp, hy sinh làn tóc xõa, hy sinh làn da trơn, hy sinh nét duyên dáng, hy sinh sự bảnh trai, hy sinh sức khỏe, hy sinh thời giờ…để phục vụ người khác. Ta cũng phải hy sinh cả ý riêng để không đua đòi với người ta, không cãi cọ tranh chấp với anh chị em trong cộng đoàn, không bất tuân mệnh lệnh của bề trên. Ta cũng phải hy sinh sở thích của mình để nhường phần hơn cho người khác, lãnh phận thấp về mình, tập vui niềm vui của người chịu thiệt thòi nhưng thấy người khác được nhiều lợi ích. Có đôi khi ta cũng phải hy sinh cả niềm đam mê của mình vì một sứ mạng nào đó cấp thiết hơn đang chờ ta. Dòng người cứ đua nhau vun vén cho mình, người tu sĩ được mời gọi hy sinh để bù đắp lại cho chính những vun vén ấy.

Khi đi tu, ta đừng bao giờ đặt vấn đề về quyền lợi, đừng bao giờ so sánh chuyện được – mất, hơn – thua, bởi lẽ làm như vậy là ta đã mâu thuẫn với chọn lựa dâng hiến của mình tự bản chất rồi. Nếu có phải hối tiếc và buồn phiền trong đời tu, đó phải là hối tiếc và buồn phiền về việc mình đã hy sinh ít quá, hy sinh chưa đủ so với những gì Đức Giêsu muốn, chứ không phải vì sao tôi không bằng anh chị em kia, vì sao tôi phải chịu thiệt thòi này, vì sao lại đọa đày tôi thế kia. Ta theo Chúa, chính là để chết với Chúa, rồi từ đó mới cùng Chúa đi vào vinh quang, chứ không phải chỉ hưởng nếm một vinh quang tạm bợ mà không bao giờ dám chết. Càng chết trong đời tu, người ta càng thấy mình sống một cách thật sung mãn và tràn trề. Đây không phải là chân lý người ta bịa ra để xoa dịu nhau, nhưng chính là điều Đức Giêsu đã dạy. Không biết các tu sĩ của Chúa có cảm nghiệm được điều này hay không?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ