Hạnh phúc khi được thuộc về – M.CH Hồng Linh

♦ Gia đình là nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ và anh chị em. Mái nhà yêu thương ấy đã cho tôi cảm nhận sâu sắc về “hạnh phúc khi được thuộc về”.Trong gia đình mọi thành viên được kêu mời chấp nhận nhau vì là chồng là vợ và là anh em một nhà. Cha mẹ luôn muốn con giỏi con ngoan, muốn con khỏe mạnh. Nhưng nếu con yếu đau, dốt nát, khó dạy, thì con vẫn là con và cha mẹ vẫn yêu thương con của mình như một người không thể thay thế. Tình yêu thương vô bờ từ gia đình đã giúp tôi tự tin hơn, an tâm hơn vì dù đi tới đâu bôn ba khắp nẻo tôi vẫn có chốn được trở về, có nơi để tâm hồn được nương tựa.

♦ Hôm nay tôi đang sống trong một gia đình thứ 2 “Gia đình Hội dòng”. Nơi đây tôi được trải nghiệm và cảm nếm tình yêu ấy bằng những cung bậc cảm xúc khác nhau trong từng giai đoạn sống. Những năm đầu trong giai đoạn huấn luyện tôi luôn sống trong sự đối phó, sợ bị kiểm soát, sợ tội, sợ phải nghe những lời chỉ trích khiển trách. Có những hiểu lầm tạo ra những dư luận vượt quá sự thật mà không có cơ hội được giãi bày khiến tôi bị tổn thương. Mỗi lần được sai đến cộng đoàn nào đó để phục vụ. Tôi luôn hồi hộp không biết ai là người hướng dẫn và cùng tôi thi hành phận vụ, nhiều lúc tôi cảm thấy tôi được đón nhận vì khả năng đáp ứng công việc hơn vì tình thương. Đó cũng có thể là tâm trạng của tôi khi chưa thực sự sống tinh thần thuộc về.

♦ Mỗi giai đoạn trong cuộc sống có những biến đổi khác nhau về cách nhận định, cách giải quyết và cho đi…những va vấp thiếu sót đã cho tôi nhiều kinh nghiệm sống và có cái nhìn mới. Tôi mang theo sự tin và tinh thần phục vụ vào một môi trường khác, nơi đây tôi cảm thấy mình được yêu thương và đón nhận, tôi được giao việc và giao quyền, được tự do sáng tạo, được cảm thông và khích lệ, những lúc sai sót tôi vẫn được nghe những câu nói khích lệ “ Chị thấy ổn mà không sao đâu”, tôi thấy tôi được đón nhận như tôi là. Chính kinh nghiệm được yêu thương này giúp tôi sống thật với chính mình, bớt thái độ phòng thủ bớt đeo mặt nạ… thoát khỏi nỗi sợ sâu xa, nỗi sợ về bản thân mình, nỗi sợ về những mối tương quan xung quanh mình và ngày càng ý thức trách nhiệm của mình với cộng đoàn và Hội dòng.

♦ Ngày tôi cam kết thánh hiến trọn đời cho Thiên Chúa, cũng là lời cam kết hoàn toàn thuộc về Hội dòng. Sự gắn bó này giúp cho tôi ý thức rằng Hội dòng chính là nhà của tôi và các chị em trong Hội dòng là chị em trong gia đình của tôi. Tôi cố gắng đồng nhất đời sống của mình với đời sống của Hội dòng, khi cùng chị em sống đoàn sủng và căn tính theo tinh thần của Đấng sáng lập. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được nhận vào Hội dòng với cả những yếu đuối bất toàn của mình, giúp tôi ý thức rằng sự thánh thiện và sự phát triển của Hội dòng tùy thuộc vào nơi mỗi chị em cách riêng nơi bản thân tôi.

Sống bên cạnh chị em, đặc biệt các em trong giai đoạn đầu của đời tu, tôi luôn thao thức mỗi cá nhân luôn cảm thấy niềm vui khi được thuộc về cộng đoàn, Hội dòng. Hiểu được tầm quan trọng của sự gắn bó an toàn của người chăm sóc với trẻ sơ sinh  là yếu tố nền tảng giúp trẻ phát triển tốt về thể lý,cảm xúc,trí tuệ và nhân cách. Trong thuyết gắn bó, John Bowlby cho rằng : khi một đứa trẻ sơ sinh có sự gắn bó mật thiết với người chăm sóc, đứa trẻ sẽ có cảm giác, có nguồn cội và an toàn. Mặt khác, nếu không có sự gắn bó an toàn, đứa trẻ thường mất nhiều năng lượng dành cho sự phát triển để tìm kiếm sự an toàn và ổn định. Thiết nghĩ giai đoạn đầu khi các em bước vào Hội dòng để sống cho lý tưởng của mình, thì yếu tố gắn bó giữa người huấn luyện và người thụ huấn cũng hết sức quan trọng. Sự hiện diện, quan tâm, chăm sóc như thế nào là đủ cho một người thụ huấn?

Khi các em rời xa nhà, xa tổ ấm yêu thương để bước vào Hội dòng sống với những người xa lạ, với môi trường đòi hỏi nhiều sự từ bỏ và hy sinh. Làm sao để giúp các em bớt đi những khủng hoảng trong giai đoạn đầu để dễ dàng hội nhập với cộng đoàn, nếu không có sự quan tâm chăm sóc tận tình, hiểu được hoàn cảnh của mỗi cá nhân để giúp các em lớn lên theo cách riêng của mình, làm sao để các em cảm thấy cộng đoàn các em đang sống là gia đình mình. Khi có được sự gắn kết với cộng đoàn các em sẽ sống cởi mở, có trách nhiệm với chị em mình, với những sinh họat của cộng đoàn. Hiểu được ý nghĩa sâu xa của sự thuộc về tôi cảm thấy một trách nhiệm nặng nề khi nhận ra những giới hạn của bản thân.

Nhìn vào Hội dòng trong bối cảnh xã hội hôm nay, một trong những lý do mà người tu sĩ rời bỏ Hội dòng là họ chưa cảm thấy được yêu thương và cộng đoàn họ ở chưa phải là nhà. Bao nhiêu những thú vui giải trí bên ngoài cuốn hút, trong khi bầu khí cộng đoàn chỉ là những mớ luật khắc khe thiếu vắng tiếng cười và sự cảm thông. Đương sự cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa cộng đoàn và co cụm trong những cái riêng tư của mình, lúng túng trong việc phân định ơn gọi, chưa có cảm thức thuộc về Chúa và Hội Dòng. Trước những khó khăn đó thì việc tổ chức cộng đoàn luôn là một yếu tố quan trọng. Làm sao để những sinh hoạt trong cộng đoàn không bị nhàm chán. Đặc biệt là làm sao để mỗi cá nhân thấy được cái hồn của phụng vu, khi cầu nguyện, viếng thánh thể, suy niệm lời Chúa. Nhất là thấy Chúa qua người chị em trong Hội dòng, thấy được mầu nhiệm củaThiên Chúa và nghe được các câu chuyện mầu nhiêm ấy trong đời thường, nhằm xác tín rằng ơn gọi của mình xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và quảng đại đáp lại.

♦ Đó là một vài suy nghĩ tôi rút ra khi nhìn lại đời tu của mình, để tạ ơn Chúa và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Ước mong các thành viên trong Hội dòng luôn sống trong niềm vui được thuộc về Chúa, thuộc về Hội dòng và cộng đoàn nơi mình đang sống.Ý thức thuộc về sẽ giúp mỗi cá nhân định hướng và điều chỉnh thái độ của mình trong tương quan với tha nhân. Khi phải đối diện với những thái độ tiêu cực của chị em, chúng ta sẽ phản ứng như một người thân trong gia đình chứ không phải như người xa lạ.Một cộng đoàn đã đủ yêu thương thì sẽ không còn chuyện cá nhân đi tìm niềm vui bên ngoài.Không còn cần cha nuôi mẹ nuôi để chia sẻ về vật chất hay tinh thần. Ý thức được cộng đoàn là gia đình của mình, chúng ta cũng biết giữ gìn thanh danh của chị em, biết nâng đỡ và bảo vệ chị em mình khi sai lỗi… Như thế, thì sự gắn bó trong tình thương giữa cá nhân với cộng đoàn, giữa cộng đoàn với cá nhân sẽ trở thành chứng tá về tình thương trong môi trường sống.

                                                                   Maria Châu Hòa Hồng Linh