SÀI GÒN!!!
VỚI NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH
Sài Gòn!
Một cái tên rất thân thương!
Một thành phố phồn hoa đô hội, là một trong những thành phố trung tâm của đất nước, Sài Gòn về đêm quyến rũ và huyền ảo nhờ những ánh đèn lung linh sắc màu. Nhịp sống luôn sôi động. Một Sài Gòn nhộn nhịp như hớp hồn kẻ sa chân lạc bước.
Ngày xưa… Sài Gòn mình đẹp lắm!
Còn bây giờ… thì trở thành trung tâm dịch tể của đại dịch Virus Corona, nhà cửa, hàng quán nơi nơi đều cửa đóng then cài…
Sài Gòn bây giờ đang sống trong sự yên ắng, không phải sự yên lặng của bình yên nhưng là sự yên lặng nhuốm màu tang tóc, thê lương. Trước đây Sài Gòn lúc nào cũng nhộn nhịp, kẻ qua người lại tấp nập, kèn xe lúc nào cũng vang lên inh ỏi. Nhưng bây giờ, đường phố im lặng nhường đường cho những chiếc xe cứu thương nối đuôi nhau chở người bị nhiễm bệnh đi cách ly, nghe tiếng kèn hú của xe cứu thương tôi tưởng như là tiếng kêu cứu của những người bị nhiễm bệnh, đi cách ly không biết ngày nào trở về … nghe tiếng xe hú tôi cũng sợ lắm, sợ rằng mình cũng sẽ trở thành nạn nhân của con Virus, sợ một ngày nào đó mình cũng bị đưa vào chiếc xe “chữ thập đỏ” ấy.
Sài Gòn đang sống giữa đại dịch, trong cơn đại dịch tôi thấy rõ hơn tấm lòng của người dân Việt Nam mình, luôn giang tay che chở nhau trong cơn nguy khốn. Cụ thể là biết bao những chuyến xe tình nguyện của các Y, Bác Sĩ, của những sinh viên từ các thành phố khác tiến về Sài Gòn với hàng chữ: “Sài Gòn ơi! Chúng tôi đến đây…” thật là cảm động.
Bên cạnh đó là những chuyến xe chở lương thực, thực phẩm của những tổ chức, cá nhân cũng ngày đêm đổ dồn về Sài Gòn để cứu trợ.
Nói về đời sống đức tin. Đã hơn 3 tháng trôi qua, cả khu xóm đều vắng lặng bởi tiếng chuông nhà thờ không còn vang lên nữa, tiếng chuông ấy cũng đi vào sự thinh lặng của không gian u buồn như đang cảm thông, khóc thương cho số phận của một Sài Gòn nguy nga tráng lệ ngày nào.
Tiếng chuông giáo đường không còn vang lên, cánh cửa giáo đường cũng dần khép lại cũng đồng nghĩa những tiếng cầu kinh của những buổi sớm mai hay những buổi chiều tà cũng dần im tiếng. Ôi!!! Sao lại thê lương và ảm đạm đến thế!… Dầu vậy nhưng tôi vẫn thấy tự hào nơi những người con cái Chúa. Giáo đường im tiếng kinh cầu nhưng tiếng kinh trong lòng người, tiếng nói của sự yêu thương, của sự chia sẻ, của tình bác ái lại được vang lên một cách mạnh mẽ giữa cơn đại dịch. Tôi đọc được dấu chỉ của Chúa giữa con đại dịch:
– Chúa muốn thanh luyện con tim, tình bác ái yêu thương nơi con người để dù giáo đường đóng cửa nhưng lòng người vẫn mở rộng nơi những người con cái Chúa, nơi những tâm hồn quảng đại biết san sẻ cho nhau những nhu cầu cần thiết để giúp đỡ nhau giữa cơn khốn cùng của đại dịch…để đâu đó nơi các giáo xứ, nơi các dòng tu, hay những tâm hồn thiện nguyện khác mọc lên những siêu thị 0 đồng, chợ rau 0 đồng, quán cơm 0 đồng… để cứu giúp những người khổ đau nghèo đói.
– Chúa muốn thanh luyện lòng tin và ý chí của những người con cái Chúa để dù không đến được nhà thờ nhưng khắp nơi, các tín hữu đều sốt sắng tham dự thánh lễ trực tuyến.
Tôi gọi điện hỏi thăm gia đình một người bạn là công nhân đang phải cách ly tại nhà, vì công ty đã đóng cửa, tôi hỏi chị:
– 14 ngày cách ly gia đình chị sống làm sao.
Chị trả lời:
– Họ phát cho mỗi gia đình 1 thùng mì để sống trong 14 ngày Sơ ơi
Tôi hỏi tiếp:
– 14 ngày ăn mì sao chịu được
Chị trả lời:
– Ngày xưa Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa, Chúa ăn chay trong 40 đêm ngày, còn mình chỉ cách ly 14 ngày mà được thùng mì là hạnh phúc lắm rồi Sơ ơi, mình tạ ơn Chúa nhiều lắm…cứ phó thác cho Chúa thôi Sơ ơi
Nghe đến đây tôi cảm thấy khóe mắt cay cay, lòng tôi như thắt lại và thấy thương, cảm thông với nỗi khó khăn của đời công nhân, nhưng tôi cũng thầm tạ ơn Chúa vì giữa cơn đại dịch mà đức tin chị vẫn mạnh mẽ vững vàng như vậy.
Gần đây nhất là hình ảnh các tu sĩ nam nữ cũng hăng say ra đi dấn thân, xông pha vào những tuyến đầu để cùng chung chia nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại. Tôi tin rằng sự hiện diện của anh chị em tu sĩ sẽ góp phần làm xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn của những bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với con Virus.
— ∞ + ∞ —
Lạy Chúa! Thế giới, đặc biệt là đất nước con đang phải “oằn vai”, gồng mình để chống chọi dịch bệnh, xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực của bao mảnh đời, bao con người ngày đêm lam lũ vì chén cơm manh áo mà nay lại phải chiến đấu với dịch bệnh. Chúa ơi! Quê hương con nghèo lắm, nay dịch bệnh đến làm cho cuộc sống mọi người càng khó khăn hơn. Xin Chúa ra tay uy quyền, tỏ lòng thương xót của Ngài trên chúng con, giải thoát chúng con khỏi sự sợ hãi khổ đau vì dịch bệnh. Lạy Chúa! xin thương nhìn đến niềm tin của người tín hữu Việt Nam chúng con. Xin cho các tín hữu vẫn một lòng vững tin và trông cậy Chúa để tình mến, lòng bác ái yêu thương nơi chúng con vẫn luôn được tỏa sáng nơi những người chung quanh bằng những việc làm cụ thể.
“Lòng kề lòng con nói Chúa nghe
Quê hương con đau khổ ngập tràn
Xin bình yên về với xóm làng
Cho muôn người bớt nỗi lầm than”
M. Ngân Vẹn