Người tình của Thánh giá – Lm JBT.Phạm Quốc Hưng

NGƯỜI TÌNH CỦA THÁNH GIÁ

                Lm JBT. Phạm Quốc Hưng, CSsR.

 

Đức cha Lambert de la Motte và dòng Mến Thánh Giá

Sau khi giảng tĩnh tâm cho các em đệ tử dòng Mến Thánh Giá tối ngày 18-11-1997, tôi được Sr. Mary, LHC tặng cuốn Linh Đạo Lâm Bích nói về đời sống và tinh thần tu đức của đức cha Lambert de la Motte (1624-1679), đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt nam. Ở trang đầu cuốn sách, sơ viết cho tôi lời chúc: “Chúc cha trở thành người tình của thánh giá”.

Khi đọc xong cuốn sách này, tôi cảm thấy mình bị hấp dẫn mãnh liệt bởi đời sống thánh thiện của đức cha Lambert và yêu mến ngưỡng mộ ngài cách sâu xa. Tôi cũng nhận ra chương “Đường Thánh Giá” trong sách Gương Chúa Giêsu mà ngài dùng làm căn bản cho linh đạo của ngài cũng chính là chương sách mà tôi đã đọc và suy niệm trước khi vượt biên rời Việt nam năm 1981. Những lời sau của đức cha Lambert đã đánh động tôi thật nhiều và giúp tôi hiểu rõ hơn linh đạo của ngài:“Hãy học hỏi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến.”

“Người Kitô hữu nào không chịu đau khổ thì chỉ có cái vỏ của lòng đạo đức.”

“Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức ái phi thường của thừa tác viên.”

“Khi dấn thân vào những chức vụ tông đồ, người ta phải từ bỏ mình hoàn toàn. Cũng như khi Giáo hội trao cho ai một sứ mạng thì ắt hẳn chính Thiên Chúa bảo đảm cho người đó đứng vững trước những sự chống đối đe dọa.”

Trong cơn bệnh Đức Cha Lambert thường nói: “Can đảm lên, giờ gần đến, ta hãy chịu khó vì Chúa muốn như vậy.”

Từ khi học biết đời sống và tinh thần của đức cha Lambert, tôi bắt đầu cầu nguyện mỗi ngày với ngài như sau: “Đức cha Lambert de la Motte–người tình của thánh giá–Cầu cho chúng con.” Tôi cũng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã cho nảy sinh trên quê hương tôi dòng Mến Thánh Giá, một hội dòng có lịch sử gắn liền với những trang sử hào hùng của Hội thánh tại Việt nam và mang tên gọi chứa đựng một linh đạo gắn liền với thập giá Chúa Kitô, biểu tượng tuyệt vời của tình yêu cứu rỗi và nguồn mạch mọi ơn thánh.

Một sự kiện khác cũng giúp tôi thêm lòng yêu mến mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô và tri ân Chúa về sự hiện diện của dòng Mến Thánh Giá. Đó là từ lâu tôi có thói quen viết ở đầu mỗi lá thư hay mỗi bài viết chữ M với dấu thập (+) ở trên như biểu tượng của tình mến dành cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngày nọ một em đệ tử dòng Mến Thánh Giá nhìn thấy dấu hiệu ấy và đọc thành “Mến Thánh Giá”. Tôi ngạc nhiên và thích thú về việc này. Phải chăng qua lời cắt nghĩa đơn sơ này của em, Chúa Cứu Thế muốn tôi phải noi gương Người và Mẹ Thánh Người để trở nên một “người tình của thánh giá” như lời cầu chúc của sơ Mary trước đây? 

Đức cha Fulton J Sheen và tình yêu thập tự

Mùa thu năm 1992, trong lớp học giảng thuyết đầu tiên tại Chủng viện Holy Apostles ở Cromwell, Connecticut, cha Robert L. McQueeney, MSsA–giáo sư của chúng tôi–đã dạy chúng tôi lối giảng của đức cha Fulton J. Sheen (1895-1979). Ngài gọi đó là lối giảng từ trái tim. Lúc ấy tôi chỉ biết đến đức Cha Sheen như một nhà giảng thuyết và một tác giả thời danh. Nhưng gần đây, khi có dịp nghe một số bài giảng của ngài và đọc cuốn tự truyện của ngài nhan đề Treasure in Clay (Kho Báu trong Bình Sành), tôi mới nhận ra đàng sau cuộc đời được bao người mến yêu ngưỡng mộ của ngài là cả một mối tình sâu đậm dành cho Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. 

Trong bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng của ngài, đức cha Sheen đã gọi cử tọa là “Các bạn thân mến trong Chúa Kitô và là (Chúa Kitô) Chịu Đóng Đinh”. Những ai đọc kỹ các tác phẩm của ngài đều nhìn nhận rằng tình yêu dành cho Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và tinh thần truyền giáo là hai chủ đề gắn liền với nhau làm thành căn bản cho linh đạo của ngài.

Như thánh Anphong Liguori, tổ phụ Dòng Chúa Cứu Thế và Đức Cha Lambert de la Motte, tổ phụ Dòng Mến Thánh Giá, Đức Cha Fulton J Sheen cũng là một “người tình của thánh giá”. Những suy niệm của ngài về thập giá Chúa Kitô và những mẫu truyện thực trong cuộc đời của Đức Cha Sheen đã đánh động tôi thật mãnh liệt và giúp tôi thêm lòng yêu mến Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và cảm thông niềm đau của Mẹ Sầu Bi. Và hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh 1999–20 năm sau Thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng của đức cha Fulton J Sheen–tôi muốn ghi lại một vài suy niệm và mẫu truyện quý giá ấy với hy vọng sẽ được chia sẻ tinh thần của ngài và lớn lên trong lòng yêu mến Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và Mẹ Sầu Bi để cũng trở thành một “người tình của thánh giá” như ngài.

“Tự truyện của tôi là Tượng Chịu Nạn”

Trong chương đầu cuốn tự truyện của ngài, Đức Cha Fulton J Sheen nói rằng khi cuộc đời của một người được ghi nhận, có ba lối nhìn vào tự truyện của người ấy:

– như chính đương sự nhìn thấy

– như những người khác nhìn thấy

– như Chúa nhìn thấy.

Và Đức Cha Fulton J Sheen đã viết cuốn tự truyện của ngài trong liên hệ với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Ngài gọi Tượng Chịu Nạn là tự truyện của chính ngài: The Crucifix is my autobiography.

Ngài viết:

“Carlyle đã sai khi nói rằng không có cuộc đời của người nào được ghi nhận một cách trung thực. Có cuộc đời tôi! Mực được dùng là máu. Giấy là da. Bút là lưỡi đòng. Hơn tám mươi trang làm thành cuốn sách, mỗi trang cho một năm của đời tôi. Dù tôi cầm cuốn sách ấy lên mỗi ngày, nó không bao giờ đọc giống nhau. Tôi càng đưa mắt để khỏi nhìn những trang sách ấy, tôi càng cảm thấy cần viết tự truyện của chính mình để mọi người thấy những gì tôi muốn họ thấy. Nhưng tôi càng nhìn vào nó, tôi càng thấy rằng tất cả những gì giá trị trong tự truyện của tôi đều đã được nhận như quà tặng từ Trời. Vậy tại sao tôi lại vênh vang vì nó?

“Cuốn tự truyện cũ đó đã như mặt trời. Tôi càng bước xa nó, những bóng đen trải ra trước mắt tôi càng đậm hơn và dài hơn: những nuối tiếc, hối hận và sợ hãi. Nhưng khi tôi bước lại gần nó, những bóng đen rơi lại sau lưng tôi, bớt ghê sợ hơn nhưng vẫn nhắc tôi những điều tôi còn thiếu sót. Nhưng khi tôi cầm cuốn sách vào tay tôi, không còn bóng đen nào cả dù ở phía trước hay đằng sau, chỉ còn niềm vui siêu nhiên khi được tắm gội trong ánh sáng. Giống như bước thẳng đi dưới mặt trời, không có ảo ảnh để gọi mời, không có hình bóng để bước theo.

“Cuốn tự truyện đó là Tượng Chịu Nạn–câu truyện bên trong của đời tôi không ở trong cách bước đi trên sân khấu thời gian nhưng trong cách nó đã được ghi nhận, thu băng và viết xuống thế nào trong Sách Hằng Sống. Đó không phải là cuốn tự truyện tôi kể cho bạn, nhưng là cuốn tự truyện tôi đọc cho chính mình. Trong mão gai, tôi đọc thấy sự kiêu ngạo của tôi; sự vơ vét giành giật những đồ chơi trần thế của tôi nơi Bàn Tay bị đâm thủng; việc tôi lìa xa sự chăm sóc của Người Mục Tử nơi Bàn Chân bị đâm thâu; tình yêu đã bị tôi phung phí nơi Trái Tim bị thương tích; và những ước muốn dâm đãng của tôi nơi thân xác tả tơi của Ngài đang bị treo như một mảnh giẻ đẫm máu. Hầu như mỗi lần tôi mở một trang trong cuốn sách ấy, trái tim tôi khóc vì những gì tình yêu vị kỷ (eros) đã làm cho đức ái thần linh (agape), những gì cái “Tôi” đã làm cho “Ngài”, những gì người bạn tự nhận đã làm cho Người Yêu.

“Nhưng có những phút giây trong cuốn tự truyện ấy khi trái tim tôi nhảy mừng vì được mời gọi vào Bữa Tiệc Ly; khi tôi đau đớn vì một trong những người thuộc về tôi đã lìa xa Người và làm phỏng môi Người bằng một nụ hôn phản bội; khi tôi cố gắng loạng choạng để vác đỡ giá gỗ của Người lên Núi Sọ; khi tôi bước đến gần Mẹ Maria thêm ít bước để giúp kéo lưỡi đòng đã đâm thâu khỏi tim mẹ; khi tôi hy vọng có những lần trong đời tôi được là một môn đệ như người môn đệ “Được Yêu”; khi tôi vui mừng vì mang được những Mai-đệ-liên khác đến Thánh Giá để yêu Chúa bù vào những gì chúng ta còn thiếu sót trong tình yêu; khi tôi gắng bắt chước viên bách quản và đem chút nước lạnh cho những bờ môi đang khát, khi như Phêrô tôi chạy đến ngôi mộ trống và bên bờ biển trái tim tôi tan vỡ ngàn lần khi Người đã không ngừng hỏi tôi: “Con có yêu Thày không?” Đây là những phút giây tươi sáng trong cuốn tự truyện có thể viết xuống như một bản thứ và kém trung thực hơn cuốn tự truyện đích thực đã được viết xuống từ hai ngàn năm trước.

“Những gì được viết xuống trong bản thứ này không phải là toàn bộ sự thật–những Thương Tích mới là toàn bộ sự thật. Cuộc đời tôi, như tôi thấy, được buộc ngang vào Tượng Chịu Nạn. Chỉ có hai chúng tôi–Chúa tôi và tôi–đọc nó, và khi năm tháng dần trôi chúng tôi càng dành giờ nhiều hơn để cùng đọc chung với nhau. Những gì chứa đựng trong đó sẽ được trình chiếu khắp thế giới trong Ngày Phán Xét…”

Tôi đã nhiều lần khóc thầm những khi đọc những dòng trên. Tượng Chịu Nạn không chỉ là tự truyện của Đức Cha Fulton J Sheen, nhưng còn là tự truyện của chính tôi, của tất cả những người đặt niềm tin vào Chúa Kitô, những người đã một lần cảm nhận tình yêu thập tự của Chúa Cứu Thế, những người đã biết nhìn lên Tượng Chịu Nạn và nhận ra Con Người đang hấp hối đớn đau trên ấy chính là Người đã chết vì tội lỗi của họ, để ban ơn tha thứ cho họ, để cho họ được bước vào liên hệ yêu thương sâu thẳm với Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc sung mãn cho trái tim khát yêu và được yêu của họ.

Ôi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, xin giúp con noi gương đức cha Fulton J Sheen biết ngày ngày cùng với Chúa đọc tự truyện đời con nơi Tượng Chịu Nạn, nơi chính Chúa đang hấp hối đớn đau trên thập tự, để con biết sẵn sàng từ bỏ mọi sự nhất là từ bỏ chính mình con, vác thập giá hàng ngày của con và bước theo Chúa để cùng chịu đóng đinh và chịu chết làm một với Chúa trên Thánh Giá.

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Sầu Bi đứng kề bên thập giá nhìn Chúa chết treo, xin Mẹ dạy con và dẫn con mỗi ngày bước đến gần thập giá Chúa Kitô hơn. Chớ gì ngày con từ giã cõi đời này, con sẽ gặp thấy giường chết của con là chính thập giá Chúa Kitô và con sẽ sung sướng nhận ra có Mẹ đứng cạnh con như Mẹ đã đứng cạnh thập giá Chúa năm xưa. Amen.

“Có một người đang ở trên thập giá!”

Trong thế kỷ 20, Đức Cha Fulton J Sheen đã là một trong những nhà truyền giáo gặt hái được nhiều thành quả nhất. Thật vậy, khi qua đời năm 1979, đức cha đã viết khoảng 60 cuốn sách. Số khán thính giả đã xem ngài giảng trên các đài truyền hình hay đã lắng nghe ngài trên các đài truyền thanh lên đến hàng mấy chục triệu người. Rất nhiều người đã được ơn trở lại qua việc tiếp xúc với ngài hay qua việc đọc sách hay lắng nghe các bài giảng của ngài.

Chính các Đức Giáo Hoàng gần đây cũng nhìn nhận những hoạt động đầy thành quả này của Đức Cha. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm linh mục của Đức Cha và khoảng hai tháng trước khi ngài qua đời, trong thư đề ngày 11-10-1979 Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã chúc mừng Đức Cha Fulton J Sheen những lời sau:

“…Thiên Chúa đã kêu gọi tôn huynh để công bố lời đầy sức sống của Người một cách phi thường. Tôn huynh đã đón nhận lời mời gọi này với lòng nhiệt thành lớn lao và đã dùng những tài năng của tôn huynh để làm lan rộng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Vậy nên trong sáu thập niên trong sứ vụ linh mục của tôn huynh, Thiên Chúa đã đụng đến cuộc đời của hàng triệu người nam nữ trong thời đại chúng ta. Họ đã lắng nghe tôn huynh trên radio, đã nhìn xem tôn huynh trên tivi, đã được giúp ích từ bao thành quả văn chương của tôn huynh và đã tham dự những cuộc thuyết giảng của tôn huynh. Và vì vậy với thánh Phaolô, tôi tạ ơn Thiên Chúa tôi, mỗi lần tôi nhớ đến anh em, luôn luôn, trong mọi lời cầu xin cho anh em hết thảy, và tôi sung sướng mà dâng lời cầu xin ấy, vì anh em được thông phần vào việc rao giảng Tin mừng (Phil 1:3-5)…”

Trước đó, trong thư đề ngày 08-05-1976 nhân kỷ niệm ngân khánh tấn phong giám mục của Đức Cha Fulton J Sheen, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết cho ngài những dòng sau:

“…Tôn huynh đã dâng hiến chính mình cách trọn vẹn cho việc cổ võ các hoạt động truyền giáo của các tín hữu tại quê hương tôn huynh, như tôn huynh đã từng nhiệt tình lãnh đạo Hiệp Hội Truyền Bá Đức Tin. Trước đó rất lâu, tôn huynh đã giảng dạy với thành quả lớn lao những chân lý triết học và các tín lý thần học. Và theo ý Chúa, tôn huynh đã được tấn phong giám mục và đã tăng cường mục vụ đó bằng một chương trình giảng dạy và viết lách, vì sự lan truyền sâu rộng của nó và với kiến thức Phúc âm mà nó loan truyền, đã góp phần cứu rỗi các linh hồn và làm tăng triển vinh quang Hội thánh. Thực không thể mô tả con số những người đã đọc các sách của tôn huynh, đã nghe tôn huynh trên radio và gặp tôn huynh trên tivi…”

Vậy đâu là động cơ khiến đức cha Fulton J Sheen dấn thân không mệt mỏi vào sứ mạng truyền giáo qua việc viết lách và giảng dạy bằng mọi phương tiện có thể để giúp bao người được ơn trở lại và làm rạng rỡ vinh quang của Hội thánh?

Tôi tin rằng tình yêu dành cho Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh chính là động cơ thúc bách các hoạt động truyền giáo của đức cha Fulton J Sheen. Điều này được đọc thấy nơi những hàng chia sẻ sau đây bằng tâm tình của một tác giả nào đó.

“Mỗi khi có sự thinh lặng quanh tôi, bất kể ngày hay đêm, tôi bị giật mình bởi một tiếng kêu khóc. Tiếng ấy phát ra từ  thập giá. Lần đầu tôi nghe thấy, tôi đã ra ngoài và tìm kiếm và đã gặp một người đàn ông đang quằn quại đớn đau trên khổ hình thập giá. Tôi nói: Con sẽ đưa ngài xuống. Ngài nói: Ta không thể xuống được cho tới khi mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ em cùng nhau đến để mang Ta xuống. Con phải làm sao? Tôi nói:Con không chịu nổi tiếng kêu khóc của ngài. Và Người nói: “Hãy ra đi vào thế giới và nói với mọi người con gặp là có một người đang ở trên thập giá.”

Đức cha Fulton J Sheen đã thực hiện lời yêu cầu ấy của “người đàn ông đang quằn quại đớn đau trên khổ hình thập giá”. Ngài đã nỗ lực hoạt động để làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Có lẽ như thánh Phaolô tông đồ, đức cha Fulton J Sheen cũng muốn nói với mọi người rằng: “Qủa tôi đã quyết định là nơi anh em, tôi không muốn biết gì ngoài Đức Kitô Yêsu, và là (Đức Kitô Yêsu) bị đóng đinh thập giá” (1Cor 2:2) và “Vì lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng tôi, bởi đã được xác tín rằng: Một Đấng đã chết vì mọi người, vậy thì mọi người đều đã chết. Và Ngài đã chết vì mọi người, để ai sống thì không sống cho chính mình nữa, nhưng là cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cor 5:14-15).

Ước chi tôi cũng nói được và sống được như thế!

Lạy Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Thập Giá, xin hãy in vào lòng con thương tích yêu thương của Chúa, hãy làm cho con hằng nghe thấy tiếng rên rỉ đớn đau của Chúa trên thập tự năm xưa. Nhờ vậy, con sẽ không còn ngoảnh mặt làm ngơ trước lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa nữa và sẽ luôn dấn thân mời gọi mọi người đến cùng thánh giá Chúa để an ủi Chúa, để được thanh tẩy trong Máu thánh Chúa và được ngụp lặn trong tình yêu cứu độ của Chúa.

Lạy Đức Mẹ Sầu Bi, xin cho con biết chia sẻ niềm đau của Mẹ và biết an ủi Mẹ qua việc nỗ lực làm cho mọi người biết Chúa và yêu Chúa.

Lạy Đức Chúa Cha thương xót vô cùng, nhân danh Chúa Giêsu từ ái, nhân danh Mẹ Maria Đồng Trinh, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, các thiên thần và các thánh, xin lấy lửa ái Chúa Thánh Thần mà thiêu đốt con, và con cho con ơn cảm hóa người đời biết thiết tha yêu mến Chúa (Phỏng theo một lời nguyện của thánh Teresa Hài Đồng Giêsu).  
            (April 02, 1999)

PS: “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài viết này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở mục “Trong Dòng Đời” trong số tháng 5 năm 1999. Nay nhân Thứ Sáu Tuần Thánh xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả Thanhlinh.net. HP (April. 1st, 2021).

Nguồn: w.mangluoicaunguyen.thanhlinh.net

HL.MĐ