Ở đâu có Tu sĩ – Ở đấy có niềm vui

Ở ĐÂU CÓ TU SĨ – Ở ĐẤY CÓ NIỀM VUI

 

 Đức Thánh Cha Phanxicô – Vị Giáo Hoàng luôn nở nụ cười thân thiện và dễ gần. Sự gần gũi của Ngài làm cho mọi người cảm nhận rõ tình thương của một người cha với con cái. Ngài nâng đỡ và củng cố niềm tin cho Giáo hội, cách riêng cho giới tu trì, Ngài đã gửi một Tông thư cho các tu sĩ trên toàn thế giới trong Năm đời sống Thánh hiến. Trong Tông thư, Ngài nhấn mạnh: “Ở đâu có tu sĩ thì có niềm vui”. Niềm vui ở đây là gì? Tại sao ở đâu có tu sĩ lại có niềm vui?

Thực vậy, niềm vui và tu sĩ không thể tách biệt nhau. Tu sĩ được mời gọi trở nên sứ giả của Chúa giữa trần gian, mang niềm vui Tin Mừng đến với mọi người thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Vì là sứ giả của Tin Mừng nên tu sĩ không được phép cho mình sống trong ưu sầu, phiền muộn. Trái lại cần mang trong mình niềm vui, niềm vui ấy không phải là niềm vui của những tràng vỗ tay, của những ồn ào náo nhiệt, nhưng đúng hơn đó là niềm vui ẩn sâu trong tâm hồn, trong ơn gọi của tu sĩ. Niềm vui ấy có khi xen lẫn nỗi buồn và thậm chí với cả những lúc nóng giận và chán nản. Tu sĩ sống giữa cuộc đời, lan tỏa niềm vui và sự bình an đến với mọi người. Tu sĩ vui không đơn giản vì họ tài giỏi, hiểu người, hiểu đời, biết lắng nghe, chia sẻ, nhưng cao đẹp hơn, niềm vui của họ đến từ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Khát vọng thâm sâu nơi tâm hồn họ luôn hướng về Thiên Chúa. Sức mạnh mà tu sĩ cảm nghiệm được từ Thiên Chúa chính là động lực lớn giúp họ dấn thân phục vụ vì tin yêu.

Là nữ tu của Hội dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ, tôi cũng được mời gọi sống niềm vui theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô, có nghĩa là tu sĩ hiện diện ở đâu, niềm vui có mặt ở đó. Mỗi ngày chị em tại cộng đoàn chúng tôi luôn cảm thấy tràn đầy niềm vui, mặc dù giãn cách xã hội không ra khỏi nhà, không gặp được ai, trong một không gian nhỏ của cộng đoàn, nhưng có biết bao niềm vui, mỗi ngày là một niềm vui…

Cộng đoàn có khoảnh vườn nho nhỏ, trồng mỗi thứ một ít, rau quả có đủ, chúng tôi mỗi người được chị Trưởng cộng đoàn phân công chăm sóc. Tôi được chăm sóc góc “Nha đam”. Có lần chú hàng xóm hỏi tôi:

Chú: Dì làm gì vậy?

Tôi: Dạ con cắt nha đam chú ơi.

Chú: Nấu chè hả Dì?

Tôi: Dạ không, con làm yaourt nha đam chú ạ.

Chú: Mấy Dì vui quá hen! Ngày nào cũng vui, không có thì cũng tạo niềm vui cho mình. Sáng đọc kinh xong thì làm vườn, ăn cơm rồi lại đọc kinh, chiều chiều thì ra sân chơi. Ngày nào cũng vui hết.

Tôi: Dạ ngày nào cũng vui vậy chú ạ!

Mỗi ngày là một niềm vui mà người ta gọi “niềm vui đời dâng hiến”, làm những việc tầm thường nhưng với tình yêu phi thường, đem niềm vui lan tỏa đến những người xung quanh. Bởi cộng đoàn chúng tôi tọa lạc ngoài khuôn viên nhà thờ, sống gần gũi thân thiện với người dân xóm bờ kè, như chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, có gì ăn đều chia sẻ cho nhau, khi thì sakê, trái mướp, lúc nải chuối, sầu riêng… Điều đặc biệt bên cạnh nhà tôi có một gia đình người lương, trong nhà họ thờ toàn Quan Công, nhưng do ảnh hưởng bên các Dì nhiều hơn, nên họ thuộc cả bài hát “Con xin được trung thành… là tình yêu Thánh giá…” mà cộng đoàn hát mỗi ngày. Thậm chí giơ tay lên “làm dấu Thánh Giá”, nhưng khi chắp tay lại miệng đọc “Mô phật”, kể cũng vui.

“Đâu có tu sĩ, đấy có niềm vui”. Dịp tĩnh tâm vừa qua chị em chúng tôi cũng được Cha Antôn giới thiệu về Tông huấn này nên vừa kết thúc tuần tĩnh tâm, chị em quyết định làm điều gì đó để tạo niềm vui cho nhau, tôi bèn làm một tiểu cảnh được dựng lên ở một góc nhà, mang nhiều ý nghĩa nhằm mục đích tạo cho nhau niềm vui khi ngắm nhìn nó.

Vâng, niềm vui và tiếng cười là liều thuốc bổ thần kỳ giúp con người khỏe mạnh, sảng khoái tinh thần. Nói đến đây tôi chợt nhớ chuyện “chú bảo vệ” nhà tôi. Chú là đồ chơi của các bé mầm non, ban đầu chú là “Bác đưa thư chạy chiếc xe đạp màu xanh”, nhưng vì mùa dịch không ra ngoài được nên chú được chuyển xuống làm “chú bảo vệ” gác cổng, chú là niềm vui cho chúng tôi. Hằng ngày chú được ngao du sơn thủy hết ngồi góc này sang góc nọ, lúc thì trên cây sứ, khi thì trên xích đu, rồi vào tiểu cảnh… hầu như ngày nào chú cũng được đổi địa điểm. Niềm vui của chị em chúng tôi chỉ là những chuyện nhỏ bé vậy thôi.

Có nhiều người hỏi tôi đi tu có vui không? Hạnh phúc không? Tôi cũng cười cười trả lời: ở bậc sống nào cũng có niềm vui và hạnh phúc, điều quan trọng là do cảm nghiệm và tự làm chủ đời sống của mình. Niềm vui là quà tặng và là nguồn nâng đỡ lớn lao mà Tạo Hóa ban cho con người. Niềm vui giúp tôi thêm yêu cuộc sống, giúp tôi thăng hoa sự hiện hữu của mình, giúp tôi tìm thấy ý nghĩa những gì tôi đang được hưởng. Cuộc đời vắng đi tiếng cười, thì trở thành địa ngục thôi.

Đối với một số người, từ bỏ tất cả để ở trong bốn bức tường của Dòng tu có thể sống vui được không? Sao lại phải che đi mái tóc óng mượt, là nét duyên dáng của người con gái, bằng lúp vải đậm màu? Sao lại phải khoác lên người chiếc áo vừa đơn sơ, vừa gợi buồn như thế? Những phút vui vầy nhảy nhót trên vũ trường không thú vị hơn cái thinh lặng đến lạnh người nơi nhà nguyện sao? Những thú vui bên ngoài không hấp dẫn hơn tràng chuỗi Mân Côi và cây Thập Giá kia à?… Người ta có thể nhìn về đời tu như một cái gì đó thánh thiêng và lạ kỳ không tả nổi. Nhưng chắc đã không ít lần người ta tự hỏi: một đời sống bỏ mình, giản dị và âm thầm như thế liệu có niềm vui không?

Riêng đối với tôi, tôi cảm thấy vui và rất hạnh phúc vì tôi đã, đang và sẽ đi theo tiếng gọi tình yêu của con tim, của “niềm vui đời dâng hiến”. Mỗi ngày một niềm vui. Tôi tìm được niềm vui ấy khi thi hành sứ vụ tông đồ, khi được cùng chị em làm việc, cùng ăn, cùng chơi và chuyện phiếm cùng nhau, chia sẻ cho nhau những cảm nhận và kinh nghiệm trong sứ vụ tông đồ. Đặc biệt cứ dịp tĩnh tâm chị em được cùng nhau sum vầy tại Nhà mẹ Hội dòng, hay đến một nơi nào đó bầu không khí trong lành, mát mẻ và yên tĩnh để cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa qua các bài giảng, được quây quần bên nhau trong các Thánh lễ, giờ chầu Thánh thể…

 Thế đấy, niềm vui của đời dâng hiến là được trở nên chiếc thang nối liền trời và đất, hệt như cây thập giá năm xưa đứng hiên ngang cho thân mình Đấng Cứu Tinh tựa vào mà chiến đấu với sự ác. Đời dâng hiến đích thực là một cây thập giá vì nó đòi phải hy sinh rất nhiều. Nhưng Chúa cần cây thập giá ấy để treo mình lên cao mà ban phát ơn cứu độ cho muôn dân nước. Ước gì mỗi tu sĩ thực sự trở thành cây thập giá của Chúa, luôn nằm đằng sau Chúa, dính liền với Chúa, trở thành một khí cụ trong tay Chúa, và không bao giờ là một cản trở cho công cuộc cứu thế của Chúa. Niềm vui của đời dâng hiến chỉ đơn giản là thế thôi!

 

 

 

 

 

 

 

 

M. Đình Viên Kim Huệ

Học viện